Bùi Tường Anh: người tỉnh táo trong “Thị trấn phù thủy”

Dù vậy, nếu có cơ hội chìm đắm trong thế giới huyền bí, chắc chẳng ai từ chối tạm quên hiện thực để được nếm thử món bánh, loại thức uống có tên gọi lạ tai hay tự tay làm một món quà cho người thân, bạn bè.” – Người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, giản dị, nhiệt thành Bùi Tường Anh chia sẻ ý tưởng về sự ra đời của Thị trấn Ba Cây Chổi như thế.

Trong khi nhiều người mưu cầu một công việc ổn định, nỗ lực để lên được vị trí quan trọng với mức lương cao, thì chị, từng làm CEO của Quỹ Đầu tư Mekong Ventures, quản lý thương hiệu Nhà Xinh, lại bỏ tất cả để bắt tay vào một dự án mới với nhiều rủi ro?

Tên: Bùi Tường Anh

Gia đình: 1 con trai 7 tuổi và 1 con gái 4 tuổi

– (Cười) Từ thời mới gia nhập công ty kiểm toán, một đồng nghiệp đã nhận xét: “Tường Anh nên mở tiệm hoa thay vì theo cái nghề khắc nghiệt này”. Chỉ là lời nói đùa nhưng có lẽ bản chất mơ mộng, lãng xẹt của mình không giấu được ai. Nhìn lại, mình khá may mắn khi được làm việc trong thời kỳ phát triển nóng nhất của ngành kế toán kiểm toán và đầu tư tài chính. Công việc trái với bản chất hóa ra lại hay vì mình học được “dù đầu óc bay bổng đến đâu cũng phải giữ hai chân chạm đất”. Mặt khác, công việc ổn định giúp mình thực hiện rất tốt nghĩa vụ cơm áo gạo tiền với gia đình. Đến lúc bổn phận với gia đình tạm ổn, mình lại muốn làm một việc gì đó cho bản thân, sợ già rồi thì sẽ tiếc nuối nếu không thử thực hiện mơ ước của mình. Và chuyến đi chơi Disneyland ở Hongkong vào đầu năm 2011 với một người bạn, cũng già gần bằng mình, chính là nguồn cảm hứng cho Thị trấn Ba Cây Chổi, xứ sở phù thủy, một không gian tưởng tượng ra đời.

 

Có gì trong Ba Cây Chổi và vì sao là thị trấn?

– Mình gọi là “thị trấn” vì chẳng biết gọi là gì khác khi nơi này, mặc dù bé xíu, nhưng có hẳn lịch sử riêng, có tòa thị chính, có ngân hàng Công tước Kybo, có xưởng bánh Bà Núc Ních, xưởng vải Yêu Tinh, xưởng gỗ Xù Xì, hầm rượu Bolobala… “Cư dân” lạc vào xứ này sẽ phải dùng đồng Kybo, ăn uống món phù thủy, và tự làm hầu hết các vật dụng, sản phẩm trong các xưởng. “Cư dân” cũng thường đi cả gia đình hoặc nhóm đông để xem phim 3D hoặc tiệc tùng tại đấu trường Râu Xồm Xoàm.

Dường như khách đến đây phải tự làm nhiều thứ. Vì sao chị chọn concept DIY?

– Là phụ huynh của hai nhóc tì, lại thuộc loại “bánh con làm luôn ngon hơn bánh tiệm”, mình lo hai con lớn lên sẽ quen đánh giá sự vật qua nhãn hiệu hay giá tiền mà quên mất giá trị tinh thần của nó. Cuộc sống quá nhanh làm cho những thứ tự làm trở nên xa xỉ. Mình mong Thị trấn Ba Cây Chổi sẽ là nơi khuyến khích khách hàng sống chậm lại, tự hào và tận hưởng những sản phẩm chính tay mình làm nên cùng với những người thân yêu của mình. Sau hơn 1 năm ra đời, thị trấn đã có hơn 5.000 cư dân, những người không chỉ là khách hàng mà còn muốn trở thành một phần của thị trấn.

Kết hợp giữa giải trí và ăn uống theo concept xứ sở huyền bí đầu tiên tại Việt Nam của Ba Cây Chổi là một hướng đi táo bạo. Chị đã khởi đầu thế nào?


Giai đoạn đầu là giai đoạn sống còn, vừa làm vừa thử vì mô hình quá mới. Công việc trước kia cho mình kinh nghiệm để lường trước thử thách và rủi ro trong kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, lập kế hoạch là một chuyện, ứng biến khi lệch kế hoạch mới là vấn đề, mà lệch kế hoạch là thường xuyên vì chẳng đâu có mô hình cho mình tham khảo. Mình nghĩ người vượt qua chặng đường gian nan không hẳn là người giỏi hơn, chỉ đơn giản là người lỳ hơn. May mà mình có cả một “biệt đội” trợ giúp, bao gồm Ông Rủng Rỉnh (ba) chuyên ngoại giao, Bà Núc Ních (Mẹ) chuyên bếp núc, Đầu Bù Xù (em trai) phụ trách ý tưởng, cùng một nhóm các bạn trẻ cực kỳ hài hước và nhiệt thành. Đó là linh hồn của thị trấn, và đó cũng là ý nghĩa của tên Ba Cây Chổi – gia đình.

Thành thật mà nói chị có nghĩ vụ đầu tư này sẽ thành công?

– Chắc chắn thành công, về mặt tinh thần (cười), vì đây là công việc mình mơ ước từ lâu. Khó có công việc nào cho phép mình tạo ra bất cứ nhân vật nào mình muốn (phù thủy, hiệp sỹ, hoa tiên hay yêu tinh…), bất cứ nơi chốn nào mình yêu thích (hang Ma Xó, trường Pháp Sư,…) và cho phép mình thay đổi sản phẩm cũng như diện mạo của thị trấn liên tục. Về mặt đầu tư, nếu mong đợi lợi ích ngắn hạn, đây không phải là lựa chọn tốt nhất, tuy nhiên, mình tin có thể kì vọng vào giá trị dài hạn của nó. Cổng thứ hai của Thị trấn Ba Cây Chổi sẽ sớm được mở với nhiều cửa tiệm vui và khác biệt hơn.

Đành rằng được làm điều mình thích thì còn gì bằng song có khi nào chị nhớ thời làm công ăn lương cao ngày xưa không?

– Đôi lúc mình cũng nhớ cảm giác cuối tháng tài khoản lại đầy tiền, nhưng kèm theo đó là những báo cáo phải thực hiện, những cuộc họp liên miên,… Bây giờ cuối tháng tài khoản hao tiền nhưng cái được là sáng thức dậy hăm hở xách túi đi làm, đi chơi với con thì xem như đi nghiên cứu thị trường. Chắc các con là người hưởng lợi nhất, điều này thì không có tiền nào mua được.

 

Nếu cho rằng chị là người thích phiêu lưu, chinh phục cái mới liệu có đúng?

– Thích chinh phục cái mới thì có nhưng không hẳn thích phiêu lưu. Mình chọn đi con đường này thay vì có cuộc sống làm công ăn lương ổn định là do thay đổi trong cách nhìn nhận về rủi ro và giá trị cuộc sống. Trước đây, an toàn trong định nghĩa của mình bao gồm: nhà rộng, xe hơi, con cái học trường nước ngoài, tích lũy cho con du học,… còn bây giờ, ngưỡng an toàn của mình bao gồm: nhà xinh, con cái no đủ, học trường tốt và luôn ở cạnh mình. Như vậy không phải mình trở nên can đảm hơn, mà chỉ là đòi hỏi ít hơn.  

Con cái là một yếu tố thúc đẩy chị xây dựng Ba Cây Chổi nhưng công việc quản lý chắc chắn rất bận rộn, chị dành thời gian cho con bằng cách nào?

– Trái với suy nghĩ của bạn, trước kia, mình không phải là người mẹ tốt. Với cái cớ phải giao tiếp do công việc, mình dành khá ít thời gian cho con và nhiều lúc ở bên con, đầu óc vẫn suy nghĩ về công việc. Còn bây giờ, mình có thể hứng chí vẽ bất kỳ hình con vật nào con thích để bé tô màu, cùng con làm bánh, nhảy múa, đọc sách, học bài… Công việc hiện tại giúp mình được làm bạn với con, trân trọng những phút giây bên con và nhờ đó, mình được sống chậm lại.

Bài: An Hội
Ảnh: Gem Visual



From the same category