Ca sĩ Hoàng Bách: Nên cắt những phần xuất hiện vô duyên và nhạt nhẽo này!
Đôi lời cùng VTV-World Cup:
Bóng đá và gái đẹp là một ý tưởng rất tốt, nhưng cách các bạn đang làm thì thực sự tệ.
Không chọn được người đủ tiêu chuẩn cho một sự kiện lớn, tốn mấy trăm tỷ đồng và nhiều sự quan tâm của cả xã hội thì nên dừng lại hoặc thay đổi, để thế này là lãng phí và thiếu tôn trọng người hâm mộ.
Chẳng có cô hotgirl nào từ chối được sức hút của việc xuất hiện trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia vào những thời khắc nhiều đàn ông hớn hở như thế này, nên đừng trách các em ấy, con thiêu thân nào trốn được ánh lửa chứ?! Đưa các em lên thế này là giết các em và giết luôn cảm xúc của người xem bóng đá.
Cho nên, theo tôi, nên cắt những phần xuất hiện vô duyên và nhạt nhẽo này, bình luận đơn giản và giàu chuyên môn là được rồi, lâu lâu xuất hiện một em thật tươi, thật xxx, không biết gì về bóng đá cũng được, nhưng ngồi cười và… thả tim thôi, “cấm” cho nói. Nghệ sĩ hay celebs có xuất hiện thì cũng nên kiểm tra một chút về trình độ bóng đá, phải biết Maradona người Brazil và Pele thì gốc Ấn Độ, kiểu thế….
Đừng để phí sóng, phí thời gian, thuế của dân cả đấy!
Cuộc sống mùa World Cup vốn đã khó khăn rồi, đừng để tăng thêm số người nhảy cầu vì cảm giác bế tắc khi xem các em chém, làm ơn!
Nhà báo – BLV Trương Anh Ngọc: Các hotgirl gắn bảng chữ “người yêu bóng đá” khi trên thực tế chẳng hiểu biết gì?
Chuyện hài hước nhất ở nước mình mùa World Cup này chính là ở các chương trình bình luận trước, giữa và sau trận đấu. Các chương trình ấy được người xem nhớ đến không phải vì chất lượng chuyên môn mà các chuyên gia đem đến cho mỗi buổi lên sóng, mà là vì các hotgirl, những người thỉnh thoảng nói sai tên người này, nhớ nhầm chuyện kia hoặc cười trừ khi bị hỏi khó quá.
Vậy thì hóa ra, chính các cô gái ấy lại là những người cứu cho các chương trình ấy khỏi bị khán giả quay lưng, chuyển kênh hoặc cảm thấy nhàm chán. Bởi bây giờ, họ không quan tâm đến ông nào đang nói trên sóng và nói cái gì, có hay không, mà tò mò không biết cô nào hôm nay lên, mặc hở hay không hở và liệu có nói ra câu nào stupid (ngu ngốc) không. Tóm lại, họ xem vì một lý do chẳng liên quan gì đến bóng đá.
Làm bóng đá mà lại chỉ được nhắc đến vì những chuyện như thế, ngẫm cũng buồn…
Vậy thì rốt cuộc, các chương trình bình luận bóng đá ấy lập ra là để làm gì, để nói chuyện chuyên môn thuần túy bóng đá, hay chỉ để làm nền tỏa sáng cho các hotgirl được gắn bảng chữ “người yêu bóng đá” khi trên thực tế chẳng hiểu biết gì?
Nhà báo – BLV Dũng Phan: “Tôi ủng hộ chuyện các hotgirl tham gia bình luận bóng đá để World Cup thêm sắc màu.”
Ở quốc tế, chuyện các cô gái bình luận thể thao hay bóng đá không phải là hiếm.
Trong một thế giới đại đồng, vấn đề bóng đá không phải là đặc quyền của người đàn ông nào. Và giữa các vị đàn ông, xuất hiện một cô gái xinh đẹp là một luồng gió mới chứ sao không? Tôi ủng hộ chuyện các hotgirl tham gia bình luận bóng đá để World Cup thêm sắc màu.
Tuy nhiên, dù đẹp đến thế nào, tôi nghĩ các cô gái ấy cũng cần một chút kiến thức. Người hâm mộ phản ứng không phải vì chuyện các cô xuất hiện, mà là chuyện các cô…. “nói bậy”. Mà như các bạn biết rồi, tuyển Việt Nam đá có 80 triệu HLV ở sau lưng. Cho nên vấn đề “chém gió”, đặc biệt là “chém” về bóng đá là sở thích, là thói quen của người Việt.
Cho nên sao chấp nhận nổi chuyện phí thời gian vàng ngọc để nghe các cô gái xinh đẹp đó nói sai. Điều kiện đủ là nhan sắc thì ổn, nhưng điều kiện cần là kiến thức thì chưa ổn. Không đòi hỏi các cô gái phải chuyên sâu, cái các cô cần là làm sáng không gian. Nhưng tuyệt đối không có nói sai. Việc nói sai trong chương trình bình luận chuyên môn trước trận, giống như cắm… một chiếc bút chì lên khuôn mặt xinh đẹp vậy!