Sao Việt hướng đến Mùa Vu lan:
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha/ Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ/ Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha…
Ai còn Mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không?”
Một mùa Vu lan, mùa Báo hiếu nữa lại về, gợi nhắc tình mẫu tử thiêng liêng, cho những ai còn mẹ hay không còn mẹ. Hãy cùng lắng nghe sao Việt nói những lời tri ân với Mẹ!…
Mùa Vu lan đã về, trong tôi lại dâng trào những tình cảm thiêng liêng về mẹ. Mẹ của tôi là mẫu người phụ nữ Việt Nam điển hình hy sinh vì con, vì gia đình giống như người mẹ trong bài hát “Gánh con, gánh cả cuộc đời” của nhạc sỹ Đình Văn mà tôi đã có dịp hát nhiều lần trên sân khấu và thu âm tặng mẹ:
“
Ngày xưa mẹ tôi gánh rau, ra bán chợ huyện xã
một bên gánh rau một bên gánh con
cả cuộc đời dãi nắng dầm mưa
Trời mùa đông áo dày mẹ đắp cho con
áo mỏng manh mẹ mặc cho mình
thân héo gầy đôi gánh trên vai
áo bạc màu muối mặn nuôi con… ”
.
Bài hát là một câu chuyện có thật mà nhạc sỹ Đình Văn đã viết về cuộc đời cơ cực và thuở ấu thơ của danh hài Bảo Chung. Khi anh Chung còn nhỏ, nhà rất nghèo, ba anh mất sớm nên mỗi ngày mẹ anh phải gánh rau mang ra chợ bán, một bên là rau, một bên là con, cứ thế đôi quang gánh oằn trên vai mẹ dầm mưa dãi nắng quanh năm. Trời rét áo dày mẹ đắp cho con, áo mỏng manh mẹ nhận về mình… Khi trưởng thành anh Chung lên Sài Gòn sinh sống và ước nguyện rằng, sau khi thành tài sẽ về xây nhà, lo cho mẹ có cuộc sống sung túc. Nhưng khi đã thành công, đã nổi tiếng, muốn bù đắp cho mẹ thì mẹ anh đã không còn. Ước muốn của mẹ được thấy anh thành công cũng không kịp thực hiện nữa.
Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc và mẹ
Khi nghe được câu chuyện này, tôi cũng thấy một phần của mình trong đó. Khi còn nhỏ, nhà tôi rất nghèo. Lúc đó ba lên Sài Gòn để tìm đường làm ăn, ở nhà chỉ còn mình mẹ và hai anh em tôi. Thời gian đó, mẹ con tôi mất liên lạc với ba 3 – 4 năm. Mẹ đã quyết định lên Sài Gòn, ở nhờ một người bà con, tìm cách làm ăn buôn bán và đi tìm ba. Mẹ vốn nấu ăn rất giỏi nên đã mở một tiệm bán đồ ăn bún, miến, mì… nuôi hai anh em tôi.
Khi tôi mới chân ướt chân ráo bước chân vào con đường ca hát, chỉ là một ca sĩ hát lót, rồi gặp nhiều chuyện va vấp này kia, phải nói là rất cực khổ, lúc đó, mẹ là hậu phương vững chắc để con trai dựa vào.
Hiện tại, gia đình tôi đã đoàn tụ và sống rất hạnh phúc, tất cả là nhờ có bàn tay mẹ. Cám ơn vì tất cả những gì mẹ đã hy sinh và lo lắng cho các con.
Mùa Vu Lan, tôi và bạn hãy dành cho mẹ tất cả những niềm vui, hãy nhớ đến mẹ mỗi ngày, cho mẹ tự hào về những đứa con mình sinh ra đã trưởng thành như thế nào.
Đừng quên rằng khi ta đã thành danh hay phiêu bạt ở phương trời nào đó, mẹ vẫn luôn mong ngóng con từng ngày. Đừng để đến khi quay về đã không còn kịp nữa…
Ai đã từng gục đầu vào vai mẹ khóc khi gục ngã, ai đã từng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mẹ ngay cả khi đã lập gia đình? Có ai không? Chắc ít người làm được vì không còn thời gian dành cho mẹ hay nhớ đến mẹ khi đã có cuộc sống riêng.
Tôi biết còn có những người dửng dưng trước tình mẫu tử. Tôi đã gặp nhiều người mẹ bất hạnh vì bị chính người con do mình mang nặng đẻ đau đánh mắng xua đuổi, xem như của nợ khi mẹ già yếu bệnh tật. Xin đừng như thế! Luật nhân quả đâu đâu cũng có, kiếp người sinh ra là phải biết chữ hiếu, sau đó mới đến chữ ”nhân” và chữ ”nghĩa”.
Đối với tôi, mẹ là tất cả những gì tuyệt nhất trên đời này, cảm ơn mẹ đã sinh ra con và cho con được như ngày hôm nay. Những lúc con mệt mỏi, áp lực, mẹ là người con nghĩ đến đầu tiên. Khi con vấp ngã, mẹ luôn là người bên cạnh động viên an ủi. Thật ấm áp và hạnh phúc khi được ăn những món mẹ nấu. Mọi người thường nói con giống mẹ, thế là nhất con rồi còn gì, vì mẹ giỏi và đảm đương lo lắng cho cả gia đình. Cảm ơn mẹ đã cho con vững bước trên đường đời.
Và con đã xăm hình mẹ lên ngực trái vì mẹ là tất cả trong trái tim con.
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”
Ca sĩ Ưng Hoàng Phúc
Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “
Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “
trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?
Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dâncủa một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.
>>Tin liên quan >Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung – “Nhật ký của mẹ” và bí mật chưa từng kể: “Trước đây, khi còn là một cậu bé vô lo và bướng bỉnh, tôi chưa hề hiểu được vì sao từ Mẹ lại thiêng liêng và cao quý đến thế, cho đến cái ngày tôi bắt đầu có ý định viết “Nhật ký của mẹ”…