Bùi Công Duy – “Thích đi nhanh, mở nhạc to, và…đi xem phim một mình

Cuộc trò chuyện đầy lạ lẫm với cây vĩ cầm Bùi Công Duy, không phải về nhạc cổ điển mà là về vợ, về xe, về Michael Jackson và cả những cây cầu vượt…
 
Đôi khi điều kì diệu vẫn xảy ra

– Nghe nói anh vừa được… lên chức?

– À, chỉ là từ Phó khoa Đàn dây lên Trưởng khoa thôi mà!

– Nhưng sao mãi vẫn chưa thấy chịu lên chức… bố nhỉ?

– Thì cũng đã bắt đầu nghĩ đến rồi đây, đã bắt đầu cảm thấy trong nhà cần có thêm người. Tuổi này, nhất là ở phụ nữ, là đã bắt đầu phải nghĩ đến rồi…

– Tưởng phải nghĩ đến sớm hơn chứ nhỉ, sau bằng ấy năm?

– Còn phải tùy duyên. Và quan trọng hơn hết, với tôi, là những điều kiện thiết yếu cho một đời sống gia đình, để khi con ra đời, cháu phải được sống trong một môi trường tốt nhất mà bố mẹ cháu có thể mang lại, ít nhất là trong những năm tháng đầu đời. Như bố mẹ mình đã từng lo cho mình.

– Những điều kiện đó là gì?

– Là lúc cả hai vợ chồng đều đã sẵn sàng, đã có thể và đã đến lúc. Là một ngôi nhà đủ rộng để con có thể chạy nhảy, cười đùa, gần gũi với thiên nhiên…

– Và anh đang sống trong một ngôi nhà như thế?

– Hiện tại thì đó là một chỗ ở rất tốt: rộng (240m2), gần bố Quang (nhạc sĩ Phú Quang), gần hồ Tây (tất nhiên, không được là mặt hồ nhưng cũng đủ để hưởng gió sông Hồng), gồm 3 tầng nhà và một khu tách riêng, làm bếp. Cây cối sum suê đủ để mất ít nhất nửa tiếng thì mới tưới được hết. Và đó là một ngôi nhà được bài trí đẹp, theo như tôi nghĩ. Nghĩa là phải khoáng đạt, giản tiện theo kiểu châu Âu, ít màu nhưng tương phản, tận dụng tối đa không gian mở, nhưng lại cũng phải có cái tinh tế, cầu kỳ của người châu Á từ những món đồ bé nhất…

– Cứ lo nghệ sĩ cổ điển khó sống được bằng nghề mà… thế đấy!

– Ồ, thì đôi khi điều kỳ diệu vẫn xảy ra mà! (cười) Đùa thôi, thực ra thì một phần cũng là được gia đình hai bên giúp đỡ, một phần cũng là vì đất mua đã lâu, lại gặp may nữa nên mua được rất rẻ. Nói chung là nếu muốn ở rộng thì tốt nhất là… ra đê!

– Mà, tại sao lại phải tách bếp ra riêng nhỉ?

– Là vì tôi thì rất thích nấu nướng, nhưng đôi khi, lại sợ mùi thức ăn.

– Không có phòng thu nhỉ? Nhà Anh Quân – Mỹ Linh kéo nhau sang Sóc Sơn cũng vì cái phòng thu đấy!

– Cổ điển thì khác. Mình còn lâu mới đủ tiền và kể cả đủ tiền cũng chưa chắc đã làm được tốt.

– Hai nghệ sĩ, một ngôi nhà rộng, sự lãng mạn sẽ “án ngữ” thế nào?

– Có những buổi sáng tự dưng là kêu nhau dậy sớm, đi chợ hoa (gần nhà mà), và đã mua thì nhiều kinh khủng, thường là những ôm hoa rất to. Rồi thì bày biện, phụ vợ cắm hoa (thực ra chỉ giỏi mỗi khâu bưng bê), rủ bạn bè về nhà ăn uống, hoặc đi biểu diễn kết hợp du lịch…

– Thường thì mua hoa gì?

– Lan, tuylip.

– Đẹp rạng ngời mà không chói lóa?

– Không, tại thích nhà đẹp lâu, mà lại không quá mất công.

– Làm sao để giữ một mối quan hệ đẹp mà lại… không quá mất công nhỉ? Tình vợ chồng, chẳng hạn? Bao nhiêu là cọ xát, còn gì!

– Thế này đi: Đừng bao giờ nên nghĩ vợ chồng là một cái gì đó lớn hơn tình bạn. Như thế, vô hình trung là tạo một rào cản giữa hai người. Vợ chồng, trước hết, theo tôi, hãy nên là những người bạn thật tốt của nhau đi đã, những người bạn hiểu nhau nhất và có thể chia sẻ cùng nhau một cách “trắng trợn” nhất (hay là thay bằng từ “táo bạo” nhỉ?)

 – Không, “trắng trợn” đi! Mà, không phải là “bí mật phòng the” đấy chứ!

– Ví dụ, thế này: Có mấy ông chồng dám nói với vợ là thực ra, họ chỉ thích đi xem phim một mình không, tuyệt đối không có vợ ngồi cạnh? Và nếu chẳng may ngồi cạnh, thì phải im lặng suốt từ đầu đến cuối (thử hỏi, mấy phụ nữ làm được như thế?). Và nói chung, có phụ nữ thì mình thường không được đi nhanh, trong khi mình thì lại thích đi nhanh…

– Vì sao anh lại thích đi nhanh?

– Vì chỉ lúc đó, mình mới cảm nhận hết được sức mạnh của cái xe, cũng như của chính mình. Cảm thấy được kích thích, khi không phải cái xe đang chở mình, mà là mình kéo cái xe đi.

– Vậy, tốt nhất là đi riêng?

– Không, vẫn đi chung xe.

– Đến Nhạc viện thì sao, cách nhau mấy tầng?

– 1.

– Ôi, thế thì làm mới quan hệ khó nhỉ?   

– Tại sao lại phải đi làm mới, khi cái cũ tự nó đã hay rồi và giá trị của một mối quan hệ, đôi khi là ăn vào cái cũ ấy? Cái mới, nếu có, sẽ được tìm thấy trong những niềm vui với công việc, với những bạn bè chung và riêng, và nó sẽ đến một cách tự nhiên, chứ không phải lăm lăm tìm kiếm…

– Niềm vui trong công việc? Vậy vì sao vừa qua lại thường chỉ có Bùi Công Duy trên sân khấu mà không có Trinh Hương? Hay “chia sẻ trắng trợn” nhất ở đây là: Thôi em làm ơn “rửa tay gác kiếm”?

– Không, làm gì đến nỗi phải “rửa tay gác kiếm”? Chỉ là chưa xuất hiện nhiều thôi, và tới đây có thể nhiều hơn, một phần cũng do Hương khá là kén chọn chương trình nhưng năm rồi tôi thấy Hương cũng xuất hiện khá là nhiều đấy chứ, lại còn diễn solo. Đáng kể nhất, là công việc giảng dạy, phải nói là Hương khá mát tay trong việc luyện học trò đi thi. Với một người phụ nữ, tôi nghĩ, làm được thế đã là quá đủ!

– Có vẻ hơi “xem thường” phụ nữ đấy nhỉ? Hay “người đàn ông cổ điển” thì đồng thời là… cổ hủ?

– Trái lại, là sự tôn trọng. Và thông cảm. Bởi với những thiên chức thuộc tính của mình, phụ nữ gặp khó khăn hơn đàn ông nhiều. Nói thật là mình cũng chẳng dám mơ gì hơn thế…

– Cơm áo đã bao giờ đùa với hai nghệ sĩ cổ điển chưa?

– Trong một mức độ nào đó, tôi nghĩ  mình cũng lo được kinh tế cho gia đình. Và nói thật là mình cũng không có nhu cầu gì nhiều. Chỉ cần mọi thứ thường thường thôi, là được! Nhà tôi thì không thuê giúp việc. Hai vợ chồng cũng chỉ có một xe, và cũng không phải là “siêu xe”. Một chiếc Camry cũ rồi, mua từ 2007, và cũng không có nhu cầu đổi xe. Nói thật, nếu có nhu cầu chơi sang, thì tôi chỉ ước mua được thật nhiều đàn xịn.

– Vậy, trị giá cây đàn anh đang có?

– Một cây đàn rất rẻ nhưng rất tốt.

– Một cây đàn rất rẻ, cho một nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế?

– Vì đơn giản, nó không phải là đàn cổ mà là đàn mới.

Khi một chiếc Rolls-Royce lăn bánh kể quang gánh…

– Nhạc cổ điển ở ta đã qua đươc thời bị “ghẻ lạnh”. Nước nổi có kéo theo thuyền nổi?

– Ừ thì hồi tôi mới về nước, cách đây 6 năm, thường tôi cũng chỉ được trả đến… 5 – 6 triệu cho hai đêm diễn liên tục, và giờ thì cũng là bằng ấy tiền, nhưng là cho một đêm…

– Điều đó có khiến anh cảm thấy đau khổ?

– Có những điều còn đau khổ hơn nhiều. Đó là những hàng ghế trống, hồi tôi mới về nước, là trình độ tổ chức biểu diễn còn thiếu chuyên nghiệp ở ta khiến người nghệ sĩ phải tự làm quá nhiều việc bếp núc trước khi vác cây đàn ra sân khấu. Và biết tôi đau khổ cái gì nữa không? Đó là tại sao nhạc viện Hà Nội lại phải trông sang một cây cầu vượt? Tại sao người ta lại phản đối việc xây dựng một nhà hát giao hưởng trong khuôn viên một công viên? Tại sao văn hóa lại bị cho “ra rìa”, mà không phải là những mặt tiền sang trọng nhất, như ở Nga, hay các nước phát triển khác? Sao đến giờ ở Việt Nam vẫn chưa có nổi một phòng hòa nhạc đạt chuẩn quốc tế?… Còn thì, mức giá trên, đấy là tôi đang nói đến những chương trình có tính màu cờ sắc áo, nên mình cũng chẳng bao giờ đòi hỏi, cho bao nhiêu thì được bấy nhiêu. Còn những chương trình có tài trợ và bán vé thì phải khác chứ, thậm chí là khác nhiều.

– Khi nghe nói mức giá 6000 USD cho sự góp mặt của Mỹ Tâm vẫn là còn… thấp, anh có chạnh lòng, trước bốn chữ: “đẳng cấp quốc tế” ở mình?

– Cũng có lúc thấy buồn, nhưng không đến mức chạnh lòng, ghen tị. Vì ở một nếu đó là chương trình có tài trợ, có bán vé và sự hiện diện của cô ấy là một sự đảm bảo về doanh thu. Bản thân tôi cũng đã từng được trả tới mức đó, thậm chí còn hơn thế, khi được mời ra nước ngoài biểu diễn, hay những chương trình trong nước nhưng có tài trợ khủng. Nếu xét theo thời lượng mình diễn solo trên sân khấu thì còn là “kinh khủng” hơn chứ, vì một đằng là tính bằng phút, một đằng là tính bằng giây… Tuy nhiên, tôi nghĩ, có những chuyện không nên so sánh. Trong nghệ thuật lại càng không nên. Bởi nếu thật sự say nghề, thì cát sê bao nhiêu không bao giờ là quá ít, hoặc quá nhiều.

– Có người nói với tôi rằng anh không bao giờ đòi hỏi hạng vé business?

– Đương nhiên, vì tôi đâu phải là một thương gia? Còn nếu là một nghệ sĩ nổi tiếng, một cách đúng nghĩa, tôi thấy, thường người ta lại không mấy khi đòi hỏi kiểu đấy. Các nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc Berlin nổi tiếng khi sang Việt Nam cũng vậy, họ chỉ yêu cầu đi vé hạng phổ thông (trừ nhạc trưởng), có sao đâu? Trong khi, tôi nghe nói, có những thí sinh vừa chân ướt chân ráo bước ra khỏi một game show, đã ngay lập tức yêu cầu đi máy bay hạng thương gia. Đòi hỏi như thế, nói thật, tôi thấy hơi quá đáng.

 – Nhạc cổ điển đang ở đâu, theo anh, sau những cú “xuống đường” vừa qua?

– Đang ở… trên đường. Đã bắt đầu hình thành một thói quen, chưa đến nỗi là không bỏ được, nhưng cũng đã bắt đầu thấy thiếu thiếu, nhớ nhớ, nếu lâu lâu không gặp.

– Đã đủ để có một cái tên, trên bản đồ thế giới, dù mờ nhạt?

– Thực ra, Việt Nam là một đất nước rất… bí hiểm nên vẫn luôn được xem là một điểm đến giàu sức hút. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã nói với tôi rằng họ muốn đến Việt Nam không phải vì tiền, vì coi đó là một thị trường mà vì đó là một đất nước… từng thắng Mỹ. Và khi đã đến rồi thì họ có ấn tượng hết sức đặc biệt về lòng mến khách và cả… giao thông ở Việt Nam.

– Giao thông?

– Đúng, họ sợ! Nhưng một mặt, nó cũng rất thích nó. Họ thích cái cách một chiếc Rolls-Royce hay một chiếc Porsche lăn bánh cạnh một cái… quang gánh. Vì với họ, như thế mới là cuộc sống – điều mà người ta không có được trong một đời sống mà gần như tất cả mọi thứ đều chui vào nhà và những cái trưng ra ngoài đường thì chỉ là… nghệ thuật sắp đặt.

– Anh thì sao?

– Không, tôi thì lại thấy giao thông VN quả thực rất tệ. Quá lộn xộn và quá thiếu sự tôn trọng lẫn nhau. Mà buồn là cũng những người Việt đó, khi sang nước ngoài, thì lại khác hẳn. Chứng tỏ đâu phải họ không biết, mà chỉ là họ không làm.

– Anh “trốn” vào đâu trên những cung đường đó?

– Sở dĩ tôi chọn Hà Nội, mà không phải là TP.HCM, là cũng chính bởi vì quá yêu và quá nhớ những mặt hồ đầy sương vào những buổi sáng mùa đông hay những lúc khuya khoắt. Đó là một gương mặt khác, đã đành! Nhưng phần nào đó, nó còn giúp tôi đỡ nhớ nước Nga nữa. Vì một trong những thú vui của tôi hồi ở Nga là phóng xe dưới những cơn mưa tuyết…

– Trong nhà và trên xe, thường anh mở nhạc gì?

– Dứt khoát không phải là nhạc cổ điển nhé! Đúng hơn, đĩa nhạc pop bao giờ cũng nhiều hơn đĩa cổ điển. Vì như đã nói, tôi thường thích đi nhanh. Nên nếu không tắc đường, thì đó lại phải là pop, là rock… Có biết ai là người đã giúp tôi tràn đầy cảm hứng chinh phục đỉnh cao Tchaikovsky không? Chính là Michael Jackson đấy! Suốt dọc đường cao tốc chạy đến điểm thi hôm đó, tôi đã nghe đi nghe lại bản nhạc lôi cuốn đó, “Black or White”. Và mở hết cỡ.

– Anh cũng… lạ nhỉ? Thích Hà Nội, vì nó yên tĩnh. Nhưng nhạc lại phải mở hết cỡ?

– Tùy lúc thôi. Lúc mệt mỏi, thì mới cần được yên. Nhưng cũng cần tỉnh táo, thì đôi lúc, lại phải nhờ đến tiếng ồn…

 

Q & A
– Điểm Bùi Công Duy muốn thay đổi ở Trinh Hương?

– Nói nhiều.

– Ngược lại?

– Cũng lại nói nhiều.

– Ôi, một tổ ong?

– Chính xác đấy! Trừ những lúc một trong hai được yêu cầu (hoặc bỗng có nhu cầu) im lặng.

– Điều gì chỉ có thể tìm thấy ở nhau?

– Chưa nói đã hiểu + nhà phê bình đáng tin cậy nhất.

– Vậy sao vẫn phải nói nhiều?

– Không biết.

– Bảng phân công công tác trong nhà?

– Bùi Công Duy: Lau nhà, tưới cây, phơi đồ. Trinh Hương: Quét nhà, giặt đồ, nấu ăn. Hoặc, ngược lại.

– Nếu một trong hai kẻ lãn công?

– Thì đi ăn tiệm. Nhưng nhà thì chết cũng phải ngăn nắp.

– Có nghĩ là mình nên giảm cân đi một chút?

– Thực sự là không có thời gian để nghĩ đến.

– Nếu có thời gian?

– Thì ưu tiên số 1 phải là ngủ. Không biết sao rất thích ngủ.

– Điều gì không có ở Việt Nam?

– Bố mẹ (hiện sống ở Singapore) và em gái (lấy chồng ở Bangkok).

– Điều đáng sợ nhất ở Việt Nam?

– Giao thông. À không, số 1 phải là tam sao thất bản!

– Vậy phải làm thế nào?

– Chẳng có cách nào cả. Thời gian trôi đi, mọi người sẽ hiểu. Sự thật thì vẫn là sự thật, và mình vẫn phải là mình.

– Không mệt mỏi sao?

– Có chứ, nhưng dù sao, đó vẫn là phương thức tốt nhất.

– Nếu sự thật cũng “lãn công”?

– Vào một ngày đẹp trời thì nó sẽ nghĩ lại.

Text: Thuy Le
Photo: Tuan. Fr


From the same category