“Cả xã hội phải thức tỉnh để cứu nhạc thiếu nhi” - Tạp chí Đẹp

“Cả xã hội phải thức tỉnh để cứu nhạc thiếu nhi”

Tin Tức

Thành công nhờ những nhạc phẩm mang âm hưởng dân gian, nhưng nhạc sĩ An Thuyên luôn đau đáu với những bài hát thiếu nhi đang ngày càng khan hiếm. Chia sẻ cùng PV Người đưa tin về thực trạng khủng hoảng của dòng nhạc này,  nhạc sĩ của cánh én tuổi thơ  cho rằng đã đến lúc chúng ta bắt tay hành động để thức tỉnh xã hội, hướng họ quan tâm nhiều hơn đến đời sống văn hóa của các em nhỏ.

 

Với sự tâm huyết của nhiều tài năng âm nhạc, Cánh én tuổi thơ hy vọng sẽ mở ra một sân chơi mới cho thiếu nhi

Trẻ không được hát là tội của người lớn

Thưa nhạc sĩ An Thuyên, theo ông, con số nhạc sĩ trẻ hiện nay viết cho thiếu nhi là bao nhiêu?

Hiện nay, hoàn toàn không có nhạc sĩ trẻ nào chuyên viết nhạc thiếu nhi. Thi thoảng có một vài bài viết nhưng đó chủ yếu là những bài được đặt hàng, được trả tiền bởi một đơn vị hay chương trình nào đó. Chúng ta đang thiếu nghiêm trọng người tình nguyện viết nhạc cho thiếu nhi, viết bằng sự yêu mến, quan tâm.

Việt Nam từng có một thời kì huy hoàng về âm nhạc thiếu nhi?

Những năm kháng chiến chống Mỹ, âm nhạc thiếu nhi đã góp phần xây dựng nền âm nhạc nước nhà, đó là một thành tựu to lớn. Nhạc thiếu nhi đã góp phần xây dựng nhân cách của những người trẻ tuổi. Hàng trăm bài hát của các nhạc sĩ như Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân, Phong Nhã, Hàn Bích Ngọc, Vân Dung, Hoàng Vân, Huy Du đã nói lên một điều rằng, cả thế hệ nhạc sĩ lúc đó đã đồng tâm hướng về thiếu nhi. Dường như họ xem việc được viết về trẻ em là một điều vô cùng thiêng liêng, cao quý.

Còn hiện nay, sự thiếu vắng của các ca khúc thiếu nhi là do cả một thế hệ nhạc sĩ trẻ đang quay lưng với lứa tuổi này?

Nguyên nhân thì nhiều lắm: Một là chúng ta có quá nhiều việc để lo trong gia đình, trong công việc, trong xã hội. Đặc biệt là trong đời sống hàng ngày. Vì thế mà có những thứ ta quên đi, trong đó có việc xây dựng nhân cách của trẻ em bằng những bài hát.  Tôi tin rằng trẻ em Việt Nam hiện nay, ngoài những vùng sâu, vùng xa, còn lại ở các thị tứ, thị trấn và đặc biệt thành phố, chúng được nuôi dưỡng đầy đủ về việc ăn uống. Nhưng có lẽ vì mải chăm lo cho đời sống vật chất mà nhiều người quên rằng, trẻ em đang thiếu nghiêm trọng chất dinh dưỡng về tinh thần văn hóa.

Theo ông điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Thử tưởng tượng cả một thế hệ Việt Nam lớn lên mà bị hao khuyết về văn hóa dân tộc thì đất nước sẽ gặp nguy hiểm thế nào. Để trẻ em không có bài hát đó là lỗi của người lớn. Điều chúng ta cần làm là hãy cùng chung tay để trẻ em Việt Nam được hát bài hát Việt Nam. Kêu gọi người lớn, các tổ chức, thông tin truyền thông quan tâm đến trẻ em. Sự thiếu hụt các ca khúc thiếu nhi đã thực sự đáng được báo động. Nếu không được cải thiện, sẽ có cả một thế hệ trẻ em Việt Nam bị thiểu năng về văn hóa dân tộc.

 Xây sân chơi “chắp cánh” nhạc thiếu nhi

Trẻ em Việt Nam hiện rất thích hát các ca khúc tiếng anh. Chúng ta phải làm gì để thu hút sự chú ý của các em?

Việc trẻ thơ hát Tiếng Anh là một biểu hiện rất tốt của sự hội nhập. Một bài hát tiếng Việt hay nên được dịch ra tiếng Anh và mời người Anh hát thì sẽ rất thu hút sự chú ý. Một sân khấu có sự giao lưu, học hỏi, mở rộng vẫn là kế hoạch được ấp ủ từ lâu của chúng tôi. Và Cánh én tuổi thơ ra đời là vì vậy. Nó giống như Bài hát Việt dành cho thiếu nhi vậy. Ở đó vừa có tính chuyên nghiệp, vừa có tính giải trí lại mang ý nghĩa nghệ thuật.

Ông có thể chia sẻ thêm một chút về chương trình này?

Cánh én tuổi thơ sẽ là một sân chơi mới dành cho thiếu nhi. ở đó chúng tôi sẽ làm một cuộc vận động sáng tác để nhằm tìm kiếm, phát hiện những bài hát mới. Các em thiếu nhi sẽ được tham gia các trại sáng tác, tự viết về mình, về cảm nhận cuộc sống xung quanh.

Khi xã hội còn đang coi nhẹ vấn đề dinh dưỡng tinh thần của trẻ em, ông có gặp nhiều khó khăn khi xây dựng chương trình này?

Thật nghịch lý khi truyền thông đã được phát triển mạnh mẽ, các kênh mọc lên như nấm nhưng các nhạc sĩ lại vấp quá nhiều khó khăn trong việc phổ biến bài hát của mình. Tôi biết rất nhiều ca khúc viết cho thiếu nhi đã nằm lặng lẽ bao nhiều năm nay vì không có điều kiện để đến với công chúng. Vì vậy, điều đầu tiên chúng tôi sẽ làm là chắp cánh cho những ca khúc này. Thêm nữa, chúng tôi cũng hướng đến các nhạc sĩ trẻ. Họ sẽ hiểu trẻ em bây giờ thích gì. Con mèo, con ếch, con chuồn chuồn trong con mắt trẻ thơ bây giờ trông sẽ như thế nào. Dĩ nhiên là nó phải khác xưa, không thể con mèo mà trèo cây cau mãi được.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!.                     

 Nhạc sĩ An Thuyên  tâm sự:

“Người ta thường hay nói, kinh tế phát triển thì văn hóa phát triển, có điều kiện kinh tế mới làm được. Nhưng tại sao trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, chiến tranh, thế hệ nhạc sĩ trước kia vẫn sáng tác được nhiều ca khúc hay đến vậy. Vì họ yêu tổ quốc, yêu con người, trong đó có thiếu nhi. Điều làm nên thành tựu của các thế hệ nhạc sĩ trước, ngoài quy luật chung của con người thì không có một quy luật nào khác. Đặt nó trong hoàn cảnh mới hiểu hết giá trị. Còn bây giờ kinh tế phát triển, phong phú đa dạng thì lại hoàn toàn thiếu vắng văn hóa”.

 

Theo Người Đưa Tin

Thực hiện: depweb

08/08/2012, 15:16