BST Dior Men Xuân Hè 2026: Thế giới mới tràn ngập năng lượng tuổi trẻ của Jonathan Anderson

Buổi trình diễn được mong chờ nhất Tuần lễ Thời trang Nam Xuân Hè 2026 đã ra mắt giới mộ điệu: BST Dior Men Xuân Hè 2026. Dior luôn là cái tên được chào đón nhiệt liệt, và sự phấn khích ấy còn được đẩy lên đến đỉnh điểm vì đây là BST đầu tiên của tân Giám đốc Sáng tạo Jonathan Anderson tại thương hiệu lâu đời của Pháp. Với BST mới nhất này, Jonathan hé lộ phần nào tầm nhìn của anh dành cho Dior: sự hào nhoáng của may đo cao cấp kết hợp với tinh thần hiện đại, và đặc biệt, hơi thở của tuổi trẻ tràn ngập năng lượng, sẵn sàng thách thức những giới hạn cũ kỹ để khẳng định bản thân.

Phòng triển lãm – cội nguồn sâu xa cùng sự phô diễn của nghệ thuật

Tại khách sạn Invalides, Dior dàn dựng một căn phòng mô phỏng theo phòng triển lãm Gemäldegalerie ở Berlin, với tường màu trắng, sàn và ghế gỗ mỏng. Trên bốn bức tường trống trải chỉ treo hai bức tranh tĩnh vật của hoạ sĩ thế kỷ 18 Jean Siméon Chardin. Màu sắc cùng cách bài trí không gian đơn giản – một phông nền hoàn hảo để thể hiện trọn vẹn ý tưởng của nhà thiết kế. Ở đây, Jonathan Anderson muốn khai thác khía cạnh chân thực và khả năng khơi gợi sự đồng cảm của thời trang. Phòng triển lãm là nơi lịch sử và nghệ thuật được phô diễn, sống một đời sống thầm lặng mà đa dạng qua những cuộc gặp gỡ, trò chuyện của khách tham quan. Mặt khác, bối cảnh của chương trình cũng phản ánh nguồn gốc sâu xa của thương hiệu Christian Dior trong thế giới nghệ thuật, bắt nguồn từ sự nghiệp ban đầu của nhà sáng lập với tư cách là một chủ phòng triển lãm.

Sân khấu trình diễn BST Dior Men Xuân Hè 2026 được mô phỏng theo không gian của phòng triển lãm Gemäldegalerie (Berlin, Đức).

Trước cả khi chính thức bắt đầu, buổi trình diễn đã gây chú ý bởi sự góp mặt của nhiều ngôi sao nổi tiếng: Rihanna, A$AP Rocky, Pharrell Williams, Sabrina Carpenter, Robert Pattinson, Daniel Craig, Louis Garrel, Roger Federer,… Ngoài ra, nhiều nhà thiết kế nổi tiếng cũng tham dự, thể hiện sự ủng hộ đối với hành trình mới của người đồng nghiệp ưu tú: Donatella Versace, Pierpaolo Piccioli, Stefano Pilati, Pharrell Williams, Jack McCollough, Lazaro Hernandez, Glenn Martens, Silvia Venturini Fendi, Nicolas Di Felice, Simon Porte Jacquemus, Kris Van Assche,… Dường như cả ngành công nghiệp thời trang đang dừng lại để chờ đợi một khoảnh khắc kỳ diệu, một sự ra mắt mang tính định hướng, thậm chí là… tái sinh.

Niềm vui tuổi trẻ gặp gỡ kho báu hào nhoáng xa xưa

Hãy để không gian của phòng triển lãm nói lên tất cả: đường nét cổ kính và màu sắc tươi sáng. Đó chính xác là ấn tượng dễ thấy nhất khi nhìn vào tổng thể BST Dior Men Xuân hè 2026. Ở đâu đó, bạn sẽ bắt gặp những kiểu dáng vương giả của hoàng gia thời xưa, nhưng ở chỗ khác, bạn lại bị ấn tượng bởi sự tươi vui, gần gũi của những chàng trai thuộc thế hệ trẻ. Mối giao thoa độc đáo giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự xa hoa cao cấp và thời trang hằng ngày là những gì mà Jonathan Anderson đang hướng đến: “…đồng cảm giữa quá khứ và hiện tại, giữa những di tích của quá khứ, những thứ được tìm lại trong kho lưu trữ, những ẩn dụ kinh điển về giai cấp và những tác phẩm đã vượt qua thử thách của thời gian”, nhà thiết kế chia sẻ trong bản ghi chú cho BST.

BST mới nhất của Dior Men được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa ba trụ cột: những sản phẩm chủ lực mang phong cách normcore mạnh mẽ; những mẫu trang phục mô phỏng lịch sử và những mẫu thiết kế mang tính khái niệm lấy cảm hứng từ ba chiếc đầm haute couture trong kho lưu trữ đầu tiên của Dior – Caprice, Cigale và Delft. Jonathan mở màn chương trình bằng chiếc Bar jacket mang tính nền tảng của bộ đồ “New Look”. Phiên bản của anh được làm bằng vải tuýt Donegal màu xanh lá cây rừng với cổ áo faille màu đen và cấu trúc đồng hồ cát được biến tấu dựa trên kiểu may đo của nam giới. Nó được kết hợp với quần cargo ống lửng màu trắng ngà, có nếp gấp đồ sộ – một sự ám chỉ trực tiếp đến chiếc đầm Delft ra mắt vào năm 1948 của Dior. Những bộ trang phục sau đó đã vẽ nên bức tranh thú vị về sự xa xỉ của quá khứ được truyền tải thông qua lăng kính tươi vui hiện đại của tuổi trẻ.

Chiếc Bar jacket được may lại theo kiểu dáng nam tính hơn, phối hợp cùng quần cargo có các nếp gấp đồ sộ mô phỏng kiểu đầm Delft.

Đi sâu vào kho lưu trữ và tình yêu bất tận của Dior với may đo cao cấp, Jonathan đã tạo ra những thiết kế đảm bảo đem đến cho người mặc diện mạo như một nhân vật bước ra từ những cuốn tiểu thuyết có bối cảnh là châu Âu thế kỷ 18. Những chiếc áo Regency (trang phục nam giới thời kỳ Nhiếp chính trong lịch sử Anh quốc) với chi tiết cúc tròn bóng bẩy, cúc cài dây nổi bật và cổ sơ mi dựng đứng đính nơ – đó là trang phục điển hình của một chàng quý tộc lịch lãm. Trong khi đó, áo choàng dài, áo khoác phom xoè rộng lại gợi lên tinh thần của những Bá tước Dracula sinh ra trong kỷ nguyên hiện đại. Thậm chí, còn có cả những chiếc cổ áo rời dựng cao được đính sẵn nơ bướm, để người mặc có thể tự do kết hợp trang phục với tinh thần sang trọng cổ điển.

Kiểu áo khoác Regency đem đến cho người mặc vẻ ngoài vương giả như một quý tộc thời Trung cổ.
Áo choàng buộc dây và áo khoác dài dáng xoè bồng bềnh lại tạo nên trang trọng, bí ẩn mang hơi hướng Gothic.
Những chiếc cổ áo rời dựng cao và đính nơ bướm, cho phép người mặc tự do phối đồ thật linh hoạt.

Mặt khác, Jonathan cũng không quên phát triển những kiểu dáng cơ bản, mang tính đời thường hơn. Có những chiếc áo nỉ với khoá kéo và logo chữ Dior, áo len theo phong cách Polo Ralph Lauren, áo sơ mi trắng đơn giản, quần ống rộng thùng thình, quần lửng mát mẻ, quần jeans bụi bặm,… Nhóm sản phẩm thương mại này đôi khi khiến cho buổi trình diễn hơi thiếu đột phá, nhưng lại cho thấy rõ rằng NTK đang có kế hoạch thúc đẩy doanh số bán hàng tại Dior – thị phần vốn đang tụt hậu so với các bộ phận thời trang và đồ da quan trọng khác của tập đoàn LVMH.

Áo len phom dáng cơ bản, áo nỉ thêu chữ Dior, quần xếp ly ống rộng, áo trench coat thanh lịch,… đó là những mặt hàng chủ lực hướng đến nhóm đối tượng đại chúng hơn.

Vẻ đẹp tinh tế của phong cách thiết kế Anderson nằm ở sự cởi mở trong cách diễn giải. Trái ngược với việc trình bày một BST chứa đầy những món đồ riêng lẻ nguyên sơ, anh đã tạo ra một cuộc trò chuyện tràn ngập cảm hứng và tính phi truyền thống của trang phục. Áo khoác đuôi tôm trang trọng được mặc cùng quần sóoc và quần jean trẻ trung; áo khoác may đo lại được phối với quần baggy quá khổ (đôi khi còn không cần thêm áo sơ mi), áo len thì đi với quần boxes. Giày Oxford “bắt cặp” cùng áo khoác denim, áo len dệt kim màu hồng kẹo ngọt kết hợp với đồ trang sức hoa tinh tế, áo gile thêu phối cùng quần jeans và giày thể thao, ống quần một bên được sắn lên một bên thả dài trên giày thể thao – những bản phối đó gợi lên cảm giác về sự tươi trẻ, lộn xộn, đầy háo hức khám phá thế giới và đang cố tỏ ra thật chuyên nghiệp của các chàng trai trẻ chuẩn bị bước vào môi trường Đại học.

Các bản phối trang phục phi truyền thống của Jonathan đã tạo nên hình ảnh về những chàng sinh viên “mọt sách” lịch lãm, tràn đày tinh thần khám phá thế giới, cũng như đang loay hoay tìm cách ăn mặc sao cho thật trang trọng.
Đẳng cấp bậc thầy ẩn trong từng chi tiết

Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua những chi tiết cao cấp đã được Jonathan Anderson “mã hoá” bằng tinh thần tự do hiện đại. Các xưởng may Haute Couture của Dior đã tham gia vào việc tạo ra bản sao chuẩn xác của những chiếc áo khoác nam giới thế kỷ 18. Những hình thêu hoa tinh xảo, cúc vàng dạng lưới, vải dệt moiré óng ánh bắt sáng theo từng đường vân tuyệt đẹp – tính gần gũi của buổi trình diễn cho phép các khách mời được nhìn tận mắt sự điêu luyện và cao cấp của nghề may đo đến từ nước Pháp.

Các chi tiết cúc đồng, cúc bọc sợi vàng dạng lưới và thêu hoa tinh xảo.
Kỹ thuật dệt moiré được ứng dụng để tạo nên áo gile màu tím hoa cà và khăn lụa thắt nơ tinh tế.
Những chiếc áo gile này là bản sao của trang phục nam giới thế kỷ 18, với hình thêu kỳ công được chính các nghệ nhân Haute Couture của Dior thực hiện.

Đối với phụ kiện, túi Dior Book Tote được cập nhật với phiên bản hình bìa sách “Les Fleurs du Mal” (Charles Baudelaire) và “In Cold Blood” (Truman Capote). Để củng cố uy tín trong thế giới nghệ thuật của mình, Jonathan đã hợp tác với nghệ sĩ người Mỹ Sheila Hicks để tùy chỉnh chiếc túi xách Lady Dior bằng nhiều lớp tua rua, gợi ý về một loạt sự hợp tác phong phú khác trong tương lai thông qua dự án Dior Lady Art, với dịp kỷ niệm 10 năm thành lập vào năm nay.

Túi Dior Book Tote phiên bản bìa sách.
Túi xách Lady Dior hợp tác với nghệ sĩ người Mỹ Sheila Hicks.
Một số mẫu túi ấn tượng khác.

Nếu Loewe đối với Jonathan Anderson là một tấm bảng có thể dễ dàng tẩy xóa và cho phép anh tự do vẽ vời, thì Christian Dior lại đan xen dày đặc những câu chuyện lịch sử. Đây là cơ hội hiếm có và cũng là thách thức to lớn. Điều đáng mừng là tân Giám đốc Sáng tạo có vẻ đã tiếp nhận tất cả bằng một tâm trạng lạc quan, hào hứng không chút nao núng. Anh xác định sẽ đi sâu vào bản chất của sự xa xỉ – nền tảng mang tính định hình nên Dior. Nhưng cũng không quên tô thêm những nét vẽ tươi sáng, lập dị, bổ sung thêm tinh thần táo bạo, tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ. Định hướng cho Dior Men của Jonathan có lẽ sẽ tập trung cân bằng giữa xa hoa cổ điển và mới mẻ hiện đại theo góc nhìn tươi sáng hơn, như anh đã chia sẻ: “…nhìn vào những gì cũ kỹ để định hình nên diện mạo mới, cho phép sự đồng cảm định nghĩa nên sự thanh lịch.”


.

Dưới đây là toàn bộ show diễn ra mắt BST Dior Men Xuân Hè 2026 do Jonathan Anderson thực hiện.

video
play-rounded-fill

From the same category