Bụi mịn từ lò gạch sẽ gây ung thư cho cộng đồng



Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục môi trường cảnh báo về nguy cơ gây ung thư từ loại bụi “sát thủ” có nguồn gốc từ khói lò gạch. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại diện Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng sự tồn tại của các “lò gạch ma” như tại Sóc Sơn, Hà Nội nói riêng và nhiều địa phương khác trên cả nước không chỉ trái pháp luật mà còn mang tới nhiều hiểm họa cho xã hội, thể hiện sự tắc trách của chính quyền. 
Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về tác hại của các lò gạch này, cũng như tính chất cấp bách trong việc phải dẹp được loại công trình trên trong tương lai, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với tiến sỹ Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.


“Sát thủ” bụi siêu mịn

Những năm qua, trên địa bàn cả nước đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn liên quan đến lò gạch. Dư luận chưa quên vụ sập lò gạch thương tâm tại Mê Linh (Vĩnh Phúc) làm 2 công nhân lò tử vong ngày 21/4/2014. Trước đó, trên chính địa bàn huyện Sóc Sơn, sáng 15/11/2010, 3 người đã tử vong do ngộ độc khói tại một lò gạch thuộc xã Bắc Sơn.
Theo Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, những lò gạch này không chỉ gây ra những tai nạn thương tâm, mà còn gieo rắc cái chết từ từ cho không chỉ những công nhân trực tiếp tại lò, mà còn cho người dân sinh sống tại vùng lân cận.

Khói lò gạch có chứa loại bụi siêu mịn cực nguy hiểm tới sức khỏe con người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Diễn giải vấn đề này, Tiến sỹ cho biết: “Khi các lò gạch vận hành, chúng tạo ra các loại khí độc. CO2 thì khỏi bàn, công nhân hít trực tiếp có thể ngạt và tử vong tại chỗ. Nhưng kèm theo đó là bụi, bụi PM2,5 – loại bụi có đường kính 2,5 micromet, bằng 1/30 đường kính sợi tóc, còn gọi là bụi siêu mịn.”
Theo ông Tùng, đây là loại bụi khiến cả thế giới lo ngại, vì dù có đeo khẩu trang cũng không thể ngăn được. Loại bụi này chui sâu vào trong phổi và là tác nhân gây ung thư. 
Điểm nguy hiểm của loại bụi này là quá trình tác động trong thời gian khá ngắn, chỉ khoảng vài tháng sau khi xâm nhập và tích tụ trong phổi sẽ khiến cơ thể con người bị suy yếu. Theo nhiều nghiên cứu, người trực tiếp làm việc trong môi trường có mật độ bụi siêu mịn cao có tuổi thọ thấp hơn những người bình thường từ 10-20 năm.
Đáng sợ hơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường nhấn mạnh: Công nhân làm việc tại lò không phải “con mồi” duy nhất của bụi mịn. Những cột khói ngày ngày phả vào không khí chứa bụi mịn, theo gió lan nhanh đi khắp nơi, gieo rắc mầm họa cho cộng đồng sinh sống tại khu vực lân cận.

“Quái vật” nuốt tài nguyên đất

Song song với việc mang tới hiểm họa chết người, có thể xem những lò gạch không phép còn như một loại quái vật “nuốt không” tài nguyên đất.
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng lý giải: Thông thường, đối với các doanh nghiệp khai thác, sử dụng khoáng sản, tài nguyên đất trong sản xuất có đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp này đồng thời sẽ phải chịu một loạt trách nhiệm đối với tài nguyên chung. Cụ thể, họ sẽ phải hoàn nguyên đất sau khai thác, trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải thanh toán các chi phí tài nguyên khác có liên quan.
Đối với các lò gạch không phép, đầu tiên, khi các chủ lò gạch thuê lại đất nông nghiệp của người dân để xây dựng lò gạch, như vậy đã là sai mục đích sử dụng đất, vốn được pháp luật quy định rất chặt chẽ,” ông Tùng phân tích.
Cũng theo ông Tùng, điều nguy hiểm hơn, do các lò gạch hầu hết đều hoạt động chui, không có giấy phép xây dựng nên đương nhiên, họ sẽ trốn tránh một loạt trách nhiệm xã hội như thuế, phí tài nguyên. Điều này dẫn đến việc tài nguyên đất bị tàn phá nghiêm trọng sau quá trình khai thác, đốt gạch.

Các lò gạch hiện nay cũng đang “bức tử” tài nguyên đất (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vị đại diện của Tổng cục môi trường cũng bày tỏ nỗi quan ngại khi chính ông, trong quá trình khảo sát thực tế tại một số xã của Sóc Sơn, đã thấy tài nguyên đất nói riêng và quẩn thể tự nhiên nói chung của khu vực bị những lò gạch ngày ngày cày nát. Những hủm, hố sâu đọng nước. Đất bị xói mòn chất màu. Cây cối bị chặt hạ. Ông Tùng cũng không khỏi ngạc nhiên vì thực trạng ấy diễn ra ngay tại huyện cách trung tâm thành phố Hà Nội không xa.

Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm cho chuyện này?
Đánh giá trên quan điểm cá nhân, Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng nhận định, mỗi địa phương đều có cán bộ địa chính, môi trường, xây dựng, những công trình lò gạch như vậy đâu phải bé, tại sao lại có thể ngang nhiên hoạt động mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ chính quyền?
Rõ ràng, để xảy ra tình trạng con voi chui lọt lỗ kim là do sự tắc trách của chính quyền,” Tiến sỹ nhấn mạnh.

Đại diện Tổng Cục môi trường kết luận: Để có thể chấm dứt tình trạng này, Hà Nội nói riêng và các địa phương khác nói chung cần phải tiến hành tổng rà soát lại việc quản lý và vận hành của các loại lò gạch; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và mạnh tay hơn trong khâu xử lý vi phạm.
Theo VietnamPlus

From the same category