– Thế cuối cùng anh đã chốt được giá vé show world music vào tối 1/9 tới của anh chưa đấy?
– À cái show tại Nhà hát Lớn Hà Nội ấy hả? Rồi! Từ 800 ngàn – 2 triệu đồng!
– Ui, có Nguyên Lê, Thanh Lam… mà lại rẻ hơn “Cầm tay mùa hè” à?
– Thì world music rõ ràng là kén khán giả hơn mà! Lúc đầu còn định để “giá trần” là 1 triệu 8 kia, nhưng lại sợ thu không bù được chi…
– Ôi giời, nhằm nhò gì mấy trăm bạc lẻ mà anh cứ phải nhấc lên hạ xuống cho đau đầu! Chứ có nhẽ nào giá vé để được xem một ông vua nhạc Jazz và một nữ hoàng nhạc nhẹ lại không bằng… giá một con cua Hoàng đế?
– Cua Hoàng đế là… ai?
– Nó chả là ai cả! Nó chỉ là một con cua thôi, nhưng nghe đâu nặng từ 2-3 kg, có con nghe nói còn nặng tới 7 kg và sở hữu quả càng dài tới 40 – 50cm, kinh không? Thấy bảo 5 triệu đồng/con mà vẫn bán tốt đấy nhé!
– Con cua vĩ đại đấy nó ở đâu ra?
– Nghe đồn là “Hoàng đế” kén chỗ ở lắm, chỉ sống ở một số vùng biển nhất định như Alaska (Mỹ), Nga, Nhật, Hàn… gì đấy mà thôi! Toàn quốc tịch oách như thế, chả trách…
– Cái giá thảo nào cũng “ngang như cua” nhỉ!
– Ôi, có vị còn “ngang hơn cua” nữa nhé, anh biết chưa?
– Ô hay, tôi có phải đại gia đâu mà biết?
– Cần gì phải đại gia, đọc báo là biết! Còn đắt gấp 10 lần cua Hoàng đế là chú rùa vàng (chả biết nhập từ đâu), chỉ thấy bảo chung chung là sống trên đại ngàn, hấp thụ linh khí của trời đất nên máu thịt tinh khiết, đại bổ… Vì vậy, nhà cháu chỉ xin chém bác… 50 triệu đồng/con thôi ạ!
– Cái gì? Thế thì phải gọi là Rùa Kim cương mới phải!
– Nhưng kim cương lại không tiện bằng vàng đâu anh! Vì mốt bây giờ là phải xơi thức ăn đồ uống trộn vàng, mới gọi là oách!
– Thôi đừng nói nữa mà ta thèm, đang chưa kịp ăn sáng thì chớ!
– Khỏi cần ăn đi, vì ly “café sáng” của Đẹp cũng… trộn vàng rồi chứ bộ, cho đúng mốt! Đến một tầm nào đấy, người ta đâu cần ăn cốt để no mà để sang là chính!
– Ừ, thôi thì kệ người ta vậy! Sòng phẳng ra thì mình cũng không nên xét nét chuyện người giàu hưởng thụ theo kiểu ghen ăn tức ở được, đúng không? Vì người ta có tiền thì người ta có quyền, và người ta giàu thì tức là người ta giỏi rồi! Chỉ trừ khi, người ta giàu một cách không đàng hoàng, tử tế; người ta yên tâm lấy cái sự hưởng thụ thuần vật chất đó làm sang và điều đó trở thành một trào lưu sống của xã hội…
– Vấn đề là giữa lúc dân tình đang “vàng mắt” trước bài toán chi tiêu thời gian khó thì cái vụ “trộn vàng” kia quả là nhức mắt thật!
– Thì thế mới gọi là cuộc sống! Xã hội nào thì cũng thế thôi, bao giờ chả có người này người khác, thế mới làm nên sự đa dạng của cuộc sống! Xã hội càng phát triển, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Hơn thua là làm sao rút ngắn được bớt khoảng cách giàu nghèo đó bằng chính sách thuế, hay những chế độ an sinh xã hội… Ở Bắc Âu, tôi thấy họ đánh thuế thu nhập người giàu rất cao, theo như tôi nhớ thì đâu như đến tận 50% thì phải! Nhiều người mang tiếng lương cao nhưng sau khi chịu thuế còn không đủ tiền để tậu những chiếc xe đắt tiền nên đa số di chuyển bằng phương tiện công cộng. Anh Lan Doky bạn tôi thành danh ở nước người là thế mà còn chả có xe riêng, cũng chả biết lái xe!
– Thì nhà mình cũng đánh thuế thu nhập đấy thôi, chỉ có điều mỗi lúc mức thu nhập phải chịu thuế lại phải tăng dần lên, thế tức là sao anh nhỉ?
– Thì thế có nghĩa là đồng tiền mất giá chứ sao! Lương không theo kịp giá. Mọi thứ đắt đỏ, kể cả vé xem biểu diễn. Quyết định bỏ tiền ra mua một cặp vé do đó phải nói là một quyết định khó khăn với những người làm công ăn lương ở ta lúc này, kể cả là làm ở công ty nước ngoài. Mà giảm giá vé thì lại gần như là chuyện bất khả kháng vì chi phí đầu vào đã phải cõng đủ thứ rồi, lại chỉ diễn nhiều lắm là được 2 đêm, chưa đủ để khấu hao…
– 2 triệu mới nghe thì to, nhưng bất quá chưa bằng cái móng chân của chú rùa vàng, nhỉ!
– Nhưng khổ nỗi, những “vua Midas thích vàng” kia chắc gì đã yêu nhạc, yêu tranh, yêu sách… mà chờ họ! Chỉ buồn là những người thực sự có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, thì phần nhiều, lại chả đủ tiền. Và vì thế, tôi e rằng, khi cơ hội thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật cao cấp ít đi, người ta sẽ buộc phải tặc lưỡi chấp nhận những sản phẩm thứ cấp (miễn là rẻ tiền và miễn phí) rồi dần già, rất có thể sẽ mất dần thói quen hưởng thụ nghệ thuật – vốn đã chẳng dễ gì có được, ở ta…
– Cái anh này, nói chuyện ăn đang hay, lại quay qua nói chuyện xem! Mà này, anh có nhớ bữa ăn sang trọng nhất trong đời anh là bữa nào không?
– Nhớ chứ, đương nhiên! Đó là bữa “đại tiệc” cùng một anh bạn thân nhân sinh nhật lần thứ 21 của tôi tại một cái nhà hàng nhỏ ở Bulgaria, nơi chúng tôi theo học. “Sang” đến nỗi mà đi nguyên cả 1/5 tháng học bổng của tôi kia mà! Và tôi nhớ là vì cái vẻ sang trọng của nhà hàng đó (ít ra là trong mắt của chúng tôi lúc đó) mà hai anh em chúng tôi đã phải ăn trong tâm trạng hết sức bồn chồn lo lắng. Cho đến khi đứng dậy trả tiền thì cùng lúc, nhà hàng phát hiện ra một bà khách (trông sang trọng không kém) đã rời nhà hàng mà quên… trả tiền. Phải đến lúc đó, chúng tôi mới đủ tự tin để thấy mình “sang trọng”, vì trong lúc khó khăn là thế, mà vẫn đứng dậy trả tiền đàng hoàng không thiếu một xu!
– Thế thì chắc bà kia kêu nhầm… rùa vàng rồi nhỉ!