Ca sĩ Hồng Nhung – Tự bạch


Hoa thị số 1 xuống dòng…

Mỗi người sinh ra có cái duyên riêng với đời. Tôi nghiệm hình như mình có duyên với những… câu hỏi! Ngày nào tôi cũng có những câu hỏi để trả lời. Từ: “Em trông giống Hồng Nhung quá, có phải không?” ; “Hồng Nhung đấy à? Trên tivi thấy to cao hơn nhiều cơ mà?” ; “Sao lại nhổ răng khểnh thế? Răng duyên mà?”… đến: “Chị có buồn không trước tình hình ca nhạc eo xèo hiện nay?”; “Bây giờ có nhiều ca sĩ mới mọc lên, chị có lo ngại không cho vị trí của mình?”; “Những dự án mới trong năm nay là gì?”… và những ngày gần nhất là câu hỏi của những người trong gia đình tôi, của bạn bè, đồng nghiệp, những người hâm mộ, những người không hâm mộ, nói chung là từ trong nhà ra ngoài ngõ: “Bao giờ thì sinh con vậy Nhung ơi?”

Tới đây, bạn đừng cho rằng tôi đang than phiền vì chuyện “bị hỏi” hoặc bị “stress” vì nỗi không phải lúc nào cũng trả lời được mỗi câu hỏi một cách đầy đủ, trọn vẹn và thích đáng.

Thú thật thì mặc dù đã khá chuyên nghiệp trong việc “trả lời”, cũng có những khi không khỏi bối rối trước những câu hỏi có tính sáng tạo gây ngạc nhiên tuyệt đối. (Ví dụ: “Chị chẳng có xì căng đan gì cả, ứng xử khéo thế, chắc là giả dối?”; “Chị trẻ quá, lên sân khấu thấy không đúng tuổi…?”…

Nếu là bạn thì sẽ trả lời thế nào? “Dạ, tôi không giả dối”; “Dạ, vậy tôi phải già như thế nào cho đúng tuổi ạ?”… Xét cho cùng, dù câu hỏi là thuộc một thể loại nào, do yêu mến hay không yêu mến, có thiện ý hay có ý tưởng gây “sốc”, thì cũng đều bắt nguồn từ sự quan tâm! Khi một người nổi tiếng không còn được quan tâm nữa thì chắc là không còn nổi tiếng.

Chẳng thế mà để gặt hái được sự quan tâm, nhiều ca sĩ diễn viên đầu tư lớn vào công cuộc tạo dựng hình ảnh rất nóng kiểu “hot girl, hot boy”, hay từ các tin tự đồn… Có người thì “cao cấp” hơn, khi sử dụng các uy tín ổn định để làm đòn bẩy cho sự thăng hoa của các ngôi sao đầy hứa hẹn.

Tỉ như có nhạc sĩ lên thông tin đại chúng so sánh một cách đầy thuyết phục giữa các diva và cô ca sĩ chân dài anh đang lăng xê, để thấy cô này có cái giá trị mà các cô diva kia có phấn đấu đến đâu cũng chẳng bao giờ đạt được. Câu hỏi là: các chị nghe thấy có tủi không? Chắc cũng hơi hơi, vì anh này nói đúng!

Cũng có một nguồn câu hỏi phổ biến nữa khi thắc mắc (câu hỏi này thường để cho chung các phụ nữ được xem là thành đạt và nổi tiếng): “Đã có sự nghiệp, đã thành công, lại xinh xắn, duyên dáng… các chị còn muốn đạt được điều gì trong cuộc sống nữa?” Ai cũng chỉ cười mủm mỉm, nhưng trong lòng chắc thầm bảo: “Muốn gì tự nhiên nói ra làm gì!?”

Mỗi ngày, khi tôi ngồi xuống, chân khoanh thế tòa sen, bắt đầu buổi tập yoga của mình, những câu hỏi chạy xung quanh đầu tôi, mới đầu như những vệ tinh quanh trái đất, rồi nhanh dần như những vòng ánh sáng, sau xa ra, chỉ để lại âm thanh khe khẽ như tiếng gió. Lúc đó là lúc mà câu hỏi của chính tôi đứng yên như là trục của sự thăng bằng: “Vậy thì tôi có hạnh phúc không?”

Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta…

Ngày trước, cứ mỗi khi gặp chuyện gì bí lắm, ấm ức mà không biết làm thế nào, như là bị oan ở trên báo chẳng hạn, tôi sẽ gọi điện cho anh Sơn để than. Ấy là biết sẽ được nghe giọng của anh hát luôn trong điện thoại, giọng khoan thai nhưng rành rọt, mà rõ là còn vừa cười vừa hát nữa: “Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta!”.

Mỗi việc mình làm đều có thể được phiên dịch ra theo những cách khác nhau ở trong đời. Nếu ta vô tư bỗ bã với đời thì sẽ bị lên án là vô văn hóa, thô bỉ; còn cẩn trọng, lịch sự thì bị suy ra là khéo quá… Người nổi tiếng vì thế cứ ra đường là sợ! Biết làm thế nào cho vừa lòng trăm họ.

Gần đây, có chuyện mới. Tôi được lên báo đài nhiều để trả lời câu hỏi tại sao trông chị rất trẻ khỏe. Tôi trả lời nhờ yoga. Ra đường, lên sân khấu hưng phấn hẳn vì ai ai khen xinh thế, trẻ thế…! Tôi bắt đầu lên đến tầng khí mỏng vì những lời khen thì lại bị “phản hồi” liền: “Chị trẻ quá, không phù hợp với lứa tuổi!”.

Rơi bịch xuống mặt đất, giận ghê cơ, tôi phân bua như bị điều oan uổng. Vậy tôi sẽ phải như ai mới đạt được tiêu chuẩn “phù hợp”? Có cần phải “giấu” bớt đi một ít năng lượng cho “đúng tuổi”?

Mà tôi bao nhiêu tuổi nhỉ?… Song, nghĩ lại thấy, có hơn không, nếu bị chê là cô này già trước tuổi, yếu đuối quá, mặt thì đầy nếp nhăn…?. Bố tôi bảo tôi lúc 10 tuổi rằng đã nhận tấm huân chương thì phải biết nhận cả hai mặt của nó. Sau này, “tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta”, tôi hiểu thêm rằng giá trị của mình không phải là giá trị tổng cộng của những huân chương!

Nhà báo hỏi tôi có sợ không cho một ngày không còn nổi tiếng. Có ai đã xem những bộ phim về ngày về vườn của những cô đào hát, hay vở kịch về cái “ngày tàn của bạo chúa”?. Kinh nhỉ! Nhà báo cũng hỏi tôi có sợ bị quên. Mọi chuyện dù có gây chấn động đến đâu thì tôi nghĩ ở xứ mình người ta cũng sẽ nhanh chóng quên đi, để còn dành bộ nhớ cho chuyện mới. Ví như cái ao đầy bèo, có ném hòn sỏi lớn bé gì xuống thì khoảng nước bị vỡ ra sẽ nhanh chóng phủ bèo lại.

Chỉ có thiên tài ở lại mãi trong trí nhớ của mọi người mà thôi. Mà tôi thì không phải là thiên tài. Nhà báo cũng suy diễn rằng tôi đã khôn ngoan chuẩn bị trước cho mình một đời sống ấm no, một thế giới riêng trong chính ngôi nhà của mình để lùi về an toàn khi một ngày bị lãng quên.

Nếu đúng vậy thì tôi phát hiện ra mình khôn sớm quá, từ bé luôn, bởi tôi đã biết vun vén cho chốn riêng ấm cúng của mình, bắt đầu từ chiếc giường trải chiếu hoa bên khung cửa sổ song gỗ ở ngôi nhà tôi được sinh ra ở số 11 đường Điện Biên Phủ, Hà Nội. Với tôi, đời sống trong ngôi nhà của mình là chính mình, với quan niệm nôm na là “người làm sao của chiêm bao làm vậy”.

Tôi giống như con chim mỗi ngày tha một cọng rơm về tổ, không ngừng. Với âm nhạc cũng vậy. Tôi có nhu cầu sống với sáng tạo và cả thử thách cho chính mình. Như thế mỗi ngày sống mới thú vị và càng hưng phấn đón những ngày đang tới. Mỗi người chỉ có bao nhiêu ngày ấy để sống, tôi chọn sống vui với những gì mình đang có hôm nay, tạm hoãn chưa vội lo sợ trước cho chương cuối của cuộc đời!

Hành trình của những câu hỏi

Tôi thích chuyện hoàng tử bé và thích cho mình là phiên bản nữ của hoàng tử bé, nhạy cảm như là cô công chúa và hạt đậu, với “những gót chân trần em quên, em quên…”, ngày mỗi ngày, đi qua cuộc phiêu lưu của riêng mình, để thấy thế giới, để tìm câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng của hành trình các câu hỏi.

Có lúc thấy mình rất khôn, có lúc giật mình thấy mình sao mà ngu tệ! Điều đáng mừng là trên con đường ngao du, tôi gặp những con người mà nhờ có họ, tôi trưởng thành với tình cảm yêu thương, với niềm tin, niềm khích lệ.

Họ trở thành những người thầy, người bạn. Họ chỉ dạy và hướng dẫn cho tôi biết cái đẹp, cảm thấy cái đẹp và tạo ra cái đẹp. Tôi có một gia đình tuy không đông đúc, nhưng gần gũi, dạy cho tôi biết giữ gìn và tự hào về những giá trị văn hóa là nguồn gốc của tổ tiên, của nơi tôi được sinh ra. Lớn lên, tôi lại được Trời ban cho một bà dì ghẻ “bánh đúc có xương”, để chúng tôi suốt ngày riu tít như chim, vừa thân như ruột thịt, vừa thân như bạn gái.

Hành trình của tôi bắt đầu từ những ngày thơ dại, khi niềm vui bắt nguồn từ những nốt nhạc còn ngây ngô. Năm 10 tuổi tôi được lên sân khấu. Đi mãi mới ra tới giữa, tôi dừng lại, nhìn khán giả rồi loay hoay vén vạt váy ngắn lên để kiểm tra xem tất cả trang phục đã chỉnh tề chưa… Tất nhiên là cả rạp hát đầy khán giả nhí được trận cười rôm rả.

Có bao nhiêu tiếng cười và bao nhiêu giọt nước mắt? Có những người bạn và có những mối tình? Có những miền nào bước chân trần nhỏ bé của tôi đã đi qua? Tất cả được sắp xếp lại như là hành trình của những câu hỏi trong chương trình nhạc mang tên My Dream (Giấc mơ tôi) mà tôi đang cùng thực hiện với nhạc sĩ Quốc Trung và các nhạc sĩ bạn bè.

Đã gần 2 năm rồi (lâu hơn tôi xây nhà). Tất nhiên, đến đây câu hỏi sẽ là: “Thế bao giờ ra mắt?” Xin đợi tôi ngồi thiền trước rồi sẽ xin được trả lời là tôi cũng ước gì biết được câu trả lời chính xác. Xin cũng đừng vội kết luận là tôi đang dồn trách nhiệm lên “đôi vai gầy guộc nhỏ” của nhạc sĩ bạn tôi, Quốc Trung.

Có điều tôi chắc được ấy là những gì chúng tôi đã thu thanh nghe lạ ghê lắm, đã dần hình thành câu chuyện chân thật được kể với ngôn ngữ đời thường, giản dị và hài hước…, bằng âm nhạc không giản dị lại càng không hài hước… nhạc điện tử (electronic)! Mỗi bài hát sẽ kể về một cuộc phiêu lưu lúc thì êm như hơi thở, lúc hối hả như dòng xe cộ trên phố đông người… chẳng giống với những gì tôi đã từng hát.

Tất cả chạy quanh tôi như những vệ tinh quanh trái đất, rồi nhanh dần như những vòng ánh sáng… mong đi đến cuối cùng để trả lời câu hỏi của chính tôi đứng yên như là trục của sự thăng bằng: “Vậy thì tôi có hạnh phúc không?”

Hạnh phúc là một từ lớn lao, biết định nghĩa thế nào cho chính xác? Nhà báo hỏi tôi. Tôi chịu! (Đây là cách trả lời an toàn nhất tôi học được của con một người bạn. Nguyên bản là “Cháu chịu!”). “Phân toách” làm gì, khi mà ta có thể cảm nhận sự êm ái, nhẹ nhàng của mỗi ngày sống bình dị này.

Vậy thì tôi có hạnh phúc không?

… Tôi thích dậy sớm. Ở khu nhà tôi yên tĩnh lắm, chỉ nghe tiếng chim sẻ liu chiu gọi nhau xuống bãi cỏ. Tôi sẽ ra khỏi phòng ngủ nhỏ để bước ra ban công lớn, nơi lung linh ánh nắng phản chiếu từ mặt nước hồ cá bên dưới. Tôi thích bắt đầu ngày mới một cách từ từ…


From the same category