– Anh có thấy khó khăn khi kết hợp các tác phẩm của mình với thời trang hay không?
– Tôi không thấy khó khăn gì cả! Tôi thích vì sự kết hợp này không mới với người khác nhưng với tôi là một trải nghiệm thú vị.
– Chất liệu của chiếc áo có “làm khó” anh không và gây cảm hứng cho anh thế nào?
– Chất liệu vải bố chưa phủ lớp lót nên khi vẽ acrylic lên rất khó ăn màu, nhưng tôi khắc phục được nhờ kinh nghiệm vẽ áo dài từ thời sinh viên đi làm thêm! Tôi thích và đã từng vẽ thử nghiệm trên nhiều chất liệu khác nhau. Kết quả luôn làm tôi hứng thú! Có một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi là liệu người ta sẽ cảm nhận những nét vẽ của tôi như thế nào trên một thiết kế thời trang. Nhưng ba mươi giây sau, tôi thấy rằng đó không phải là điều tôi nên lo lắng, nên tôi đã tập trung làm việc. Cảm hứng lớn nhất khi tôi chạm vào chiếc váy là hình dung nó trên cơ thể của một ai đó, cái đẹp sống động luôn hấp dẫn tôi!
– Ý tưởng của anh khi vẽ chiếc áo là gì?
– Tôi thực hiện phần việc của mình theo cách kết nối với những phần việc của nhiều người khác nữa: người tạo ra chiếc áo, người sẽ mặc chiếc áo, ê kíp chụp hình và dựng ý tưởng… Thời trang là lĩnh vực tôi không chuyên, tôi chỉ thể hiện phần sáng tạo trên chiếc váy đã có sẵn sao cho hài hòa với những hình ảnh từ các bức tranh hoặc trên bình gốm của tôi.
– Anh quan niệm thế nào về việc các nghệ sĩ nên có những kiến thức “liên ngành” về nghệ thuật để dễ phục vụ đời sống?
– Tôi cho rằng nghệ thuật có cách thức đặc biệt để phục vụ đời sống, cách thức tiếp cận và cách thức liên kết cũng khác. Tùy yêu cầu cụ thể của từng dự án mà người nghệ sĩ cần thực hiện những nghiên cứu cần thiết khác nhau để thực hiện hoàn chỉnh từ ý tưởng đến thực tế.
– Anh lên án thế giới tiêu dùng. Vậy sao anh lại sáng tác và cổ vũ cho thời trang (trong hoạt động với Đẹp) – một kiểu tiêu dùng ngày càng phức tạp và tốn kém?
– Tôi cho rằng người nghệ sĩ thực hiện việc châm biếm, phê phán không giống với nhà phê bình nghệ thuật, càng không giống luật sư hay cán bộ nhà nước! Khi tôi đưa ra một thông điệp nào đó trong tác phẩm của mình thì không có nghĩa rằng bản thân tôi đã hoàn toàn tốt đẹp. Ví dụ: tôi lên án việc hút thuốc, nhưng bản thân tôi chưa bỏ được thuốc lá. Nhận thức nhanh nhạy và để nhận thức đó dẫn dắt tác phẩm; chứ đợi bản thân hoàn thiện rồi mới sáng tác thì tôi e nhân loại chẳng được bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật.
* Xem sự kết hợp giữa họa sĩ Bùi Công Khánh và ê kíp sáng tạo của Tạp chí Đẹp trong bộ hình thời trang đặc biệt “An Art Education“
Chuyên đề Nghệ sĩ độc lập Các bài viết đã đăng: >> Guillaume Vétu: “Tôi là kẻ ngốc nghếch đến từ phương Tây” >> Gã lênh khênh trên ghế
>> Bùi Công Khánh + Đẹp = ???
>> Lê Quang Đỉnh: góc nhìn khác về cuộc chiến Tổ chức: Vũ Thủy |