Là bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Truman Capote, “Breakfast at Tiffany’s” (Bữa sáng ở Tiffany) do Blake Edwards đạo diễn năm 1961 xoay quanh cuộc sống của người phụ nữ xinh đẹp, cá tính có tên Holly Golightly (Holly Nhẹ Dạ). Nàng sống một mình tại căn hộ chung cư nhỏ với một chú mèo không tên mà Holly gọi là… “mèo” (cat). Nghề nghiệp của Holly cũng rất gây tò mò khi nàng thường xuyên được những người đàn ông giàu có bám đuổi và tặng quà.
Không quá nam tính, mạnh mẽ, dữ dội như nguyên mẫu nhân vật trong tác phẩm, nữ minh tinh Hollywood Audrey Hepburn đã vào vai Holly rất “ngọt”. Nàng Holly của Audrey Hepburn có thêm sự nữ tính và duyên dáng, trở nên hết sức đáng yêu. Có thể nói Holly “hút” người khác ở sự mâu thuẫn của nàng: mâu thuẫn giữa vẻ ngoài cô độc và sự nhiệt thành bên trong, giữa sự trau chuốt, sang trọng, nhưng có khi cũng rất giản dị, thậm chí xuề xoà. Nàng quá đẹp, nhưng cũng quá… điên, khiến cho người ta đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Holly Golightly xuất hiện ở đầu phim với vẻ ngoài bí ẩn, lạnh lùng.
Nhưng rồi gặp nàng, hiểu sâu về nàng, ta càng thấy nàng dễ thương, gần gũi.
Phải nói thêm về chiếc váy đen mà Holly mặc ở đầu phim – chiếc váy dài đen “Little Black Dress” (LBD) đơn giản mà sang trọng, kinh điển của làng thời trang. Chiếc váy này do nhà tạo mẫu Hubert de Givenchy (cha đẻ của thương hiệu thời trang Givenchy) thiết kế riêng cho nàng thơ của ông là Audrey Hepburn. Mặc dù Hubert đã từng đảm nhiệm phần phục trang cho nhiều bộ phim như “Sabrina” (1954) và “Funny Face” (1957), nhưng phải đến “Breakfast at Tiffany’s” năm 1961, Hubert mới thực sự khiến cho giới thời trang sửng sốt với chiếc váy đen dài chấm gót, với đường cut out khéo léo khoe bờ vai thon và đường cong của người phụ nữ.
Chiếc váy dài đen (LBD – Little Black Dress) kinh điển của ngành thời trang.
Chính chiếc váy LBD này và những trang phục đẹp mắt khác mà Hubert thiết kế cho Audrey trong phim đã đánh dấu một giai đoạn mới của thời trang trong phim ảnh. Hình tượng người phụ nữ xinh đẹp, cá tính và mạnh mẽ trong phim đối ngược hẳn với hình tượng của Marilyn Monroe hay Elizabeth Taylor mà Christian Dior đã xây dựng trong hơn một thập kỉ của nền điện ảnh. Cũng từ đó, Hubert de Givenchy đã được mệnh danh là “kẻ nổi loạn” của làng thời trang, và với “Breakfast at Tiffany’s“, thực sự ông đã “nổi loạn” một cách tuyệt vời.
Nhân vật Holly có tính cách khác hẳn khuôn mẫu những nhân vật nữ khác trong thời gian này.
Holly có vẻ đẹp rất duyên dáng…
Ngay cả khi chỉ khoác… khăn tắm lên người, nàng cũng vẫn đẹp!
Khi ở nhà, Holly thường chỉ mặc những chiếc áo sơ mi đơn giản…
… ngược hẳn với những trang phục thanh lịch, quy chuẩn.
Điều này khiến người ta tự hỏi: nàng bao nhiêu tuổi, thực sự tính cách của nàng là gì?
Sự mâu thuẫn trong cuộc sống của Holly đã được lột tả bằng những trang phục của nàng: có khi loè loẹt sặc sỡ khi nàng vui, lúc thì rất bụi bặm đàn ông khi Holly muốn thể hiện mình mạnh mẽ. Nhưng có một điều mà dù mâu thuẫn đến mấy thì người ta vẫn đều thấy ở Holly, đó là sự sang trọng, quý phái của nàng. Nàng luôn đẹp mọi lúc mọi nơi, người ta nhìn ngắm nàng không biết chán, thậm chí ngay cả khi nàng… điên! Có lẽ chính sự biến hoá muôn màu muôn vẻ của nhân vật Holly đã tạo được ấn tượng đặc biệt, khiến người yêu phim rất tự nhiên mà gắn luôn hình tượng của Audrey Hepburn vào nhân vật cô nàng “nhẹ dạ” này.
Hôm nay nàng có thể hồng, cam sặc sỡ…
Thoắt một cái, nàng bỗng nam tính và bụi bặm với áo dài tay và quần bó.
Những bộ trang phục nam tính (mà sau này giới thời trang gọi là “menswear”) cũng là một điểm nhấn cá tính của “Bữa sáng ở Tiffany“. Chỉ cần một chiếc áo dài tay đơn màu, chiếc quần bó và giày gót thấp, Holly ngay lập tức trở nên mạnh mẽ như một cậu bạn nhỏ người. Thế nhưng, sự nam tính mà Holly tự tạo ra để bảo vệ mình chắc chắn vẫn không thể giấu đi nét nữ tính ở một người phụ nữ quá đẹp như Holly.
Holly nam tính với cách ăn mặc phóng khoáng và điếu thuốc trên tay.
Một nhân vật không thể không nhắc đến ở đây là chàng nhà văn Paul, người mà Holly tự động “đặt tên” là Fred với lí do Paul rất giống người anh Fred của cô. Paul dành cho Holly tình yêu của một nhà văn đối với nhân vật nữ chính yêu quý trong cuốn sách của mình. Là một người đàn ông sâu sắc và nhiều cảm xúc, Paul có cách ăn mặc rất lịch sự, đàn ông với sơ mi và vest đồng màu. Anh tạo cho người khác cảm thấy sự tin cậy và ấm áp.
Paul có cách ăn mặc chỉn chu của một nhà văn những năm 60.
Paul và Holly rất đẹp đôi khi đi cạnh nhau.
Cặp kính đen cũng là một phụ kiện “đắc lực” của Holly.
Nàng Holly “Nhẹ Dạ” đáng yêu và ngọt ngào như một viên kẹo khi ở bên Paul.
Trailer phim “Bữa sáng ở Tiffany”.
Bài: Ngọc Đặng
Ảnh: Internet
Nàng mặc đồ ra ngoài đường và khiến người ta ngả nghiêng, với một sự hững hờ đến sửng sốt. Đấy là phong cách thời trang của nhân vật Malène trong bộ phim “Mối tình đầu của tôi” do nữ diễn viên Monica Bellucci thủ vai.