Cảm động với trang văn cậu bé 14 tuổi viết về người bạn nghèo Tết trung thu 110 năm trước

Bài viết nhắc về một cậu bé tên Cõn, con một bà ăn mày hàng ngày đi xin ăn. Nhưng hôm nay, trong không khí Tết trung thu nhà nhà sửa soạn mâm cỗ linh đình, trẻ con nô nức với đồ chơi trên tay, cậu bé 14 tuổi thấy rằng:

“Duy chỉ có thằng Cõn là không vui…

Chớ thằng Cõn là con nhà ai? Nó bao nhiêu tuổi?                 

Thằng Cõn là con mụ ăn mày, năm nay nó mới lên 6 tuổi.

Nhà nó ở đâu? Năm nay ở tam quan nọ! Mãi ở cửa đình kia. Đất làm giường, manh chiếu rách làm chăn. Áo không có, quần không có, chỉ có mụn tã để tối quàng vai cho đỡ lạnh. Cơm không có, bánh không có, họa chăng thỉnh thoảng ai cho miếng cháy khô nhá đỡ đói lòng. Ngày ngày con dắt mẹ lòa đi kêu từng cửa, 10 cửa họa may được một đồng tiền. Mọi khi xin còn dễ, nhà nào ăn còn thừa xương xẩu, còn nhớ đem cho. Mấy hôm nay, đâu đâu cũng bận. Nhà dọn bàn độc, nhà bầy đồ chơi. Và tiếng trống tiếng cười, lấp mất tiếng kêu thằng ốm đói. Tay cầm gậy dắt mẹ, miệng lậy van ông bà, mắt thỉnh thoảng nghé qua lũ đồng niên, đương lôi voi dắt ngựa. Nước mắt ứa hai hàng, miệng nuốt nước rãi.

Các anh em ơi, lúc ta bầy đình bầy chùa, có ai nghĩ đến phận thằng Cõn không.”

Mâm cỗ trung thu cổ truyền được tái dựng tại Thu Vọng Nguyệt.
Mâm cỗ trung thu cổ truyền được tái dựng tại Thu Vọng Nguyệt.

Đó là một phần bài luận của cậu học sinh Nguyễn Văn Xuân, trường Đông Kinh Nghĩa Thục (đăng trên Đăng Cổ Tùng Báo -cơ quan ngôn luận của trường, năm 1907) được ban tổ chức Thu Vọng Nguyệt trích đọc giữa lúc khán giả đang thưởng trà, hưởng nhạc trong sân Thái Học. Câu chuyện thằng Cõn đánh thức lòng trắc ẩn, tình yêu thương những người bạn đồng niên, một lần nữa được nhắc nhớ sau hơn 100 năm, trong không khí đoàn viên của nhiều gia đình.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, con người luôn có mưu cầu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc cốt lõi của tuổi thơ chỉ có hai yêu cầu cơ bản: được chơi và được học. Vì thế, mâm cỗ trung thu đề huề hoa trái, bánh kẹo còn có hình ảnh ông tiến sĩ giấy như sự nhắc nhở về mong ước trẻ con được học hành đầy đủ, thành tài. Nhưng, câu chuyện về thằng Cõn còn nhắc chúng ta rằng, tinh thần cốt lõi trong giáo dục của trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa chính là tình yêu thương con người. Điều ấy, cần phải giữ lại và trao truyền cho các thế hệ kế tiếp hôm nay.

Đáng nói, sau khi đoạn clip phát đi câu chuyện thằng Cõn dừng lại, nhiều tràng pháo tay rền vang như sự hưởng ứng đồng thanh của toàn bộ những người có mặt trong sân Văn Miếu. Đó là phần nhận được sự cổ vũ lớn nhất trong đêm hội.

Chị Hạnh Phạm, nhà tổ chức chương trình Thu Vọng Nguyệt đã dành tặng toàn bộ tiền bán vé cho Quỹ Thiện Nhân - do nhà báo Trần Mai Anh khởi dựng.
Chị Hạnh Phạm, nhà tổ chức chương trình Thu Vọng Nguyệt đã dành tặng toàn bộ tiền bán vé cho Quỹ Thiện Nhân – do nhà báo Trần Mai Anh khởi dựng.

Thu Vọng Nguyệt và sự đoàn viên ấm áp

Với mục tiêu tạo ra một sự kiện đoàn viên, Thu Vọng Nguyệt lần đầu tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã mang tới một không gian mà ở đó mỗi gia đình đều có thể cùng nhau “ôn cố tri tân” và chia sẻ những câu chuyện ngày thường vì bận rộn ít khi nhắc tới.

Được thực hiện theo cấu trúc của một lễ hội, trải dài trong không gian rộng nên ngay từ cổng chính Văn Miếu, ban tổ chức đã có “chiêu thức” hấp dẫn khách thăm quan bằng những tác phẩm tạo hình với bảng màu dân gian rực rỡ kết hợp cùng ánh sáng. Theo đó, các tích trò truyền thống như chú Cuội chăn trâu, cá chép ngắm trăng… được tái hiện để người tham dự ngay lập tức “rơi” vào những khúc đồng dao quen thuộc. Tất cả được hai nghệ sĩ Lê Thiết Cương, Đinh Công Đạt thổi thêm làn gió mới để những câu chuyện xưa trở nên gần gũi với nhịp sống hiện đại.

Không gian tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong Thu Vọng Nguyệt.
Không gian tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong Thu Vọng Nguyệt.

Với quan điểm “ai cũng từng là con trẻ”, Thu Vọng Nguyệt được kết cấu như một cuộc tìm về quá khứ của người lớn trong lễ hội dành cho con trẻ.

Không gian Thu Vọng Nguyệt gồm nhiều tầng được chia qua các lớp cổng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, như cuộc đi ngược về quá khứ, về truyền thống. Ngoài những hình ảnh gợi không khí, ở không gian thứ hai là nơi diễn ra các trò chơi truyền thống: ô ăn quan, nhảy bao bố…, được phục dựng gọi mời mọi người cùng tham gia… có thưởng.

Đặc biệt, ở khu vực sân khấu cuối cùng, mâm cỗ đoàn viên được các nghệ nhân phục dựng với đủ các món truyền thống: gỏi cá mè, chả ốc, con giống, đèn lồng, đèn kéo quân, tiến sĩ giấy và các món ăn dân giã đặc trưng ba miền: cốm làng Vòng, cóc, sấu… Thực khách được thưởng trà, cử nhạc và thưởng thức ẩm thực trong bầu không khí ấm áp. Hầu hết mỗi “mâm cỗ” đều có đủ thế hệ: người già, người lớn, trẻ con quây quần.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho rằng, xã hội hiện đại đã dần đánh mất vẻ đẹp đoàn viên thực sự trong mỗi căn nhà, vì thế Thu Vọng Nguyệt mượn thông điệp xưa để tạo ra một không gian đoàn viên cho các gia đình. Bởi vậy, ở lễ hội này, các không gian được tạo ra như một cái cớ để mỗi gia đình có dịp ngồi lại bên nhau chia sẻ những câu chuyện mà có thể từ lâu họ đã không có cơ hội kể cho nhau. “Ai cũng từng là con trẻ”, nên người lớn sẽ kể cho trẻ nhỏ về ký ức tuổi thơ với những lễ hội trông trăng trong trí nhớ cho con cái, trẻ con vừa được hòa mình trong không gian ký ức của người lớn, vừa được trải nghiệm điều đó bằng một sân chơi, trong sự chia sẻ, yêu thương của ông bà, cha mẹ.

Màn phá cỗ cuối cùng trong mỗi đêm hội được đông đảo trẻ em hưởng ứng dưới niềm vui của ông bà, cha mẹ.
Màn phá cỗ cuối cùng trong mỗi đêm hội được đông đảo trẻ em hưởng ứng dưới niềm vui của ông bà, cha mẹ.

Màn phá cỗ cuối cùng trong đêm hội đã xóa đi tất cả khoảng cách thế hệ. Mỗi người ra về xúng xính những món quà nhỏ, nhưng hân hoan niềm vui và bài học về yêu thương, chia sẻ. Nhiều bạn trẻ hẳn đã có câu trả lời về ông tiến sĩ giấy trên mâm cỗ trung thu, và nhiều người lớn không còn thấy trẻ con bây giờ khác lắm.

Và những “thằng Cõn”…. cũng được sẻ chia, vì mỗi tấm vé họ mua đều đã trở thành món quà cho những đứa trẻ không may mắn, khi ban tổ chức công bố, toàn bộ tiền bán vé được dành tặng cho chương trình Tình yêu của mẹ được thực hiện bởi Quỹ Thiện Nhân. Số tiền ấy, sau ba đêm tính được là 1.476.000.000 VNĐ.

Một mùa trung thu ấm áp đã đến và sẽ còn ở lại.

Đẹp xin đăng lại toàn bộ bài luận “Trung Thu” của cậu học trò 14 tuổi trường Đông Kinh Nghĩa Thục để giúp độc giả có một hình dung về Tết trung thu cổ truyền hơn 100 năm trước, cũng như thấy được tấm lòng một đứa trẻ giàu yêu thương:

“Giăng sáng quắc. Phố xá ngộn những người. Đây: dình, tùng, sèng; đó: dình, tùng, sèng; đầu phố một đám rước, quối phố một đám rước. Nào rồng, nào sư tử; nào cá nào thiềm thử, kéo đàn kéo lũ, như đi tắm sáng giăng (trăng) tròn.

Chỗ nọ lập trung quân; chỗ kia chăng trông quýt. Hàng Đường, Hàng Ngang, nhà nào nhà nấy đua nhau bày cỗ. Khéo gớm! Khéo ghê! Kia đu đủ gọt ra hoa sói, hoa nhài, nọ đùi gà, bầy thành Tiều phu, Lão vọng. Đèn chạy quân, đèn xẻ rãnh: Trương Phi cưỡi ngựa đi vạch thẳng; vua Thuấn cày voi chạy chữ công. Cái chạy hỏa lò, cái chạy cát; cái ghép lá nứa, cái vặn bàn tay. Hơi lửa mới biết dùng quay tán giây.

Bánh dẻo, bánh nướng, đủ các lõi bột đường; trái dừa, trái bưởi thiếu chi loài hoa quả.

Giai giai, gái gái, mặt mũi hởn hơ; chán cỗ nhà lại đi nghé cỗ người. Nhà ta khéo, nhà nó vụng; nhà ta nhiều bánh, nhà nó ít xôi.

Ngoài đường thì hai bên hè lốc nhốc những trẻ hồ khoan. Anh này thỏ cốc lêu, chị kia cá tí hon. Lũ lũ lượt lượt, bắt cái hồ khoan. Hết: mẹ bán than, đến: mẹ bán củi. Bắt cái hồ khoan!

Vui! Chá cha! Là vui! Giai vui, gái vui, nhớn vui, bé vui! Trẻ vui chưa lo nghĩ; già vui nhớ thiếu nhiên.

Duy chỉ có thằng Cõn là không vui…

Chớ thằng Cõn là con nhà ai? Nó bao nhiêu tuổi?

Thằng Cõn là con mụ ăn mày, năm nay nó mới lên 6 tuổi.

Nhà nó ở đâu? Năm nay ở tam quan nọ! Mãi ở cửa đình kia. Đất làm giường, manh chiếu rách làm chăn. Áo không có, quần không có, chỉ có mụn tã để tối quàng vai cho đỡ lạnh. Cơm không có, bánh không có, họa chăng thỉnh thoảng ai cho miếng cháy khô nhá đỡ đói lòng. Ngày ngày con dắt mẹ lòa đi kêu từng cửa, 10 cửa họa may được một đồng tiền. Mọi khi xin còn dễ, nhà nào ăn còn thừa xương xẩu, còn nhớ đem cho. Mấy hôm nay, đâu đâu cũng bận. Nhà don bàn độc, nhà bầy đồ chơi. Và tiếng trống tiếng cười, lấp mất tiếng kêu thằng ốm đói. Tay cầm gậy dắt mẹ, miệng lậy van ông bà, mắt thỉnh thoảng nghé qua lũ đồng niên, đương lôi voi dắt ngựa. Nước mắt ứa hai hàng, miệng nuốt nước rãi.

Các anh em ơi, lúc ta bầy đình bầy chùa, có ai nghĩ đến phận thằng Cõn không.”

(Nguyễn Văn Xuân – Trích: Đại Nam – Đăng Cổ Tùng Báo, trang 420 – 421)

Một số hình ảnh đẹp trong Thu Vọng Nguyệt:

thu7 thu4 thu3 thu2 thu thu-5 img_7422 img_6827 img_6663 img_6622

Lần đầu tiên sẽ có một mùa phá cỗ trung thu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Lần đầu tiên sẽ có một mùa phá cỗ trung thu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

tet-trung-thu1


From the same category