Ca sĩ Trang Nhung: Nụ cười đã hiếm lại còn nhạt

“Nụ cười Hạ Long” – một ý tưởng thật thú vị để xây dựng hình ảnh Hạ Long trong mắt du khách trong và ngoài nước. Chỉ mong sao, điều đó không chỉ nằm trong những câu khẩu hiệu hay những hoạt động có tính bề nổi mà làm thế nào để có sức lan tỏa rộng rãi và ăn sâu bám rễ được vào từng gia đình, từng người dân, để “nụ cười Hạ Long” trở thành một “đặc sản tinh thần” trên vùng đất di sản.

 

Nụ cười và 9 trái tim của 9 vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhắn gửi thông điệp đến cán bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại Lễ phát động cuộc thi “Nụ cười Hạ Long”.

Đừng quên mới đây hai sân bay của Việt Nam đã bị xếp hạng là sân bay tồi nhất châu Á. Nguyên nhân theo tôi không hẳn là do chúng ta không có tiền để xây dựng sân bay hiện đại, khang trang mà phần nhiều là do văn hóa ứng xử của con người.

Nhiều lần, khi xếp hàng làm thủ tục, tôi nghĩ không cần phải đứng sát vào nhau mà nên cách một khoảng trống cho thoải mái thì có người chen lên trước mặt ngay lập tức, khi tôi nhắc họ thì được nhận ngay một cái nguýt dài với câu trả lời cau có: “Thế thì cô lùi xuống đi!”. Ở khu vệ sinh của sân bay cũng xảy ra tình trạng tương tự. Còn khi làm thủ tục thì nhân viên kiểm soát chỉ dẫn qua loa, không cụ thể, không nhiệt tình, mặt rất lạnh. Hành khách hỏi lại có khi họ còn nổi cáu. Hay chẳng may hành khách di chuyển sai vị trí do không biết chứ không phải cố tình, thế là nhân viên bảo vệ bèn tỏ thái độ cứ y như khách đang phạm một “trọng tội” vậy…

Tôi đã từng đi qua những nước như Ý, Pháp, Đức… Ở sân bay của họ, nhân viên hướng dẫn hành khách rất nhẹ nhàng, lịch sự, chi tiết, đâu ra đấy. Bạn bè tôi cũng chia sẻ rằng ở sân bay nước ngoài cũng vẫn có hiện tượng delay nhưng thái độ giao tiếp, ứng xử của họ rất khác với mình. Hoặc khi đi dạo trên đường phố, chỉ cần nhìn thấy mình từ bên đường là họ đã vẫy tay hoặc gật đầu chào như nhắn gửi một thông điệp rằng: “Hân hạnh chào đón bạn đến thăm đất nước chúng tôi!”. Tôi không hiểu bằng cách nào mà các nước bạn có thể chuyển tải thông điệp này đến từng người dân tuyệt vời như vậy, nhưng tôi hiểu rằng để có những hành động tuy đơn giản, giản dị nhưng thực ra đó là cả một quá trình bồi đắp văn hóa ứng xử rất lâu đời của đất nước họ.

Trấn Thành, Trang Nhung, Ơn giời cậu đây rồi tập 5

Là một ca sĩ kín tiếng và giản dị, ít khi Trang Nhung xuất hiện trước truyền thông. Cô mới trở lại khi tham gia gameshow “Ơn giời cậu đây rồi” trong vai trò khách mời. Và từ tiếng cười của gameshow “Ơn giời cậu đây rồi”, Trang Nhung đã chia sẻ rất nhiều vấn đề văn hóa ứng xử trong xã hội

Ở Việt Nam, tôi ấn tượng nhất với sự cởi mở, thân thiện của người dân Hội An, Đà Nẵng. Khi bạn đi xem hàng lưu niệm, dù không mua sau khi đã vô ý bới tung cả đống đồ, họ vẫn vui vẻ, tươi cười tiễn khách. Chính sự thân thiện và ấm áp đó đã khiến tôi cũng như bạn bè tôi rất thích và đều ước mong quay lại để du lịch và nghỉ dưỡng. Ngoài hai địa danh trên, thì có lẽ chỉ có những khu du lịch cao cấp, những dịch vụ VIP thì du khách mới được đón tiếp nhiệt tình và nồng hậu. Nếu đặt mình vào vị trí du khách bình thường, tôi thấy chưa ưng ý nếu không muốn nói là rất “khó chịu” với dịch vụ du lịch của nhiều nơi ở nước ta.

Sự thiếu vắng nụ cười còn phải kể đến ở ngành y tế. Hầu như chỉ có các phòng khám tư, dịch vụ tư thì bệnh nhân mới được đón tiếp vui vẻ, căn dặn ân cần, nhẹ nhàng và chu đáo. Còn trong bệnh viện nhà nước, nụ cười quả là hiếm thấy. Có lý giải rằng, có thể là do áp lực quá tải. Nhưng tôi thì ngờ rằng nguyên nhân có thể còn do một số bác sỹ đã vô tình hoặc cố ý quên mất trách nhiệm của họ đối với bệnh nhân: đó là khám bệnh, kê đơn và đưa ra những lời giải thích cặn kẽ trong từng đơn thuốc cũng như chi tiết bệnh án,…

Một nơi thiếu vắng nụ cười nữa là ở ngoài đường, nhất là khi tham gia giao thông. Nụ cười đã ít, “văn hóa kiềm chế” của nhiều người lại còn rất kém. Tuy nhiên ai cũng biết “văn hóa kiềm chế” cũng phải được giáo dục từ gia đình khi còn thơ bé và phải tự rèn luyện hàng ngày.

Trước kia, khi còn đi xe máy, có lần tôi bị họ húc vào đuôi xe, ấy thế mà họ còn quay lại mắng mình, thậm chí còn định xông vào đánh mình. Cực chẳng đã, tôi đành… xin lỗi cho qua chuyện, dù rõ ràng là mình không sai. Nhưng không phải ai cũng chọn “giải pháp ôn hòa” đó và thế rồi lời qua tiếng lại, đôi khi dẫn đến ẩu đả, thậm chí là án mạng. Hoặc lúc đi xe hơi, thấy xe máy vờn vờn trước đầu xe mình, tuýt còi mấy lần mà người ta cũng không tránh ra, chưa kể họ còn quay lại lườm và miệng lẩm bẩm chửi thề nữa chứ.

Có lần tôi thử đi xe buýt, thật buồn khi tôi thấy nhiều người trẻ khỏe nhìn thấy người già, phụ nữ và trẻ em phải bồng bế nhau đứng, thế mà họ không có chút động tĩnh gì tỏ thái độ nhường chỗ ngồi. Kể cả ở sân bay cũng vậy, mọi người sẵn sàng chen lấn, xô đẩy để giành chỗ tốt cho riêng mình.

Ca sĩ Trang Nhung đóng vai Mỵ Nương diễn cùng chàng “Trương Chi”, kiêm trưởng phòng Trấn Thành – một tình huống nhận được nhiều sự cổ vũ của khán giả trong chương trình “Ơn giời cậu đây rồi” tập 5.

Tôi thấy ở Việt Nam hiện nay, vấn đề được quan tâm hàng đầu là mưu sinh, còn về mặt giáo dục tâm lý, ứng xử cho con cái cũng như cho những thành viên trong từng gia đìnhthì dường như vẫn bị xem nhẹ. Trong khi đó, gia đình là nền tảng trước nhất để con người ta có được những bài học đầu tiên về ứng xử có văn hóa, trước khi họ tiếp tục thu nhận được điều đó từ cộng đồng và xã hội.

Bạn thấy đấy, không phải ngẫu nhiên mà các lớp học “yoga cười” xuất hiện, nó giúp chúng ta học cười đúng cách – trạng thái mà con người không ai là không thể, có chăng là muốn hay không muốn mà thôi?!

Tôi cảm thấy nhiều nụ cười bây giờ mang vị rất nhạt. Nhưng nếu có sự gắn kết cộng đồng thì nụ cười đó sẽ trở thành sức lan tỏa, kết nối rất cao và sưởi ấm lòng người…

Ca sĩ Trang Nhung

Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.


From the same category