Ca sĩ Hồ Quang Hiếu: Chen nhau tắm miễn phí – đâu phải do túng thiếu! - Tạp chí Đẹp

Ca sĩ Hồ Quang Hiếu: Chen nhau tắm miễn phí – đâu phải do túng thiếu!

Sao
Từng đi diễn ở khá nhiều nơi nhưng quả thật Hiếu chưa bao giờ có dịp chứng kiến một “sự kiện hy hữu” như vụ “mình bất chấp tất cả vượt rào tắm đi em” tại công viên nước Hồ Tây vừa qua. Hiếu không đồng tình, cũng không phê phán việc “vượt rào”, vì Hiếu nghĩ rằng mỗi người đều có những những lý do riêng để hành động như vậy, và tất nhiên chính họ mới là người hiểu rõ nhất việc làm đó thực sự tốt hay xấu đối với bản thân mình.

Lý do khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm, theo Hiếu, có thể là do được miễn phí nên họ cảm thấy phấn khích (dù có khi họ chẳng túng thiếu đến nỗi không mua được vé vào cửa). Thứ hai là do tâm lý đám đông, dẫn đến những hành động quá khích thiếu văn hóa nơi công cộng, như hành động đám thanh niên vây quanh cô gái bị rách bikini, dù cô gái đã loay hoay tìm cách che chắn.

Ca sĩ Hồ Quang Hiếu

Leo rào rách cả quần áo để được vào tắm miễn phí, hay cả nghìn người thi nhau chen lấn, xếp hàng cả tiếng đồng hồ để được ăn một bữa buffet miễn phí – đó không phải là chuyện túng thiếu, hay do thiếu văn hóa. Hành vi của đám thanh niên quá khích đối với cô gái trẻ trong bể bơi mới là phản cảm.

Khi hàng loạt hình ảnh và clip cảnh “vượt rào”, cùng những hành vi vô văn hóa của những thanh niên trong bể bơi được đăng tải, có những nhận xét rằng, thất vọng cho người Hà Nội. Hiếu nghĩ rằng, không phải cứ người Hà Nội, hay tỉnh thành, vùng miền nào, mà bất cứ cá nhân nào, nếu không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình cũng đều có thể dẫn đến việc xảy ra những tình trạng trên. Có văn hóa hay thiếu văn hóa phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Cho nên, việc quy chụp riêng cho người Hà Nội như thế này, như thế kia là điều không nên vì Hiếu từng có rất nhiều cơ hội được ra Hà Nội để biểu diễn thì Hiếu thấy rằng người Hà Nội rất dễ thương, hiếu khách, lịch sự và văn minh. Nếu nằm trong “sự kiện” trên chỉ là một vài cá nhân thiếu ý thức. 
        
Theo Hiếu, để tránh những trường hợp xấu, trước khi diễn ra những hoạt động có tính chất thu hút đám đông như thế này, các đơn vị tổ chức nên lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra để có cách xử lý dự phòng phù hợp. Bên cạnh đó, cũng cần có một đội ngũ bảo vệ để đảm bảo an toàn cho khách hàng, treo những bảng khuyến cáo về những sự cố có thể xảy ra và nhắc mọi người nên cảnh giác với các hành vi xấu…, để giảm thiểu những điều phản cảm xuất phát từ sự phấn khích.

 

Cảnh “vượt rào” hỗn loạn để vào tắm miễn phí ở công viên nước Hồ Tây

Xung quanh câu chuyện miễn phí, khuyến mại, cũng có nhiều tranh luận về hai mặt tốt xấu của nó. Hiếu nghĩ rằng, miễn phí và khuyến mại – đó đơn giản chỉ là một cách kích cầu và không chỉ riêng có ở ta  Có chăng ý niệm xấu hay tốt thực ra chỉ là do cách ta thực hiện nó như thế nào và nhìn nhận nó ra sao mà thôi.

Không chỉ là những dịp khuyến mại như thế này mà trong những dịp cưới hỏi, lễ hội truyền thống, biết bao vụ va chạm cũng đã xảy ra do sự quá khích. Nên chăng, nhà trường và mỗi gia đình cần chú trọng hơn những tiết học văn hóa ứng xử nơi công cộng để giúp trang bị một phần kỹ năng sống quan trọng cho các công dân tương lai. Còn một khi thói quen đã ăn vào máu là nghe chừng khó thay đổi đấy!

Ca sĩ Hồ Quang Hiếu

logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

Thực hiện: depweb

21/04/2015, 22:32