Brave: Có một Pixar đã qua đời

Trên thực tế, “Brave” rất thành công ở phòng vé, nhận được nhiều phản hồi tích cực của cả khán giả lẫn giới phê bình. Nhưng những thành công ấy, xét cho cùng, vẫn không che giấu được một sự thật đáng buồn: “Brave” đánh dấu sự lụi tàn của Pixar – studio đã 25 năm nay giữ ngôi vị độc tôn về sức sáng tạo của công nghiệp hoạt hình Mỹ.

Không thể phủ nhận “Brave” là một bộ phim tốt – hình ảnh đẹp có, câu chuyện lớp lang có, cao trào có, căng thẳng có, hài hước có, thông điệp có… Tóm lại là có đủ mọi yếu tố thỏa mãn yêu cầu của đa số khán giả Việt, nhất là khán giả nhí, từ lâu đã ăn quen và ăn ngon miệng món bánh – ngọt – hoạt – hình của Hollywood. Nhưng, điều duy nhất thiếu vắng ở đây, mà cũng là điều những người yêu Pixar chờ đợi nhất ở đây, lại chính là điều gắn liền với hình ảnh nhóc đèn Luxo Jr bấy lâu nay: trí – tưởng – tượng và óc – sáng – tạo.

Hình ảnh nhóc đèn Luxo Jr

Thật ra, nỗi lo đã nhen nhóm từ khi Disney thâu tóm Pixar vào năm 2006. Nhưng “Wall-E”, “Up” và “Toy Story 3” đã phần nào làm người hâm mộ yên tâm rằng dù đã trở thành công ty con, Pixar vẫn giữ được sự độc lập sáng tạo với hãng mẹ Disney.

Tiếc thay, sau thất bại của “Cars 2”, bộ phim bị giới phê bình đánh giá là “một màn quảng cáo đồ chơi tồi”, nỗi lo ấy lại xuất hiện và đến “Brave” thì cuộc kháng cự anh dũng của Pixar trước kẻ thôn tính Disney đã thật sự kết thúc. “Brave” không còn lại chút gì nữa dấu vết của trí tưởng tượng phi thường từng làm mê đắm người xem của “Toy Story” hay “Finding Nemo”, mà chỉ còn là một câu chuyện công chúa cũ mèm và công thức của Disney. Mái tóc đỏ được render kỳ công của Merida chỉ là thứ yếu, nếu xét đến việc cô là công chúa thứ n của Disney “nghe theo tiếng gọi trái tim” và chiến đấu giành quyền làm chủ vận mệnh: Ariel nghe theo tiếng gọi tình yêu, cưỡng lại cha mình; Jasmine nghe theo tiếng gọi tình yêu, cưỡng lại cha mình, Pocahontas nghe theo tiếng gọi tình yêu và cưỡng lại sự xung đột giữa hai nền văn minh… Merida cũng vậy, nếu có khác thì chỉ khác ở chỗ cái đích của nàng không phải là bạch mã hoàng tử mà là tự do. Mà nghĩ cho cùng, nàng chính là sự kết hợp không lấy gì làm mới mẻ giữa Rapunzel và Mộc Lan (mái tóc + tài bắn cung).

Công bằng mà nói, nếu là sản phẩm của một studio khác, “Brave” có thể được xem là một thành công. Nhưng đây lại là Pixar, và Pixar là gì suốt 25 năm qua nếu như không phải là biểu tượng của việc lợi nhuận không thể gò bó điện ảnh vào công thức và kìm nén sáng tạo trong khuôn khổ? Pixar đã gieo vào lòng khán giả hạt giống của sự kỳ vọng và đặt ra cho mình một chuẩn mực không thể thấp hơn. Những nhân vật công thức như vua, hoàng hậu, hay những cảnh hài y như sách của “Brave” có thể làm ta cười đôi chút, song nó cũng chỉ mua vui được vài trống canh trước khi đi vào quên lãng. Thứ duy nhất Pixar ở đây có lẽ chính là “La Luna”, bộ phim ngắn chiếu trước khi vào phim chính. Còn “Brave”, đặt cạnh những tuyệt phẩm một thời của Pixar, chỉ là màn ra mắt cầu kỳ cho thành viên tiếp theo trong bộ sưu tập búp bê công chúa của Disney mà thôi.

Trước khi “Brave” ra đời, có thông tin chính thức cho biết sắp tới “Monsters Inc.” và cả “Finding Nemo” sẽ có phần hai. Còn nhớ, trước kia Pixar từ chối mọi sequel (trừ “Toy Story”) nhằm bảo trì tính sáng tạo tuyệt đối và duy nhất của mỗi tác phẩm. Đó đã là chuyện của quá khứ. Các ông chủ lớn không chấp nhận cảnh những con gà có thể đẻ trứng vàng lại nằm trong tủ kính viện bảo tàng. Biết làm sao được, Hollywood mà! Ta chỉ có thể thở dài và nói: Vĩnh biệt, Pixar!

Bài: Nham Hoa

 


From the same category