Bùi Công Khánh: Gã lênh khênh trên ghế - Tạp chí Đẹp

Bùi Công Khánh: Gã lênh khênh trên ghế

Sao

Bùi Công Khánh có tác phẩm triển lãm tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore sau cuộc chọn lựa từ những “đỉnh cao” do các quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đề cử; Học bổng Fullbright vốn dành cho những người có cơ hội, khả năng đi đầu cũng như thay đổi đời sống; Giải thưởng Ánh mắt trẻ của Trung tâm Văn hóa Pháp… Linh hoạt dấn thân, anh là ví dụ ngoại lệ, trái ngược cho tính cách bảo thủ của người Quảng Nam mà dân gian vẫn nói “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co”. Vì thế, Khánh cân bằng mà vẫn như chông chênh trên con đường sáng tác và mưu sinh – như thể đang ngồi trên cả mấy chục chiếc ghế nhựa anh chồng lên nhau trong một sắp đặt của mình.

Một hơi thở khác hẳn


Cuộc triển lãm tại Singapore của Khánh đánh dấu 15 năm tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật với những thời đoạn “chi chít” triển lãm cá nhân. Đặc biệt, giai đoạn 2002-2006, Khánh như mê cuồng với việc tổ chức và trưng bày. Trong những năm đó, cứ 2-3 tháng, Khánh lại có một triển lãm mới. Năm 2002, anh một mình bày tới 7 triển lãm, trong đó có tới 5 cuộc là ở nước ngoài. Năm đó người Pháp đón chào anh bằng một triển lãm mà anh chỉ là một thành phần nhỏ trong vô số những thành phần khác, sau đó họ lại đón anh như một khuôn mặt điển hình mới của mỹ thuật miền Nam sôi động, và cuối cùng coi anh là nhân tố mới đáng kể của mỹ thuật Việt Nam.

Quan trọng, anh mang tới một hơi thở khác hẳn những nghệ sĩ Việt từng được người Pháp ghi nhận sau Đổi mới. Anh độc lập với Minh Thành cứ hướng mãi đôi mắt tự vấn buồn buồn, phảng phất hơi hướng Phật giáo vào khán giả. Cũng khác xa với những biểu tượng nghệ thuật rất lạ của Trương Tân mà nếu không cùng gu thì vô cùng khó chấp nhận. Thậm chí, Khánh còn độc lập hoàn toàn với chủ nghĩa chất liệu – những rơm gạo, những họa tiết cổ hay sắc màu thắm thía vàng óng của sơn mài. Anh giản dị với những câu chuyện quá thường nhật được kể với tinh thần chuyện phiếm bên quán nước. Vì thế, nó có thể trút hết bầu tâm sự mà vẫn giản lược, thoáng hài mà không bị nặng nề như những câu chuyện với chất triết lí kén người kiểu “sĩ phu Bắc Hà”.

Trong tác phẩm giễu nhại có tên “Cuộc sống là tiêu thụ”, Khánh chọn cho mình nhân vật trung tâm là những chiếc ghế nhựa. Ghế đỏ gần như màu Dunhill, có cả tựa lưng. Khác với những chiếc ghế nhựa thấp không tựa lưng, loại ghế này tạo cảm giác vững chắc hơn nhiều, cũng thường được sử dụng tại gia đình hoặc các nhà hàng hạng trung. Nếu được làm với tỷ lệ 1:1, không ai có thể chồng từng ấy ghế lên trong đời sống bình thường vì nó quá cao. Do đó, người ta khó lòng nhận ra rằng, với những chiếc ghế ấy cao quá là đổ. Nhưng bằng mô hình thu nhỏ, Khánh làm được điều đó. Hiệu ứng trên nền trắng tinh, trắng hơn sữa của bệ bục và không gian xung quanh: từng chồng ghế cao chồng lên nhau bỗng nhiên như muốn ngã ngửa.

Trong khi loại ghế thấp không tựa vốn là “đặc điểm nhận dạng” của các quán cóc vỉa hè thì tại sao anh lại lựa chọn loại hình ghế tựa? Vấn đề nằm ở chỗ, khi thu gọn, những chồng ghế tựa bao giờ cũng tạo cảm giác vô cùng chông chênh. Có lẽ sự chông chênh là điều Khánh muốn gợi đến. Chỉ là một đồ vật bằng nhựa thông dụng, vật liệu nhẹ, khá dễ nhìn nhưng khi sự tích tụ tiêu dùng đến ngưỡng, chúng mau chóng gợi đến nguy cơ sụp đổ. Tiêu dùng đã “nuốt” đi an toàn cũng như yên bình của đời sống bằng những bước đi rất nhỏ giữa những chân ghế. Để rồi cạnh đó, người đàn ông trắng hơn tuyết ngồi trầm mặc, cô độc.

Tiêu dùng không phải đề tài Khánh “một mình một chợ”. Chí ít, từng có Trần Hậu Yên Thế với những hình ảnh mỉa mai nhái lại tranh Đông Hồ – chiếc đầu vịt được thay bằng hình ảnh người sáng tạo đồ ăn nhanh ở Mỹ trên tác phẩm “KFC Vinh Hoa”. Có điều, Khánh dễ cảm bởi cách nói có phần súc tích và không thách đố. Ở góc độ nào đó, có thể cho rằng anh mô phạm như một giáo viên lâu năm.

Việc vặt chờ tác phẩm

“Cho tới bây giờ tôi chưa xin tài trợ của ai cả, nên kinh nghiệm này còn chập chững”, Bùi Công Khánh trả lời câu hỏi về kỹ năng xin tài trợ dự án. “Ai” ở đây là những tổ chức văn hóa nước ngoài. Khánh không chỉ không xin tài trợ nước ngoài, mà trong nước anh cũng không xin. Anh tự làm tác phẩm, bán tác phẩm rồi lấy tiền nuôi tiếp những dự án sau đó. Cũng có lúc “giáp hạt”, anh phải làm nghề phụ để kiếm thêm chờ cho tới lúc tranh pháo nuôi mình.

Cũng vì thế, những tác phẩm của Khánh thiếu đi sự “hoành tráng”, ấn tượng thị giác mạnh về độ lớn, cho dù đây cũng là một cách khá hiệu quả trong các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hay ý niệm anh từng thực hành. Nó thể hiện “khoảng trống” về kinh phí. Mặc dù vậy, chia sẻ về một dự định xin tài trợ sắp tới, Khánh vẫn cho rằng, nếu không có sự đồng cảm với tác phẩm, anh vẫn có thể không chạy theo sự trợ giúp này.

Với rất ít công sở, cơ quan có chỗ cho họa sĩ, họ hầu như đều phải độc lập kiếm kế sinh nhai, sáng tác. Họa sĩ có thể độc lập không quan tâm tới đời sống bên ngoài hay độc lập quanh năm vẽ chỉ để tham gia triển lãm phong trào. Họ có thể độc lập vừa vẽ vừa đi dạy, hoặc độc lập xin tiền tài trợ để làm tác phẩm. “Nói chung ai cũng có sự lựa chọn rất độc lạ”, Khánh nói. Tuy nhiên, độc lập để trở thành một nghệ sĩ thì rất khác.

“Tôi chỉ có thể nói từ kinh nghiệm của cá nhân tôi, điều quan trọng nhất đối với một nghệ sĩ độc lập là phải đảm bảo về kinh tế”, anh chia sẻ. “Nghĩa là, ít nhất cũng có thể sống mức trung bình đơn giản bằng tiền bán tác phẩm để có thể đầu tư cho tác phẩm kế tiếp. Như thế mới có thể độc lập quan tâm tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống và đủ tỉnh táo chắt lọc, không xa rời đời sống thực tại. Có vậy mới có thể toàn tâm toàn ý và dành nhiều thời gian cho công việc nghệ thuật”.



Nghệ thuật cần văn minh


Cũng nhờ độc lập về kinh tế, Khánh nằm ngoài hiện tượng nhiều người vẫn kêu ca về một số nghệ sĩ tự do – “đẽo chân cho vừa giày” để xin tài trợ. Anh có thể dõng dạc bác bỏ hai chữ “vọng ngoại” trong sáng tác để có nhận thức tích cực về khái niệm này qua những lần xuất ngoại cùng sáng tác với họa sĩ nước ngoài.

Còn nhớ, trong một lần làm việc với nhóm quốc tế tại Pháp, Khánh cũng dần dần nhận ra bạn bè đã nhường toan cho anh sáng tác, trong khi chính họ lại sử dụng những chất liệu từ chất thải để làm tác phẩm. “Các bạn Pháp mang đến đủ thứ đồ phế thải: thùng gỗ, thùng carton, ván gỗ, quần áo cũ và cả… lông gà. Họ đã cưa, đóng, lắp ghép rất say sưa trong sự tò mò của chúng tôi”, Khánh nhớ lại về những nghệ sĩ nghèo, thậm chí chỉ nhận lương tối thiểu mỗi tháng.

Có lẽ, chính cách tận dụng chất liệu này khiến những tác phẩm của Khánh càng về sau càng thoải mái về chất liệu hơn. Tác phẩm của anh, một trong 15 người được chọn để trở thành tác giả trong bảo tàng Singapore, gợi đến những tấm bạt phủ trên các công trình đang phá dỡ. Bất chấp sự quá dung dị này, anh đã chạm được phần nào vào sự bàng hoàng của người xem trước một cuộc giải phẫu cuộc sống.

“Tôi không thích chữ ‘vọng ngoại’ khi nghĩ về hoạt động nghệ thuật hay một tác phẩm nghệ thuật, điều đó biểu hiện thái độ cổ hủ và không văn minh”, họa sĩ chia sẻ. “Nếu nghệ thuật mà không văn minh thì đừng mong bắt kịp với thế giới bên ngoài hay chí ít là một sự đổi thay cho bản thân. Tự cá nhân tôi biết rằng những kiến thức tám năm học ở trường mỹ thuật quá ít so với vốn kiến thức khổng lồ từ bên ngoài, vô cùng phong phú, đầy sáng tạo và thay đổi từng ngày”.

“Một họa sĩ, nghệ sĩ có suy nghĩ và cách trình bày thuyết phục, tác phẩm thể hiện sáng tạo và mới mẻ thì dĩ nhiên người ta sẽ quan tâm. Tôi nghĩ đừng nên đánh đồng sự ‘sáng tạo’ hay ‘phá cách’ với ‘vọng ngoại’. Và xin nói thêm, nếu một nghệ sĩ phải cân nhắc vấn đề xu hướng khi sáng tác, nhằm xin tài trợ thì tự anh ta đã lựa chọn điểm đến cho tác phẩm của mình rồi”.

Anh quan niệm mỗi lĩnh vực đều có ràng buộc, hệ lụy riêng nên độc lập là quyết định riêng tư của mỗi người chứ không phải của riêng gì họa sĩ hay nghệ sĩ. Ngay cả đứa trẻ đi học ở trường cũng có quyết định riêng cho mình. Chính sự va chạm đã kích thích thái độ độc lập ấy.

Còn anh, từ khi úp mặt trên một tấm kính chắn ngang lối đi xuống hầm sát mép nước biển tại biên giới Pháp – Tây Ban Nha, anh đã có quyết định về con đường độc lập của riêng mình. Tấm kính trong đến mức khi nằm lì trên đó Khánh có cảm giác mình đang rơi xuống đại dương xanh liền kề. Trên kính mang dòng chữ: Đây là nơi tưởng niệm những họa sĩ vô danh trên trái đất này. Sự vô danh đến dễ biết bao!

Cú rơi tượng trưng trên bờ biển ấy càng làm anh thấm thía, rằng để làm một nghệ sĩ độc lập – phải kiên trì mạnh mẽ, để không bỏ cuộc. Cho dù có phải mãi lênh khênh trên những chồng ghế.

Tác phẩm “The Past Moved”

Tiêu dùng đã “nuốt” đi an toàn cũng như yên bình của đời sống bằng những bước đi rất nhỏ giữa những chân ghế. Để rồi cạnh đó, người đàn ông trắng hơn tuyết ngồi trầm mặc, cô độc.

Bài: Trinh Nguyễn
Ảnh: An Lê
Trang phục: Armani

Chuyên đề Nghệ sĩ độc lập

Bài viết trong chuyên đề đã đăng:

>> Guillaume Vétu: “Tôi là kẻ ngốc nghếch đến từ phương Tây”

>> Bùi Công Khánh: Gã lênh khênh trên ghế

Mời các bạn đón đọc:

>> Bùi Công Khánh + Đẹp = ???

>> Lê Quang Đỉnh: góc nhìn khác về cuộc chiến

Tổ chức: Vũ Thủy

Thực hiện: depweb

08/08/2012, 14:25