Buôn chuyện công sở: được & mất - Tạp chí Đẹp

Buôn chuyện công sở: được & mất

Sống

Buôn chuyện có xấu?!

Công việc luôn gây ra nhiều áp lực và không ai có thời gian, tâm trí để quan tâm đến người khác. “Buôn chuyện” là một cách để giao tiếp và hòa hợp cùng đồng nghiệp, trao đổi những thông tin bên lề công việc, về xã hội, chuyện cá nhân, giúp mọi người hiểu biết, gần gũi và thân thiện với nhau hơn. Cũng giúp bạn nhanh chóng cập nhật tin tức nóng hổi, dự đoán được tình hình chính trị bên trong, bên ngoài công ty, từ đó có những cách cư xử linh hoạt, nắm bắt được thời cơ và đối phó trước những rủi ro, sự cố đã lường trước. Chẳng hạn, nhờ “hành lang vỉa hè”, bạn có thể biết chuyện ai sắp rời công ty hoặc sắp được thăng chức và nếu việc đó có liên quan trực tiếp tới bạn, bạn có thể chuẩn bị trước tinh thần để ứng biến trước mọi tình huống mà không bị “ngã ngửa”. Chuẩn bị món quà chu đáo cho sếp trước ngày sinh nhật do tìm hiểu trước, không nói chuyện con cái trước mặt chị đồng nghiệp mới bị sẩy thai, không đong đưa với anh trưởng phòng thiết kế vì anh ta đã có bạn gái cùng công ty… tất cả việc này đều trở nên hữu ích nhờ việc “buôn chuyện”.

 

Những người được phép buôn chuyện

Về bản chất, người buôn chuyện phải là người có kỹ năng, khả năng giao tiếp tốt. Ở một khía cạnh nào đó, “công việc” của họ cũng có thể làm tốt như một nhân viên truyền thông nội bộ. Vì vậy, hầu hết những ai liên quan đến việc “nói” đều có thể trở thành người buôn chuyện hữu ích như lễ tân, nhân viên kinh doanh, nhân viên marketing, nhân viên truyền thông, nhân viên hành chính… và cả chuyên gia mạng – nhân viên IT.

Những người không được phép buôn chuyện

Theo trên thì những người không được phép buôn chuyện hẳn là những người không liên quan gì đến việc “nói”. Thực tế, họ cũng phải nói rất nhiều. Tuy nhiên, vì tính chất công việc được tiếp cận nhiều thông tin “nhạy cảm”, họ buộc phải “kín miệng”. Thậm chí, điều này có thể được ghi trong hợp đồng lao động, nêu rõ về việc bảo mật thông tin. Bởi những thông tin mà họ tiết lộ có thể nguy hại đến nhiều người thậm chí cả sự sống còn của cả doanh nghiệp. Vì vậy, nếu làm một trong những vị trí sau, nhất định bạn phải hết sức thận trọng với “miệng lưỡi” của mình: kế toán trưởng, nhân viên PR, đối ngoại, xử lý khủng hoảng, chuyên viên nhân sự, thư ký, trợ lý giám đốc, chuyên viên quản lý chiến lược, chuyên viên phát triển sản phẩm, chuyên viên thị trường, chuyên viên R&D (nghiên cứu và phát triển)… Trở lại câu chuyện của chị đồng nghiệp trên. Sở dĩ chị bị “xử” vì dám “đặt điều” cho kế toán trưởng buộc anh này phải “làm rõ trắng đen” để tránh thông tin “nhiễu” về sau.

Buôn chuyện nguy hiểm như… buôn lậu

Những người buôn lậu không biết khi nào thì mình bị “bắt”. Ma lực của đồng tiền khiến cho họ quên mất điều này và việc kiếm tiền một cách dễ dàng cũng làm cho họ “mụ mị”. Buôn chuyện cũng dễ gây nghiện như vậy. Cuộc sống thật vui khi được khám phá rất nhiều “bí mật” của người khác, là người nhận tin và truyền tin, cảm giác được đón nhận, chia sẻ. Mọi việc chỉ trở nên nghiêm trọng khi “ma túy” được phát hiện. Đó là khi những “bí mật không thể tiết lộ”, những điều cấm kỵ được phơi bày trước công chúng. Tệ hơn, rất nhiều thông tin “không mà có” hoặc được “xào” hay thổi phồng quá mức làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người được nhắc tới trong câu chuyện.

Buôn chuyện có nghệ thuật

Điều đầu tiên, bạn cần phải xác định rõ các nội dung nên và không nên thảo luận trong công sở. Bạn nên chú ý tới sở thích của người quản lý hoặc đồng nghiệp quan trọng như lĩnh vực mà họ quan tâm, môn thể thao yêu thích, các hoạt động xã hội, các CLB mà họ tham gia, họ có bao nhiêu đứa con, con họ bao nhiêu tuổi, học trường gì, họ chăm sóc chúng ra sao. Bạn sẽ rút ra những thói quen, sở thích nào được sếp đánh giá cao và điều chỉnh cách giao tiếp của mình một cách thích hợp để “lấy lòng” sếp. Những chủ đề cần tránh là những thông tin tiêu cực, không liên quan tới công ty, tới bạn hay chuyện riêng tư của người khác như giới tính, tôn giáo, phẫu thuật thẩm mỹ, sức khỏe, dị tật, chuyện yêu đương, thói quen kỳ lạ, chuyện gia đình của người khác… Thứ hai, bạn cần biết cách “buôn chuyện”. Lắng nghe nhiều hơn nói, chọn lọc những thông tin có ích cho công việc của bạn, tiếp nhận thay vì phát tán nó. Đặc biệt, tránh xa các tin đồn. Nếu quan trọng, bạn có thể tìm hiểu ở những nguồn thông tin đáng tin cậy và chỉ hành động khi biết chắc chắn. Không được phép đưa ra thông tin “hot” trong khi chưa đảm bảo tính chính xác. Nếu sai, bạn sẽ mang tiếng xấu là dựng chuyện và diễn biến thật khó lường. Điều cuối cùng, luôn nhớ “buôn chuyện” là việc làm mạo hiểm.

Thực hiện: Hải Yến
Theo f

Thực hiện: depweb

15/12/2012, 11:06