Ca nhạc thời ì-ven

Chính thức gia nhập thị trường ca nhạc Việt từ 3 năm trước, ban đầu nho nhỏ và âm thầm trong các "hội nghị khách hàng" thường tổ chức tại một vài sảnh khách sạn với "khán giả người nhà" số lượng hạn chế, đến nay bùng nổ thành "đại dịch ì-ven" (event) chiếm lĩnh gần như toàn bộ sân khấu ca nhạc lớn từ truyền hình tới nhà hát và ra sân vận động. Ca nhạc thời ì-ven, những chuyện biết rồi nói mãi mà nói vẫn không hết.

Live show thời ì-ven

Nếu như vào giờ chót, Samsung không gật đầu thì live show Mỹ Linh xuyên Việt 2006 trong tháng 11 này chắc sẽ phải tiếp tục hoãn như nó đã từng hoãn đi hoãn lại với nhiều lý do được chính thức đưa ra, song sự thực thì chỉ có một: chưa có nhà tài trợ.  

Ngoài khoản tiền tài trợ chiếm tới hơn 50% tổng chi phí cho chương trình, Samsung còn bao thầu phần lớn lượng vé phát hành khiến cho đêm diễn duy nhất tại TP.HCM (Nhà hát Hòa Bình) bán hết hầu như toàn bộ số vé dưới nhà trước cả khi live show được chính thức loan báo! Và dĩ nhiên, cơ hội dành cho các fan âm nhạc thực sự của giọng ca này sẽ phải thu hẹp lại.

Không có may mắn như đàn chị, cả “công tử nhạc trữ tình” Quang Dũng lẫn chàng trai được yêu thích nhất tại Sao Mai điểm hẹn 2004 Kasim Hoàng Vũ đều phải hủy bỏ live show dự định vì chưa kiếm được “cái gật đầu” cần thiết. Quang Dũng bỏ live show lẽ ra đã tổ chức tại Nhà hát Thành phố để chuyển sang hình thức đi tour diễn miễn phí cho học sinh sinh viên (như năm vừa qua Mỹ Tâm đã thực hiện) cho phù hợp với yêu cầu của nhà tài trợ.

Kasim lẽ ra đã thực hiện live show đầu tiên của mình từ tháng 9 nhưng nếu không chấp nhận dạng live show lồng ghép trong một “event” của nhà tài trợ thì đành phải ngậm ngùi xếp lại kế hoạch live show trong năm nay cho dù anh đã được chọn làm gương mặt đại diện của một thương hiệu lớn (Pepsi).

Bất ngờ nhất và đáng tiếc nhất trong mùa ca nhạc sôi động cuối năm là live show Làn sóng xanh 2006 – cuộc chơi quy tụ hàng năm lực lượng đông đảo nhất các ngôi sao ca nhạc đang “nóng sốt” trên thị trường, lần đầu tiên trong “lịch sử” 9 năm hoạt động, phải hủy bỏ (sẽ chỉ có buổi công bố và trao giải) vì lý do “đầu tiên”.

Thật ra thì Làn sóng xanh cũng có nhận được đề nghị từ một nhà tài trợ, song để nhận được khoản tiền 2 tỷ đồng, live show Làn sóng xanh phải chấp nhận “bán mình”: 2 tỷ đồng là cái giá mua trọn gói chương trình (nhà tài trợ lấy toàn bộ vé) và bắt buộc phải thực hiện tại Hà Nội – thị trường chiến lược của hãng này (bất chấp Làn sóng xanh là Top Ten ca nhạc được bình chọn tại khu vực phía Nam, chủ yếu là TP.HCM).

Không muốn bỏ thị trường khán giả chính, và quan trọng, không lấy đâu ra khoản bù lỗ chi phí dàn dựng chương trình nếu thực hiện tại Hà Nội (có thể lên gấp rưỡi tới gấp đôi khoản tài trợ), live show Làn sóng xanh đành lỗi hẹn 1 năm kèm theo lời hứa “đền bù” cho live show kỷ niệm 10 năm vào năm 2007 (tuy nhiên mọi chuyện phải gần đến nơi mới biết). Những người thực hiện Làn sóng xanh không muốn bị rơi vào cảnh bù lỗ tới 600 triệu cho một đêm diễn như Phương Thanh đã “quyết chơi” trong live show của mình hồi tháng 5. 

Trong tình cảnh thắc thỏm chờ tài trợ, các live show hoàn toàn bị động, nên ý nghĩa và tác động của nó đối với việc lăng xê, quảng bá cho nhân vật chính cũng bị triệt tiêu nhiều phần. Việc có được những live show được ấn định và quảng bá trước khi diễn cả năm trời như các ngôi sao quốc tế gần như là chuyện không tưởng. Chuyện ngược đời, ngược logic vẫn đang diễn ra là live show thường được giữ kín thông tin đến gần thời điểm diễn ra, vì thông báo trước thường… không bước được qua !
 
Ngôi sao thời ì-ven

Trước khi có thời đại ì-ven, thế giới các ngôi sao ca nhạc chỉ chia ra làm hai. Một là những ngôi sao của các chương trình lớn, các sân khấu ca nhạc “chính thống”. Hai là các ngôi sao tụ điểm và sân khấu ca nhạc bình dân.

Một đằng được báo chí và dư luận thay nhau tung hứng, một đằng âm thầm ít được để ý và dòm ngó, song vị thế trong từng giới không khác nhau là bao, thậm chí thu nhập đều đặn của ngôi sao loại thứ hai chẳng thua kém, thậm chí có thể còn hơn cả những ngôi sao loại thứ nhất, chưa ai dám chắc giữa Ngọc Sơn và Mỹ Tâm ai bán đĩa chạy hơn ai, ai đắt show hơn ai…

Thời đại ì ven nở thêm ra thế giới thứ ba: thế giới những ngôi sao ì-ven. Trong lúc các ngôi sao lớn mải mê lo những live show và chương trình lớn còn những ngôi sao bình dân mải đi diễn các tụ điểm và đi tỉnh thì những ngôi sao ì- ven nhẹ nhàng leo lên vị trí của họ “vừa ấm” (vì thu nhập cao) lại “vừa êm” (dư luận không ai để ý tới). Cuối năm ngoái, trước sự trở lại khá ấn tượng và cấp tập của cô ca sĩ xinh đẹp, đạo diễn Huỳnh Phúc Điền đã lật bài ngửa dự đoán: năm 2006 sẽ là năm của Hiền Thục. Tuy nhiên, hiện tại anh thấy mình đã lầm một chút, và phải chỉnh lại: Năm 2006 là năm của “ngôi sao ì-ven” Hiền Thục. Vẫn không leo được lên thứ hạng cao trong làng ngôi sao chính thống, nhưng trong làng ì-ven, Hiền Thục thật sự là sao hiểu theo nghĩa cô là ca sĩ đắt hàng ì-ven nhất. Trước Hiền Thục, một ca sĩ khác lặn ngụp mãi chưa lên sao được nhưng cũng là sao ì-ven: Thu Minh. Thêm một gương mặt xinh đẹp nữa cũng nhanh chóng được phong sao trong thế giới thứ ba này là Hồ Ngọc Hà.

Muốn trở thành sao ì-ven, tối quan trọng là vóc dáng (tất nhiên là bên cạnh một chất giọng đẹp, một phong cách sang trọng – nhưng không cần đòi hỏi quá cao, quá ấn tượng và cá tính). Và làm việc với các chủ ì-ven chứ không phải là các biên tập âm nhạc, nên muốn có nhiều lời mời, các sao này cũng cần phải dễ chịu, đặc biệt là ở khoản thù lao. Năm nay Hiền Thục qua mặt Thu Minh để trở thành sao đắt hàng ì-ven nhất, theo nhận xét của nhiều người, là bởi Thục “linh hoạt”, “mềm dẻo” hơn về cát sê. Nếu so về độ chót vót của cát sê ì-ven thì Hiền Thục không bì nổi với Mỹ Tâm, ngôi sao được xem là hiện có mức thù lao cao nhất hiện nay: 43 triệu đồng/chương trình, nhưng so độ dày show thì Tâm phải chào thua Thục.

Từ khi có thế giới thứ ba này, nó còn can thiệp trắng trợn vào hai thế giới ngôi sao kia theo kiểu của nó: kiểu độc quyền ngôi sao, cát cứ chương trình. Đã hết thời đạo diễn và biên tập âm nhạc được thỏa thuê chọn “chất liệu” (ca sĩ, ca khúc) theo ý tưởng của mình, vì “chất liệu” này được qui định bởi các nhà ì-ven.

Chương trình New Pop hôm 21/10 mới đây tại SVĐ Quân khu 7 (TP.HCM), hãng xe máy Nhật đã chính thức phong tặng ngôi sao ì-ven Yamaha cho nữ rocker Minh Thư. Tương tự Mỹ Tâm đại diện của Honda, Hiền Thục “kết” Suzuki…, Thư sẽ có cơ hội xuất hiện liên tục trong các chương trình của Yamaha, do Yamaha tài trợ, dồng thời cô cũng mất luôn cơ hội xuất hiện trong các sự kiện tương tự do Honda hay Suzuki tài trợ – hiển nhiên rồi khi ba “anh” xe máy này là đối thủ trực tiếp của nhau.

Trước đây, hai người bạn Phương Thanh, Lam Trường cũng từng phải “chia tay” trong một chương trình khi vô tình trở thành gương mặt quảng cáo cho hai nhãn hiệu nước uống địch thủ. Thế nhưng, thời kỳ dày đặc ì-ven hiện nay, chuyện cát cứ sao theo kiểu ì-ven như thế này mới đậm đặc như… nước xả Downy. 
 
Bao giờ cho đến tháng Mười

Live concert vòng quanh châu Á 2007 của Bi-Rain họp báo công bố chính thức từ trước đó gần 3 tháng. Ở mỗi nơi tour diễn đi qua, như tại Thái Lan hồi đầu năm nay đã có 9 nhà kinh doanh nội địa nhảy vào tài trợ.

Show diễn của Bi tại TP.HCM dự kiến vào 3/3/2007, tương tự, đã “book” lịch trước khi nhà tài trợ được xác định. Bi không chờ các nhà tài trợ mà ngược lại, các nhà tài trợ đang chờ lịch diễn của Bi. Và khán giả thì chờ đợi những điều bất ngờ, kỳ diệu sẽ được Bi mang đến trong live show được đầu tư cực lớn này. Đấy chỉ là một ví dụ của một ngôi sao và công nghệ biểu diễn của “người ta”, một giấc mơ xa xôi của các ngôi sao Việt?


From the same category