Các nhóm nghệ sĩ cùng theo đuổi một quan niệm hoặc cách làm nghệ thuật ở Việt Nam không phải mới lạ. Điển hình của điều này là các nghệ sĩ thử nghiệm. Nhưng “cố kết” bởi một sản phẩm nghệ thuật cụ thể, lại là sản phẩm mang tính đại chúng thì có lẽ “Bản nguyên” là đầu tiên.
Nhưng trước khi bóc tách về mô hình một cộng đồng nghệ thuật, cần phải dành đất cho bản thân sản phẩm âm nhạc này.
Từ “Nhật thực” tới “Bản nguyên”
Năm 2002, khi album “Nhật thực” ra mắt, giới phê bình đã gọi đó là bước ngoặt nghệ thuật của Hà Trần. Người nghe có thể lạ lẫm, tranh cãi, thậm chí… sốc với đĩa nhạc này. Nhưng thực ra không ai bất ngờ khi Hà Trần là 1 trong 3 nhân tố (cùng với nhạc sĩ Ngọc Đại và nhạc sĩ Đỗ Bảo) tạo nên “Nhật thực”.
Trong 4 diva nhạc Việt,
Hà Trần là người luôn chọn con đường gai góc nhất để thể hiện cá tính, nghệ sĩ tính (artistry) ở cô có lẽ là cao nhất. Luôn tìm tòi cách thể hiện riêng dù đó là một ca khúc nhạc nhẹ hay bản nhạc xưa đã quá quen thuộc, bản thân Hà Trần cũng khẳng định mình không chỉ muốn và biết hát.
“Nhật thực” khi đó như một cú bứt, mở toang năng lượng khám phá của nữ ca sĩ này.
Cái kết của “Nhật thực” không được đẹp… Nhưng dù thế nào, đó vẫn là một dấu ấn nghệ thuật lớn của Hà Trần. Từ sau đó, nữ ca sĩ áp dụng “lối chơi linh hoạt”. Chị vẫn có những đĩa nhạc đại chúng, dễ nghe và… bán chạy như “Hà Trần 98-03”, “Tình ca qua thế kỷ” hay “Trần Tiến”. Nhưng song song là các tác phẩm đầy tính thử nghiệm, thậm chí là tiên phong. Khi nhạc điện tử vẫn còn như một làn khói nhẹ trôi qua thính giác âm nhạc của khán giả trong nước, Hà Trần làm “Đối thoại ’06”. Rồi ở thời điểm khái niệm nghệ sĩ độc lập cũng còn rất mới, chị tự sản xuất “Vi sinh”, “Mầm hạt” và giờ là “Bản nguyên” với khái niệm cộng đồng nghệ thuật.
Vậy từ “Nhật thực” tới “Bản nguyên” là sự thay đổi thế nào trong hành trình nghệ thuật của Hà Trần? Từ các chủ đề, vấn đề cá nhân, tới sản phẩm mới nhất này, Hà Trần đã vươn ra cách tư duy cộng hưởng.
Ê kíp thực hiện “Bản nguyên”
Một thập kỷ “dệt tầm gai”
Một đĩa nhạc chấp nhận 10 năm thai nghén, nâng lên, đặt xuống, làm đi, xóa lại, hẳn người nghệ sĩ không hòng mong đó là cái cớ khiến khán giả mua nhiều đĩa hơn. Và cho tới khi thực sự nghe các ca khúc trong album, sẽ thấy sự cầu kỳ đó là cái máu nghề của những người làm ra “Bản nguyên”.
5 năm trước, một trong những lý do khiến Hà Trần “chưa muốn đụng đến dự án này” là chị đang mang thai. Phải sau khi sinh con, khi năng lượng nghệ thuật trở lại và có thể thoải mái nhập vai, chị mới quay lại với “Bản nguyên” và thực sự cháy cùng đĩa nhạc này.
Hà hát chữ nào chạm vào người nghe chữ đó. Khán giả hình dung rõ được hình ảnh người ca sĩ đã đắn đo, đã đọc đi đọc lại lời hát, suy nghĩ về nó và trải nghiệm về nó cả một quãng thời gian dài trước khi cất tiếng hát. “Mặt khỉ trong nét văn minh/Xin bái phục!” (“Mặt nạ”) đầy thách thức và phê phán, mang đậm tinh thần cốt lõi của rock. Nhưng tới “Thăng hoa”, giọng hát lại bung nở tất cả niềm hưng phấn: “Thăng hoa tôi bứt sợi dây”. “Đêm” là sự giằng co tới tột cùng của tình yêu: “Trong đêm hoang dại, ai chờ ai hóa đá/Sao anh mê dại, ngậm ngùi em dứt cung đàn”. Đĩa nhạc cũng có khoảng dịu xuống, dù vẫn đâu đó nét u uất: “Tôi, cuối những giấc mơ/Giật mình lặng nghe đôi chim rít gọi kìa giấc ngàn thu…” (“Không tưởng”).
Nhưng giá trị lớn nhất của “Bản nguyên” chính là nó không phải sân chơi riêng của giọng hát Hà Trần. Sản phẩm âm nhạc này là sự hài hòa hoàn hảo của những miếng ghép nghệ thuật: sáng tác (Dominique Nghĩa Đỗ), ca từ (Hoàng Quân), hòa âm phối khí (Thanh Phương), ca sĩ (Trần Thu Hà) và ban nhạc thể hiện.
Nếu khán giả vốn quen với những nét ghi ta đẹp của Thanh Phương thì tới “Bản nguyên”, đó là sự gai góc, “ép phê” đúng chất rock nhưng vẫn sạch sẽ và rất tinh tế. Có lẽ Thanh Phương đã “bước qua lời nguyền” của chính mình, 60 tuổi sẽ lại chơi rock, để dành hết tâm huyết, cũng là thỏa sức với một sản phẩm âm nhạc anh ưng ý, đam mê tới mức: “Đến khi xuất ra bản master rồi, tôi vẫn muốn điều chỉnh”. Để ý một chi tiết nữa, có thể không lớn nhưng rất đáng giá: “Bản nguyên” được chơi với mô hình “3 mẩu” kinh điển của rock với 3 nhạc công trụ cột: ghi ta – bass – trống. Dường như điều này cũng liên đới với chủ đề của đĩa nhạc, sự trở về với những giá trị cốt lõi.
“Tôi và chúng ta”
“Bản nguyên” là cái tên được chính Hà Trần đặt cho đĩa nhạc. Nó không phải tựa ca khúc nào trong album nhưng lại mang toàn bộ tinh thần của dự án nghệ thuật: Một cuộc về nguồn, nhưng là cái nguồn của bản thể con người, những cảm xúc sâu sắc và thật nhất của người nghệ sĩ. Nghe đĩa nhạc, dường như những nghệ sĩ này đã rút về sâu nhất trong con người mình, tâm hồn và cả nhân cách. Nhưng từ sự chạy sâu vào cái tôi đó, họ bung ra và kiến tạo một giá trị lớn hơn. Đó là tư duy “chúng ta”.
Nghệ thuật giải quyết những nhu cầu, tư duy cá nhân có lẽ chỉ mới ở một mức độ nào đó. Khi nghệ thuật bắt đầu kiến tạo những sự kết nối, mở ra những tư duy rộng hơn, hay nói cách khác là không chỉ nghĩ về bản thân cá nhân mà cả những cá thể xung quanh hay cộng đồng, giá trị của sản phẩm nghệ thuật đó đã vượt lên một mức độ mới.
Hà Trần, với vai trò của người đứng đầu một dự án nghệ thuật, đã kết nối được một ê kíp sáng tạo và cho ra đời một sản phẩm âm nhạc chất lượng. Nhưng xa hơn, cô tiếp tục truyền cảm hứng hay có thể nói là rủ rê những nghệ sĩ sáng tạo trẻ khác để cho ra đời các sản phẩm thị giác, thời trang, thiết kế… từ cảm hứng “Bản nguyên”.
Chiếc áo diva tới đây có vẻ như đã hơi chật với Hà Trần. Bởi ở “Bản nguyên”, người ta không thấy một ca sĩ Hà Trần mà là một nghệ sĩ, người sáng tạo và dẫn đầu một nhóm nghệ sĩ sáng tạo cùng nhau làm nghề. Hai sản phẩm chứng minh sự thành công của những nghệ sĩ trẻ này đó là album “Bản nguyên” và MV “Đêm”. Đó là những sản phẩm thực sự chất lượng, mới mẻ và cần thiết của nhạc Việt.
Khi những giới hạn không còn, ranh giới giữa thể loại hay loại hình nghệ thuật bị phá bỏ, sự sáng tạo sẽ không có điểm dừng. Chính Hà Trần còn kêu gọi mọi người “Hãy chơi lại album ‘Bản nguyên’ theo cách của các bạn!”.
Tất nhiên, một Hà Trần và một “Bản nguyên” không thể thay đổi một cách quá mạnh mẽ bức tranh nhạc Việt. Nhưng điều quan trọng là mọi sự phát triển đều cần những kẻ tiên phong. Với dự án nghệ thuật này, Trần Thu Hà đã chứng minh cô chính là một nhân tố như vậy của nhạc Việt.
Bài: Độc Cầm