Anh chàng đã làm gì để trụ lại đất Sài Gòn, thực hiện bằng được lời hứa năm xưa?
Bước đến điểm hẹn, vừa nghe Nam Cường chào, dù không giới thiệu gốc gác ở đâu người ta cũng đoán ra được quê cậu bởi chất giọng vẫn còn đặc sệt Đà Nẵng. Nam Cường nói gì, làm gì cũng nhỏ nhẹ, từ tốn, cả cách gọi đồ uống của cậu cũng khiến cô nhân viên đang xụ mặt phải tươi cười niềm nở vì độ ngọt ngào. Thậm chí khi phóng viên ảnh đề nghị chuyển đủ tư thế, diễn đủ kiểu để chụp hình giữa cái nắng buổi trưa gắt gỏng, Nam Cường vẫn hồ hởi bằng lòng. Cường bảo, lát nữa phải chạy xe ra Nhà văn hóa Thanh niên để làm giám khảo cuộc thi hát. Tôi giật mình, thoắt cái đã gần chục năm, kể từ ngày Cường tấp tểnh vào Sài Gòn. Cậu bé ngày xưa từng bị cô giáo chối từ dạy hát giờ đã làm ban giám khảo cuộc thi hát…
Công tử chính hiệu
Khán giả Việt bắt đầu nghe nhắc đến cái tên Nam Cường vào khoảng cuối năm 2003 đầu năm 2004. Khi ấy cậu vừa đạt giải cuộc thi Yo!Band cùng Minh Thư, Tóc Tiên, Viết Thanh. Việc anh chàng 18 tuổi quyết định rời bỏ Đà Nẵng vào Sài Gòn để theo đuổi đam mê ca hát trở thành tin động trời với ba mẹ. Cả ông bà, thầy cô, bạn bè đều ngăn cản. Vì họ đã quen nhìn thấy cậu trong hình ảnh công tử bột, mặt mày trắng trẻo, thân hình yếu ớt, làm cái gì cũng rụt rè, nhút nhát. Ở Đà Nẵng, có người thân kèm cặp bên cạnh, còn chưa ai dám nghĩ cậu tự lập nổi chứ đừng nói là một mình vào Tp.HCM bươn chải.
Nhà có 2 anh em, ba mẹ làm công chức nhà nước, từ lúc lọt lòng Cường đã được cha mẹ nâng như nâng trứng, không cho đi chơi, không cho giao tiếp nhiều, đi học cứ lủi thủi một mình, chẳng chơi với bạn bè cùng lớp. “Cũng vì thế, dần dần, tôi trở nên nhút nhát. Thậm chí nhiều lần đi ăn nhà hàng cùng mẹ, mẹ bảo: “Con gọi nhân viên mang trà đá ra đi”, tôi thụt đầu không dám gọi. Rồi cầm thực đơn, mẹ bảo thích món gì gọi đi, tôi cũng lắc đầu đẩy thực đơn cho mẹ dù trong bụng thì rất thèm. Nhiều lần tan học, chờ mẹ đến đón, dù bụng đói cồn cào, có tiền trong túi nhưng cũng không dám chạy lại mua đồ ăn. Mãi đến những năm cấp 3, khi thấy tôi nhút nhát quá, ba mẹ sợ tôi bị bệnh tự kỷ nên bắt đầu cho tôi tham gia các hoạt động văn nghệ của trường. Tôi vào đó, trở nên yêu ca hát. Và đến khi có cơ hội thực hiện niềm đam mê của mình, tôi quyết định làm một chuyến phiêu lưu để dẫn dắt đến cuộc đời như bây giờ!”.
Quyết nổi tiếng vì câu nói của cô giáo
Ngồi nhớ lại thời gian đầu mới vào Sài Gòn, Cường tâm sự, đó quả là chuỗi ngày không dễ dàng. “Sau khi đạt giải cuộc thi, tôi được ký hợp đồng độc quyền với nhóm Yo!Band. Nhưng chỉ diễn được 2 show, 1 show đầu năm, 1 show cuối năm, còn cả năm đó ăn không ngồi rồi. Ngày đó, là con trai nhưng cứ tối về nằm một mình tôi lại khóc, vì không biết mình sẽ xoay xở thế nào, làm gì để sống, nói gì với ba mẹ để xin được ở lại Sài Gòn. Hoảng quá, tôi mới quyết định đi học. Dù chẳng biết tôi học gì nhưng ba mẹ cứ nghe tin con ở lại Sài Gòn để học hành thì đồng ý ngay”. Thế là năm đó, Cường đăng ký thi vào Sân khấu điện ảnh và cả Nhạc viện. Cường đậu Sân khấu điện ảnh nhưng rớt Nhạc viện dù điểm thi năng khiếu vào Nhạc viện đạt cao nhất.
Học sân khấu điện ảnh, được mời đóng phim nhưng cậu lại thấy chán và quyết tâm “phục thù” nhạc viện. “Lúc đó tôi học ký xướng âm để thi lại. Một thầy giáo bên trường Sân khấu điện ảnh đã gửi tôi cho cô giáo trong Nhạc viện kèm cặp, nhưng tôi cảm giác hình như cô ấy không muốn dạy mình. Tôi đi học, trả tiền mà như đi cầu xin người ta vậy. Cô nghe tôi hát, rồi quay sang bảo: “Cậu học làm gì, có học cũng không đậu được đâu!”. Tôi hoang mang tột độ, chẳng thể nào hình dung ra một giáo viên mà lại nói như thế với học trò mình. Tôi chỉ nghĩ, giá mà cô ấy không thích, đánh giá tôi hát tệ cũng chẳng sao, chỉ cần cô truyền cho tôi ít lửa, động viên một chút để tôi có niềm tin là được. Đâu có ai đánh thuế ước mơ và cũng không nên chà đạp lên nó cho dù ước mơ ấy có là không tưởng. Sau bữa học đó, tôi không quay lại lớp nữa. Tôi khóc rất nhiều và tự hứa, cho dù mình không bước chân được vào nhạc viện thì cũng phải nổi tiếng để chứng tỏ cho cô thấy”.
Chỉ sợ muốn teen mà quay lại teen không được thôi
Quyết tâm là thế, nhưng mấy năm sau Cường vẫn loay hoay trong mớ bộn bề, chưa tìm thấy đường ra. “Ban đầu tôi vẫn sống nhờ trợ cấp của gia đình. Lúc đó, nhà gửi vào 1 triệu đồng, tiền thuê nhà hết 300 ngàn đồng, còn lại là tiền xăng, tiền ăn ở sinh hoạt. Tôi thấy mình tiết kiệm dữ lắm nhưng cứ đến tuần thứ 3 là tiền hết sạch nên phải gọi điện về kể khổ với mẹ. Nhiều khi tôi vắt tay lên trán suy nghĩ, thấy bản thân mình vô dụng, thấy có lỗi với ba mẹ nhiều, vì đã đến từng đấy tuổi vẫn ăn bám gia đình”.
Nhìn sang đồng nghiệp, thấy họ giỏi giang, đi hát ra album đều đều, còn mình thì thời gian trôi nhanh mà cơ hội thì ngày càng vuột mất. Cường cũng quyết tâm ra album “Đồng thoại”, nhưng vẫn phải gọi điện về xin hỗ trợ từ gia đình. Ba mẹ dù có buồn nhưng thấy con trai lỡ theo con đường này rồi nên bấm bụng nhịn ăn nhịn mặc hỗ trợ tiền. Lúc đó, Cường đã nghĩ khác. Ra album không phải để theo đuổi đam mê nữa mà chỉ mong có show nhiều, kiếm được tiền nuôi thân. Rồi khi đã trày da tróc vảy mất 5 năm, Cường may mắn gặp Thúy Vinh và Thanh Thảo, được họ chỉ dạy nhiều điều. Đến lúc “Bay giữa ngân hà” ra mắt thì cuộc sống của chàng ca sĩ cũng… bay theo, có đồng ra đồng vào, ổn định hơn và mua được nhà riêng.
Nhắc đến tên “Nam Cường”, người ta nhớ ngay đến chàng diễn viên, ca sĩ đóng mác teen. Vì hầu hết những ca khúc anh thể hiện, những bộ phim anh tham gia như Kính vạn hoa, Cao su mùa lá rụng, Những thiên thần áo trắng… đều gần gũi với đối tượng tuổi teen. Tôi hỏi anh có buồn chăng khi ở cái tuổi này rồi vẫn bị dán cái mác teen như thế. Anh chàng cười: “Chỉ sợ muốn teen mà quay trở lại teen không được thôi, chứ đằng này già rồi mà người ta vẫn thấy mình teen thì có gì đâu mà phải buồn”…
Họ thích nói sao tùy họ, miễn là tôi đang cống hiến
– Nỗ lực rất nhiều để được nổi tiếng và chứng minh cho cô giáo ngày xưa thấy mình không tệ, nhưng anh có nghĩ, mình nổi tiếng không phải vì hát hay mà do có ngoại hình không?
– Tôi nghĩ ngoại hình là điều quan trọng. Bất kể ngành nghề nào cũng vậy, có ngoại hình sẽ giúp họ nhiều trong công việc. Chị cứ hình dung nó như là một tấm vé để lên máy bay vậy. Nhưng còn việc bay được hay không lại là do mình. Đến bây giờ, kể từ lúc “Bay giữa ngân hà” ra mắt cũng đã được 4 năm rồi, nhưng mỗi khi tiếng hát tôi cất lên dù lúc đó tôi chưa bước ra sân khấu, mọi người vẫn vỗ tay và đón nhận. Nên tôi nghĩ, giọng hát tôi không đến mức tệ như thế.
– Mỗi lần lên sân khấu, anh rất trau chuốt, make-up, chọn trang phục kỹ càng. Với một ca sĩ nam, liệu “trau chuốt” như vậy có quá lố không?
– Đã lên sân khấu thì mình phải nổi bật, không lẽ để vũ công nổi hơn ca sĩ, rồi một chương trình có nhiều ca sĩ thì phải làm sao để người ta chú ý đến mình nhiều nhất. Vì vậy, việc người ta nói tôi điệu hay không không quan trọng. Ca sĩ nào, dù là nam hay nữ cũng có quyền làm đẹp cho bản thân họ khi xuất hiện trước công chúng.
– Trau chuốt ngoại hình, lại rất mau nước mắt, anh có vẻ “mong manh” nhỉ?
– Vì thế mà nhiều người nói tôi gay. Tôi thì nghĩ, người ta sinh ra không ai có quyền lựa chọn giới tính, quan trọng là sống tốt, sống có ích hay không. Một người tự xưng là “chuẩn man”, “chuẩn girl” nhưng không làm được gì thì cũng vô dụng. Vì thế, tôi không quan trọng ai nói tôi gay, hoặc ai bảo tôi là “chuẩn man” thì cũng mặc kệ. Họ thích nghĩ sao thì tùy họ. Miễn tôi đang cống hiến là được.
– Những kế hoạch, dự định sắp tới của anh là gì?
– Tôi đang thực hiện kế hoạch ra album vol.5 “Mong em được vui” với dòng nhạc sở trường Pop Ballad nhưng “người lớn” và chững chạc hơn rất nhiều. Vừa rồi tôi cũng có dịp sang Hàn Quốc 1 tháng để học về vũ đạo. Ra nước ngoài, tận mắt chứng kiến nền giải trí của họ mới thấy được mình đang đứng ở một bậc rất thấp. Ở bên đó, người ta đào tạo ca sĩ chuyên nghiệp từ khi còn rất bé, 12 tuổi mà đưa vào đào tạo là họ đã thấy già rồi. Còn việc đóng phim, tôi đang tạm ngưng lại, vì tôi toàn bị giao cho những vai con nít, mà vai nào cũng na ná nhau, không thể hiện được bản thân mình. Chờ đến lúc được giao những vai chững chạc, tôi sẽ tiếp tục thử sức vậy.
– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Nam Cường tên đầy đủ là Nguyễn Nam Cường, sinh ngày 16/9/1985 tại Đà Nẵng. Anh bắt đầu bước chân vào showbiz từ cuối năm 2003 khi đạt giải nhất cuộc thi “Yo! Cùng ước mơ xanh” và được đông đảo giới trẻ biết đến sau những album: Đồng thoại, Bay giữa ngân hà, Phải là anh, I Have A Dream.
Anh cũng được biết đến với các vai diễn trong phim Kính vạn hoa, Cao su mùa lá rụng, Những thiên thần áo trắng, Lòng dạ đàn bà…
|
Mỹ Linh
(Theo Mốt & Cuộc sống)