Lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực ra đang có nhiều việc cần làm hơn là việc thay đổi cách gọi một chức danh trong lớp học, nhưng tôi nghĩ, chuyện đó nếu nhằm mục đích gây hứng thú cho bọn trẻ cũng tốt, còn không, thì cũng chẳng có gì đáng ầm ĩ đến vậy.
Trong câu chuyện gọi lớp trưởng là “chủ tịch”, vẻ như người lớn đang làm quá lên, đang suy diễn, áp đặt suy nghĩ của mình vào trẻ nhỏ. Trong cuộc sống, nếu chúng ta nhìn sự việc thế nào nó sẽ là thế ấy, nhìn tiêu cực sẽ nhận được kết quả tiêu cực, và ngược lại. Trẻ con là tờ giấy trắng, người lớn vẽ lên đó màu mực gì thì nó sẽ là màu mực ấy. Tất nhiên, nếu người lớn mải mê tô vẽ chính suy nghĩ của mình, cách nghĩ của mình, thì những đứa trẻ non nớt sẽ dần dần bị ảnh hưởng những suy nghĩ áp đặt đó – sẽ dễ hình thành nên cái người ta quen gọi là “hệ tư tưởng”.
Ca sĩ Hoàng Bách và con trai – bé Tê Giác
Tôi vẫn nghĩ, gọi là “lớp trưởng” hay “chủ tịch” thì đứa trẻ được bầu vào vị trí này vẫn làm công việc ấy. Việc trẻ nhỏ có cảm thấy đó là vị trí quyền lực không, thì còn tùy thuộc vào cách người lớn, mà cụ thể ở đây là – cách thầy cô giáo, cha mẹ của các em nhìn nhận.
Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng, họ lo lắng, trong tương lai sẽ xuất hiện những đứa trẻ cậy quyền bắt nạt các bạn trong lớp, như vài tháng trước đây có em lớp trưởng cậy quyền, rủ bạn đánh hội đồng một bạn học, đến nỗi vị hiệu trưởng trường đó phải từ chức. Trong trường hợp này, tôi nghĩ người phân tích đã đưa ra ví dụ không chính xác. Chuyện gọi tên một chức danh không liên quan đến việc giáo dục ý thức của trẻ nhỏ, cũng như không có “họ hàng” với hành xử của các con trẻ.
Trong tiếng Anh, từ “president” không chỉ có nghĩa là tổng thống, nó có rất nhiều nghĩa, từ đó còn là cách gọi vị chủ tịch một công ty, một tập đoàn… Vì thế, nếu việc thay đổi cách gọi “lớp trưởng” hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo gây hứng thú cho trẻ, giúp trẻ có ý thức trách nhiệm với công việc được giao, thì tốt chứ. Còn không, người lớn cũng chẳng cần ngồi đó vặn vẹo nhau. Chúng ta thực ra đã có bao nhiêu người nghĩ sẽ mang chuyện này hỏi ý kiến con em mình để xem suy nghĩ của các con thực tế là ra sao, hay họ chỉ ngồi đó đưa ra bình luận tiêu cực.
Tôi cho rằng, khi giao cho bất kỳ đứa trẻ nào một trọng trách, người lớn đều phải có nhiệm vụ giúp trẻ hiểu được rằng, mình có vị trí đó đồng nghĩa sẽ có trách nhiệm, nghĩa vụ gì với các bạn.
Chúng ta lớn lên, sống và tồn tại theo lối nghĩ: quyền lợi của riêng và trách nhiệm là của chung – mô hình này đã tồn tại quá lâu trong xã hội. Vì vậy, ngày càng có nhiều người, trong đó cả các vị lãnh đạo, không biết chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Trong khi, ở nước ngoài, việc chủ tịch công ty từ chức khi “lính” của mình làm sai, bộ trưởng từ chức khi có vụ tai nạn lớn, tham ô, tham nhũng trong ngành mình quản lý, như là điều hiển nhiên, thì ở ta, việc một thầy giáo từ chức khi học sinh bị đánh hội đồng là một chuyện lạ, chuyện hiếm.
Tôi thì nghĩ, việc cha mẹ, thầy cô dành thời gian, tâm sức giáo dục cho con em mình biết chịu trách nhiệm với chính mình, với vị trí mình đảm nhận quan trọng hơn việc ngồi đó vặn vẹo nhau từng câu chữ. Nên nhớ, trẻ con tuyệt đối không có suy nghĩ giống chúng ta, nhưng nó sẽ bị ảnh hưởng, nếu người lớn khăng khăng rằng điều nào đó đúng.
Cũng cần thay đổi suy nghĩ rằng, quyền lực là cái xấu. Chúng ta phải nhìn thẳng thắn vào hiện thực để thấy rằng, ở bất cứ tổ chức nào cũng cần lãnh đạo, và quyền lợi cũng như nghĩa vụ của lãnh đạo phải cao hơn người bình thường. Vấn đề của đám đông là, họ có đủ hiểu biết để chọn ra cá nhân xứng đáng làm lãnh đạo hay không. Cá nhân nhận trách nhiệm lớn có ý thức rõ về nghĩa vụ đi kèm quyền lợi của mình hay không.
Nếu hiểu được như vậy, thì người lớn sẽ định hướng cho trẻ hiểu, khi nhận một chức vụ, đồng nghĩa em phải làm đúng trách nhiệm của chức vụ đó, vì bên cạnh quyền lực thì trẻ phải có sức ép lớn tương đương về nghĩa vụ của mình.
Tôi cho rằng, một đứa trẻ thích làm tổng thống không phải là điều xấu, tương tự một đứa trẻ thích làm chủ tịch hay lớp trưởng cũng đáng hoan nghênh. Nhưng một đứa trẻ muốn làm công nhân, hay tài xế không phải là kém cỏi, tương tự một em nhỏ không thích làm lớp trưởng cũng không phải là em thiếu năng lực. Nên hãy làm trẻ hiểu những điều đó, rồi động viên để các em lựa chọn điều mình thực sự muốn.
Trong chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, cậu bé Bờm (con diễn viên Trần Lực) nhỏ con nhất đoàn, nhưng cậu khá nhí nhố và có nhiều phát ngôn “bá đạo”. Chúng tôi bèn giao cho cậu làm chỉ huy với chức vụ “tiểu đội trưởng”. Chúng tôi nhắm vào cậu, đưa cậu lên để cậu biết mình có quyền lực thì mình cũng có trách nhiệm tương đương như vậy. Và như khán giả đã thấy,“cu Bờm” (cách gọi yêu của các bố trong chương trình – PV) đã phát triển vượt bậc về mặt tâm lý và cả mặt hành vi sau khi được giao chức vụ này.
Ở nhà tôi, ngoài hai đứa con, gia đình tôi còn có các cháu ở cùng. Tôi giao trách nhiệm đứa lớn chăm sóc, coi chừng đứa nhỏ, đứa nhỏ phải nghe lời đứa lớn hơn. Đó là mô hình quản lý hoàn toàn bình thường của xã hội, khi trẻ ý thức được trách nhiệm của mình sẽ ngoan hơn nhiều.
Khi chúng ta nhìn sự việc với con mắt săm soi, xét nét, thì cái gì cũng có vấn đề. Nhưng nếu chúng ta nhìn mọi việc với ánh nhìn tích cực mang tính xây dựng, chắc chắn bạn sẽ thấy cuộc sống rất dễ chịu.
Tôi có một người bạn, hai bố con anh ấy gọi nhau bằng anh em, ban đầu tôi thấy rất buồn cười, nhưng là việc cá nhân tôi không dám bình luận. Sau này khi quen nhau nhiều hơn, tôi thấy cách hai bố con họ gọi nhau rất dễ thương, và mọi nguyên tắc quy củ trong gia đình anh ấy vẫn đàng hoàng đâu ra đấy. Hay tôi biết những cặp tình nhân gọi nhau bằng “ấy” với “tớ” cũng rất thân mật. Hay như việc chúng ta gọi con cái là cún, không có nghĩa là chúng ta ví con với… chó, hay gọi con là hổ báo, cáo, chồn không có nghĩa muốn chúng trở thành… giang hồ. Cách gọi đơn giản là việc sử dụng vỏ ngôn từ, quan trọng hơn trong cuộc sống vẫn là cách con người cư xử với nhau..
Tôi thấy người lớn đang vô tình lôi trẻ nhỏ vào thế giới phức tạp của mình, nhưng lại không đặt mình vào thế giới của trẻ. Nói đến đây, tôi lại nhớ một câu nổi tiếng: “Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ”, vì thế hãy để trẻ con tự nhiên trong cộng đồng của chúng, người lớn đừng can thiệp nhiều quá.
Nếu có thời gian, nên đọc những điều tích cực, nói những điều tích cực. Tôi thấy bây giờ đang có trào lưu rất buồn cười, tính trách nhiệm của mình trong hành vi thì không có, nhưng ngày càng có nhiều người thích áp đặt và bình luận về người khác một cách vô trách nhiệm.
Nếu người lớn cứ mải mê gieo những mầm suy nghĩ tiêu cực, thì thế hệ con em chúng ta, có gì để hy vọng rằng chúng sẽ tốt hơn?! Giáo dục là gì nếu không phải là tự mỗi người phải tự giáo dục chính mình, từ trong cách nghĩ và lối sống?!
Ca sĩ Hoàng Bách
Ảnh:
Nghệ sĩ cung cấp