Nổi tiếng với những ca khúc Latin sôi động cùng những điệu nhảy kiểu di-gan hoang dã, nữ ca sĩ Đoan Trang định hình phong cách ăn mặc phóng khoáng với những bộ trang phục rộng rãi cùng phụ kiện to bản độc đáo. Có lẽ, những ai mê đắm giọng ca đầy nội lực của nữ ca sĩ có biệt danh Socola chắc hẳn không thể nào quên hình ảnh cô diện trang phục truyền thống, mái tóc rẽ ngôi giữa, búi cao giản dị từ trên màn ảnh đến ngoài đời thực. Sau hơn 2 thập kỷ hoạt động nghệ thuật, tình yêu dành cho thời trang truyền thống của Đoan Trang vẫn không bao giờ thay đổi.
Tính đến thời điểm hiện tại, phong cách dân gian đương đại phần nào đã được phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, ở thời của chị, cách đây khoảng hơn 20 năm, đây có lẽ vẫn còn là một khái niệm lạ lẫm. Vậy tại sao chị lại chọn phong cách này thay vì những xu hướng thời đó, như Y2K chẳng hạn?
Thật ra, niềm đam mê dành cho thời trang truyền thống của tôi đã chớm nở từ khi còn nhỏ. Những năm còn học cấp 1, cấp 2, trong khi những người bạn cùng trang lứa mặc theo sự lựa chọn của phụ huynh với những bộ đồ đúng kích cỡ, vừa vặn thì tôi đã ý thức được việc kết hợp trang phục sao cho bản thân trông thật nổi bật và khác biệt. Ở nhà, tôi thường lén lấy đồ của mẹ và chị, dù size lớn hơn khổ người của mình, để quấn hoặc cột, tạo thành kiểu xộc xệch, rộng thùng thình. Tôi nghĩ đó là điều rất thú vị và phá cách so với cách mặc đồ vừa vặn cơ thể của những bạn bè đồng trang lứa.
Đến khi 12 – 13 tuổi, tôi bắt đầu mê mẩn những đôi guốc mộc đế cao, quai nhung của mẹ và chiếc quần nhung ống rộng của bà. Đặc biệt, mốt tóc thời đó là uốn xoăn hoặc cắt tém nhưng tôi vô cùng thích những búi tóc cao của các bác trong xóm. Lúc đó, tôi chỉ ước được lớn thật nhanh để mang vừa đôi guốc mộc, mặc vừa chiếc quần satin và có mái tóc thật dài để búi cao như họ thôi (cười).
Sở thích hồi nhỏ đó của chị có còn hiện diện trên phiên bản Đoan Trang hiện tại không?
Chính xác. Sở thích đó vẫn hiện diện ở phiên bản Đoan Trang hiện tại. Tới bây giờ, tôi vẫn thích mặc những thiết kế mang đậm dấu ấn truyền thống của người phụ nữ Việt như quần nhung, quần satin, áo bà bà và guốc.
Dù theo đuổi dòng nhạc Latin sôi nổi, hoang dã nhưng phong cách thời trang của chị lại vô cùng nữ tính và giản dị. Sự đối lập này xuất phát từ đâu, thưa chị?
Thật ra, sự đối lập đó đã nói lên phần nào cá tính của tôi. Nhìn bề ngoài, tôi có thể là một người phụ nữ truyền thống, nhẹ nhàng và nữ tính. Thế nhưng bên trong, tôi là một người tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng. Nếu khán giả để ý kỹ thì có thể nhận ra tôi luôn duy trì mái tóc đen dài của mình suốt hơn 20 năm làm nghệ thuật. Dù đã từng thử cắt, tạo kiểu và nhuộm nhưng tôi cảm thấy tóc đen mới chính là “chân ái”. Đối với tôi, mái tóc còn hơn cả những món phụ kiện xa hoa. Không cần tạo kiểu cầu kỳ, mái tóc thẳng được rẽ ngôi giữa hoặc búi sau gáy giúp tôi hoàn thiện phong cách thời trang dân gian đương đại. Tất cả những điều đó đều xuất phát từ tình yêu của tôi dành cho vẻ đẹp thanh thoát và duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Gọi chị là một tín đồ trung thành của thời trang dân gian đương đại liệu có đúng không?
Có lẽ đúng là như vậy (cười)! Tôi chưa bao giờ ngừng đam mê thời trang, nhất là phong cách dân gian đương đại. Đối với tôi, mặc đẹp không khó nhưng nó chỉ dừng lại ở cảm giác thỏa mãn “giao diện” bên ngoài. Thời trang cũng là một loại ngôn ngữ. Tại sao chúng ta không dùng ngôn ngữ đó để khẳng định bản thân và truyền tải nhiều thông điệp thông qua sự lựa chọn trang phục? Được mặc những thiết kế mang đậm dấu ấn Việt đến nhiều nơi trên thế giới là điều khiến tôi tự hào nhất. Tôi còn nhớ trong chuyến du lịch đến Paris, Thụy Điển hay các nước châu Âu, tôi đã từng diện một chiếc áo khoác dài bằng gấm dệt thủ công với đường nét màu sắc tinh hoa và được nhiều người ngoại quốc hỏi thăm. Tôi vô cùng hãnh diện vì được khoe với họ rằng đó là trang phục của quê hương tôi – Việt Nam.
Có điều gì luôn khiến chị ấn tượng khi khoác lên người các thiết kế chứa đựng một phần di sản văn hóa truyền thống nước Việt không?
Đó là chất liệu Việt Nam. Nước ta có nhiều làng nghề dệt vải truyền thống như làng dệt thổ cẩm A Lưới (Thừa Thiên Huế), làng dệt lụa Lãnh Mỹ A Tân Châu (An Giang), làng lụa Mã Châu (Quảng Nam)… Việc tìm về chất liệu truyền thống của các NTK Việt hiện nay được xem là câu trả lời giải quyết bài toán kinh tế bền vững nói chung và xây dựng nền móng thời trang thân thiện với môi trường nói riêng. Mỗi lần mặc trang phục Việt Nam với chất liệu thuần Việt tinh tế và trau chuốt, tôi cảm thấy vô cùng tự hào.
Được biết, chị vừa thực hiện một bộ ảnh thời trang với BST “Dệt Nắng” của NTK Đức Hùng. Điều gì ở bộ sưu tập đã thôi thúc chị phải cho ra đời bộ ảnh này?
Bộ sưu tập đó thật sự quá đẹp! Khi được chiêm ngưỡng các thiết kế của “Dệt Nắng” tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế diễn ra ở Hà Nội vào cuối năm 2022, tôi không thể giấu niềm phấn khích trước cách phối màu color-block và cấu trúc vải cứng – mềm (chần bông – lụa rũ hoặc nhung the) độc đáo của NTK Đức Hùng. Hơn hết, bộ sưu tập này còn đặc biệt ở chỗ nó được ứng dụng kỹ thuật chần bông truyền thống của miền Bắc và thêu tay hoa văn muông thú (chuồn chuồn, vẹt, cá…) vô cùng tỉ mỉ. Vì quá mê vẻ đẹp tinh xảo đến từng chi tiết của “Dệt Nắng” nên tôi đã ngỏ lời mượn trang phục để thực hiện ngay một bộ ảnh cho mình. Anh Hùng đã đồng ý ngay lập tức và gửi vào Sài Gòn nguyên một bao tải đồ to gồm hơn chục váy áo chần bông cho tôi.
Như vậy, điều đó chứng tỏ tình bạn của chị và anh Đức Hùng rất thân thiết dù cả hai hoạt động ở hai lĩnh vực khác nhau và sống cách biệt tại hai miền Nam-Bắc.
Đúng vậy. Hai anh em đã biết nhau từ rất lâu, chắc cũng gần… 20 năm rồi. Anh Đức Hùng giống như một người anh lớn trong nghề vậy. Những năm đầu sự nghiệp ca hát, tôi là nghệ sĩ tiên phong diện trang phục ngoại cỡ. Lúc bấy giờ, khán giả Việt chưa mấy quen thuộc với cách phối đồ đó của tôi nên nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Chính anh Đức Hùng là người đầu tiên lên tiếng bảo vệ tôi mặc dù anh là một nhà thiết kế hoạt động ở Hà Nội, trong khi tôi là ca sĩ đang được công chúng quan tâm nhiều sau cuộc thi Tiếng hát truyền hình. Tôi vô cùng cảm kích anh vì điều đó. Cho tới tận bây giờ, hai anh em vẫn giữ liên lạc. Mỗi lần có dịp thăm Hà Nội, cả hai đều ngồi lại trò chuyện với nhau hoặc hợp tác qua những buổi talkshow nên tình bạn giữa chúng tôi vô cùng khăng khít.
Fashion: Đức Hùng
Art Director: Cao Trung Hieu
Photo: Ky Anh
Stylist: Thuận Từ
Make up: Dũng Phan
Accessories: Pu by Phuong Tong
Assistant: Minh Anh, An Hoài
Producer: Anh Duc Pham