Bóng đè, ác mộng, giấc mơ sảy chân,… và tất tần tật về khoa học giấc mơ

Những giấc mơ có thể phản ánh nhiều điều thú vị về bản thân mỗi người, bao gồm cả những mối bận tâm, niềm khao khát, nỗi sợ hay thậm chí là những ẩn ức trong tâm hồn chưa từng được nói thành lời. Song, các hiện tượng xảy ra trong giấc mơ cũng phần nào nói lên tình trạng thể chất của chúng ta trong một thời kỳ nhất định.

Theo một nghiên cứu từ Tạp chí Khoa học Thần kinh Nhận thức (Journal of Cognitive Neuroscience), 65% trong tổng số 299 báo cáo về giấc ngủ được đánh giá là phản ánh các khía cạnh của đời sống thường nhật. Thật vậy, giấc mơ của chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi điều mà ta suy tư trước khi ngủ, nỗi lo hay những vấn đề ta lẩn tránh trong cuộc sống thực, hoặc những sự việc mà ta trải qua suốt ngày dài trước đó.

Những hiện tượng xảy ra trong giấc mơ cũng có khả năng bật mí nhiều thông điệp đặc biệt, liên quan đến sức khỏe thân & tâm trí và chất lượng cuộc sống của từng cá nhân. Các hiện tượng phổ biến nhất mà chúng ta thường gặp là: Thức tỉnh giả (False awakening); Giấc mơ sáng suốt (Lucid dream); Ác mộng (Nightmares); Giấc mơ sảy chân (Sleep Myoclonus); Bóng đè (Sleep paralysis).

Thông điệp đằng sau các hiện tượng trong giấc mơ

Những giấc mơ thông thường luôn có nhiều điểm chung. Trước hết, giấc mơ thường diễn ra như một cuốn phim, hình ảnh luôn là yếu tố hàng đầu thay vì những cảm nhận khác như mùi hương, va chạm,… Hầu hết mọi người đều mơ thấy một thế giới đầy màu sắc như trong đời thực. Ngoài ra, khi chúng ta càng ít căng thẳng, giấc mơ sẽ càng dễ chịu. Diễn biến trong giấc mơ lúc nào cũng kỳ quặc và không theo quy luật nào, song mỗi hiện tượng trong giấc mơ đều có ý nghĩa riêng.

Thức tỉnh giả (False awakening)

Thức tỉnh giả là khi chúng ta tỉnh giấc ngay trong giấc mơ của mình, và giấc mơ vẫn tiếp diễn một cách sống động như thể ta đã thức dậy. Hiện tượng này còn được gọi là “mơ trong mơ”. Thức tỉnh giả khá phổ biến và có mối liên hệ với kiểu giấc mơ sống động (vivid dreams). Hiểu đơn giản là giấc mơ của chúng ta sống động đến mức ta không nhận ra và tiến hành sinh hoạt như thường ngày trong giấc mơ ấy.

Đôi khi, thức tỉnh giả có thể xoay quanh những nỗi lo liên quan đến giấc ngủ. Tình trạng này thường xảy ra khi chúng ta cảm thấy căng thẳng (trong khi ngủ) vì điều gì đó. Nguyên nhân của thức tỉnh giả có thể là chứng mất ngủ, hoặc các vấn đề của môi trường ngủ như tiếng ồn, ánh sáng,… khiến cho giấc mơ bị ảnh hưởng. Có thể xem thức tỉnh giả như một lời nhắc nhở để chúng ta xem lại môi trường ngủ và nâng cao chất lượng giấc ngủ của mình.

Giấc mơ sáng suốt (Lucid dream)

Nếu chúng ta nhận thức được mình đang mơ ở ngay trong giấc mơ, thì đó chính là hiện tượng giấc mơ sáng suốt. Đôi khi, ta có thể nhận ra điều này giữa một cơn ác mộng và mau chóng thoát khỏi nỗi sợ. Một bài báo khoa học trên nền tảng ScienceDirect đã cho thấy rằng 55% mọi người trải qua nó ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta không thường xuyên có những giấc mơ sáng suốt.

Một bài đăng trên trang Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ (National Library of Medicine) cho biết những người mắc chứng ngủ rũ có tỷ lệ mơ sáng suốt cao hơn người bình thường. Trong khi đó, một bài báo trên Tạp chí Nghiên cứu Giấc mơ Quốc tế (International Journal of Dream Research) chỉ ra rằng những người có giấc mơ sáng suốt thường có độ sáng tạo cao. Mối tương quan giữa giấc mơ sáng suốt với khả năng tưởng tượng cũng được đề cập trong một nghiên cứu khá cũ trên nền tảng ScienceDirect.

Ác mộng (Nightmare)

Ác mộng là những giấc mơ khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi, đau buồn, cảm thấy căng thẳng,… và tỉnh giấc. Những cơn ác mộng thường rất sống động, chân thực. Chủ đề của giấc mộng thường liên quan đến cái chết, sự chia ly, hay một nỗi bất an nào đó từ cuộc sống thường nhật,… Hầu như chúng ta đều có thể ghi nhớ cơn ác mộng một cách chi tiết sau khi tỉnh dậy.

Đôi khi, thói quen sinh hoạt của chúng ta có thể là nguyên nhân gây ra ác mộng. Điều này bao gồm ảnh hưởng của sự thiếu ngủ, của các chất kích thích/gây nghiện, hoặc những văn hóa phẩm có tính chất man rợ,… Mặc khác, nếu ác mộng xảy ra thường xuyên với chủ đề tương tự nhau, khiến ta mệt mỏi, lo sợ trong thời gian dài và xao nhãng với cuộc sống thường nhật, thì rất có thể đây là biểu hiện của một số vấn đề tâm lý hay thậm chí là trầm cảm,…

Giấc mơ sẩy chân (Hypnic Jerks)

Hẳn bất kỳ ai trong chúng ta cũng có lúc cảm thấy bị sẩy chân và rơi xuống vực sâu khi đang say giấc, sự hốt hoảng khiến ta choàng tỉnh và nhận ra bản thân vẫn đang nằm yên trên giường. Hiện tượng này được gọi là giật cơ khi ngủ, hay được một cách nôm na là giấc mơ sẩy chân. Trên thực tế, giật cơ khi ngủ không phải là tình trạng hiếm gặp và không phải là bệnh lý.

Phản ứng giật cơ có thể diễn ra trong giấc ngủ mà chúng ta không hay biết, và chỉ khiến giấc ngủ bị “phá bĩnh” khi co giật mạnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra với tần suất dày đặc thì ta cần lưu ý đến thói quen sinh hoạt của bản thân. Hiện tượng co giật có thể đến từ các yếu tố như chất kích thích, sự thiếu ngủ hoặc tâm lý căng thẳng. Đáng chú ý nhất là các chất như caffeine, nicotin từ cà-phê, thuốc lá đều có thể làm tăng cơn giật mình khi ngủ.

Bóng đè (Sleep paralysis)

Bóng đè là hiện tượng cơ thể bị tê liệt và rơi vào ranh giới giữa mộng mị và tỉnh táo, thường đi kèm với ảo giác và sự khó thở. Bóng đè không hẳn là một hiện tượng trong giấc mơ, song, nó cũng mang lại cho chúng ta nỗi sợ hãi và căng thẳng như gặp ác mộng. Những cảm giác dễ thấy nhất của cơ thể khi bị bóng đè là mất bình tĩnh, đổ mồ hôi, không thể mở mắt trong nhiều trường hợp, và cảm thấy điều gì đó ghê rợn quanh mình.

Hiện tượng bóng đè thường liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Các rối loạn về giấc ngủ và biến động nhịp sinh học nói chung có thể là nguyên nhân khiến ta rơi vào trạng thái tê liệt. Bên cạnh đó, tình trạng tâm lý thiếu ổn định cũng có khả năng ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ và dẫn đến bóng đè. Ngoài ra, một khảo sát ở miền Nam Đài Loan, được đăng trên trang Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ còn cho thấy 38,3% bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có tỷ lệ bị bóng đè cao hơn.

Nhìn chung, tuy chưa đạt đến độ chính xác tuyệt đối nhưng các hiện tượng thường gặp trong giấc mơ vẫn có thể tiết lộ phần nào về tình trạng sức khỏe ở thể chất lẫn tinh thần, cũng như các vấn đề trong lối sinh hoạt của chúng ta. Qua đó, ta có thể tìm hiểu một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giấc ngủ, đồng thời giải quyết các mối bận tâm trong đời sống thường nhật để tâm trí được nhẹ nhàng, thư thái hơn mỗi ngày.


From the same category