Brunei vẫn không thay đổi đạo luật Sharia dành cho người đồng tính bất chấp bị phản đối toàn cầu

Từ ngày 3/4, luật ném đá đến chết người quan hệ tình dục đồng giới (LGBT+) – đặc biệt nhắm vào những người đồng tính nam – chính thức có hiệu lực ở Brunei. Trong khi ở một vài nước, cộng đồng LGBT+ đang hạnh phúc với sự công nhận hôn nhân đồng giới từ chính quyền thì quyết định đến từ vương quốc Đông Nam Á này đang nhận sự chỉ trích nặng nề từ cộng đồng quốc tế.

Luật Sharia hà khắc

LGBT+ bị coi là bất hợp pháp ở Brunei kể từ thời vương quốc này còn là thuộc địa của Anh nhưng theo luật mới, giờ đây tội này sẽ bị trừng phạt bằng cách đánh đòn hoặc tử hình bằng cách ném đá. Chính quyền Brunei đã đưa luật này vào thực thi từ năm 2014, nhưng mãi đến năm 2019 luật mới chính thức có hiệu lực. Luật Sharia sẽ áp dụng cho người Hồi giáo – vốn chiếm khoảng hai phần ba dân số, tương đương 420.000 người ở Brunei. Những người phạm tội ngoại tình và hiếp dâm cũng sẽ phải chịu hình phạt này.

Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah khẳng định sẽ không sửa đổi bộ luật hà khắc này dù có chịu chỉ trích như thế nào.

Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah đã mô tả việc thực thi bộ luật hình sự mới như một thành tựu lớn, và ông sẽ không điều chỉnh luật này bất chấp chỉ trích, áp lực từ quốc tế. “Brunei là một quốc gia Hồi giáo có chủ quyền và hoàn toàn độc lập giống như tất cả các quốc gia độc lập khác, chúng tôi thực thi luật pháp riêng của mình”, trích một tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Brunei. Ông nhấn mạnh thêm: “Chính phủ của tôi không mong đợi người khác sẽ chấp thuận và đồng ý với đạo luật đó. Mọi người chỉ cần tôn trọng đất nước theo cách đất nước tôn trọng họ”.

“Thật tàn nhẫn và vô nhân đạo”

Năm năm kể từ khi Brunei ra quyết định thi hành điều luật hà khắc này, cũng là chừng ấy thời gian các tổ chức, lãnh đạo và cá nhân trên khắp thế giới lên tiếng phản đối, chỉ trích chính quyền Brunei, nhưng sự giận dữ đã thực sự bùng nổ khi luật này chính thức có hiệu lực.

Bộ trưởng phụ nữ và bình đẳng Vương quốc Anh, Penny Mordaunt chia sẻ: “Không một ai phải đối mặt với án tử hình vì người họ yêu. Quyết định này của Brunei là man rợ. Vương quốc Anh sẽ đứng về phía cộng đồng LGBT và bảo vệ quyền của họ. Chúng tôi cho rằng, quyền LGBT cũng là quyền con người”.

“Brunei phải ngay lập tức dừng kế hoạch thực thi đạo luật hình sự tàn khốc này và sửa đổi nó để tuân thủ các quyền con người. Cộng đồng quốc tế cần khẩn trương lên án quyết định của Brunei”, Rachel Chhoa-Howard, nhà nghiên cứu về Brunei ở Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án.

Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand

Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand cho biết việc giới thiệu bộ luật hình sự mới là “tin tức gây sốc” và quy định cái chết bằng cách ném đá – hình phạt cho tình dục đồng tính là một động thái man rợ đối lập hoàn toàn với các nguyên tắc cơ bản của quyền con người.

Và dĩ nhiên, rất nhiều người nổi tiếng đã phản đối mạnh mẽ quyết định này. Như nam diễn viên George Clooney, ông thậm chí đã kêu gọi tẩy chay ngay lập tức các khách sạn thuộc sở hữu của Tập đoàn Đầu tư Brunei, được kiểm soát bởi Quốc vương Brunei. Ông nói việc tẩy chay là cần thiết để ngăn không cho tiền chảy vào túi những người đàn ông muốn ném đá hoặc đánh roi đến chết những người đồng tính. Clooney thừa nhận việc tẩy chay ít có khả năng sẽ làm thay đổi luật pháp Brunei, nhưng đây là một cách thiết thực để gây áp lực đến các ngân hàng, tổ chức tài chính có giao thương với chính quyền Brunei.

Lời kêu gọi tẩy chay các khách sạn do chính quyền Brunei sở hữu của George Clooney được các ngôi sao trên thế giới tán thành

Rất nhiều nhân vật nổi tiếng sau đó đã tán thành quyết định này của George Clooney như nữ diễn viên Jamie Lee Curtis hay huyền thoại âm nhạc Elton John. Elton John nói thêm rằng ông và ông xã David Furnish “từ lâu đã từ chối ở lại những khách sạn này và sẽ tiếp tục làm như vậy”. Việc “xử” luôn những “nạn nhân lạc đạn” này có thể hình dung phần nào sự khủng khiếp của cơn bão giận dữ từ khắp nơi trên thế giới.

Tương lai mờ mịt cho cộng đồng người đồng tính ở Brunei

Cộng đồng LGTB+ Brunei, nhiều người đã bỏ trốn từ năm 2014, nhưng cũng còn nhiều người ở lại, với hy vọng nhỏ nhoi rằng luật Sharia sẽ không bao giờ được thông qua. Thế nhưng ngày 3/4 ấy, chắc sẽ là một ngày đáng buồn, phủi đi những cố gắng bám trụ quê hương của họ. Họ đang tìm đường rời đi, theo hình thức bỏ trốn, tị nạn ở nước ngoài. Chỉ đến khi yên vị ở một đất nước khác không phải quê hương mình, họ mới có thể thực sự trở thành chính họ.

Những người ủng hộ nữ quyền, quyền của giới LGBT biểu tình phản đối hình phạt ném đá tới chết ở Brunei

Shahiran S. Shahrani một người Brunei đã bỏ trốn từ tháng 10/2018 chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ tiết lộ điều này với gia đình. Tôi luôn giấu nó, luôn sống trong nỗi sợ hãi, sợ mọi người sẽ biết.” Câu nói của Shahrani “Thật khó để nghĩ rằng chỉ cần bạn là ai cũng có thể khiến bạn bị ném đá đến chết”, giống như một câu kết buồn cho tương lai còn quá khủng khiếp của cộng đồng người đồng tính Brunei nói riêng và người đồng tính theo đạo Hồi nói chung.


From the same category