Ca phẫu thuật ghép gan gồm 37 người tham gia, trong đó 21 phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, kỹ thuật viên của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM và 16 phẫu thuật viên, nhân viên gây mê hồi sức, điều dưỡng của Bệnh viện ASAN (Hàn Quốc).
Các bác sĩ đang tách phần gan của người nhận (ảnh chụp qua màn hình tivi sáng 12-10) – Ảnh: Minh Đức
Đúng 7g ngày 12-10, các bác sĩ đã tiến hành gây mê cho bệnh nhân và 8g50 bắt đầu phẫu thuật.
Ca mổ được chia thành hai ê kíp phẫu thuật. Một ê kíp cắt gan từ người con, một ê kíp cắt bỏ toàn bộ gan xơ của người mẹ, sau đó tiến hành ghép gan của con cho mẹ.
Đến 15g50, gan phải của người con đã được lấy ra (65% thể tích gan), sau đó các bác sĩ bơm rửa, tái tạo lại trong 55 phút. Gan của người con được các bác sĩ nhận xét rất tốt. Tỷ lệ mỡ trên gan chỉ là 2%, trong khi tiêu chuẩn mỡ trên gan của người cho gan để ghép không vượt quá 30%.
Trong khi đó, người mẹ cũng được các bác sĩ cắt bỏ hết lá gan bị xơ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phát hiện người mẹ có 3 lá lách, trong đó có một lá lách phụ. Tỷ lệ người có lá lách phụ là 1/100.000 người dân. Cả 3 lá lách này đều đã bị cường lách (biến chứng của xơ gan) nên đã được cắt bỏ, nếu không cắt bỏ sẽ tiếp tục hủy hồng cầu và bạch cầu.
Ngồi từ phòng truyền hình trực tiếp ca mổ, bác sĩ Trần Minh Thông, trưởng khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Chợ Rẫy, nhắn ê kíp mổ cho 3 lá lách vào túi để đem giải phẫu bệnh xem vấn đề cường lách của bệnh nhân này như thế nào.
Gần 17g, gan của người con đã được nhân viên y tế cho vào bao ni lông, lấy đá phủ lên và mang sang phòng mẹ.
Chia sẻ thông tin qua phòng truyền hình trực tiếp của Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi hàng chục bác sĩ đang ngồi theo dõi ca mổ, PGS.TS Nguyễn Tấn Cường, trưởng khoa Ngoại Gan-Mật-Tụy Bệnh viện Chợ Rẫy, từ phòng mổ, nhận xét ca phẫu thuật gặp nhiều thuận lợi. Cả bệnh nhân cho gan và bệnh nhân nhận gan đều ít bị chảy máu. Điều này sẽ tạo thuận lợi trong quá trình hậu phẫu. Ngoài việc sử dụng dao mổ cusa, theo bác sĩ Trần Minh Thông, việc bệnh nhân ít bị chảy máu còn do đường cắt và đường khâu của các bác sĩ rất chuẩn.
Ông Diệp Bảo Hà (phải), chồng của người nhận gan và cha của người cho gan, cám ơn các bác sĩ trong ê kíp ghép gan (Ảnh chụp lúc 21g15 tối 12-10) – Ảnh: Minh Đức
Khoảng 20g, người con trai đã tỉnh táo, nói chuyện được. Các bác sĩ đã đưa người cha và người dì vào thăm.
Hơn 22g, ca phẫu thuật ghép gan hoàn thành. Các bác sĩ đã đánh giá bước đầu ca mổ thành công khi sau khi ghép gan của con cho mẹ, gan hồng hào, mạch máu tốt.
Bệnh viện đã chuẩn bị cho ca mổ này 100 đơn vị máu, 100 đơn vị huyết tương, 60 khối tiểu cầu nhưng cả cuộc mổ người con không cần phải truyền máu, người mẹ được truyền 7 đơn vị máu, 6 đơn vị huyết tương và 6 khối tiểu cầu. Một số lượng rất ít so với dự đoán ban đầu. Các bác sĩ cho biết cả 2 bệnh nhân sẽ được bệnh viện chăm sóc, theo dõi tại đây trong những ngày tới.
Theo Tuổi trẻ