Ca sỹ vs. văn minh

Không đao to búa lớn bàn vêç sự văn minh của cả nền âm nhạc Việt, người viết chỉ xin chạm khẽ về một góc nhỏ của nó: ca sỹ văn minh!
Khi thấy một người có dáng vẻ hiện đại, hi-tech, biết sử dụng nhiều vật dụng kỹ thuật cao, cử chỉ nhã nhặn, ăn nói lịch sự, ta thường khen: Anh/chị này văn minh thế!
Khi thấy người ta vứt rác ngoài đường, đi vượt đèn đỏ, xếp hàng chen lấn… lập tức có người buông câu: Đồ thiếu văn minh!

Vậy văn minh là gì?
Theo tự điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia: “Văn minh là sự kết hợp đầy đủ các yếu tố tiên tiến tại thời điểm xét đến để tạo nên, duy trì, vận hành và tiến hóa xã hội loài người”.

Còn Văn minh của một cá thể nói chung chính là thế giới quan, nhân sinh quan, cách sống, cách cư xử của cá thể ấy với mọi người và mọi vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, cũng như khối lượng và giá trị kiến thức mà cá thể ấy sở hữu và ứng dụng trong đời sống.

Thực ra văn minh thông thường là một quy tắc không chính thức. Như không ai cấm anh nói điện thoại to trong cuộc họp, hay cười đùa quá trớn nơi công sở, công cộng… nhưng nếu anh phạm vào quy tắc ấy, anh sẽ bị đánh giá là: thiếu văn minh!

Văn minh của người hát – ca sỹ có khác gì so với người bình thường?
Nhắc đến ca sỹ Tuấn Ngọc, hầu hết mọi người trong làng báo âm nhạc lẫn anh chị em nghệ sỹ đều đưa ngón tay ra ý: “Số dách!” (số 1), còn lời khen lối giao tiếp rất văn minh của anh thì đếm không xuể. Tuấn Ngọc được lòng nhiều người nhờ cách cư xử cả trên sân khấu lẫn ngoài đời của anh – gần gũi mà lịch thiệp, đứng đắn mà hóm hỉnh và rất đàn ông, chưa kể vốn sống, vốn hiểu biết từng trải mà anh có được.
Hẳn nhiên không phải ai cũng được như Tuấn Ngọc!

Rất nhiều ca sỹ, điển hình như một số người hát trẻ đang tham gia cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn 2008, lên sân khấu giao lưu nhảy đùng đùng hú hét, cứ nghĩ như thế mới hay, mới “máu”; vui hơn là cướp lời Hội đồng nghệ thuật để phản biện, cho rằng vậy mới chứng tỏ cá tính, mà không hề biết rằng họ bị đánh giá: thiếu văn minh!

Một số nữ ca sỹ ảnh hưởng phong cách ca sỹ Âu Mỹ, có lẽ do đi biểu diễn ở hải ngoại quá nhiều chăng, mà trang phục cả đời thường lẫn trình diễn thiếu vải đến không thể thiếu hơn, ưỡn ẹo điệu bộ đến lố bịch, tất nhiên họ phù hợp với một bộ phận người xem, nhưng bên cạnh đó, họ bị đánh giá là rẻ tiền, và thiếu văn minh!

Còn có những ca sỹ chuyên lên báo khoe… hàng hiệu, rằng áo tôi hiệu này, quần tôi hiệu kia, thắt lưng mũ giày hiệu nọ, toàn hiệu đỉnh cao thế giới…; hoặc nay phát biểu yêu người này, mai lại thích người khác… Dĩ nhiên có những bạn đọc rất thích, nhưng những độc giả khó tính một chút lại lắc đầu phán xét: thiếu văn minh! Thiếu văn minh ở sự hợm hĩnh.

Một dạo diva Thanh Lam bị báo chí “đập” tơi bời từ một bài viết kể về thói chửi tục của chị trong đời thường. Hẳn là không có chuyện oan Thị Kính gì ở đây, vì quả thực mồm miệng của đệ nhất diva này tương đối phóng túng. Tuy nhiên, sau đợt đó, có vẻ chị đã điều tiết lại hẳn, khéo léo hơn trong phát ngôn nơi công cộng. Văn minh chính là điều có thể học tập, sửa chữa và phát huy.

Văn minh trong cách hát
Cách hát ở đây bao gồm nhiều điều, từ cách chọn bài, cách xử lý đến cách biểu diễn trên sân khấu.

Kiểu như anh đi ăn cưới, lên hát góp vui mà chọn trình bày “Chuyện tình Lan và Điệp” về bi kịch tình yêu, hẳn cô dâu chú rể, mặc dù vẫn cố nặn cười không nói, nhưng trong bụng chắc mắng thầm té tát.

Có thể nhiều người thường xem và thích các chương trình Thúy Nga Paris, nhưng người viết buộc lòng phải nói lên một sự thực rằng: dù được đầu tư dàn dựng rất công phu hoành tránh, dù có được một vài tiết mục rất hay, thì phần lớn những tiết mục còn lại được các ca sỹ chọn bài và thể hiện theo phong cách của những năm 50, 60 thế kỷ trước. Sống ở năm 2008 mà hát nhạc pop theo xu hướng não tình như vậy, hát khổ sở rên siết một đằng, ưỡn ẹo thiếu vải khoe thân một nẻo, không phải thiếu văn minh thì là gì?

Cũng như một thí sinh Sao Mai Điểm Hẹn 2008 vừa qua, chọn một bài hát rất văn minh, đẹp đẽ của nữ nhạc sỹ Kim Ngọc là “Chỉ là giấc mơ”, và biến nó thành một ca khúc rên rỉ ủy mị đến… chảy nước. Chỉ có thể phát biểu một câu: tư duy hát quá phản văn minh!

Thanh Lam, lại Thanh Lam, cô hát quá hay, chọn bài cũng rất đặc trưng, không ai dám chê bai gì cả. Chỉ là xu hướng hát của cô thời gian vừa qua có đôi chút thay đổi, tiếc là thay đổi ấy lại thuộc dạng… văn minh thụt lùi. Cô luyến láy quá nhiều, làm biến dạng chữ phát âm, khiến người ta không còn nhận ra vẻ đẹp của phần ca từ vốn rất đẹp. May thay trong liveshow “Lam xưa” cuối năm ngoái, có vẻ Thanh Lam đã gia giảm bớt “xu hướng” luyến láy ấy, trình diễn rất thành công, khiến người hâm một một phen thỏa mãn và đỡ thót lòng mỗi khi cô trưng trổ… xu hướng.

Nhưng lật lại trang sách cũ, cách đây gần 20 năm, Thanh Lam lại là người tiên phong rất thành công trong việc đổi mới văn minh hát nhạc pop, học tập từ diva thế giới Whitney Houston. Rồi kể từ đó, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Trần Thu Hà… mới tiếp tục truyền bá lối hát văn minh đến các thế hệ ca sỹ sau này. Hồng Nhung có chiều sâu, Mỹ Linh nữ tính và hợp thời với R&B.

Tuy nhiên, về văn minh trong cách hát, có vẻ đàn em Trần Thu Hà lại là một trong những ca sỹ hiếm hoi có được lối hát văn minh nhất, và cô cũng rất thích xài hai chữ “văn minh”. Hà Trần có lượng kiến thức cơ bản và phong phú về âm nhạc thế giới, cô có thể hát đa thể loại và chọn được cách xử lý phù hợp cho mọi ca khúc mình thể hiện, chứ không bị lệch pha gượng ép. Những album mà cô sản xuất đều hướng đến cái mới hơn, văn minh hơn trong âm nhạc, đó là điểm đáng trân trọng!

Một số rất ít ca sỹ trẻ như Tùng Dương, Hà Anh Tuấn… có được tư duy hát và chọn bài văn minh, dù có thể có bài họ hát không hay, nhưng ít nhất, họ không làm người nghe khó chịu bởi sự cũ kỹ hay kệch cỡm khi hát – điều mà rất nhiều ca sỹ tuổi trẻ tư duy lạc hậu đang mắc phải.

Văn minh thụt lùi
Đấy chính là điều đáng sợ nhất đối với một xã hội, một tập thể, một cá nhân, và càng đáng sợ hơn nếu cá nhân đó là một… ca sỹ!

Nếu anh là người bình thường, anh không văn minh, sẽ chỉ có một ít người bị anh tác động. Nhưng nếu anh là một ca sỹ, lại nổi tiếng, và anh thiếu văn minh, thì sẽ có ít nhất từ 10 người cho đến hàng triệu người bị anh tác động, ảnh hưởng, mà là ảnh hưởng xấu.

Chuyện Lam Trường đi Mỹ học hát trở về hát chớt chát trở thành chuyện cười trong giới nghệ sĩ cũng là một kiểu văn minh thụt lùi, mà lạ thay có không ít bạn trẻ hâm mộ “anh Hai” lại bắt chước lối hát chớt chát không rõ lời ấy!!! Hay như cách hát gào thét đập vào tai rất dễ hư giọng của Đàm Vĩnh Hưng cũng được nhiều bản sao gương mẫu noi theo.

Cô ca sỹ Amy Winehouse người Anh tài năng thuộc loại hàng đầu thế giới, giành đến 5 giải Grammy 2007 vừa qua. Tiếc thay trong cuộc sống, cô lại lâm vào hoàn cảnh văn minh thụt lùi, nghiện ma túy, nghiện rượu, mặc áo lót ra đường, lóc khóc giữa đường, uống rượu, lên cơn khi đang biểu diễn, hủy rất nhiều show trước giờ hát vì say rượu… Nhưng cũng có khá nhiều người hâm mộ Amy đến nỗi học theo lối sống của cô và cho rằng thế mới là tự do, là nghệ sỹ.

Trên thế giới, hay ngay ở Việt Nam, dạng nghệ sỹ văn minh thụt lùi trong âm nhạc hoặc trong đời sống đều không hiếm. Đấy là một thực trạng. Thực trạng này khi nào được khắc phục? Đó vẫn chỉ là một câu hỏi!

Lê Lê


From the same category