Bùi Công Duy: Không đâu thích như ở nhà - Tạp chí Đẹp

Bùi Công Duy: Không đâu thích như ở nhà

Bộ Sưu Tập

Cái tên Bùi Công Duy đã dần quen thuộc với nhiều dàn nhạc giao hưởng quốc tế, không còn là sự góp mặt vinh dự nữa, mà như một đóng góp vào nghệ thuật biểu diễn âm nhạc thính phòng quốc tế.

Người có công phát hiện, nuôi dưỡng tài năng Bùi Công Duy cũng là người có công… sinh ra anh, GS-TS Bùi Công Thành. Ông vừa là một nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng, vừa là thầy dạy của nhiều học trò giỏi sau này như Tăng Thành Nam… Bùi Công Duy đương nhiên được thừa hưởng một không gian đầy ắp âm nhạc ngay từ bé. Con mắt và lý trí của người cha đã không sai khi quyết định đưa cả gia đình sang Nga vào giai đoạn kinh tế khó khăn nhất, để tạo điều kiện học tập cho cậu con trai lớn, khi đó mới 10 tuổi.

Thời gian và những giọt mồ hôi đã rèn luyện từ một năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, Duy trở thành một nghệ sĩ trẻ tài năng. Những giải thưởng nâng dần lên, từ Giải nhất Tài năng âm nhạc trẻ toàn quốc cho đến Giải nhất cuộc thi danh tiếng Tìm kiếm tài năng âm nhạc mang tên nhà soạn nhạc vĩ đại Tchaikovsky. Tiếng vĩ cầm của Duy đã cùng với nhiều dàn nhạc danh tiếng trên thế giới cất lên ở nhiều quốc gia.

Hiện nay, Bùi Công Duy đang học năm thứ hai hệ Nghiên cứu sinh biểu diễn, sẽ kết thúc vào cuối năm 2005 với tấm bằng thạc sĩ âm nhạc. Ngoài biểu diễn, anh cũng là một trợ giảng đắc lực cho Giáo sư, NSND Bochnova, người đã truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu cho anh đã 7 năm nay.

Cuộc phỏng vấn này của Đẹp được thực hiện qua Internet, vì Bùi Công Duy vẫn đang ở Nga để hoàn thành chương trình học, trước khi về Việt Nam ăn Tết và… cưới vợ.

Mọi người đều hết sức bất ngờ trước tuyên bố của Bùi Công Duy, là sẽ trở về Việt Nam để tham gia biểu diễn và giảng dạy?

Kế hoạch gần nhất của tôi là về nước trong tháng 1 này, tổ chức lễ cưới với nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái nhạc sĩ Phú Quang tại Hà Nội. Vì tôi chưa hoàn thành chương trình học nên cũng chưa quyết định lựa chọn nơi làm việc cụ thể ở Việt Nam sau này, sợ còn có nhiều thay đổi. Hiện tại, cả hai nhạc viện Hà Nội và Tp.HCM đều đã có lời mời về giảng dạy các sinh viên trẻ của trường.

Giữa con đường được biểu diễn ở nước ngoài có nhiều khán giả và làm việc trong nước ít điều kiện biểu diễn hơn, anh đã quyết định chọn con đường thứ hai cùng vợ mình (Nghệ sĩ Trinh Hương cũng sẽ tốt nghiệp Tiến sĩ âm nhạc vào năm nay và sẽ nhận công tác tại Nhạc viện HN). Nhưng những người ngưỡng mộ Bùi Công Duy, lại cho rằng, anh nên phát triển sự nghiệp của mình, không chỉ cho cá nhân anh mà cho cả một niềm tự hào của dân tộc?

Tôi chọn con đường thứ hai vì muốn được gần gũi gia đình, người thân và bạn bè của mình. Đối với tôi điều này quan trọng hơn cả. Còn tài năng và sự phát triển nghề nghiệp, tôi không ngại vì trong hoàn cảnh nào, chắc chắn cũng có những khó khăn nhất định. Quan trọng nhất vẫn là ở bản thân mình thôi. Dự định cụ thể của tôi là sau khi kết thúc khóa học và về nước làm việc, vẫn sẽ tiếp tục tham gia những chương trình ngoại khóa để có thể học thêm nhiều kinh nghiệm từ người thầy của tôi.





Trên quãng đường dài di chuyển bằng tàu hỏa từ Nga sang Ba Lan, có hai nghệ sĩ vĩ cầm đã biến cả toa xe thành một khán phòng lưu động. Một là NSND Bochnova – niềm tự hào của người dân Nga yêu nhạc cổ điển. Chàng lãng tử kia là một nghệ sĩ trẻ Việt Nam, Bùi Công Duy, học trò của bà. Chàng trai ấy, tuy xa quê hương đã hơn 10 năm, nhưng cũng là một niềm tự hào lớn của cả nền âm nhạc bác học Việt Nam.
Ở Việt Nam, môi trường cho âm nhạc bác học còn quá nhỏ bé. Duy có hy vọng gì ở nó trong thời gian tới về làm việc?

Làm nghệ thuật, phải mất nhiều thời gian khổ luyện mới có được chỗ đứng trên sân khấu. Khán giả cũng vậy, phải mất nhiều thời gian để học, có kiến thức cơ bản về âm nhạc họ mới có nhu cầu đến thưởng thức. Quan trọng là việc giáo dục phổ cập của chúng ta phải cung cấp được cho mọi người kiến thức cơ bản đó từ khi còn nhỏ.

Anh may mắn được tiếp xúc và có điều kiện học violon từ chính cái nôi của âm nhạc bác học. Tài năng phát triển diễn tiến thôi, đúng không. Liệu có khi nào anh cảm thấy muốn được lựa chọn lại?


Thực ra thì ngay từ lúc bé tôi đã rất mê các bộ môn thể thao như đua xe Công thức 1, đá bóng và quần vợt. Tôi cảm thấy mình có chút chút năng khiếu và niềm say mê với chúng. Với bóng đá, tôi cũng rất mê nó và muốn thành cầu thủ. Nhưng cuối cùng hiểu ra, trên hết sự say mê của tôi vẫn là âm nhạc. Tôi đã lựa chọn âm nhạc vì nghĩ rằng, cầu thủ bóng đá giỏi thì vẫn nhiều hơn nghệ sĩä violon giỏi. Cho đến nay, nghệ thuật là sự lựa chọn duy nhất của tôi và chẳng còn có ý định thay đổi nào nữa.

Giai đoạn anh bắt đầu sang Nga cũng là lúc biến động chính trị, tình hình kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn nhất. Để theo đuổi việc học đến nơi đến chốn, chắc hẳn anh đã được gia đình tạo rất nhiều điều kiện? Và vì thế anh có bị một áp lực nào để cố gắng không?

May mắn, tôi luôn được gia đình chăm lo cho đầy đủ ngay từ khi còn nhỏ. Trong việc học đàn, không bao giờ bố mẹ để cho tôi phải thiếu thốn gì cả. Kể cả những lúc gia đình gặp khó khăn thực sự về tài chính, bố tôi phải đi làm thêm. Gia đình đã hy sinh cho tôi quá nhiều để có đầy đủ vật chất và tinh thần. Nhưng thực sự, tôi không có nhiều áp lực trong học tập vì tôi luôn ý thức được những gì mình phải làm. Đó là điều quan trọng nhất.

Trong con người của anh luôn thường trực hai chữ “cố gắng”? Đó chẳng phải là áp lực sao? Cố gắng đến đâu là đủ, để thành một nghệ sĩ tài năng, để có một hạnh phúc, để được xã hội công nhận?

“Cố gắng” là sự kích thích là cho tôi vươn tới những gì mình muốn đạt được. Nhưng cố gắng chẳng bao giờ đủ cả. Tôi chỉ cố gắng làm được những gì mình muốn chứ chẳng để được xã hội công nhận hay… vì bất cứ một lý do nào khác. Đơn giản là cố gắng cho tôi.

Tháng 11/ 2002 tại Paris, Bùi Công Duy là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào vòng 2 của cuộc thi J.Thibaud, một cuộc thi có thâm niên, uy tín vốn được ví là cái đỉnh khó vượt nhất của các nghệ sĩ violon. Bùi Công Duy đã không lọt được vào vòng 3. Khi phóng viên hỏi, “Anh có hài lòng với kết quả này?”, Duy trả lời: “Là thí sinh ai cũng muốn có kết quả cao nhất. Song điều đó lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn, trường phái âm nhạc lẫn tư duy tác phẩm của Nga và Pháp khác nhau. Cuộc thi lại có xu hướng trao giải cho các tài năng trẻ, do vậy tôi đã thất bại. Nhưng qua cuộc thi này, rõ ràng, tôi đã hiểu rằng mình không thể bảo thủ, phải mở rộng phong cách chơi nhạc và tham khảo nhiều trường phái khác nhau”.

Vốn đã quen với các giải thưởng, dường như anh không sợ thất bại? Anh đối diện với những thất bại, không chỉ trong nghề nghiệp như thế nào?

Phải có thất bại mới có thành công, đó là chuyện bình thường mà. Với thất bại, tôi không phải suy nghĩ và buồn quá lâu. Chỉ cần suy nghĩ lại để có kinh nghiệm, không bị vấp phải những thất bại đó một lần nữa. Trong cuộc sống của tôi, thực sự chưa có gì đến mức gọi là thất bại cả. Nhưng tôi lại nghĩ thất bại cũng là một điều rất hay, rất cần thiết, đôi khi cũng phải thất bại thì mới có thể tiến xa hơn được.

Những khoảnh khắc không âm nhạc của anh là gì?

Thời gian rảnh của tôi một phần cũng vẫn dính đến âm nhạc. Tôi nghe nhạc để giải trí. Thích xem phim và đọc báo tin tức thế giới. Ngoài ra cũng dành thời gian để tán gẫu với bạn bè… Tất nhiên, thời gian rảnh rỗi nhiều nhất tôi luôn dành cho Trinh Hương và gia đình.

Là một tài năng trẻ lại rất nổi bật về ngoại hình, chắc hẳn không chỉ Trinh Hương để ý đến anh? Điều gì ở phụ nữ sẽ khiến anh chú ý đặc biệt?

Là sự thông minh, dịu dàng và những nét quyến rũ…

Và anh đã tìm thấy những sự hấp dẫn đó ở Trinh Hương. Hương lớn tuổi hơn anh tới 5 tuổi, chắc chắn cô ấy đã cho anh nhiều bài học quý báu?

Tôi quý nhất ở Hương là sự dịu dàng và đảm đang, kết hợp với sự thông minh của một phụ nữ văn minh. Tôi quen Hương khi mới lên Matxcova học đại học, ban đầu vẫn gọi là chị. Nhưng Hương rất trẻ trung và chúng tôi có nhiều quan điểm giống nhau. Khi yêu nhau, Hương đã dạy cho tôi rất nhiều qua cuộc sống ở trường.

Trinh Hương là động lực chính để anh về làm việc ở Việt Nam dù bố mẹ anh đã định cư ở Nga?

Tôi đã lớn và tự lập. Chúng tôi đã có một căn nhà nhỏ ở Hà Nội và tôi thực sự mong muốn được giảng dạy và biểu diễn cùng Hương ở ngay chính quê hương chúng tôi.

Anh xa Việt Nam đã lâu, kỷ niệm và sự gắn bó của anh với quê hương có thể so sánh với tình yêu với Trinh Hương?

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện so sánh này cả. Nhưng với Việt Nam, dù đi xa nhưng tôi vẫn là người Việt, có một tình cảm đặc biệt dành cho quê hương. Tôi đã đi qua nhiều quốc gia và thực sự cảm thấy rằng không ở đâu hạnh phúc như ở nhà.

Xin chúc mừng hạnh phúc anh. Liệu có thể hy vọng vào một tài năng trong tương lai là sự kết hợp của một tài năng vĩ cầm và một nghệ sĩ dương cầm?

Cảm ơn anh. Nhưng hy vọng ấy quá xa, quan trọng là sau này con cái của tôi và Hương có sự đam mê hay không? Không thể ép con cái làm theo những gì người lớn muốn mà chúng không thích được. Duy và Hương đều muốn tất cả, kể cả tài năng đều được tự nhiên bộc lộ và phát triển.

Thực hiện: depweb

18/01/2005, 11:22