Bông hoa của chung - Tạp chí Đẹp

Bông hoa của chung

Sống

Trong quá trình chăm sóc một đứa trẻ, phải thừa nhận không ít thành công là nhờ vào sự cố vấn của ông bà nội, ngoại. Tuy nhiên, không phải đôi vợ chồng trẻ nào cũng tìm được tiếng nói chung với các cụ. Từ đó, mâu thuẫn và những căng thẳng phát sinh ngày một lớn. Giải quyết cụ thể các vấn đề tưởng là tiểu tiết ấy xem ra không hề đơn giản.

Được chăm sóc kỹ lưỡng từ miếng ăn, giấc ngủ nhưng 5 tháng tuổi bé Ngọc vẫn bị suy dinh dưỡng. Chị Hương, mẹ bé không sao hiểu được với chế độ chăm sóc 24/24h, thực phẩm, sữa sử dụng luôn đạt chất lượng ISO. Thậm chí, chị còn kỹ đến mức, ngoài chị và chồng, không ai được đụng đến đứa trẻ vì sợ vi trùng sẽ sang đứa trẻ.

Khách đến chơi, muốn nựng nó, chị miễn cưỡng để họ cầm tay hoặc đặt vào lòng khách với một kiểu cố định, nhưng chỉ hơi động đậy để đổi tư thế, vị khách sẽ nhận được sự nhăn nhó khó chịu và những tiếng la oai oái liên hồi: Coi chừng tay nó yếu lắm; Coi chừng cái đầu nó bị ngơặt ra đằng sau kìa; Cẩn thận, hở bụng ra là nó bị lạnh bụng liền…”. Ngay cả bà nội, chị cũng lấy lý do: tay bà yếu làm sao giữ được bé. Thực tế, bà chỉ mới hơn 50 tuổi, tay không yếu nhưng chị sợ… mất vệ sinh cho cháu.

Cẩn thận là vậy, nhưng bà con họ hàng ai cũng phải thừa nhận: chưa thấy đứa trẻ nào suy dinh dưỡng và nhát như bé Ngọc, gặp ai cũng khóc, không cách nào dỗ được. Trừ ba mẹ, bé Ngọc nhất quyết không chịu nằm trong vòng tay ai, kể cả ông bà nội ngoại.

Khổ thay, sau 5 tháng, chị Hương phải đi làm và không còn cách nào khác phải giao bé cho ông bà nội vì nhà trẻ chỉ nhận bé từ 2 tuổi trở lên. Còn người làm, chị chưa bao giờ nghĩ đến cảnh phải giao con cho người lạ.

Vậy là buổi sáng, vợ chồng chị phải dậy từ 5h30, chồng nấu cháo, vợ đun sữa, chuẩn bị khăn, tã, quần áo, thức ăn… đầy một làn to rồi đưa con sang nhà ông bà nội. Để con ở nhà bà, chị đi làm mà ruột nóng như lửa. Những ngày đầu khi đón con về thấy con quần áo xộc xệch, mắt mũi lem nhem, khóc ngằn ngặt vì còn lạ ông bà lòng chị đau như xé.

Nhưng sau hai tháng bé Ngọc tăng cân vùn vụt, tròn trịa mũm mĩm, dạn dĩ hơn những đứa trẻ khác. Chị Hương vừa mừng, vừa “quê” vì ông bà xem luộm thuộm mà chăm sóc cháu ngon lành hơn chị. Dù chị biết, có nhiều lúc lơ đãng, ông bà đã để bé Ngọc lê lết chơi cùng mấy chú khuyển ở nhà, ông bà cũng không cho cháu ăn, uống bằng đồ dùng chị mua riêng.

Vậy là chị xúi chồng khéo khéo nói với ông bà phải vệ sinh cho con không thì có hại về sau này. Còn ông bà, lập luận khá đơn giản, bọn bay ngày nay khôn lớn chừng này nhờ ai mà bày đặt lên lớp. Với lập luận ấy, ông bà cho cháu ăn gì tùy thích, miễn là thức ăn đừng quá cứng, chơi gì cũng được miễn là đừng chơi với gỗ sắt sợ đụng bể đầu, sứt tay chân.

Do vậy, chăm thì có chăm cháu nhưng mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng và con dâu xem ra ngày một nặng nề, tuy không đến mức căng thẳng nhưng ngọn lửa phản kháng âm ỉ khiến mối quan hệ hai bên cứ như sợi dây đàn.

Thực tế cho thấy khi đến tuổi đi học, nhà trẻ hay mẫu giáo, thì tự khắc việc chăm sóc bé sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Theo đó, các mâu thuẫn cũng sẽ biến mất và ông bà đóng vai trò tham vấn nhiều hơn là quyết định.

Các sự việc tưởng chừng phức tạp thực ra không có gì khó khăn, miễn sao mẹ chồng con dâu biết gạt bỏ những rắc rối nhỏ, cùng nhường nhịn nhau để tìm tiếng nói chung.

Theo thống kê của các trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình, phần lớn con cái sống riêng sẽ ít gây tranh cãi hơn là ở cùng một nhà với bố mẹ, vì dù sao, khoảng cách cũng làm vơi đi các hiềm khích, nhất là trong giai đọan cùng chăm sóc cháu.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả vẫn là ý thức riêng của mỗi người, cùng hướng đến đứa trẻ với tinh thần “bông hoa này là của chung” sẽ thoải mái hơn nhiều nếu một mình vạch ra công thức và khăng khăng đặt đứa bé vào trong công thức ấy.

Thực hiện: depweb

27/04/2005, 18:08