Có một dạo, cư dân trên mạng thường hay gửi cho nhau đường link của phim hoạt hình “Father and daughter” (Cha và con gái – đạo diễn Michael Dudok De Wit) – Bộ phim hoạt hình đã đoạt giải Oscar năm 2001 kèm theo 40 giải phụ khác, nói về sự chia xa và mong ngóng của một cô bé với người cha.
Bánh xe lăn đều đều, in bóng trên đường. | Bóng cha và con một mình cùng bóng cây lẻ loi. |
Chỉ bằng những nét than chì hai màu đen trắng, đơn giản mà tinh tế, trên nền nhạc sâu lắng – bản “Danube Waves” của Iosif Ivanovici, đạo diễn Michael Dudok De Wit đã dẫn người xem chạm đến cái vô hạn và hữu hạn của cuộc sống chỉ trong 8 phút.
Từ xa, trên con đường nhỏ có hai chiếc bóng tiến lại gần. Đó là hai bố con đang đi xe đạp song song với nhau. Bóng người cha trùm phủ lên bóng người con, bé nhỏ. Bàn chân quay đều, bánh xe quay đều.
Hai bố con đi qua bóng của hàng cây đổ. Khung cảnh đẹp và tĩnh. Tới nơi, người cha ôm hôn con, chào tạm biệt và lên thuyền. Nhưng dường như ông không thể xa rời được cô con gái nhỏ đang rưng rưng nước mắt, ông vội quay lại nhấc bổng con gái lên và hôn cô.
Cô bé đứng nhìn theo bóng người cha khuất dần. Bầu trời mênh mông, cô kiễng chân nhìn cho tới khi bóng con thuyền chỉ là một cái chấm nhỏ. Bóng hàng cây vẫn đổ dài, và cô bé cũng chỉ là cái chấm nhỏ nhoi, đơn côi. Thời gian như bóng câu qua thềm, cô bé dần lớn lên, và không biết bao lần, cô đã đạp xe một mình trở lại bến sông.
Cô vượt qua con dốc mà trước kia, có bố bên cạnh, cô đã vượt qua một cách dễ dàng, giờ, cô cần phải cố gắng. Để rồi, lại lầm lũi trở về với chiếc bóng lẻ loi. Có những ngày ngược gió, hàng cây trút hết lá, bóng cây nghiêng ngả, rồi những ngày đông băng tuyết giá lạnh, rồi mùa xuân khi tuyết tan thành vũng, cô vẫn mong ngóng bố.
Trước khi chia xa, người cha quay lại, ôm chầm lấy con gái bé bỏng. | Xuân hạ thu đông, cô bé vẫn mải miết đi tìm cha. |
Cả khi đi chơi với bạn qua con đường ấy, cả khi cô đã có người yêu, lập gia đình và có con…, cô vẫn ngày đêm khắc khoải. Rồi đến một ngày, cô bé ngày nào đã trở thành một bà cụ, mắt mờ, chân yếu, không đi được xe, cô vẫn lê từng bước, trên con đường hoài niệm ấy.
Cô quyết định lội xuống lòng sông đã cạn, chỉ còn trơ lại một xác thuyền. Có phải con thuyền này đã chở người cha của cô ra đi không? Cô bé – trong hình hài một bà già lần từng bước, vạch từng đám lau sậy, bóng bà và bóng con thuyền lẻ loi. Trên cao, chỉ có một cánh chim chơ vơ.
Không thấy bóng người nào khác. Vô vọng, bà nằm nép vào con thuyền và thiếp đi. Bỗng trong giấc mơ, bà hóa thành đứa trẻ nhỏ chợt nhìn thấy cha. Vẫn cái bóng bé nhỏ như con chim chích, chạy rất nhanh đến gần một cái bóng cao lớn.
Hai cái bóng ngập ngừng, rồi chạy thật nhanh đến bên nhau, và chụm vào, làm một. Cô bé đã tìm thấy người cha, đã được ôm chầm lấy ông, và không còn phải là những hình bóng nữa, đó là sự thật.
Giản dị, sâu sắc, trong hành trình chỉ một con đường nho nhỏ, có hai hàng cây đổ bóng, bóng cha và con, bóng của chiếc xe đạp, bóng đơn côi của người con, của con thuyền mắc cạn, của cánh chim lạc lõng trên bầu trời… Chỉ trên một con đường nhỏ, mà đầy đủ một vòng quay cuộc đời chìm trong những nỗi mong ngóng.
Dù vui hay buồn, cô lúc nào cũng nhớ tới cha. | Vòng đời cứ trôi… |
Chỉ bằng những chiếc bóng, bộ phim hoạt hình ngắn 8 phút đã gây xúc động sâu xa trong người xem về tình phụ tử, nỗi khắc khoải đợi chờ và sự chóng vánh như giấc mơ của một kiếp người. Đừng quá đòi hỏi hay vội vàng tìm hiểu những nghĩa bóng cao xa, hãy cảm nhận nó, đơn giản là câu chuyện của một người con mong chờ người cha.
Đã không ít gia đình tan đàn xẻ nghé, những người cha ít quan tâm tới con cái hay ngược lại, những người sống hời hợt đã phải nghĩ lại về sợi dây gắn kết gia đình, những ràng buộc máu mủ thiêng liêng sau khi xem bộ phim này…
Bao mùa lá qua. | Cô bé vẫn đứng bên bờ sông ngóng cha. |
Thời gian trôi, cô bé đã trở thành một bà cụ. | Vẫn tìm cha, cô tiến về phía con sông đã cạn nước, chơ vơ một xác thuyền dưới đáy sông. |
Mệt mỏi, buồn bã, cô nép vào bóng con thuyền. | Trong giấc mơ, thật hạnh phúc cô gặp lại cha. Bóng hai cha con hòa làm một. |