Bùi Quốc Chí, con trai của nhà sưu tập tranh nổi tiếng Đức Minh (tên thật là Bùi Đình Thản). Hiện anh là chủ nhân của gallery mang tên cha mình tại số nhà 31C Lê Quý Đôn, Tp.HCM. Không chỉ nổi tiếng là một nhà sưu tập tranh, Bùi Quốc Chí còn nổi tiếng là tay chơi đồng hồ, kính, bút, bật lửa, đèn pin có hạng, với những chiếc đồng hồ mà giá trị lên đến cả triệu đô la. Và thêm nữa, nhiều người nghĩ rằng anh chính là “người đàn ông xăm chữ “Nhẫn” trên vai mà ca sĩ Mai Khôi đã từng nhắc đến trên Đẹp.
Tôi gặp Bùi Quốc Chí ở gallery Đức Minh. Vừa gặp tôi, bằng thái độ dứt khoát, Bùi Quốc Chí giao hẹn: “Nếu nói về hội họa, thì tôi nói với bạn cả ngày cũng được. Nhưng đừng hỏi tôi chuyện riêng tư, vì tôi vụng về lắm”.
Không có người bình thường nào lấy tro bôi lên mặt bố mẹ mình
Đầu tiên, tôi muốn giới thiệu anh với bạn đọc của Đẹp với tư cách nhà sưu tập tranh tiếp quản sự nghiệp của người bố nổi tiếng Đức Minh.
Nói là tiếp quản cũng đúng, nhưng cần phải hiểu sâu hơn, đây là cái nghiệp. Nghề như cái bệnh, nay ho, mai sổ mũi, nhức đầu; còn nghiệp như cái tật, nó cứ đi theo mình suốt. Tôi đi vào con đường nghệ thuật này âu cũng là nghiệp, cái nghiệp nó như định mệnh vậy.
Điều đó giải thích tại sao trong gia đình ông Đức Minh, có 7 người con, anh em toàn chọn nghề bác sĩ, kỹ sư. Bản thân tôi học Đại học Xây dựng, nhưng chỉ làm nhà nước một thời gian là nghỉ và đi theo đam mê này.
Nhà sưu tập Đức Minh mất để lại rất nhiều tài sản và chúng được chia đều cho các con, riêng anh mua lại tất cả các bức tranh của ông? Ta nên giải thích đây là cái nghiệp hay sự khôn ngoan?
Gốc của bộ sưu tập Đức Minh nằm ở số 53 phố Quang Trung, Hà Nội, trong một biệt thự cũ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào Tp.HCM lập nghiệp (1979).
Năm 1983 bố tôi mất. Năm 1992 anh chị của tôi đều lập gia đình và sinh cháu, nên có nhu cầu ở riêng, dẫn đến quyết định bán căn nhà 53 Quang Trung. Bộ sưu tập với hơn 1.000 bức tranh nằm ở đấy, không thể chuyển về diện tích nhỏ bằng 1/7, nên sự phát tán không thể tránh khỏi.
Hơn 1.000 bức tranh bố tôi lựa chọn bằng con mắt tinh tường. Những tác giả ông chọn, thời kỳ đó là người bình thường, nhưng lại là ngôi sao sáng ở những năm sau này.
Tôi nghĩ đó là công việc của nhà sưu tập, anh phải tiên lượng được chuyện đó, và bố tôi đã tiên lượng được. Sau này, anh em tôi ngồi bàn với nhau, trong khả năng có thể được, tôi giữ lại “bộ xương sống” của bộ sưu tập Đức Minh.
Nhưng tôi là Bùi Quốc Chí, không phải ông Đức Minh, mà ông Đức Minh cũng mất nhiều chục năm mới có được bộ sưu tập, nên tôi chỉ có thể giữ lại toàn bộ mảng tranh của các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh và những bức quan trọng của các họa sĩ lớp kế, còn những bức khác thì không tránh khỏi bị phát tán.
Về sau, những bức cần sưu tập thêm, tôi ra bên ngoài tìm chủ nhân để mua lại. Thậm chí, có bức tôi phải sang những trung tâm đấu giá lớn nhất thế giới để mua.
Tôi làm chuyện đó cũng bình thường như những nhà sưu tập khác, chẳng qua nó có sự ngẫu nhiên là mình mua lại được chính những tác phẩm của nhà mình đã bị phát tán thôi.
Anh có thể trả lời cả vế thứ hai, đó là cái nghiệp hay sự khôn ngoan, chính xác hơn là tầm nhìn của một nhà sưu tập?
Chả ai dám nhận mình là người khôn ngoan, nhưng chẳng người ngu nào làm được bộ sưu tập, dù là sưu tập kim chỉ. Nhưng càng khôn ngoan lắm càng oan trái nhiều. Nên do đam mê là chính, đam mê nó thúc giục mình nhiều.
Còn tầm nhìn ư? Nói một cách công bằng, không phải 6 anh chị em của tôi không nhìn ra được vấn đề đó đâu, nhưng mỗi người ở một góc độ khác nhau. Tất cả những người con đều hiểu được giá trị hội họa và đều thấy được công việc của bố, có khác nhau chăng là ở lòng đam mê.
Tôi có lòng đam mê rất rõ rệt. Giống như một người năng lên chùa và một người xuống tóc đi tu. Nên để tôi lãnh phần công việc này, chứ không phải 6 người kia ngớ ngẩn không biết gì, riêng mình là tầm nhìn vượt lên.
Nhưng tôi là người quyết tâm nhất và có khả năng nhất. Các anh chị đều ngấm ngầm tạo thuận lợi cho mình để đứng ra làm chuyện này.
Sinh thời, ông Đức Minh từng có ý định tặng bộ sưu tập của mình cho Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Việt Nam với yêu cầu để tên ông là nhà sưu tập?
Năm 1967, bố tôi có nguyện vọng hiến toàn bộ bộ sưu tập cho Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Việt Nam, chỉ cần ghi 4 chữ “Sưu tập Đức Minh” ở phần trưng bày. Nhưng lúc đó do điều kiện xã hội chưa cho phép, nên Bảo tàng không nhận.
Tôi cảm thấy trong bố tôi có nỗi buồn, và nỗi buồn đó kéo dài. Bố tôi cố tình nén lại, không thể hiện ra với con cái. Tôi không hiểu cặn kẽ nỗi buồn, vì lúc đó còn trẻ quá, nhưng tôi phân biệt được ông làm không phải cho ông nữa, mà cho mọi người.
Như một thứ bản năng, tôi có tâm nguyện nếu sau này làm được ước nguyện của bố, tôi sẵn sàng làm bằng mọi giá.
Anh có nghĩ đó cũng là điều chua xót của mỹ thuật Việt Nam, khi nhiều tác phẩm của bộ sưu tập đã bị “trôi” ra nước ngoài?
Tôi nghĩ, dùng từ “đáng tiếc” sẽ chính xác hơn. Nói đi phải nói lại, bất cứ sự vật sự việc gì, cũng phải đưa vấn đề vào hoàn cảnh xảy ra thì mới công bằng.
Ngày hôm nay, con người đã có tầm nhìn mở mang ra bên ngoài, mình thấy được lịch sử hội họa giữa các quốc gia cũng như giá trị nghệ thuật trên thế giới bây giờ chiếm vị trí khác với những năm 1967 – 1972.
Lúc đó Việt Nam đang có chiến tranh, vấn đề chính trị, quân sự được đặt lên hàng đầu, và tất cả chỉ phục vụ cho chiến đấu. Cái gì không trực tiếp làm ra súng đạn, không trực tiếp phục vụ cho chiến đấu, cơm áo gạo tiền, đều bị coi là phù phiếm.
Người ta đang cần những biểu tượng của anh hùng trong sản xuất và trong chiến tranh để khích lệ lòng yêu nước, giải phóng dân tộc thì những thần tượng khác về văn học, hội họa chưa được chú ý đúng mức.
Nghiệt hơn, ông Đức Minh lúc đó chỉ là một cá nhân, mà ông lại là tư sản dân tộc… Nhưng có khi đó cũng là cái may vì thật sự lúc đó có hiến cho Bảo tàng thì tôi khẳng định 90% những tác phẩm đó đến giờ đã bị hỏng vì điều kiện bảo quản của Bảo tàng khi ấy không được tốt như bây giờ.
Với số lượng tranh đang có, anh có muốn Bảo tàng Đức Minh hoành tráng hơn?
Lập bảo tàng tư nhân nan giải ở chỗ, khi đã chú tâm làm công việc này, mình sẽ không còn bươn chải trong nghề khác để mưu sinh.
Mặt bằng hoành tráng đi đôi với tiền hoành tráng, giải bài toán này chỉ có nước bán tranh. Còn gác tranh lại đi làm giàu thì trễ mất, vì tranh đâu có chờ mình. Nên với các nhà sưu tập, đây là bài toán giật gấu vá vai.
Và có thể “vá vai” bằng cách buôn… tranh giả?
Vấn đề tranh giả đem lại thu nhập rất tốt, nhưng chẳng qua nó là cái thòng lọng ảo đối với người nào có tâm với nghề và được gọi là tầm nhìn xa, hay gọi là khôn.
Mà khôn cũng có hai loại, khôn lỏi và khôn ngoan. Con đường này (buôn tranh giả – PV), đến bạn ngoài nghề mà còn hỏi như thế, nên những nhà sưu tập sao không nghĩ ra được.
Riêng tôi, là con nhà Đức Minh. Ông là con người tri ân với nghệ thuật, xưa đến giờ toàn làm tốt cho nghệ thuật, chưa bao giờ bôi nhọ nghệ thuật.
Tôi lấy chữ Đức Minh cũng có lợi, vì đó là thương hiệu, nhưng đằng sau đó nó là cả trách nhiệm. Người ta có thể lấy tro bôi lên mặt mình, nhưng không có người bình thường nào lấy tro bôi lên mặt bố mẹ mình.
Một điều nữa là, tranh giả làm không dễ đâu. Đây là giai đoạn nhập nhằng, còn có thể à uôm, chứ những năm tới sẽ chỉ có chỗ cho những nhà chơi tranh chuyên nghiệp.
Bản thân nhà sưu tập đã là những chuyên gia thẩm định hội họa. Họ có thể tư vấn cho nhà chơi tranh khi bức tranh có giá trị đích thực. Việc làm tranh giả đương nhiên cản bước tiến của hội họa Việt Nam trong việc hội nhập với quốc tế.
Nhưng đằng sau nỗi buồn lại có niềm vui, bởi người ta chỉ làm giả những đồ có giá trị. Bạn có thấy ai làm nhôm, sắt, đồng giả không, hay người ta chỉ làm vàng, kim cương giả thôi? Nên tranh Việt Nam phải đáng quý người ta mới làm giả.
Bố mình không cho phép mình nghèo
Không chỉ là nhà sưu tập tranh, mà anh còn là nhà sưu tập đồng hồ, kính, bút, bật lửa, đèn pin… có hạng?
Đồng hồ, kính, bút, kim hoàn, hột xoàn, kể cả thời trang cũng là nghệ thuật. Bố tôi cũng là nhà sưu tập đồng hồ, mắt kính, tẩu hút thuốc. Tôi cho những cái đó đều có thân phận của nó.
Có phải anh đang sở hữu những chiếc đồng hồ trị giá hàng triệu đôla?
Đúng là tôi đang sở hữu những chiếc đồng hồ rất đắt. Nhưng sẽ không bao giờ tôi nói trị giá tiền của nó. Với tôi, tiền không là gì cả. Khi còn đếm được thì nó là hữu hạn, mà hữu hạn không nằm trong tầm nhìn của tôi.
Tôi vui ở chỗ tôi có duyên, quý vật chờ đãi quý nhân. Tiền tiên bạc bạ mà, nay trong tay người này, mai trong tay người khác. Khi thị trường chứng khoán sập, bạn đang có 100 tỷ tự nhiên thành người vô sản.
Anh nói “tiền không là gì” chẳng qua vì anh đang có quá nhiều tiền?
Tôi sinh ra trong một gia đình đại tư sản, nên nói ông Chí giàu từ trong trứng giàu ra cũng đúng, nhưng chưa bao giờ tôi nhận phần chia của trong tài sản gia đình Đức Minh.
Tôi tình nguyện không nhận, vì mình là người biết kiếm tiền. Cái tôi thừa kế được là ý thức, niềm đam mê và phần tranh lúc đầu. Bạn đến đây, tạm thời tôi ngồi ở quận 3 này, còn cuộc đời tôi là ba chìm, bảy nổi, mười chín cái lênh đênh.
Tôi đã làm rất nhiều nghề, từ xuất nhập khẩu, đến bán xe, chứ không thanh thản như ông kỹ sư hằng ngày đến cơ quan, ba năm sau có tranh lấy ra bán rồi mua nhà.
Tôi có quan niệm, nghèo thì lâu, giàu thì mau. Có người nghèo từ đời cha đời con, nhưng chỉ cần mua cặp vé số, một sớm mai có thể giàu. Cái tôi sợ là, khi con người ta giàu sẽ khác.
Anh giàu lên về tiền bạc nhưng anh không giàu về văn hóa, thì đó là một nghịch lý, một sự đáng thương, xót xa. Hiện nay có một số người rất nhiều tiền, nhưng trình độ văn hóa tỷ lệ nghịch với tiền bạc.
Khi anh đến những nơi sang trọng, tiền anh hơn những người đó, nhưng văn hóa lòi ra là anh thấp hơn những người không sang trọng bằng mình, mà cái đó không có tiền nào mua được.
Anh nói điều đó khi anh đang là người giàu?
Tôi ý thức được tầng văn hóa của mình, từ lúc tôi chưa giàu. Điều này tôi học từ ông Đức Minh. Cụ nói nguyên văn: “Tiền tiền bạc bạc con ạ. Nay trong tay người này, mai về tay người khác. Đồng tiền nó bạc lắm, nhưng con người ta hơn nhau ngoài xã hội ở đẳng cấp văn hóa chứ không phải là tiền”.
Đương nhiên bố tôi không cho phép mình nghèo, nhưng không phải bằng mọi cách chỉ để giàu. Bố tôi vẫn nói phải có nền văn hóa trước khi làm người giàu.
Cái lưng của mình không đẹp
Tại sao anh lại né tránh chuyện riêng tư và đưa ra một lý do rất không thuyết phục là anh vụng về?
Tôi đang đi theo nguyên lý đúng. Nhân vô thập toàn, tôi không dám nhận mình giàu, nhưng tôi không bị bức xúc về tiền bạc. Về tri thức, bạn thừa nhận tôi là một người không thiếu tri thức. Vậy thì phải có một lĩnh vực tôi dở, vụng về chứ.
Vâng, và đó chính là đời sống riêng của tôi. Về lĩnh vực vợ chồng, tôi xin mượn một câu của cổ nhân, là đũa có đôi, vợ chồng có duyên số. Mình không tài giỏi, khéo léo trong lĩnh vực này, âu cũng là số phận.
Anh tự nhận mình vụng, trong khi các cuộc tình của anh lại khá đình đám?
Có thể đình đám, nhưng mà cái lưng của mình không đẹp, các cụ vẫn dặn “đừng vạch áo cho người xem lưng”. Nhiều người ly hôn rồi có những quan hệ tình cảm mới cũng là chuyện bình thường, tôi không né tránh chuyện đó. Nhưng tôi cho đó là câu chuyện không đẹp.
Tôi vẫn luôn đi tìm mái ấm gia đình. Nhưng ở đời, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Đương nhiên anh tìm không thấy thì không phải là đẹp. Mà ở đời, đẹp thì khoe ra, xấu xa phải đậy lại.
Anh không chỉ là nhà sưu tập tranh, sưu tập đồng hồ, kính, bút, bật lửa, đèn pin… mà còn sưu tập cả… phụ nữ đẹp?
Tôi không có ý tưởng và chưa bao giờ cho phép mình nhận là nhà sưu tập được nhiều cô gái đẹp. Tôi nghĩ mình không đủ tư cách. Tất cả những người phụ nữ đã từng đến và đã từng đi trong cuộc đời tôi, tôi cho đều là duyên số.
Tại sao những người đàn ông nhiều tiền và biết chơi như anh lại có nhiều phụ nữ đến và đi như vậy?
Bạn nói đúng, và đó là tính hai mặt. Vì một lẽ đơn giản: những người đàn ông nhiều tiền (tôi không nói đến những người đàn ông lừa tiền, ăn cướp tiền của người khác), cần rất nhiều thời gian để kiếm tiền, chứ tối đến cứ “ba xoa hai đập lên giường”, ngủ một giấc, ngáy cho to thì lấy đâu ra nhiều tiền.
Trong khi quỹ thời gian của mỗi người rất bình đẳng. Tôi, bạn, bác đạp ba gác xích lô, cũng như ông Bill Gates chỉ có 24 giờ một ngày.
Nếu thời gian anh dùng vào việc kiếm tiền nhiều hơn, thì vấn đề gia đình, kể cả vấn đề ga lăng, lịch sự, chúng tôi đều có những điều đó trong tiềm thức, nhưng đôi khi vì áp lực công việc, để kiếm được nhiều tiền, mình phải mắt nhắm mắt mở bỏ qua.
Nên nếu được nói nhỏ với phụ nữ, tôi sẽ nói rằng, yêu người giàu thì bạn hãy thông cảm với người ta về khoản thời gian, và sự lãng mạn.
Có vẻ như công việc, thời gian, sự cảm thông, luôn là sự bao biện, rất cổ điển, của nhiều người đàn ông khi hôn nhân đổ vỡ?
Nói bao biện cũng đúng. Nhưng nói đúng bản chất hơn, tôi là người vụng về, vì không biết sắp xếp như thế nào cho hợp lý. Tôi không biết chia 24 tiếng cho công việc, gia đình như thế nào là vừa. Nên tôi luôn là người có lỗi.
Mà nghiệt ngã thay, tôi muốn thời mở cửa này sẽ khiến phụ nữ năng động hơn. Tôi thích những phụ nữ năng động, vì họ cũng có quỹ thời gian cho công việc, từ công việc của mình, họ sẽ hiểu tôi hơn.
Bằng không, họ dễ bị rơi vào phạm trù “người đi không bực bằng người trực bữa cơm”. Vợ ở nhà nấu một bữa cơm ngon đợi chồng về, một tiếng, hai tiếng, cơm nguội hâm lần một, hâm lần hai, đến lúc ngủ gật chồng mới về. Và người đàn ông là người có lỗi.
Lỗi lầm cũng do tôi chọn những người có thể có tâm hồn đẹp, nhưng chưa năng động trong cuộc sống. Nếu có hoài bão, đam mê, đương nhiên họ sẽ thông cảm với mình hơn.
Nhưng thưa anh, đợi chờ thường không phải nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của hôn nhân, mà bản chất thường xuất phát từ sở thích cái mới, cái lạ, cái trẻ của đàn ông?
Bạn đang nói đến một hiện tượng rất phổ biến trong những người mới có tiền. Tôi nghĩ những người không đủ tri thức mới bị sa vào những vấn đề đó.
Còn tôi, chưa bao giờ đang yêu một người hay đang ở với một người mà lại có người thứ hai, và tôi khẳng định tất cả những lần đổ vỡ đều không có bóng dáng của người thứ ba, kể cả sau này trời có bắt tôi phải nhiều lần đổ vỡ đi nữa.
Vì tôi không phải người có mới nới cũ, ham mê cái đẹp, cái trẻ, dù tôi thừa nhận mình là người rất đào hoa, bởi tính hào hoa trong đi chơi, ứng xử, tiếp xúc xã hội.
Có phải anh là “người đàn ông xăm chữ “Nhẫn” trên vai” của ca sĩ Mai Khôi không?
Có lẽ điều này bạn phải hỏi lại Khôi, chứ tôi không thể nào nhớ hết những hình xăm trên người mình!
Trong nhiều thế hệ, từng giai đoạn, từng góc độ, người ta nhìn về những người xăm hình trên mình với các quan điểm khác nhau. Tôi thấy những hình xăm có từ rất xa xưa.
Khoảng vài thập niên gần đây lại có hiện tượng một số thành viên băng đảng, một số người xưng hùng xưng bá, thích xăm lên người nào là đầu lâu xương chéo, hoặc đại bàng sải cánh.
Nhưng những nhóm người đó làm tính chất của hình xăm bị méo mó, dẫn đến một lớp người quan niệm hình xăm là cái gì đó giang hồ, thành phần bất hảo. Còn tôi nghĩ khác.
Tôi quan niệm hình xăm, thứ nhất, có từ xa xưa và có lý do của nó. Thứ hai, nó cũng là nghệ thuật, như vẽ tranh lên người…
Tôi xin cắt ngang, tôi đang hỏi anh có phải “người đàn ông xăm chữ “Nhẫn” trên vai” của ca sĩ Mai Khôi không, chứ tôi không hỏi anh về lịch sử hình xăm!
À, nghĩa là bạn nói tôi đánh trống lảng, kiểu tòa hỏi một đằng, mình trả lời một nẻo phải không? Về câu hỏi này, tôi xin trả lời bạn trong lần sau gặp lại. Và cho phép tôi tối nay soi gương lại mình xem thực sự có chữ “Nhẫn” đó hay không?!
Mai Khôi vừa hơn 20 tuổi, anh đã 50 – tình yêu của hai người đã vượt khỏi biên giới tuổi tác?
Nếu tôi trả lời thì hóa ra tôi thừa nhận hiện nay tôi với Mai Khôi đang yêu nhau? Tôi luôn quan niệm tình cảm giữa hai người rất thiêng liêng, và tôi muốn giới hạn cuộc phỏng vấn này!
Riêng vấn đề cô bé Mai Khôi, tôi xin phép chưa thể trả lời bất cứ cái gì liên quan trong bài phỏng vấn này, vì tôi luôn là người đàn ông không may mắn, thường bị nói trước bước không qua, nên bây giờ tôi phải rút kinh nghiệm.
Có một lần Mai Khôi nói trên Đẹp, cô ấy yêu một người đàn ông 50 tuổi, đào hoa – anh 50 tuổi và cũng nhận mình là người đào hoa. Mai Khôi nói yêu một nhà sưu tập tranh, không phải nhà sưu tập phụ nữ – anh cũng khẳng định mình là nhà sưu tập tranh, không phải nhà sưu tập phụ nữ. Đặc biệt, cuộc gặp gỡ báo chí nhân dịp ra mắt CD của Mai Khôi vừa qua cũng ở gallery Đức Minh. Liệu những “ngôn chứng”, “vật chứng” kể trên chưa đủ chứng minh đó là…?
Tôi sẽ trả lời câu này thật thỏa đáng, bắt đầu từ một câu chuyện vui: bà này nấu rượu lậu, công an rình mãi để bắt quả tang nhưng không được. Thế là họ ập vào nhà bà ấy. Thấy có nồi cất rượu, có hầm rượu ở trong nhà.
Họ lập biên bản bắt bà này, can tội có dụng cụ nấu rượu lậu. Bà ấy đồng ý, và xin phép vào trong phòng thay quần áo.
Chờ lâu không thấy phạm nhân ra, có khả năng bà này chuồn cửa sau trốn mất, nên anh công an quyết định xông cửa tông vào thì bà ấy không mặc đồ gì trên người và quay lại nắm lấy “của quý” của anh công an, hét ầm lên là anh này giở trò bậy bạ.
Anh ấy nói tôi giở trò với bà bao giờ? Anh không giở trò nhưng anh có dụng cụ giở trò, và anh xông vào khi tôi không có quần áo trên người. Nếu tòa xử anh trắng án thì tôi mới chỉ có dụng cụ nấu rượu chứ tôi có nấu rượu đâu, bởi vậy tôi cũng trắng án. Bà ấy bảo vậy.
Đấy là chuyện tiếu lâm, nhưng nó nói lên vấn đề: tất cả những hiện tượng bên ngoài chưa nói lên bản chất!
Còn trả lời thẳng câu hỏi của bạn, khi bạn phỏng vấn Mai Khôi, cô ấy nói yêu người 50 tuổi, là nhà sưu tập tranh nổi tiếng, không phải nhà sưu tập phụ nữ. Rồi minh chứng hơn nữa là cuộc ra mắt CD của Mai Khôi nằm ở số nhà 31C Lê Quý Đôn là do ông Bùi Quốc Chí làm chủ.
Tất cả đều đúng, và kể cả Mai Khôi có nói thẳng yêu Bùi Quốc Chí, nhưng có thể tình yêu đó chỉ là một chiều. Cũng có thể tôi đang yêu công nương Diana, mà không lấy được! Vì vấn đề là công nương Diana có lấy tôi không.
Còn tôi làm cho Mai Khôi vì hiện nay tôi rất quý Mai Khôi, và vì không gian này có chức năng công cộng. Trước Mai Khôi tôi đã làm tổ chức hàng chục cuộc triển lãm cho các nghệ sĩ, và sau Mai Khôi sẽ còn nhiều cuộc triển lãm nữa.
Tóm lại, ở đây mọi người có thể đến, miễn đó là mục đích ủng hộ nghệ thuật. Mai Khôi trong con mắt tôi cũng là một tài năng, ít nhất cô ấy là một nghệ sĩ, làm những việc mà nhiều người ở tuổi cô ấy không làm được.
Tôi nói câu này không có nghĩa đây là tình yêu một chiều, giả dụ Mai Khôi công nhận yêu tôi thì bây giờ tôi cũng chưa công nhận yêu cô ấy. Vấn đề là bạn hãy chiều tôi một chút, cái gì thuộc về đời tư hãy cứ để tôi gặm nhấm!
Dương Thúy |