Ca sỹ Jun Phạm: Bố biết cả những chuyện tôi giấu tận gót giầy

Đã có thời cuộc sống của Jun bắt đầu bằng các cuộc vui và kết thúc bằng những lời gắt gỏng với bố, dù rằng, cả anh và bố đều thừa nhận “giống nhau đến 80%”.

Bố trong mắt Jun là người như thế nào?

Bố là người hi sinh vì gia đình. Hồi xưa lúc mẹ mang bầu tôi, bố quyết định nghỉ việc để về nhà đỡ đần mẹ. Từ người đàn ông có chức vị, có sự nghiệp, bố thành người đàn ông nội trợ. Bây giờ cũng vậy, tôi biết bố rất thích nước Pháp, nhưng hỏi bố muốn đi đâu, bố chỉ nói đi Châu Đốc, Vũng Tàu, Đà Lạt… vì sợ con tốn tiền.

Hành động nào của bố khiến anh nhớ nhất?

Khi tôi trở về sau một tháng chuyển vào nhà chung cùng nhóm 365, vừa mở cửa nhà, bố không hỏi gì hết, chỉ ôm tôi rồi khóc. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bố bày tỏ cảm xúc.

Anh học được điều gì từ bố mình?

Bố không quan trọng việc tôi học giỏi hay dở, nhưng phải là người lễ nghĩa. Tôi về nhà mà không khoanh tay thưa, gặp người lớn không chào là bố nhắc ngay lập tức.

Điểm chung của hai bố con là…?

Văn thơ. Bố lúc nào cũng làm thơ đăng lên Facebook. Còn tôi làm thơ trên Instagram.

Mâu thuẫn giữa “một người trẻ đang lớn” và “một người lớn đang già” từng khiến anh ngột ngạt muốn bỏ nhà đi. Điều gì làm anh và bố xích lại gần nhau như hiện tại?

Có một lần sau ngày mẹ mất, tôi đi chơi về và hai bố con cãi nhau. Bố đánh tôi nát một cây chổi, tôi ương bướng đứng yên. Hôm sau thì bố phải vào viện vì tăng huyết áp. Khi đó, tôi cảm thấy có lỗi vì không biết đặt mình vào hoàn cảnh của bố. Tôi còn cả một tuổi thanh xuân phía trước, còn bố chỉ có mẹ. Tôi mất mẹ buồn một, bố mất người bạn đời gắn bó mấy chục năm thì buồn mười. Sau chuyện ấy, tôi quyết định dù có thương, ghét, giận, hờn, tôi đều nói ra với bố. Đó là lý do hai bố con thân nhau như bây giờ. Mà kể cả khi tôi không thổ lộ, bố vẫn là người hiểu tôi nhất. Có những chuyện tôi giấu xuống tận gót giày, bố vẫn có thể nhận ra.

Hình ảnh nào về bố đọng lại trong anh sâu sắc nhất?

Lúc nhóm 365 tan rã, tôi cảm thấy bản thân trống rỗng. Với tôi, 365 như gia đình thứ hai, chúng tôi đã ăn cùng, ngủ chung, gắn bó với nhau để thực hiện giấc mơ suốt 7 năm trời.

Tôi dọn hành lý về nhà, bố vui như trúng số. Bố mặc quần tà lỏn, cả ngày cặm cụi trong bếp, khi vắt nước cam, lúc xắt miếng thịt, nấu nấu nướng nướng rồi mang đồ lên tận phòng cho tôi. Tôi đã tự hỏi tại sao mình lại buồn vì những người mà dù thân thiết bao nhiêu, họ vẫn sống cuộc đời riêng, vẫn vui cả khi không có mình, còn người cần thương và phải chăm sóc thì mình lại thờ ơ. Sự nghiệp khi đó không thành công, tôi tưởng mình đã mất tất cả nhưng khi về nhà, tôi nhận ra mình có tất cả.

Có điều gì anh muốn nhắn nhủ với bố không?

Bố chỉ cần sống khỏe mạnh, mọi thứ còn lại cứ để con lo.

Ở tuổi 67, hạnh phúc của ông Phạm Văn Thu đơn giản là “được ở gần con, nấu cho con ăn, xem phim con đóng và đọc sách con viết”.

Chú định nghĩa thế nào về một người bố, thưa chú?

Làm bố không cần hoàn hảo trong mắt con nhưng phải có trí, có tâm, có tầm. Với tôi, nuôi con thành danh không quan trọng bằng việc con phải thành nhân. Muốn dạy con biết phép tắc, lễ nghĩa thì bản thân phải làm mẫu cho con. Mình không thể dạy con cái mà bản thân mình không có.

Jun có phải là bản sao của chú về tính cách không?

Jun giống tôi đến 80%. Thời bé thì nghịch ngợm, lớn thì hài hước, sống tình cảm, lại thích văn chương và yêu ca hát.

Hợp nhau là vậy nhưng lại có giai đoạn hai bố con không thể nói chuyện với nhau?

Hồi mẹ Jun còn sống, Jun gần mẹ hơn bố vì mẹ chiều con, còn bố thì phải có cái uy để giữ nếp nhà. Có thể sự khắt khe của tôi đã khiến hai bố con hơi xa cách.

Và đã có lần chú đánh Jun nát một cây chổi?

Đó là lần duy nhất tôi đánh con. Lúc ấy mẹ Jun mới mất. Trước khi nói chuyện với Jun, tôi có uống chút rượu. Ban đầu, mục đích cuộc trò chuyện là để hai bố con hiểu nhau hơn, nhưng lời qua tiếng lại, trong người sẵn chút hơi men, tôi không nghe rõ lời con nói. Tôi nghĩ Jun hư nên lấy chổi đánh con. Jun cứ đứng đấy, không tránh, không khóc, cũng không lên tiếng. Lần đấy tôi thấy mình hơi ác với con.

Việc Jun trở thành ca sĩ có trái với nguyện vọng của chú?

Tôi từng cản con khi Jun muốn theo đuổi nghệ thuật. Lúc đó, tôi buồn vì vừa mất vợ, con thì lại không nghe lời. Nhưng tôi biết mình không thể thay đổi được quyết định của Jun, bởi tôi nhận thấy khát khao của con. Tôi đành chấp nhận cho Jun đi theo con đường đã chọn. Tôi ở phía sau, dõi theo từng bước chân con. Nếu chẳng may mọi thứ không suôn sẻ, tôi sẽ là điểm tựa của con.

Jun có hay làm chú cảm động không?

Bình thường tôi vẫn dùng điện thoại “cục gạch” vì ngoài nghe gọi, tôi không có nhu cầu gì nhiều. Một hôm, Jun mua điện thoại cảm ứng về tặng bố. Jun đi đâu chơi xa cũng hay mua đồ cho tôi, dù tôi có bảo với con rằng quần áo bố nhiều rồi, bố lại không đi đâu mà cần chưng diện. Hắn chỉ cười cười nhưng sau đấy vẫn cứ mang quà về.

Ở tuổi này, hạnh phúc lớn nhất của một người làm bố là gì, thưa chú?

Với tôi, đơn giản là được ở gần con, nấu cho con ăn, xem phim con đóng, đọc sách con viết. Con cái đã đủ mệt mỏi với công việc, mình không chăm được con thì thôi, sao lại để con bận tâm thêm về mình.

Điều chú tự hào nhất ở con trai mình là gì?

Jun không chỉ lễ phép trong gia đình mà ra ngoài xã hội cũng biết kính trên, nhường dưới.

Còn điều chú lo lắng nhất?

Tôi chỉ lo cho sức khỏe của con.

Chú có muốn nhắn nhủ điều gì với Jun không?

Mong con sống vui như hiện tại.

Ảnh: Đông Trần
Chỉnh sửa hình ảnh: Nhật Tùng
Stylist: Cindy Nguyễn – Trang điểm: Lâm Nguyễn
Trang phục: Áo khoác ngoài Trương Thanh Long Quần & áo thun Topman
Trợ lý: Oanh Lâm Tô
Địa điểm: Magnolia Garden – Fusion Japanese Dining & Café


From the same category