Bùi Công Duy: Chưa bao giờ nuối tiếc là đã trở về - Tạp chí Đẹp

Bùi Công Duy: Chưa bao giờ nuối tiếc là đã trở về

Sao

Điều đáng trân quý hơn cả ở nghệ sĩ tuổi trẻ, tài cao này chính là niềm đau đáu luôn vì sự phát triển nghệ thuật Việt Nam.

 

Tôi không phải thần đồng!

Vừa trở về từ Đan Mạch, Philippines trong chương trình biểu diễn âm nhạc hiện đại thế kỷ 20, 21 cùng nhiều nghệ sĩ danh tiếng Mỹ, châu Âu, Bùi Công Duy có “hao” đi tí chút. Nhưng có vẻ sự gầy đi hợp với anh hơn. Gương mặt sạm một chút, thanh thoát hơn cùng vóc dáng của nghệ sĩ cao trên 1m80 tăng độ hấp dẫn với người đối diện.

Nếu ai đó tò mò, không biết Bùi Công Duy tập đàn có gì khác người, anh chỉ cười hiền: “Tôi không phải thần đồng, tôi chỉ là người thường thôi”. Sinh ra trong gia đình truyền thống làm âm nhạc, bố là nghệ sĩ, PGS.TS. Bùi Công Thành. Anh kể, hồi nhỏ anh cũng ham chơi, rất hay “mặc cả” nếu tập đàn 1 tiếng thì cũng phải được đi chơi chừng ấy thời gian. “Say mê tập đàn từ nhỏ chắc chỉ có thần đồng”, Bùi Công Duy nói thế vì anh nghĩ thành công nào cũng cần có sự “thúc ép” nhất định từ phụ huynh.

Lượng thời gian bỏ ra với cây đàn ngang nhau, dù là mới tập hay đã là nghệ sĩ biểu diễn, không ai có thể bớt giờ tập đàn để “nhàn” hơn một chút. Những ngày có giờ giảng ở Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, Bùi Công Duy bỏ ra 2-3 tiếng luyện đàn, ngày không lên lớp ít nhất là 5 tiếng, thậm chí lên đến 7 tiếng khi gần đến thời gian biểu diễn. Anh nhắc đi nhắc lại, nghệ sĩ biểu diễn không chỉ cứ dồn sức trong 1 tháng là có thể diễn hay ngay, nó đòi hỏi quá trình học tập, kinh nghiệm đứng trên sân khấu.

Trở về, chưa bao giờ hối tiếc

Không biết bao nhiêu lần, Bùi Công Duy phải trải lòng trước thắc mắc – một nghệ sĩ vĩ cầm từng gắn với nhiều giải thưởng danh giá: Giải Nhất cuộc thi Âm nhạc quốc tế Demidov (1993), giải Nhất cuộc thi Âm nhạc quốc tế Z. Bron (1995), đặc biệt là giải nhất cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc mang tên nhà soạn nhạc vĩ đại của nước Nga Tchaikovsky (1997), lại là nghệ sĩ nước ngoài đầu tiên được mời chơi cho dàn nhạc thính phòng lừng danh Virtuose Moscow (Nga) – lại chọn cách rời bỏ tất cả, về Việt Nam. “Tôi không bao giờ tiếc, mà có tiếc thì cũng không giải quyết được gì. Quyết định đó được chuẩn bị rất lâu”, Bùi Công Duy chia sẻ.

Sống và học tập ở Nga, trong cái nôi nghệ thuật tiếng tăm từ năm 10 tuổi, có được chỗ đứng vững chắc như Bùi Công Duy trước thời điểm về nước quả là ước ao của không biết bao nhiêu người theo đuổi con đường nghệ thuật. Nhưng Duy nhìn lại quãng thời gian ấy thật nhẹ nhõm: “Ở đâu cũng có thuận lợi, khó khăn riêng, quan trọng phụ thuộc vào mình”. Tạm biệt môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, có bề dày để về với tổ quốc, gần như phải làm từ đầu, nhưng Bùi Công Duy phơi phới đặt niềm tin vào lựa chọn ấy.

Đúng là ở Nga, anh có cơ hội biểu diễn nhiều hơn, khán giả thưởng thức cũng ở đẳng cấp khác. Ngược lại, về nước, Bùi Công Duy có thêm trải nghiệm đứng trên giảng đường. “Cuộc sống có nhiều mảng thú vị, đâu chỉ có biểu diễn. Ở đâu cũng phải hoạt động, mọi thứ đều phải tự tạo ra dù là quan hệ hay vị trí. Hơn nữa, ở Việt Nam có những thuận lợi hơn hẳn, tôi vừa giảng dạy, biểu diễn và tham gia nhiều hoạt động xã hội có ích”, anh nói.

Muốn mang tinh túy thế giới về Việt Nam


Không riêng tôi mà nhiều nghệ sĩ khác cũng hi vọng, những người thành công ở nước ngoài, ít nhiều khẳng định vị trí nào đó hãy hướng nhiều về Việt Nam hơn nữa. Ít ra trong lĩnh vực nghệ thuật, chúng ta thiếu nguồn năng lực. Họ có thể học xong, sinh sống ở nước ngoài cũng được, chỉ cần tích cực tham gia nhiều hoạt động hơn trong nước”, Bùi Công Duy chia sẻ.

Bận giảng dạy, biểu diễn trong và ngoài nước, nhưng Bùi Công Duy vẫn tha thiết với những dự án nâng cao đời sống nghệ thuật trong nước. Mùa hè này, anh thành công với 2 dự án hòa nhạc giao hưởng lớn. Đáng kể nhất là nỗ lực trong 2 năm để đưa dàn nhạc giao hưởng Đức danh tiếng Berliner Symphoniker, 66 người về Việt Nam, thuyết phục họ biểu diễn nhạc mục phù hợp nhất với khán giả Việt. Nỗ lực của anh và những cộng sự là đưa những gì hay nhất của thế giới, những thứ đáng được biết đến về Việt Nam.

“Sự cống hiến, công sức mình bỏ ra trên nguyên tắc phải làm việc 200%. Hơn nữa, nguyên tắc của tôi trong công việc luôn phải nghĩ đến chất lượng, uy tín. Tôi không tin không bỏ công sức mà vẫn thành công. Tôi thích là người giản dị, bình thường, không muốn bị sọi nhiều. Trong cuộc sống, tôi luôn đánh giá lối sống thẳng thắn, thật. Con người, nhất là người làm nghệ thuật ai cũng nhạy cảm, mình làm mọi điều với cái tâm tốt, hướng tới điều thiện, bao giờ kết quả cũng tốt đẹp?

 

Bùi Công Duy xuất hiện trong phim truyền hình “Chiến hạm nổ tung”, trong vai vua Bảo Đại, phát sóng từ 20/8. “Cú tạt ngang sang phim ảnh là khoảnh khắc đẹp, tôi tìm thấy niềm vui, thử thách bất ngờ. Là người mê phim, giờ tôi biết người ta làm phim thế nào. Nó cũng rất gần với âm nhạc, cũng đông công chúng vây quanh, nhiều ánh đèn và diễn viên phải tự nhiên, bản lĩnh trước ống kính”, Bùi Công Duy chia sẻ

Nhật Vũ
(theo SK & ATTP

Thực hiện: depweb

02/10/2012, 09:39