Cả thế giới mua sắm “điên cuồng” với “BlackFriday”

Trên thực tế, “Black Friday” được sử dụng lần đầu tiên không phải mô tả về kinh doanh thuận lợi mà ám chỉ về câu chuyện đáng buồn hơn nhiều. Đúng như nghĩa đen, cụm từ “Ngày thứ sáu đen tối” ghi nhận sự sụp đổ của thị trường vàng nước Mỹ vào ngày 24/9/1969 – một ngày thứ sáu tồi tệ. Lịch sử tài chính vẫn nêu tên hai “thủ phạm” tàn nhẫn, nhà tài chính Jay Gould và Jim Fisk, làm việc tại Phố Wall danh tiếng, đã thông đồng với nhau cùng tích lũy nhiều nhất lượng vàng trên thị trường lúc bấy giờ và âm mưu sẽ bán lại với giá cao ngất ngưởng để thu lợi nhuận. Vào ngày thứ sáu năm đó, kế hoạch tư hữu này cuối cùng đã bị phanh phui nhưng kèm theo đó là hệ quả khôn lường: thị trường chứng khoán rơi tự do, hàng trăm người từ ông trùm kinh doanh đến nông dân địa phương đều bị thất thoát một khối lượng lớn tài sản, rất nhiều người sau đó đã lâm vào nợ nần và rơi vào cảnh phá sản.

Người dân xếp hàng dài chờ mua sắm trong ngày “BlackFriday” (Ảnh: Twitter)

Nếu câu chuyện buôn bán vẫn chưa đủ để miêu tả hết ý nghĩa của cụm từ “Black Friday”, hãy quay trở về ngày thứ sáu năm 1950 tại Philadenphia, Hoa Kỳ. Đó là một ngày ngay sau Lễ Tạ ơn, giao thông trong thành phố bỗng trở nên hỗn loạn và tắc nghẽn khủng khiếp bởi hàng hàng người dân ngoại thành và khách du lịch đổ dồn về trung tâm thành phố để xem trận đấu bóng lịch sử của Quân đội Hải quân được tổ chức vào thứ bảy hàng năm. 

Theo Joseph P.Barret, cựu phóng viên trong lực lượng cảnh sát Philadelphia, thuật ngữ “Black Friday” được sử dụng trong mô tả về sự tắc nghẽn giao thông khủng khiếp trên đường phố ngày hôm đó. “Đó là ngày mà ông già Noel rời khỏi chiếc ghế êm ái trong các cửa hàng để đến gặp hàng ngàn đứa trẻ đang háo hức ngoài kia và trao quà cho chúng. Đó cũng là ngày đầu tiên của mùa Giáng sinh, tất cả người dân đổ về các trung tâm mua sắm của thành phố. Trường học đóng cửa cho dịp nghỉ lễ dài. Du khách kéo nhau đến sân vận động để xem đấu bóng ” – Josep viết trong bài báo của mình. Trong ngày này, giao thông tệ đến mức các nhân viên cảnh sát không được nghỉ mà làm việc liên tục suốt 12 giờ đồng hồ liên tiếp vì lưu lượng người quá đông trên khắp các tuyến đường. Kẻ cắp cũng lợi dụng cơ hội hoành hành trong các ngân hàng, nơi giao dịch tài chính, và hiển nhiên khiến cho lực lượng cảnh sát đau đầu hơn nhiều so với những ngày bình thường.

Sau đó, Barret cũng sử dụng thuật ngữ này cho câu chuyện không lành xảy ra trước ngày Lễ Tạ ơn, dần dần các cảnh sát giao thông cũng sử dụng cụm từ này thay cho việc than thở “tắc nghẽn, mắc kẹt giao thông” ở Mỹ. Tới năm 1961 trở về sau, “Black Friday” đã bị hạn chế sử dụng phổ biến tại Mỹ bởi ý nghĩa tiêu cực của nó và dần ít được sử dụng hơn.

(Ảnh: The Mirror)

Đến những năm cuối thập niên 1980, “Black Friday” quay trở lại nhưng với một hướng mới tích cực hơn nhiều nhờ định nghĩa mới từ các nhà bán lẻ. Theo quy luật bất thành văn (nhưng không chính thức) trong các công ty kế toán, màu đỏ sẽ hàm ý cho mức kinh doanh báo động của doanh nghiệp còn màu đen thể hiện cho trạng thái tài chính ổn định.

Có một sự thật là những ngày trước lễ Giáng sinh, không khí mua sắm bao giờ cũng trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Sau 12 tháng làm việc vất vả, hầu bao của khách hàng rủng rỉnh lương thưởng cả năm và họ sẵn sàng phóng tay cho công cuộc mua sắm trước kỳ nghỉ lớn kéo dài. Kết quả của những ngày này doanh thu các doanh nghiệp tăng vọt, màu đỏ báo động đã chuyển sang màu đen an toàn mà lợi nhuận mang lại. Kể từ đó, ngày lễ bán lẻ “Black Friday” được ấn định như một dịp kinh doanh cuối năm đầy lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong những ngày này, các cửa hàng mở cửa sớm hơn bắt đầu từ thứ sáu và kéo dài suốt 4 ngày sau đó.  

(Ảnh: Getty)

Với ý nghĩa mới tích cực hơn,nhiều năm qua, “BlackFriday” đã trở thành cụm từ quen thuộc không chỉ của các doanh nghiệp bán lẻ và hứa hẹn là dịp mua sắm thỏa thích của người dân toàn thế giới. Hiển nhiên, các chủ cửa hàng không bỏ qua “BlackFriday” với các chiêu giảm giá “siêu khủng” để kích thích thói quen mua sắm của khách hàng cũng như tạo lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp. Các khách hàng hoan hỉ bởi những “món hời” sắm được trong những ngày này và tiếp tục lên danh sách các món đồ siêu tốt với giá siêu rẻ cho mùa Giáng sinh sắp tới.

 Còn bạn, bạn đã sắm gì cho mình trong “BlackFriday” của năm nay?

Bài: Huyền Lê
logo


From the same category