Ca sĩ Tuấn Hưng: “Tôi mong Bằng Kiều đọc được bài báo này”

“Tôi thích Bằng Kiều ở thập niên 90 hơn”

– Anh sắp đưa âm nhạc của mình vào Nhà hát Lớn. Anh có cho rằng, những “tai nghe” quen với Nhà hát Lớn sẽ chấp nhận tiếng hát của Tuấn Hưng vang lên ở đó?

– Quả là khi thấy tôi muốn đưa âm nhạc của mình vào Nhà hát Lớn, nhiều người hỏi thứ âm nhạc sôi động thế liệu có phù hợp với một nơi vốn được cho là đất của nhạc cổ điển, trữ tình. Nhưng tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, được trình diễn ở nhiều nhà hát opera lớn và nhận thấy, không gian âm nhạc là do nghệ sĩ tạo ra chứ không phải do nhà hát. Tuy nhiên, sự phù hợp cũng cần phải tính đến. Bản thân tôi sắp bước sang tuổi 40, tôi hiểu khán giả của mình cũng đang già đi. Dần dần, mình cần tập làm quen với không gian âm nhạc mới.

– Khi anh đang tìm “đường vào” Nhà hát Lớn thì Bằng Kiều – người từng chung nhóm Quả Dưa Hấu với anh lại vẻ như đang tìm đường… đi ra? Nếu lấy điểm Nhà hát Lớn mà so sánh thì anh thấy điều gì về con đường đi của hai người?

– Không thể phủ nhận tố chất âm nhạc của anh Bằng Kiều ở một đẳng cấp cao hơn. Anh ấy được trời phú cho một chất giọng đặc biệt, được sống trong môi trường âm nhạc từ bé. Còn tôi theo đuổi con đường này chỉ bằng đam mê. Tuy vậy, tôi nghĩ anh Kiều ở vị trí cao hơn tôi về chuyên môn chứ không phải là âm nhạc. Vì mỗi thể loại âm nhạc lại có đối tượng khán giả riêng. Nếu anh Kiều có giọng hát bẩm sinh tuyệt vời thì tôi lại có kỹ năng trình diễn và theo năm tháng, tôi nghĩ càng ngày mình càng thu hẹp khoảng cách với anh hơn.

– Thừa nhận âm nhạc của Bằng Kiều cao cấp hơn, anh không thấy mình… yếm thế sao?

– Tôi nghĩ chỉ những người luôn biết nhìn nhận và đánh giá khách quan về bản thân thì mới biết được vị trí, khả năng của mình. Nếu một người biết rõ chỗ đứng của mình, người đó sẽ không ảo tưởng mà luôn biết sức mạnh đích thực của mình nằm ở đâu.

 – 15 năm, theo anh, Tuấn Hưng và Bằng Kiều đã đi xa bao nhiêu so với thời Quả Dưa Hấu?

– Tôi nghĩ không thể so sánh được, vì con đường anh Kiều đi khác hẳn con đường của tôi. Phép so sánh chỉ gần đúng nếu cả hai chúng tôi đi chung một con đường và hoạt động chung một thị trường. 10 năm anh Kiều ở Mỹ, mà trong sự quan sát của tôi, thị trường đó không thể khắc nghiệt bằng thị trường Việt Nam, sự cạnh tranh ở đó cũng không thể khốc liệt như trong nước – nơi mà ngọn sóng sau liên tiếp chầu chực để đè lên ngọn sóng trước.

– Vậy anh thích Bằng Kiều ở giai đoạn cuối thập niên 90 hay Bằng Kiều hiện tại hơn?

– Tôi thích anh Kiều ở thập niên 90 hơn, bởi lẽ lúc đấy anh Kiều hoạt bát trên sân khấu, giọng hát của anh đầy sức sống và có hồn hơn. Gần đây, khi được biểu diễn chung với anh trên một sân khấu, khi được xem anh ấy diễn ở khoảng cách gần, tôi thấy sự quyết liệt của anh Kiều không còn mạnh mẽ như trước.

Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì, môi trường âm nhạc ở Mỹ bắt buộc anh Kiều chọn hát dòng nhạc khác trước của mình, anh ấy chuyển hẳn sang nhạc xưa. Là “con cưng” của một sân khấu lớn, anh Kiều không phải lo việc quảng bá, nên việc hát của anh ấy cũng nhàn nhã hơn nhiều. Môi trường ít bon chen ấy không bắt buộc anh phải tìm ra những bài hát mới, những bản hòa âm mới, thậm chí cách trình diễn mới, phù hợp với xu hướng âm nhạc hiện thời. Cho nên dần dần năm này qua năm khác, sức mãnh liệt của anh Kiều giảm đi một cách đáng kể. Cho nên từ năm này qua năm khác, sức mãnh liệt của anh Kiều giảm đi một cách đáng kể. Không hiểu là do tuổi tác hay phải do một mình chăm ba cậu con trai (cười).

 “Đâu cứ ngựa hoang là phải chạy nhanh”

– Còn Tuấn Hưng, kể từ khi bước ra khỏi Quả Dưa Hấu, âm nhạc của anh đã trải qua các chặng thế nào?

– Tôi nghĩ mình là người may mắn. Trên con đường hơn 15 năm qua, tôi đã gặp những người hát hay như tôi và hơn tôi, nhiệt huyết không kém tôi nhưng họ đã không giữ được sức bền. Có câu: Thỉnh thoảng chậm lại đôi khi mới là hay. Bởi chạy nhanh quá biết đâu vấp ngã. Cho dù, sự vấp váp ấy tùy theo bản năng sinh tồn của từng người mà họ có thể đứng lên đi tiếp hay gục ngay tại chỗ.

– “Ngựa hoang” như anh tưởng hiếm khi biết đi chậm lắm?

– Đó là cụm từ ám chỉ sự ngang bướng, bất trị của tôi một dạo. Nhưng tôi vẫn bảo lưu suy nghĩ không phải cứ ngựa hoang thì phải chạy nhanh. Bởi vì chẳng có con ngựa nào là hoang dã tuyệt đối, cũng vậy, không có người nào ngang bướng mãi mãi. Khi gặp được môi trường, gặp được người đồng hành phù hợp, nó sẽ biết điều tiết chính mình. Đặc biệt, sau một chặng đường dài chắc nó cũng mỏi, đến lúc nó tự biết dừng lại để hòa nhập với một đàn ngựa nào đó. Và ngựa hoang thì cũng hiểu, khi sức mạnh không còn như xưa, khi tuổi trẻ đã qua đi, sự biết hòa nhập là tốt nhất.

– Dây cương kìm lại “ngựa hoang” Tuấn Hưng là gì?

– Đánh giá về mình thì không hoàn toàn chính xác, nhưng tự bản thân, tôi thấy mình đã thay đổi nhiều lắm, kể từ khi bước chân vào con đường này. Tôi nghĩ đàn ông ở tuổi 18 – 23 thường làm trước nghĩ sau; từ 24 – 33 tuổi thì vừa làm vừa nghĩ; khoảng ngoài 33 trở đi, họ nghĩ nhiều hơn trước khi làm. Đến giờ phút này, tôi mãn nguyện với những gì mình đang có.

 – Vừa đi vừa nghĩ là trạng thái khác biệt hẳn với hình ảnh ca sĩ Tuấn Hưng trong mặc định của nhiều người. Ở giây phút tĩnh tại đó, anh thường nghĩ về những điều gì?

– Tôi nghĩ mình đã tập được cách sống chậm và điều đó giúp ích cho tôi rất nhiều, kể cả trên sân khấu. Mình càng thong thả bao nhiêu càng dễ làm cho người xung quanh thấy dễ chịu. Tôi vốn dĩ có một bề ngoài mà mọi người cho rằng ngang bướng, bất trị, nhưng tôi cũng nhận ra, sự va vấp sẽ dạy cho mình hiểu được: Nếu biết thay đổi đúng lúc, mình mới tồn tại được.

– Cột mốc nào khiến anh thấy mình bắt buộc phải thay đổi?

– Kể từ khi có Su Hào (tên gọi ở nhà của con trai Tuấn Hưng – PV). Lúc đấy tôi bắt đầu hiểu được nhiều hơn về việc làm bố khó và khổ thế nào, làm chồng phải có trách nhiệm ra sao…

– Người phụ nữ đồng hành đã chia sẻ thế nào với anh?

– Tôi nghĩ cô ấy rất mệt mỏi đấy, vì phải chung sống với một người ngang bướng và bất kham như mình. Người phụ nữ làm vợ tôi cứ tưởng sướng nhưng thực ra là không, vì lúc nào cô ấy cũng phải sống trong một cảm giác thấp thỏm. Rồi chuyện quá khứ nữa, cho dù cô ấy đã chấp nhận để đính ước cùng mình, nhưng phần nào đó vẫn phải chịu đựng sự căng thẳng. Nên, sau này khi đi diễn xa, lúc nào tôi cũng muốn đưa vợ con đi cùng, để cảm giác yên bình trong căn nhà nhỏ được gìn giữ. Ngày xưa tôi từng nghĩ ca sĩ nam lấy vợ, sự nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng bây giờ tôi thấy mình vẫn được khán giả thương yêu, gia đình của mình được dõi theo với nhiều sự đồng cảm. Điều đó là động lực giúp tôi càng muốn gìn giữ cả hai thứ: sự nghiệp và gia đình. Tôi muốn gia đình sẽ trở thành cảm hứng cho công việc.

 “Tôi rất thương Bằng Kiều”

– Có bao giờ anh nghĩ, sự thực dụng kiểu Mỹ đã làm hao hụt đi cái gọi là chất Hà Nội trong tiếng hát của Bằng Kiều?

– Tôi mong sau bài báo này anh Kiều sẽ đọc được những suy nghĩ của tôi. Xa quê hương lâu ngày đương nhiên nhiều thói quen buộc phải thay đổi theo môi trường sinh hoạt mới. Nhưng tôi nghĩ anh Kiều vẫn rất Hà Nội. Tôi thấy anh vẫn thích trà Bắc, vẫn xách theo điếu cày. Sự nồng nàn trong những ca khúc hát về Hà Nội của anh cũng là mình chứng cụ thể rằng, ký ức nơi sinh ra vẫn còn mãi ở trong con người anh.

– Người đàn ông sắp 40 và đã được làm bố thì cảm thông thế nào với người đàn ông là bố của ba cậu con trai?

– Tôi biết anh Kiều rất vất vả. Khi sang Mỹ, mỗi lần anh em đi ăn sáng, cà phê, tôi thấy rất thương anh. Việc lo cho các con ăn uống, đón đưa chúng đi học… chiếm rất nhiều thời gian trong ngày của anh. Tuy vậy, sự bận rộn không ảnh hưởng được đến đam mê sáng tạo, vì nó là thứ nằm trong tim mình.
Hiệu ứng “Bằng Kiều trở về” sau một thời gian đã dần dịu lại.

– Anh có muốn chia sẻ điều gì với đàn anh, và ý muốn tái hợp Quả Dưa Hấu trên sân khấu trong anh có còn?

– Lúc anh Kiều mới trở về, anh được chào đón trong vòng tay rộng mở của bầu show và khán giả, tôi nhận thấy điều ấy và bước lùi lại phía sau, vì tôi không muốn là người đưa anh vào một trạng thái khó xử. Thời điểm đó, ngay một cuộc hẹn cùng nhau đi ăn giữa hai anh em cũng không lần nào được yên ả. Nhưng tôi cũng nhìn thấy, nếu cứ theo cách ấy khai thác anh, thì sức nóng của anh chỉ giữ được khoảng 2 năm.

Ngày xưa, khi còn Quả Dưa Hấu, tôi là người luôn có sự quyết liệt và chuẩn bị chỉn chu nhất mỗi khi bước lên sân khấu. Về điều này, cũng rất nhiều lần tôi muốn ngồi lại nói với anh Kiều. Nhưng với vai trò một thằng em, tôi chưa thấy có lúc nào phù hợp nói với anh mình. Còn ý định tái hợp, tôi tự tin là tất cả các thành viên Quả Dưa Hấu đều có mong muốn đó. Nên trong năm nay và năm sau, chúng tôi sẽ biến điều đó thành hiện thực. Riêng bản thân mình, tôi muốn sự kiện đó nếu xảy ra sẽ phải trở thành một điểm sáng trong thị trường âm nhạc Việt. Và anh em chúng tôi sẽ cùng nhau đi khắp thế gian để hát.

– Trong những cuộc chuyện, hai người đàn ông tuổi 40 thường nói với nhau về điều gì?

– Thường thì chúng tôi hay nói về quá khứ, về những kỷ niệm đã qua từ lâu, và nói chung là chuyện phiếm. Tất cả các thành viên Quả Dưa Hấu đều có điểm chung là hiếm khi nhắc đến người không có mặt ở đó. Điều chúng tôi nói nhiều nhất với nhau có lẽ là về vợ con và gia đình.

– Và nếu xét về cái gọi là “Hà Nội gốc” thì theo anh, Tuấn Hưng và Bằng Kiều có điểm gì giống và khác nhau?

– Tôi nghĩ chúng tôi giống nhau ở sự đơn giản hóa cuộc sống, biết sống chậm và biết yêu những thứ xung quanh mình. Vì thế, cả hai không bị phù phiếm, không bị chìm trong ảo tưởng của vầng hào quang. Chúng tôi vẫn sống bình thường, vẫn tới những nơi rất dân dã từ thời chưa nổi tiếng, vẫn chơi với những người bạn nối khố từ tấm bé. Và anh Kiều cũng như tôi đều có thú vui đơn giản: anh Kiều chơi cá cảnh, bonsai, còn tôi thì thích nuôi những chú cún. Nhưng điểm khác nhau thì cũng rất nhiều. Anh Kiều hơn tôi 5 tuổi, anh ấy lại sống ở Mỹ, nên chúng tôi ngày càng khác nhau là dễ hiểu.

– Chứ không phải điều các anh giống nhau nhất chính là hai chữ “đào hoa” sao?

– Tôi nghĩ tất cả mọi thứ nên tính từ lúc mình lấy vợ sẽ hay hơn, những thứ trước đó xảy ra đã trở thành quá khứ. Hai chữ “đào hoa” là hai chữ tôi không muốn nhận, vì tôi thấy nó chẳng hay ho gì. Nếu chúng ta hiểu một cách rõ nghĩa về hai chữ “đào hoa” thì có lẽ nó cũng chẳng hay đâu. Thế cho nên, khi tôi là một chàng trai dưới 30 tuổi, tôi thấy hai chữ “đào hoa” cũng bình thường và đơn giản. Nhưng khi tôi có gia đình rồi và đã từng này tuổi, tôi lại thấy hai chữ ấy làm ảnh hưởng ít nhiều đến hạnh phúc gia đình. Người ta bảo, đàn ông xấp xỉ 40, họ luôn muốn giấu đi khuyết điểm trong con người mình, họ luôn muốn tìm cách che đi quá khứ không vui.

– Vậy ra, sự đào hoa là một “khuyết điểm” mà Tuấn Hưng muốn giấu đi?

– Có lẽ vậy!

Mắt Tuấn Hưng, lưng Bằng Kiều

“Sự tích quả dưa hấu” kể rằng, khi nhìn thấy một bầy chim đang rỉa một trái cây lạ dạt vào hoang đảo, Mai An Tiêm đã nghĩ: “Chim ăn được, ắt người cũng ăn được”.

Nhưng với hai cựu thành viên Quả Dưa Hấu, thì khác: Điều Bằng Kiều làm, Tuấn Hưng không làm được, và ngược lại.

Một con mắt tinh nhạy luôn biết kiếm tìm những bản hit, để giữ tên mình lâu lâu lại nóng, mà không cần phải có một chất giọng hơn người. Ngắm Tuấn Hưng là phải ngắm từ phía trước: Sự sôi động, vẻ lôi cuốn, ánh mắt và điệu cười “lẳng lơ chết người”, khả năng trình diễn đậm màu nam tính…

Nhưng để nhận ra Bằng Kiều có khi chỉ cần nhìn từ phía sau: Một bờ lưng vững chãi đủ để không cần phải sống bằng bản hit, hay đúng hơn, bài nào dù cũ vào giọng anh cũng dễ trở thành bản hit, nhờ một chất giọng “mái” không thể trộn lẫn vào đâu, không ai có thể bắt chước…

15 năm đã qua kể từ ngày Quả Dưa Hấu tan rã, kể cũng đã đủ cho bao nhiêu “vật đổi sao dời”. Người khi xưa là anh cả, biết đâu đang chững lại? Kẻ lúc trước là em, biết đâu còn có thể đi được xa hơn? Duy cái tình giữa hai người anh em từng là “chiến hữu” thì vẫn còn đó, như dưa hấu – lẽ thường vốn đỏ lòng đen hạt…


From the same category