Ca sĩ Hải Triều: Người Nhật luôn nói rằng, nước Nhật không an toàn và có ý thức phòng vệ rất cao - Tạp chí Đẹp

Ca sĩ Hải Triều: Người Nhật luôn nói rằng, nước Nhật không an toàn và có ý thức phòng vệ rất cao

Sống

Sinh sống và làm việc ở Nhật Bản đã được 17 năm, ca sĩ Hải Triều đã gửi cho Tạp chí Đẹp những góc nhìn cận cảnh về vấn đề an toàn tại nước Nhật:

Trong bối cảnh một số vụ xâm hại tình dục trẻ em đang là đề tài nóng tại Việt Nam hiện nay, sự việc thương tâm của em bé người Việt bị sát hại tại Nhật làm người Việt trong nước càng hoang mang, có cảm giác như nước Nhật không an toàn. Với tư cách là một người Việt định cư tại Nhật, tôi có một vài ý kiến riêng như sau:

Các báo Việt nên bám vào bản tin gốc khi đưa tin lại

Những ngày qua, các cơ quan truyền thông tại Nhật đều đồng loạt đưa tin, cập nhật những chi tiết mới nhất về sự việc đau lòng của em bé người Việt. TheoTokyo Reporter, sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi, cảnh sát tỉnh Chiba xác nhận em bé qua đời có thể do ngạt thở, có vết thương tìm thấy ở cổ và mặt.

Tôi theo dõi vụ án, đọc tất cả các bản tin mới nhất và tính đến thời điểm hiện tại là ngày 31/3, chưa thấy một tờ báo chính thống hay bản tin nào nói là cháu bé có dấu hiệu bị xâm hại. Trong khi đó, một số tờ báo tại Việt Nam không hiểu dựa theo nguồn tin nào đã tự ý thêm thắt chi tiết này để câu view, làm người đọc hoang mang…

Tôi nghĩ, gia đình và người thân cháu bé đã đủ bất hạnh, chỉ một bài báo đưa tin sai như thế sẽ làm gia đình họ thêm đau khổ. Cứ tưởng tượng con cháu mình bị như vậy, không ai có thể cầm lòng được. Nếu đưa lại tin, chỉ nên bám sát các bản tin gốc của các tờ báo chính thống để đăng tải là tốt nhất. Nên theo trình tự, phía Nhật điều tra và công bố tới đâu, thì nên đưa lại chính xác như thế. Người Việt trong nước hiện tại ai cũng có thể truy cập các thông tin trên internet, nhưng không phải ai cũng biết tiếng Nhật, có thể lựa chọn thông tin và klểm chứng thông tin đa chiều.

haitrieu
Ca sĩ Hải Triều đã sống và làm việc ở Nhật Bản 17 năm

Nước Nhật có an toàn không?

Trên thế giới không có một quốc gia nào an toàn tuyệt đối. Theo tôi, Nhật là một quốc gia an toàn. Mặc dù vậy, người Nhật luôn nói rằng, nước Nhật không an toàn và họ luôn có ý thức phòng vệ rất cao.

Trên thế giới không có một quốc gia nào an toàn tuyệt đối cả. Một số nước ở châu Âu vốn được coi là rất an toàn thỉnh thoảng vẫn có một số vụ án làm chấn động cả thế giới. Thực tế, ở VIệt Nam có loại tội phạm thế nào, thì ở Nhật cũng có những loại tội phạm như thế, thậm chí còn tinh vi hơn, nhưng không nhiều.

Theo tôi, Nhật là một quốc gia an toàn. Mặc dù vậy, người Nhật luôn nói rằng, nước Nhật không an toàn và họ luôn có ý thức phòng vệ rất cao.

Trẻ em Nhật có thật sự an toàn khi tự đi học?

Nói chung là an toàn. Người Nhật họ coi trọng việc đào tạo “vốn” con người. Họ luôn coi trẻ em là trụ cột, tương lai của đất nước. Mọi người cùng hợp tác để tập cho trẻ con tính tự lập từ nhỏ, hướng dẫn cho trẻ con tự làm những công việc tương ứng với độ tuổi của các em. Nói là tự lập, được phát triển tự nhiên, nhưng sự tự do, tính tự lập đó được cho phép trong phạm vi có sự theo dõi chặt chẽ của cha mẹ, nhà trường, các nhân viên tình nguyện và chính quyền…

Ở Nhật, mọi người cùng hợp tác để tập cho trẻ con tính tự lập từ nhỏ, hướng dẫn cho trẻ con tự làm những công việc tương ứng với độ tuổi của các em; … nhưng sự tự do, tính tự lập đó được cho phép trong phạm vi có sự theo dõi chặt chẽ của cha mẹ, nhà trường, các nhân viên tình nguyện và chính quyền…

Cụ thể, việc đưa đón các em đi học thường được phối hợp tổ chức rất chặt chẽ giữa nhà trường, chính quyền địa phương và hội phụ huynh. 1 hoặc 2 tháng trước khi các cháu vào học tiểu học, các phụ huynh có nghĩa vụ phải tham gia một số cuộc họp.

Trước tiên, người ta tổ chức một buổi gặp mặt để những em học lớp trên và các bé sắp vào học làm quen nhau. Mọi người cùng nhau bàn bạc việc sắp xếp ai sẽ tập trung ở đâu, mấy giờ, các anh chị lớp trên nào có trách nhiệm dẫn đi. Người ta cũng thảo luận phân công, chia lịch cho phụ huynh, các tình nguyện viên trực ở các nút giao thông hướng dẫn các em qua đường…

Có nơi còn mời cảnh sát phụ trách giao thông đến hướng dẫn cách qua đường, thậm chí còn tổ chức đi thử trước khi các cháu lớp 1 chính thức đi học…

Ngoài ra, ở Nhật trường tiểu học rất nhiều, hầu hết đường từ nhà đến trường không xa lắm và để đảm bảo an toàn trong khi đi lại, học sinh phải đi theo đường đã quy định, gọi là “Tsugakuro (Đường đi học)”. Nhìn chung, đây là những con đường an toàn mà trường đã chọn lựa cho học sinh.

Thêm vào đó, trẻ con được lưu ý về các cửa hàng hoặc địa điểm công cộng trên đường có thể dùng làm nơi trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp, Một số được đánh dấu với biển “kodomo 110-ban” (Tạm dịch là Ngôi nhà bảo vệ trẻ em). Trẻ con vào trốn ở đó sẽ được bảo vệ cho đến khi cảnh sát đến.

Có nên cho trẻ em Việt Nam tự đi đến trường không?

Điều này rất khó nói, vì điều kiện của Nhật Bản và Việt Nam quá khác. Tại Việt Nam, trường học quá ít so với Nhật Bản, đường xá lại nguy hiểm, trên đường đi học, hầu như các em chưa có một sự bảo vệ nào được tạo ra từ chính quyền, nhà trường hay khu phố cả. Có cháu còn tự đi học một mình rất xa, ở các vùng cao còn có các cháu tự mình vượt sông, vượt suối đi học…

Hiện nay, ở Việt Nam tôi thấy có nhiều phụ huynh đưa đón con đi học và tôi nghĩ đây là cách tốt nhất hiện nay, nhất là đối với trẻ em thành phố. Vì không còn cách nào khác. Việc để con cái tự mình đi học không có nghĩa là các cháu sẽ có khả năng tự lập được, mà tính tự lập được hình thành từ nhiều yếu tố. Môi trường giáo dục gia trong gia đình, nhà trường, xã hội…

Tôi nghĩ, vì ngưỡng mộ cách giáo dục của người Nhật, rồi tự nhiên hứng lên, cha mẹ để các cháu phải tự mình đi học trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay thật là nguy hiểm, nhất là ở các thành phố xe cộ đông đúc. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, mặc dù điều kiện tại Việt Nam chưa cho phép tất cả các nơi làm theo cách của người Nhật, nhưng nên học hỏi và áp dụng dần theo cách của người Nhật đang làm, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng thành phố.

Thực hiện: depweb

31/03/2017, 08:32