Bớt gây sốc

Trong chung kết cuộc thi tài năng nghệ thuật trình diễn 2008 (Final Competition Talent Prize Performance Art) do Quỹ Phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch – Việt Nam (C.D.E.F) tổ chức, có thể thấy đây là cuộc đột phá của nghệ thuật trình diễn đã được đông đảo khán giả đón nhận. Bằng nhiều hình thức, cuộc trình diễn đã mang lại nhận thức rõ rệt về ý thức tự sự, đối thoại, những suy tư trăn trở của con người, từ cá nhân đến xã hội rất đậm nét.

 Những con lợn vui vẻ – Phạm Huy Thông.

Phạm Huy Thông với “Những con lợn vui vẻ” đã bày tỏ lòng thương tới những con vật sống chung với người. Những loài gia súc gia cầm này được loài người thuần hóa.Con người cho chúng chỗ trú ngụ, chăm sóc, gây dựng giống nòi cho chúng, nhưng cũng sử dụng chúng làm thực phẩm và phục vụ nhu cầu bản thân con người. Con vật mà Phạm Huy Thông chọn làm đại diện, là một con lợn.

Lợn gắn bó với loài người, là thức ăn thông dụng nhất. Hãy thử quan sát một con lợn trong rọ. “Liệu chúng có biết cái thời điểm mà chúng hoàn thành trách nhiệm sống của mình đã đến. Và khi nhìn thấy những con lợn trong rọ, bạn – con người – đã bao giờ cảm thấy thương tiếc cho chúng? Đó là lời thổ lộ của Phạm Huy Thông.

Còn với “Chuyển động tròn”, Nguyễn Huy An đã sử dụng chất liệu bột than đen rắc lên bóng đổ của mình. Từng bước chậm rãi, mặc cho khán giả xung quanh hoặc chăm chú, hoặc ồn ào, hoặc nói cười, hoặc đăm chiêu suy ngẫm, Huy An nhẫn nại chăm chút rắc than cho đủ một vòng tròn, rồi lại điềm tĩnh thổi rắc bụi than, gom lại toàn bộ chỗ than đã rắc ra cho vào túi.

 Huy An bình thản rắc những bụi than thành vòng tròn, sau đó, gom chúng trở lại túi.

Có lẽ, đây là một hành động đánh dấu sự suy tư về bản thân. Việc tạo ra và thu lại, thể hiện quá trình tự khẳng định và phủ định mình. Nó là tính chất chung của sự vận động, “sắc sắc không không”, có, mà lại không, không, mà lại có. Tác phẩm trình diễn của Huy An đã được sự cổ vũ mạnh mẽ của người xem.

Bên cạnh đó, “Đợi” của Lê Thị Minh Nguyệt xuất phát từ những nỗi đau khổ, tuyệt vọng của cuộc sống vẫn diễn ra thường trực trong cuộc sống. Những con người đang đau khổ thường mong muốn được người khác quan tâm để lấy đi nỗi đau của họ nhưng điều này có thể làm họ đau khổ hơn khi họ không được người khác quan tâm.

Nguyệt muốn đem đến cho người xem một ý niệm rằng, chính bản thân có thể làm cho mình hạnh phúc bằng hành động và vượt qua nỗi đau đó bằng cách chấp nhận nó như là một phần của cuộc sống.

Nguyệt nói: “Mình cảm thấy mình vẫn là một con người sống ích kỷ, sống chỉ biết cho riêng mình. Và đôi khi mình vẫn lờ, và lướt qua nỗi đau cần được chia sẻ của người khác. Điều đó làm tôi ân hận khi tôi biết rằng lúc ấy người ta cần đến tôi”.

Minh Nguyệt làm tác phẩm này nhằm gửi tới thông điệp nhất là với những người phụ nữ đang sống một cách cam chịu trong xã hội, trong những gia đình. “Tôi không muốn họ chờ đợi ai đó làm cho hoặc đem lại hạnh phúc cho họ. Rằng chờ đợi đôi lúc làm họ thất vọng vì có thể chẳng có điều gì xảy ra cả. Thay vào đó, họ có thể tự tạo ra hạnh phúc của chính mình. Nếu họ có niềm tin rằng, họ sẽ làm được”.

Nguyệt chưa hài lòng với tác phẩm của mình, vì cô muốn tác phẩm được diễn ra trên các con đường làng, trong cuộc sống thực thụ chứ không phải trình diễn như một diễn viên trên sân khấu.

 Đợi – Minh Nguyệt.

Nguyễn Văn Hè với “Vòng vây” là một tấm lưới bao trùm quanh mình. Anh làm những động tác để dứt bỏ, để thoát ra khỏi vòng vây. Cuộc trình diễn thực sự gây ấn tượng bởi kiểu trình diễn cảm giác vật vã, đau đớn, và đầy gian khổ để thoát ra khỏi vòng vây của anh đã tác động mạnh mẽ tới người xem.

Đó là những khó khăn của cuộc sống luôn vây chặt cuộc đời mọi con người, có những lúc con người cảm thấy bế tắc, không lối thoát, nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn vất vả và đau đớn bao nhiêu, theo Nguyễn Văn Hè: “Tôi không bao giờ đầu hàng số phận, tôi luôn đấu tranh với bản thân, với hoàn cảnh để tìm ra lối thoát. Vòng vây của cuộc sống, là thách thức, cơ hội cho tôi chứng minh chính mình”.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Phương Linh và Nguyễn Tuấn Anh đã từ chối không biểu diễn bởi những lý do riêng, điều này thật đáng tiếc, bởi cơ hội được thể hiện mình với hai thành viên khác đã không có. Tuy nhiên, cũng xin tóm tắt qua nội dung cuộc – trình – diễn – đã – không – xảy – ra với Phương Linh và Tuấn Anh. Linh lẽ ra sẽ trình diễn tác phẩm với chủ đề “Dưới nước”, nhằm xem giới hạn chịu dựng của cơ thể mình đến đâu khi tự tôi đặt vào trạng thái bị động hô hấp.

Với Tuấn, “Trưởng thành” là một quá trình tìm kiếm bản thân, một sự đi vào bản ngã muốn trở lại con người chân thật. Nói chung, đó là một hành trình đi tìm bản thân, “nhận thức rõ ràng về văn hóa của bản thân, ý thức về giá trị của như đóng góp của mỗi cá nhân cho xã hội” Như vậy có thể nhận thấy rõ ràng, ý thức của người nghệ sỹ trong cuộc thi tài năng trẻ nghệ thuật này đóng góp cho xã hội một cách tích cực chứ không hoàn toàn bi quan.

“Tôi sợ lụt, tôi bị ám ảnh” – “Lụt” của Lê Văn Sơn nhằm cảnh tỉnh con người trước sự tàn phá của môi trường. Sơn đứng im, để bạn diễn đổ từng xô bùn lên người. Vốn là người Huế, hàng năm chứng kiến cảnh lũ lụt nặng nề, Sơn chụp lại những bức ảnh về lụt và làm thành một đoạn phim để chiếu trong lúc trình diễn. Một tháng 5 trận lụt diễn ra, Sơn tìm được những vật dụng bình thường trong nhà khi bị ngập sâu trong bùn đất và sử dụng chúng làm đạo cụ cho tác phẩm.

“Cảm giác ngập sâu trong đống bùn hoàn toàn vô thức, tôi hầu như không nhìn thấy gì xung quanh. Tôi thấy thật với chính mình hơn”. Có thể cảm nhận của mỗi người là khác nhau, nhưng tôi mong mọi người hãy có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ chính chúng ta khi mùa bão lũ lại về.

Lê Quý Anh Hào trình diễn “Tình yêu qua những bức ảnh” muốn gửi tới thông điệp về sự mất mát, sự giao cảm giữa thế hệ ngày nay và thế hệ đã qua. Quá khứ, hiện tại, và tương lai xen kẽ, bằng những hoài niệm, với hai người bạn cùng trình diễn như hai xác chết, những bức ảnh, bia mộ, những tờ giấy tiền tung lên, một con gà như một vật tế lễ… nhằm biểu đạt ý niệm “Ngừng bám víu quá khứ để đảm bảo không phải chịu những ám ảnh về đói khổ và sợ hãi.

Vì mục đích đó, tôi sẽ tiếp tục các cố gắng của tôi hôm nay. Tôi mong làm việc hết sức mình trong khi chịu ảnh hưởng đúng đắn của thế hệ đi trước, để lại có thể trở thành một người biết sống hòa hợp với mọi người”. Cuộc trình diễn đã qua đi, có thể còn nhiều mặt chưa đồng nhất với nhau, nhưng dầu sao, với các nội dung và ý tưởng, cách thể hiện, đều có thể nhận thấy một dấu hiệu tích cực với nghệ thuật và cuộc sống.

Bài: Vũ Lam
Ảnh: Lê Anh Dũng


From the same category