Ca sĩ Kim Anh: Người bạn không thể bỏ là... rượu - Tạp chí Đẹp

Ca sĩ Kim Anh: Người bạn không thể bỏ là… rượu

Sao

Và cũng chị lúc này, khi đã ở dốc bên kia cuộc đời, nói về nỗi cô độc như một người cô độc, nhưng tự tại và an nhiên. Chỉ có điều, vì cô độc là có thật, nên chị cũng thật thà: “Rượu là người bạn thân tình nhất và không thể bỏ”.

– Được biết tới đây chị sẽ có dịp đứng chung trên sân khấu “Cúi xuống thật gần”của danh ca Khánh Ly. Chị kể về mối nhân duyên bắt đầu của chị với “nữ hoàng chân đất” và sự sẻ chia với người bạn nghề này thế nào?

– Tôi gặp chị Khánh Ly khi tôi đã qua Mỹ định cư. Trước đó tôi đã nghe về “Nữ hoàng chân đất” nổi danh này. Tôi nghe chị hát từ trước, qua băng cát xét, qua radio, nhưng lúc được nghe chị hát live thì vẫn sững sờ. Giọng hát đó, như rút từ bao tiền kiếp, nghe như có nước mắt, mồ hôi, tiếng cười hòa trộn rồi dẫn dụ người nghe vào cõi phiêu diêu của tiếng lòng.

Sau này quen nhau hơn, nói chuyện chị nhiều hơn, chị bảo: “Tao quý mày lắm”, và rồi một điều gì đó trong tôi nảy nở. Sau này chị đến Mỹ, thỉnh thoảng tôi đưa con đến nhà chị chơi. Trong những cuộc nhậu, những cuộc chuyện trò, chị luôn nhắc tôi:  “Phải thật tâm nếu muốn nhận được yêu thương, trân quý, phải biết sống khiêm nhường”.

Bây giờ thì tôi ít gặp chị, nhưng tình cảm yêu quý và cảm phục tài năng, lẽ sống của chị vẫn như vậy. 

Chúng tôi đều đã đi ngày càng xa trên cái dốc bên kia cuộc đời, còn được hát, được sống trong yêu thương thì còn gì mong ngóng nữa. Cả tôi và chị bây giờ, nhu cầu cho cuộc sống không còn nhiều, hát là để sẻ chia, và tôi càng vui hơn khi biết một phần số tiền bán vé từ show diễn sẽ được chị Khánh Ly dành làm thiện nguyện. Tôi bây giờ cũng vậy, có điều kiện là san sẻ, đôi khi chỉ là một bữa ăn, một chiếc áo hay một cái ôm đúng lúc… Chia sẻ làm chúng tôi thấy mình bớt cô độc, thấy mình đang sống ý nghĩa hơn, bạn ạ. Và tôi rất háo hức với buổi diễn cùng chị sắp tới đây. 

Duyên và nợ với “Mùa thu lá bay”

– Khánh Ly thì có đến hàng trăm bài hát gắn liền với tên tuổi của mình, còn chị, nhắc đến Kim Anh người Việt đa số không quên được “Mùa thu lá bay”. “Đóng đinh” với chỉ một ca khúc, nhưng cũng chính nó nuôi sống tên chị bao năm. Chị kể đi, về sự bắt đầu với ca khúc ấy?

– Trước khi hát “Mùa thu lá bay” vào năm 1983, tôi chủ yếu hát nhạc ngoại. Tôi xa Việt Nam từ năm 16 tuổi, thật ra có nhiều lúc đã không còn tưởng tượng được quê hương mình lúc đó thế nào, nhịp thở, tiếng lòng của những người thân cũng có lúc mình không còn rõ nữa. Nhưng rồi khi nghe tin ba ốm, tôi muốn làm điều gì đó cho ông. Nhưng lúc đó tôi chẳng thể quay về vì chưa làm được điều gì vẻ vang, tôi chỉ có giọng hát. Vì ông là một người gốc Hoa, nên tôi chọn một bài nhạc Hoa, cũng  là muốn ông hiểu tôi không quên nguồn cội của mình.

Tôi hát và nhớ về những ngày còn nhỏ sống bên ông, lúc nào tôi cũng được ba cưng chiều nhất, và tôi hát bằng tất cả nỗi nhớ thương ba. Lời đề từ cho bài hát ấy, mà đến nay trên các bản radio vẫn dùng, chính là tâm sự của tôi, nhưng được anh Elvis Phương và chị Khánh Ly biên tập mà thành. Vì lúc đó vốn tiếng Việt của tôi đã mai một, chính chị Khánh Ly đã Việt hóa nó, làm cho nó trở nên thật sự ấm áp như vậy.

Sau khoảng một tuần gửi bài hát đi tôi mới biết, khi nó được gửi về Việt Nam là lúc ba đã mất hai ngày, nhưng khi bật lên, nó giúp ông nhắm được mắt để ra đi, tôi đã khóc rất nhiều. Và từ lúc đó, tôi đã hát bài ca ấy bằng một tiếng lòng với sự day dứt, sự ăn năn, bằng con tim đau với vết đau không có cơ hội chữa lành, sự mất mát không thể nào bù đắp. Tôi nghĩ, bắt đầu từ ba, và cũng sau đó là nhờ ba, tôi đã hát bài hát này thành công như thế. Giờ thỉnh thoảng tôi vẫn hình dung thấy ba, ông mặc bộ đồ màu xám khi nhìn tôi hát bài này.

“Tôi đã có những năm tháng để đời mình đi theo một con đường tối”

– Chị có bao giờ tự hỏi, những người đàn bà hát như mình, dường như ai cũng có số phận truân chuyên?

– Tôi nghĩ mỗi người đều có sinh mệnh riêng từ lúc sinh ra. Nhưng tôi cũng tin, phải có một phép màu nào đó thì mới có thể từ nỗi đau chúng tôi đã hóa thành sự chia sớt qua lời ca, tiếng hát với đồng bào, với những người chung tiếng nói với mình. Tôi sang Mỹ đi học, rồi sang Pháp nữa, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình thành ca sĩ. Nghề đã chọn tôi, và cũng chính tiếng hát đã giúp tôi đi qua đau khổ. Tôi đã ngồi xe lăn (sau tai nạn ô tô năm 1987) mà vẫn hát, lúc chìm trong ma túy và những cơn say tôi vẫn có khán giả yêu thương. Trải qua những khúc ấy, tôi chỉ có thể tin vào một điều, mình có đủ nhân duyên, đủ đức phúc để đi con đường này mà thôi. Tôi không dám gọi mình có tài năng, vì chỉ tài năng thì chắc là không đủ.

– Chị có hai con, mỗi người là con riêng của chị với những người đàn ông đến từ những đất nước khác nhau. Được biết, chị đều không thực sự chung sống với người đàn ông nào. Các con chị có bao giờ trách giận, vì chị quá mạnh mẽ, hoặc quá khác biệt mà cả đời họ phải sống không cha?

– Đứa con lớn tôi sinh với người đàn ông mang tôi từ Việt Nam sang Mỹ. Đến lúc ông ấy mất đi, tôi vẫn nghĩ có một câu cần thiết phải nói, có một tâm tư cần phải bộc bạch với ông ấy rằng: “Tôi biết ơn ông ấy” mà tôi không nói được. Vì tôi, vì mong tôi phải học xong đại học mà ông ấy dời quân ngũ, tìm cách kiếm tiền trang trải cho tôi cuộc sống ở bên này. Ông ấy đối với tôi như một người ruột thịt, nhưng tình yêu thì có thể không hẳn, nên sau này ông ấy cưới một người phụ nữ khác. Vì người đàn bà đó hay ghen nên chúng tôi gần như không gặp mặt. Con tôi thì vẫn liên lạc với bố nó, vẫn nhận được sự quan tâm cả vật chất, tinh thần từ cha nó, chỉ là không sống dưới một mái nhà.

Còn đứa con thứ hai, tôi có bầu ở Pháp, sau khi cai nghiện thành công. Ông ấy là chủ phòng trà tôi hát bên Pháp, là con trai của người phụ nữ đã cưu mang tôi những ngày tôi cai nghiện ở Pháp. Thực ra, tôi đã định gắn đời mình với ông ấy như một sự trả ơn, nhưng lúc tôi có bầu, tôi nghe được cuộc trao đổi giữa ông ấy với bạn, ông ấy băn khoăn: không biết nghệ sĩ thì có chung thủy không. Nghe thấy điều ấy, thì ngay lập tức tôi mua vé máy bay về Mỹ. Tôi đi từ đó không bao giờ gặp lại. Con trai thứ hai của tôi năm nay cũng 30 tuổi rồi. Sau này bà nội của cháu có sang Mỹ tìm con tôi mấy lần, nhưng rồi cũng không đoàn tụ được.

Các con tôi có lúc trách giận mẹ, nhất là những ngày tháng khi chúng còn nhỏ và tôi còn trẻ. Cuộc sống của tôi khi đó là những show diễn triền miên. Có lần con bảo: “Mẹ ơi, chúng con không cần đồ chơi, mẹ đừng đi diễn nhiều như thế”. Nhưng tôi phải gạt nước mắt mà nói với con rằng: “Ngoài các con, mẹ còn mẹ già, còn gia đình ở bên kia. Mẹ không thể ngừng làm việc”. Bây giờ thì con đã hiểu. Mới đây, hai đứa mới chia sẻ với mẹ rằng, chúng luôn tự hào vì tôi, và tôi hãy làm cái gì mình muốn. Tôi nghĩ con hiểu thế là đủ. Tôi đã có những năm tháng để đời mình đi theo một con đường tối, nhưng cuộc đời lúc này khiến tôi không còn ân hận gì nhiều.

Lá bay… về cội

– 16 tuổi dời Việt Nam đến Mỹ không người thân thích, tai nạn, nghiện ngập và đứng dậy. Chị có bao giờ thấy, đời mình cũng như là… chiếc lá?!

– Khi tôi đi chân còn lấm bùn phèn, chưa từng nghĩ một ngày mình đi xa thế. Sang Mỹ, một bữa cơm Việt Nam tôi còn chưa biết nấu, món duy nhất làm được là… luộc bắp cải. Vậy mà cứ thế sống, qua những hờn ghen của số phận, đối mặt với những điều bất như ý dội xuống: tai nạn, nghiện ma túy vì từng mượn ma túy đi qua cơn đau tai nạn. Sinh con, nuôi con nhiều lúc một mình, nhưng mà tôi không nghĩ mình đã thiệt thòi. Đời một chiếc lá cũng phải sống qua những đêm sương lạnh lùng thực sự, hưởng những cơn gió mát lành thì mới là đời lá. Và đời người, để mà có thể nói về niềm đau hay niềm vui, thì phải thực sự trải qua. Cũng có nhiều người từng sống bằng sách vở, nhưng mà hẳn là khi đau thực sự với mỗi niềm đau, họ sẽ sống khác hơn… Và tôi nghĩ, mình đã sống gần một đời, không có nhiều tiếc nuối đâu, dù vẫn hiểu nỗi cô độc trên đời là có thật, và ngay lúc này nó vẫn là hiện hữu, bạn ạ.

– Và bây giờ, cuộc sống của chị chủ yếu là ở Mỹ hay Việt Nam, và vì sao chị lựa chọn như vậy?

– Tôi vẫn sống ở Mỹ, nhưng lựa chọn về Việt Nam thường xuyên hơn. Như lần này, tôi đã về nước hai tuần. Về Việt Nam vui, mình không phải tính toán quá nhiều, có nhà, đời sống bớt chật vật. Ở Mỹ, đời sống cô đơn hơn, con người ai cũng tất bật, nhưng bên đó đã là cuộc sống mình lựa chọn. Các con tôi cũng ở đó, cháu nội cũng ở đó, dù ít gặp, nhưng vẫn là cảm giác cần ở đó, để nếu cần là có thể gặp.

– Thói quen không thể bỏ của chị hàng ngày là gì? Chị tiết lộ được chứ?

– Rượu! Tôi vẫn uống hàng ngày. Nó là người bạn thân tình nhất, tri ân tri kỷ, mình không bao giờ bỏ được.

– Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Bài: Thục Khôi

Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo

Thực hiện: depweb

05/01/2016, 15:59