Bóng đá nữ tủi phận khi nhìn sang bóng đá… đàn ông

Hai lần bóng đá nữ Việt Nam lên ngôi “hậu”, chúng tôi đều có mặt và chứng kiến những giọt nước mắt chảy dài vì hạnh phúc. Những trận chung kết đưa bóng đá Việt Nam đi vào lịch sử đã gỡ lại thể diện cho bóng đá nam nhiều lẫn lỗi hẹn với người hâm mộ. Thế nhưng mặt trái của những chiếc huy chương lại là những chuyện cười ra nước mắt mà nói như nhiều tuyển thủ nữ là cắn răng hy sinh vì nghiệp quần đùi áo số…
 
Một chút ganh tị dễ thương…

Bóng đá nam vẫn dùng từ “lúa về” để nói lên những “vụ mùa” từ các món tiền thưởng lớn. SEA Games 21, bóng đá nam bị loại sớm ở vòng ngoài, thế mà có anh vẫn vi vút trên chiếc Spacy đời mới, lại còn khoe chị em: “Lộc bóng đá!”. SEA Games 22 cả nước mong vàng thì các anh chỉ với tới bạc rồi còn được an ủi về nhì nhưng vẫn vinh quang, vẫn xứng đáng…

Quyến bán chiếc Vios chia cho đồng đội rồi giữ 20% lại cho phần mình, cộng với tiền thưởng cũng được gần trăm triệu sửa lại nhà cho mẹ Niềm. Tài Em, Hữu Thắng, Quốc Vượng, Minh Phương, Thế Anh… cũng vậy. “Lúa về” nhiều giúp các anh trang trải thật nhiều cho người thân, cho gia đình. Lại có anh gửi cả tiền tiết kiệm hàng tháng kiếm lời, sợ sau nay rủi ro thì có cái mà sinh sống.

Bóng đá nữ lại hay “liếc trộm” các anh rồi thở dài với lời an ủi của lớp đàn chị đi trước: “Cái nghiệp của mình nó thế, đã yêu nghề thì phải chấp nhận. Sánh sao được với bóng đá nam các em ạ!”.

Tôi đã từng nghe cựu tuyển thủ Mỹ Oanh (con gái cựu tuyển thủ Đỗ Văn Khá) an ủi các đàn em mình như vậy mỗi khi có ai đó liếc sang nhà bóng đá nam rồi tặc lưỡi than thở cho cái số nghèo mang kiếp “nữ hoàng”. Oanh bây giờ đã là một HLV có hạng vừa được cấp bằng A nhưng hàng ngày vẫn phải năn nỉ thế hệ đàn em chấp nhận chơi bóng đá, chấp nhận kiếp quần đùi áo số phải chịu khổ. Cái khổ từ đời chị lan sang cả đời em.
 
Giọt nước mắt bên xứ người

Tôi may mắn đi cùng chị em trong chuyến xuất ngoại đầu tiên ở giải tiền SEA Games tại Malaysia năm 1997. 30 cô gái lần đầu ra nước ngoài bỡ ngỡ đủ kiểu nhưng ra sân thì “máu” lắm. Ngày ấy, công chúa Malaysia cứ nắm mãi tay các bạn khi trao chiếc cúp vô địch và huy chương vàng. Có bạn đã khóc rồi thản nhiên kéo vạt áo lên lau vội để còn kịp cười khi nhận cúp. Đội trưởng, trung vệ Trương Ngọc Mai khi ấy đã tâm sự: “Có ai biết 5 năm trước chúng em từng trốn chui trốn nhủi chui vào xe bít bùng xuống tỉnh đá bóng vì lệnh cấm không cho bóng đá nữ hoạt động đâu anh. Hạnh phúc lắm! Khổ nhưng vui vì ít ra bóng đá nữ đã được thừa nhận…”.

Ngày về khi ấy là một rừng hoa ở sân bay Tân Sơn Nhất. Họ không đi bằng xe bít bùng nữa mà có cả một đoàn mô tô dẫn đường và các “nữ hoàng” ngồi trên xe Jeep mui trần để được tung hô. Bất chợt Lưu Ngọc Mai quay sang tôi nói: “Anh xem mai mốt huy chương nguội mấy đứa tụi nó cũng như em lại phải bươn chải kiếm sống thôi…”. Tôi giật mình với câu nói ấy và dị ứng với cả xe hoa, với những băng-rôn chúc tụng…
 
Xe bánh mì, sọt rau và cả tài xế xe ôm

Ngày 8-3 năm ấy, VTV đưa phóng sự ngắn về những “nữ hoàng” Đông Nam Á bươn chải với xe bánh mì, với sọt rau ở ngay bên cạnh sân Hoa Lư (TP.HCM) mà mình từng thi đấu. Họ đã trở về với đời thường và bươn chải kiếm sống.

Dò mãi không thấy cái tên Anh Đào ở những lần tập trung tiếp theo dù trong chuyến đi Malaysia xuất ngoại đầu tiên của bóng đá nữ, Đào đã thể hiện khả năng và gây được sự chú ý. Một người bạn rất thân của Anh Đào nói nhỏ với tôi: “Đào nó không thể đá bóng được nữa. Nhà nó ở ngoại thành, gia đình khó khăn lắm. Nó phải kiếm sống với chiếc xe ôm cà rịch cà tàng. Có hôm 4 giờ sáng nó đã ở bến xe miền Đông rồi”.

Nghe lời tâm sự như thế lại thấy thương khi nhìn các tuyển thủ nữ cày ải trên sân bóng với những khát vọng lớn lao rồi tự hỏi: “Họ có cái gì và được cái gì sau những lời tung hô, chúc tụng?”.
 
Trận thua đầu tiên ở sân chơi SEA Games 23 tại Manila

Đêm Manila đối với các nữ tuyển thủ Việt Nam sau trận ra quân thật buồn. Nhiều người mau nước mắt lại càng khóc nhiều hơn khi được an ủi. Thầy Mai Đức Chung động viên: “Ráng đi các cháu, chúng ta sẽ gặp lại họ ở chung kết thôi!”. Thầy Chung tự tin được như vậy bởi thầy biết các nữ tuyển thủ Việt Nam có thực lực, nhưng hơn ai hết thầy cũng hiểu cái nghiệp bóng đá nữ nó khổ như thế. Vốn là HLV bóng đá nam, thầy Chung hiểu các chị em phải hy sinh và thiệt thòi rất nhiều. Hai lần lấy vàng SEA Games rồi họ cũng mang thân phận “con ghẻ” (theo cách nói của đội) bởi nước chảy chỗ trũng chứ có bao giờ về đến cái vùng khô ráo mà mau nước mắt như chị em đâu.

Thầy Chung còn nhớ mãi trong một lần họp báo, khi được hỏi “VFF đã tìm được tài trợ nào cho đội tuyển nữ để giúp họ bảo vệ huy chương vàng tại SEA Games 23 chưa?”, thì chính ông Phó chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng lưỡng lự ở thì tương lai: “Chúng tôi còn trong quá trình thương thảo và sẽ thông báo số tiền tài trợ cho đội tuyển bóng đá nữ trong năm tới… Có thể có được khoảng 1 tỷ và theo tôi được biết chưa bao giờ đội tuyển nữ Việt Nam tìm được số tiền cao như vậy!”.

Tin vui với chị em nằm ở thì tương lai nhưng vẫn có người “ganh tị” và buồn phiền mỗi khi nghe nhắc đến lời tuyên bố ở thì hiện tại: “Đã có đủ 6 tỷ tiền thưởng cho bóng đá nam!”.

Cái thua đầu tiên ở sân chơi lớn tại SEA Games hôm qua chắc chắn không phải vì yếu tố tiền bạc, nhưng sao cứ thấy thương cho chị em cứ phải bươn chải với cái nghiệp của mình.

Ngày mai họ lại ra sân. Vẫn cháy bỏng một khát vọng vàng, nhưng nhìn khuôn mặt đen nhẻm vì nắng mưa lại thấy thương cho số phận các “nữ hoàng”.

Họ chỉ mong chiến thắng và mong “vàng”. Còn giấâc mơ đổi đời thì chắc chắn ai cũng nghĩ tới, nhưng đến nay mãi mãi vẫn chỉ là nỗi đau thầm kín trong lòng…
 
SEA Games 21 năm 2001 tại Kuala Lumpur, một lần các nữ tuyển thủ đi siêu thị, nhiều chị em lúng túng ở cửa hàng mỹ phẩm. Nhiều người trong số ấy đã lén mua lọ kem dưỡng da rồi hỏi người bán hàng “nước da tụi em như thế này dùng kem có trắng lên được không?”.

Lọ kem ấy có người cất thật kỹ trong hành lý cùng với chiếc huy chương vàng vừa đoạt được. Bây giờ thì huy chương đã nguội, còn nước da của chị em thì nhiều người vẫn chưa trắng lên được…/.


From the same category