“Bốn tiểu luận về tự do”
Tác giả: Isaiah Berlin
Nguyễn Văn Trọng dịch
NXB Tri thức
Những ai thích đọc triết học hoặc những gì phức tạp hơn văn chương thông thường nên đọc cuốn sách này, không chỉ vì đây là một tác phẩm hay mà còn vì một tác giả như Isaiah Berlin, triết gia Do Thái lớn của thế kỷ 20 (sinh ra tại Riga, Latvia), thuộc dạng các nhân vật rất hiếm khi xuất hiện trong một bản dịch tiếng Việt (nhất là lại là một bản dịch tiếng Việt tốt, chu đáo). Isaiah Berlin, theo dòng đạo đức học, lại có năng lực bàn về những điều hết sức phức tạp và sâu sắc theo một cách thức dễ hiểu chứ không quá mức kinh viện, hàn lâm.
“Cứu với, xin tha thứ”
Tác giả: Frédéric Beigbeder
Nguyễn Trần Kiên dịch
Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn
Octave Parango, trùm sò Serguei tỉ phú của một “nước Nga mới”, một ông cha cố và nàng Lena kiều diễm, đó là bốn nhân vật chính của một câu chuyện mới xem qua có vẻ “tầm thường”. Câu chuyện về nhan sắc phụ nữ, mối quan hệ của nhan sắc ấy với cuộc sống con người hiện nay, sự sử dụng nhan sắc phụ nữ – quá đủ để các quý cô và cả những đấng mày râu tò mò háo hức. Octave lang thang khắp nước Nga rộng lớn để tìm kiếm cô gái đẹp nhất, người ấy sẽ trở thành khuôn mặt được mấy tỉ người trên thế giới say mê, hình mẫu của cái đẹp, và sẽ là cái máy sản xuất ra tiền bạc. Octave chơi bời với trùm Serguei và hay đến nhà thờ để thú tội với ông cha cố; thông qua ông cha cố từng có thời sống ở Pháp này, Octave gặp được nàng Lena. Và câu chuyện mỗi lúc một trở nên đen tối hơn, càng lúc Octave càng phát hiện thêm rằng việc tìm kiếm nhan sắc này hóa ra lại là một cuộc tìm kiếm chính quá khứ và con người thật của mình.
“Bóng hình của gió”
Tác giả: Carlos Ruiz Zafón
Nghiêm Xuân Hoàng và Võ Hồng Long dịch
Nhã Nam & NXB Văn học
Sau “Câu lạc bộ Dumas” mới xuất bản gần đây, với “Bóng hình của gió”, những người mê sách ở Việt Nam lại được đọc một câu chuyện hấp dẫn và độc đáo nữa về thế giới sách vở. Cũng là một tác giả thuộc thế giới La tinh như Arturo Pérez-Reverte của “Câu lạc bộ Dumas”, Carlos Ruiz Zafón đưa độc giả vào một thế giới sách hấp dẫn và kỳ bí không ngờ, một câu chuyện khó có thể thú vị và phức tạp hơn. Khởi đầu từ việc chú bé Daniel Sempre được đưa tới “nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên” rồi bắt gặp một quyển sách cũ kỹ, “Bóng hình của gió” tiếp tục với những bí ẩn liên quan đến rất nhiều người ở thành phố Barcelona và không chỉ khuôn định ở một giai đoạn, với hình ảnh tác giả cuốn sách kỳ lạ ở trung tâm. Vừa là một tác phẩm về sách, “Bóng hình của gió” vừa là một cuốn tiểu thuyết trinh thám xuất sắc thuộc loại hiếm thấy xưa nay.
Giờ thì đến lượt bạn – quyển sách nào vừa xuất hiện trong trí nhớ của bạn? Và, bạn có “cam đảm” đem tặng quyển sách yêu thích của mình cho một tổ chức từ thiện hay một tủ sách mở nào không?
Thực hiện: Nhị Linh
>>> Có thể bạn quan tâm: “Khế ước xã hội”, “Dưới cột đèn rót một ấm trà”, “Vĩnh biệt các gangster”… là những cuốn sách mới nên đọc của Đẹp: