Vì sao bún bò Huế phải cay?
Sáng thứ bảy đẹp trời, chị em tay xách nách mang những nguyên liệu đã mua từ hôm trước, đến trường Mint Culinary. Chương trình bắt đầu với giờ học lý thuyết để mọi người hiểu hơn về nguồn gốc món bún bò Huế và sự ảnh hưởng của nguồn gốc ấy đến hương vị cũng như cách trình bày món. Qua bài giảng tinh tế và súc tích của cô giáo Tịnh Hải, mọi người đã hiểu thêm rằng vì xuất xứ từ nơi mưa nhiều rét buốt, món bún bò được ăn chủ yếu vào mùa mưa, dùng vị nóng và cay để xua tan đi cái lạnh lẽo ở bên ngoài. Khi Nam tiến vào đất Sài Gòn, món bún bò đã thay đổi ít nhiều để phù hợp với khẩu vị và tính cách của người miền Nam.
Cô giáo Tịnh Hải giới thiệu về lịch sử món bún bò Huế
Sau phần trình bày về lịch sử và giá trị văn hóa món ăn, cô giáo Tịnh Hải đi sang chi tiết về tính toán định lượng và tỷ lệ các nguyên liệu trong nước lèo. Những tay lái lụa của CLB PN & XH đã học được những mẹo nhỏ khi hầm xương giò, bắp, cách tính toán thời gian khi nấu nước lèo, nghệ thuật pha chế sa tế và làm chả cua. Nhờ vậy mà ai cũng rất yên tâm bước vào phần tiếp theo, cũng là phần chính của chương trình: thực hành nấu món bún bò Huế.
Những “bí kíp” bây giờ mới biết
Cô giáo còn hướng dẫn cho mọi người cách xáo rau sống đều đặn (thay vì chia rau thành từng cụm nhỏ) rồi bày lên đĩa để khi cho vào tô bún sẽ có được đầy đủ hương vị. Bún chỉ nên sử dụng loại làm từ bột gạo, không trộn bột lọc. Như thế sợi bún mới mềm, không bị trơn tuột khi gắp và tạo điều kiện cho nước lèo thấm vào sợi bún tốt hơn. Bún nên được trụng sơ qua nước nóng trước khi cho vào tô và chan nước lèo. Nước lèo nên được chan từ từ qua miệng tô để thấm từ dưới lên; không nên xối thẳng từ trên xuống, vừa không đẹp mắt, vừa làm mất đi vẻ tươi ngon của thịt và rau bên trên. Thịt nạm và bắp sau khi luộc nên cho vào nước đá để giữ màu trắng hồng, săn chắc, sau đó thái để riêng và chỉ xếp trên tô bún trước khi chan nước lèo.
Cô giáo dạy cách xáo rau sao cho khéo
Ra quán hay tự nấu?
Miệt mài trong bếp nóng suốt hơn một tiếng đồng hồ, dù mệt nhoài nhưng các chị rất vui. Mỗi người một việc, cuối cùng các thành viên cũng đã xuất sắc hoàn thành món bún bò của nhóm mình. Vừa mệt vừa đói, các chị vui vẻ thưởng thức thành quả hơn cả mong đợi do chính mình làm nên. Có chị “than” rằng, tưởng dễ, đến khi làm mới thấy để làm món bún bò đúng kiểu thật kỳ công và phải hiểu tường tận các khâu thực hiện. Có chị đùa: “Lần sau, tốt nhất là… ra quán ăn”. Có chị lại tự tin tuyên bố về nhà sẽ nấu cho chồng và các con ăn ngay, đảm bảo cả nhà sẽ bất ngờ với “tài nghệ” mới của mình.
Nhóm 2 phấn khởi vì đã hoàn thành nhiệm vụ
Các chị nhóm 3 cũng hào hứng không kém
Thành viên nhóm 1 trình bày thành quả của mình
Ra về với bụng no, gương mặt rạng rỡ và thêm một “bí kíp” nấu ăn bổ sung vào kiến thức ẩm thực, các thành viên CLB PN & XH đã tính đến việc sẽ học thêm cách làm bánh ngọt, sushi và nhiều món khác nữa tại trường Mint Culinary.
Các bước nấu bún bò Huế Cách làm:
. Sơ chế thực phẩm tươi sống và rau củ.
. Định hình khoanh giò heo theo số lượng khách, trụng giò heo, ướp gia vị.
. Cho 3 lít nước vào đun sôi, cho giò heo đã cắt miếng vào ninh mềm.
. Cho sả vào nấu cùng.
. Giò sống nêm gia vị và chia thành nhiều miếng, thả vô nồi.
. Nêm gia vị nước dùng.
. Cho bún vào tô, chia đều thịt bắp bò, giò heo, chả cua.
. Rắc hành thái lát mỏng, ngò, ớt sừng, dầu hạt điều. Chan nước dùng.
Cảm quan
. Món ăn có mùi thơm, vị đậm đà, màu sắc hài hòa.
. Dùng nóng.
. Sắp xếp rau sống gọn gàng. Không thể thiếu chanh, ớt và nước mắm.
Tô bún bò Huế “đúng điệu” đã hoàn tất |
Chân thành cảm ơn sự hợp tác của chị Tịnh Hải và trường Mint Culinary (778/45-47 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận, Tp.HCM) đã hỗ trợ cho hoạt động lần này.
Website: phunuvaxehoi.com
Bài & ảnh: Huỳnh Phương