Buổi tối làm gì với trẻ tiểu học? - Tạp chí Đẹp

Buổi tối làm gì với trẻ tiểu học?

Tin Tức

Bài tập và bài tập…

Đã 3 năm nay kể từ khi con vào lớp 1, hiếm có tối nào chị Thùy Minh, quận Đống Đa, Hà Nội dành được chút thời gian để ngồi học bài hay trò chuyện cùng con. Do đặc thù công việc là làm đầu và cắt tóc nên công việc của chị thường kết thúc vào 10h tối. 

Vậy là, với việc học của cậu con trai lớp 4, chị chỉ có thể nhắc con là ngồi vào bàn học, còn việc hướng dẫn học hay học như thế nào hoàn toàn “nhờ” vào anh lớn học trên em 5 lớp. 

“Gánh nặng cơm áo của cả 4 người trong gia đình đều trông chờ vào tay mình. Chồng mình không may một lần gặp tai nạn, trí nhớ không còn đủ minh mẫn nên giờ chỉ ở nhà đi ra rồi đi vào, không giúp gì được con cái chuyện học hành”, chị Minh tâm sự.

Cũng chỉ nhắc được con tối ngồi vào bàn học, chị Phương Cúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự, do tối đến chị phải tất bật chuẩn bị cho gánh hàng sáng hôm sau đi bán sớm.

Khi được hỏi sao chị không dành thời gian trò chuyện với con thì quan điểm của chị là: “Cố gắng kiếm được tiền nuôi con ăn học, còn mình học hành không được “đến nơi đến chốn” thì sao dạy được con”

Vì vậy, việc học của con chị đành “phó mặc” cho cô giáo ở trường, ở các lớp học thêm hoặc gia sư. 

May mắn hơn 2 chị trên, chị Hoài An, quận Hà Đông, Hà Nội làm việc ở một Sở ngay gần nhà nên cứ khoảng 5h chiều là chị về đón con rồi cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Tối đến là cả khoảng thời gian rảnh rỗi chị dành cho con. Nhưng dường như cách làm của chị chưa hợp lý nên buổi tối diễn ra khá căng thẳng. 

Số là, nghe nhiều bạn bè khuyên bảo, chị không cho con đi học chữ trước đó nên khi đi học, con chị chưa biết chữ nào trong khi các bạn cùng lớp đã đọc vanh vách. Lo lắng về điều này nên tối nào chị cũng ngồi ép con ngồi học, viết. 

Chị An chia sẻ, trên đường đón con về nhà chị đã hỏi chuyện trường lớp, con cũng líu lo kể đủ thứ nhưng chị cũng chỉ nghe thế thôi. Tối đến 2 mẹ con ngồi vào bàn là chỉ học. 

“Tôi thấy cháu có vẻ chậm hơn các bạn nên sau khi cháu viết hết bài còn dang dở ở lớp, tôi lại yêu cầu cháu viết y như vậy ra một cuốn vở nháp”, chị An kể. 

Cũng theo chị An: “Con kêu ca mỏi tay quá, tôi lại động viên con cố gắng học. Có hôm 2 mẹ con ngồi đến tận 11 giờ tối. Cũng thấy con mệt lắm, nhưng tôi lo con không theo kịp các bạn”


Trẻ cần sự giao tiếp với gia đình

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội thẳng thắn, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày ở trường, buổi tối về rất cần sự quan tâm của gia đình để tạo cho các con có mối quan hệ thân thiết với ông bà, cha mẹ, đồng thời có sự hiểu biết thêm về gia đình, xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay có quá nhiều phụ huynh vì bận rộn các công việc như việc nhà, bạn bè, xem ti vi, đọc báo,… mà dành quá ít thời gian cho các con. 

Ăn cơm xong là các bậc phụ huynh liền bắt con ngồi vào bàn học ngay. Mà trẻ con không phải bắt vào ngồi là học mà còn loay hoay đủ chuyện như đi rửa tay, đi vệ sinh,…

Do đó, theo ông Tiến, cha mẹ nên quan tâm bằng cách hỏi con ở lớp còn bài tập nào chưa làm xong, nếu còn thì hướng dẫn con hoàn thành. Ngoài ra, nếu muốn giao thêm bài tập cho con cũng được nhưng với điều kiện con phải có hứng thú với chuyện đó. Đừng ép con học theo mong muốn của mình và quá sức của con.

Đối với trẻ mới đi học, cô Nguyễn Thị Quỳnh Như, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội góp ý, các phụ huynh không nên xây dựng cho mình 1 barem, rằng bạn khác biết viết, biết đọc mà con nhà mình chưa biết gì để rồi lo lắng. Hãy hỏi cô giáo, cô có cách đánh giá khác, theo đúng chương trình; không đánh giá theo sự so sánh với các bạn.

“Việc của cha mẹ là hãy làm sao để con thích đi học, đó là thành công lớn nhất”, cô Như nhấn mạnh.

Ông Tiến góp ý, buổi tối các phụ huynh hãy dành thời gian khoảng 30 phút để trò chuyện với con. Việc này rất đơn giản như kiểu: hôm nay ở trường con học những môn gì; con bảo “con học tự nhiên xã hội”. Lúc đó, các bố/mẹ sẽ hỏi lại: “vậy cô giảng cho con cái gì, con kể lại cho bố/mẹ nghe?”. Khi con trẻ kể lại thì bố mẹ có thể bổ sung thêm kiến thức cho các con từ sự hiểu biết của mình. 

Hay có thể hỏi: hôm nay ở lớp có bạn nào trêu con không, bạn trêu thế nào, con trả lời ra sao,… để từ đó giúp con ứng xử trong quan hệ bạn bè. 

Đến cuối tuần, nên 1 tháng 1 lần sắp xếp cho các con đi đâu đó như các bảo tàng, vườn thú, thông qua đó hướng dẫn và bổ sung kiến thức cho các con.

Khi rảnh rỗi có thể cùng con xem 1 bộ phim của trẻ em, xem con cảm nhận thế nào, rồi bố mẹ phân tích để con hiểu các nhân vật trong phim ra sao…

“Tôi không hiểu vì sao phụ huynh lại dành quá ít thời gian cho con mình!” – ông Tiến trăn trở. 

Theo ông Tiến, giao tiếp sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc nâng cao sự hiểu biết, cha mẹ sẽ hiểu được những suy nghĩ của con, xem các con gặp khó khăn gì để giúp đỡ kịp thời. 

Theo Vietnamnet

Thực hiện: depweb

12/10/2012, 11:40