Bóng đá thời của... Hậu - Tạp chí Đẹp

Bóng đá thời của… Hậu

Bộ Sưu Tập

Trong khi bóng đá Vua đang ầm ĩ với tiêu cực thì bóng đá Hậu lên ngôi. Trong khi các Vua đang bị thẩm tra và gây thất vọng cho người hâm mộ thì các nữ hoàng vẫn hiên ngang lập hat-trick với đủ mọi mỹ từ. Sự sang trang của bóng đá Vua và bóng đá thời Hậu là hai thái cực buộc người hâm mộ phải ồ lên: “Thì ra lâu nay chúng ta vẫn bất công với các nữ hoàng”…
 
Đêm ở Manila khác đêm ở Bacolod. Khi mà báo giới đổ hết về Bacolod để xem chân các chàng trai vàng dù núi tiền cứ trực chảy về vùng sâu vùng xa nơi các “Vua” đang ngự trị thì ở Manila, ông Mai Đức Chung với chị em vẫn còn ngỡ ngàng sau trận khai mạc thua Myanmar.

Nghịch lý của bóng đá là các Vua lâu nay vẫn quen ngồi chiếu trên, còn các nữ hoàng thì sau ba lần đăng quang vẫn chỉ được ngồi thật khiêm tốn ở chiếc ghế thừa kê vội. Còn nhớ những lần công bố chỉ tiêu và treo thưởng, chị em ta lúc nào cũng nhìn sang nhà các anh mà thèm thuồng vì có bao nhiêu đổ hết vào bóng đá Vua cả rồi. Để kích thích cho khát vọng 46 năm chờ vàng, người ta tìm mọi cách vận động được 6 tỷ treo thưởng cho các vua để phục vụ thói quen tiền là động lực và càng nhiều chắc đá càng hăng. Tội nghiệp cho các chị mỗi khi mở báo chí ra đọc hoặc xem trên truyền hình lại thấy bất công, thấy tủi thân bởi có miếng ngon, miếng ngọt người ta treo hết cho bóng đá Vua. Tủi vì phần vụn rơi rớt qua nhiều chỗ, nhiều cửa mới xuống đến các nữ hoàng khiêm tốn trong ngôi nhà tạm, dù ờ đấy có đến hai chiếc cúp vàng cao qúy.

Bóng đá nữ lâu nay vẫn bị xem là con ghẻ, kể cả khi nó làm rạng danh ngôi nhà bóng đá Việt Nam bằng những chiếc cúp vàng, bằng ngôi vị số 1 Đông Nam Á.
 Bóng đá nữ lâu nay vốn sống đúng chất với hình hài của nó khi hình thành một cách khó nhọc và sống cũng khó nhọc, dù là sống thẳng, sống thật.

Một lần chúng tôi ngồi trò chuyện với ông Mai Đức Chung về đời sống bóng đá nữ và môi trường bóng đá nữ, ông Chung cười hóm hỉnh giãi bày: “Các chị, các em, không có tư tưởng phải phục vụ và được phục vụ như các anh. Các chị em cũng không phải ngó trước ngó sau, không bị ảnh hưởng bởi kèo này, kèo nọ, mà cứ vào sân là máu lửa. Tôi sống với bóng đá nam nhiều, nhưng lại thấy ở bóng đá nữ có sự cao quý, thanh cao mà bóng đá nam phải học sau khi sự sung túc đã làm hỏng mình…”.

Nhưng bóng đá vốn chứa đựng những bất công, nhưng bất công nhất là sự phân biệt đối xử giữa bóng đá Vua và bóng đá Hậu.

Vua đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, cũng lọng son thếp vàng. Để Vua được thực sự làm Vua người ta đã phải dát vàng ở cái đường đi của Vua.

Bóng đá nữ, nơi các nữ hoàng Đông Nam Á ngự trị lại không có khung cảnh ấy. Vẫn sáng sáng ra sân mà không loa, không kèn. Cũng chẳng có Mercedez hay Toyota Vios để động viên, mà ra sân vẫn máu lửa.

Người ta thường lấy màu cờ sắc áo để nói về các chàng trai vàng, dù màu cờ sắc áo ấy không chân thành như các chị em luôn có.

Người ta thường nói đến sự hy sinh của bóng đá Vua, dù so với bóng đá Hậu thì Vua cực thật, nhưng bên cạnh cái cực là mâm, là cỗ còn bóng đá Hậu thì luôn có suy nghĩ cống hiến trước đã.

Xuất phát điểm của bóng đá Hậu cũng khác với bóng đá Vua nhiều lắm. Bóng đá Hậu hình thành trong thời kỳ cấm nữ quần đùi áo số, vì quan niệm của những người đầu ngành thể thao đến độ phải trốn chui trốn nhủi, phải “hóa trang” để đi đá bóng cho thỏa ước mơ. Trong khi đó, bóng đá nam lúc nào cũng làm vua, lúc nào cũng được sự quan tâm kể cả khi sa ngã.

Cái ngày bóng đá nữ đăng quang ngôi Hậu ở Malaysia trong kỳ SEA Games 21 và bóng đá nam bị gạt ở vòng loại thì chỉ số ít xót xa với nỗi vất vả của các chị em. Ngày trở về chị em đeo lủng lẳng huy chương vàng trước ngực thì các anh trốn chui trốn nhủi sau một mùa thất bát. Thế mà phần thưởng cho các nữ hoàng lúc ấy cũng thật khiêm tốn. Lạ ở chỗ các chị em cũng chẳng than phiền gì. Họ chấp nhận sự bất công như vốn chấp nhận cái nghiệp bóng đá nhiều khó khăn và luôn bị phân biệt đối xử, vì nước luôn chảy về chỗ trũng.

Trong vụ án bán độ bóng đá nam tại SEA Games, khi ngồi lại mổ xẻ mới có những quan chức giật mình với lời than thở về việc xây lâu đài cho vua, nhưng tất cả cái khối nguy nga lỗng lẫy ấy lại nằm trên cát.

Còn với các Nữ hoàng?

Họ lại trở về an nhàn sống bình dị ở cái chỗ khiêm tốn của mình, dù họ đã là các hoàng hậu ba lần giữ vững ngôi vị số 1 Đông Nam Á.

Cuộc sống của họ vốn gánh liền với bất công, nhưng nào các hoàng hậu màng tới ngoài hai chữ cống hiến, nhiệt tình và sống chết với cái môn thể thao mình yêu.

Tiền tỷ

Khi bóng đá nam được treo mức thưởng 6 tỷ đồng cho chức vô địch SEA Games, thì bóng đá nữ phải vận động đủ mọi nơi, kêu gọi sự quan tâm cũng chỉ có vài trăm triệu cho cái gọi là chỉ tiêu lần thứ ba liên tiếp vô địch Đông Nam Á.
 
Quyền lợi

Các Vua sau một giải rủng rỉnh vài chục triệu tiền thưởng, xe máy và thậm chí ô tô đời mới, còn các nữ hoàng sau chiếc cúp vô địch là những phần thưởng vô giá từ sự nhìn nhận công trạng ít kèm theo vật chất. 
 
Đầu tư

Bóng đá nam thi đấu quanh năm suốt tháng, còn bóng đá nữ một năm chỉ có đúng một giải vô địch quốc gia, gồm vài đội đá vòng vòng với nhau. May mắn thì có thêm giải quốc tế mời và hết.
 
Cuộc sống

Bóng đá nam lên chuyên nghiệp với 1.001 cách kiếm tiền. Cầu thủ sống bằng nghề và tích lũy từ đồng lương đá bóng lẫn tiền tài trợ. Riêng bóng đá nữ thì chị em sau khi rời sân lại bươn chải với cuộc sống bằng những nghề chính như buôn bán, dạy kèm hoặc cán bộ thể thao. Có bạn phải ôm xe bánh mì, thúng xôi, lại cũng có bạn lăn lộn với chiếc xe ôm ở bến xe.
 
So sánh vui

Vua Lê Huỳnh Đức bây giờ đã là một đại gia ở Đà Nẵng với căn nhà mặt tiền ở phố Phan Chu Trinh trị giá tiền tỷ và một cửa hàng bán đồ thể thao. Tiền đá bóng, tiền tích lũy và cũng là tiền may mắn khi Đức về đầu quân cho đội chuyên nghiệp Đà Nẵng được hưởng nhiều quyền lợi đặc biệt.

Nữ hoàng bóng đá số 1 Lưu Ngọc Mai bây giờ đang … không biết làm gì. Chị theo học khóa trọng tài vì không biết nghề gì hơn. Chị tâm sự: “Ai cũng gọi mình là nữ hoàng phá lưới, là ngôi sao nhưng bây giờ phải bắt đầu với hai bàn tay trắng. Vậy mà so với nhiều chị em mình đỡ hơn rất nhiều”.
 
Một thống kê vui cho biết các nữ hoàng mỗi khi bước lên xe hoa là đoạn tuyệt với bóng đá. Ngày đưa dâu có đầy đủ các đồng đội và cũng là lễ tiễn bạn ra khỏi sân cỏ, vì có bà mẹ chồng nào chịu cho con dâu quần đùi áo số với nỗi đam mê vừa rách vừa nghèo. Thế mà đồng đội họ vẫn bảo là may vì còn có được tấm chồng.

Các tuyển thủ nữ có chung một tâm lý là rất sợ quen bạn trai buộc phải ra mắt gia đình, vì đen đủi xấu xí, và sợ nhất là khi trình diện lại nghe hỏi: “Cháu làm nghề gì?” Các bạn vẫn đùa: “Chẳng lẽ lại nói con là cầu thủ bóng đá”. Tiền vệ Phùng Thị Minh Nguyệt cho biết có lần lỡ miệng nói thế và bị cấm yêu vì “Mẹ không muốn con có người yêu đá bóng”.
 
Ước mơ của cô gái vàng Văn Thị Thanh:

“Bóng đá nữ lập được nhiều chiến công nhưng số phận chị em hẩm hiu quá. Em mong sao xã hội có một cái nhìn thoáng hơn và công bằng hơn với chị em chúng em, chứ đừng để chị em tủi thân vì phải chịu nhiều thiệt thòi như bây giờ.

 

Thực hiện: depweb

17/01/2006, 10:10