Khi động đất xảy ra và những đợt sóng thần khủng khiếp ập vào khu vực gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vào ngày 11/3/2011, Yumi Kanno đã nhanh chóng đưa cậu con trai hai tuổi và bố mẹ chồng về nhà ngoại cách đó hai tiếng đi xe. Bốn năm sau, Kanno và gia đình vẫn chưa thể trở về ngôi làng từng một thời sung túc – và có thể họ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội trở về.
Người dân tìm trong đống đổ nát những món đồ còn sử dụng được. (Nguồn: AP)
“Ban đầu, chúng tôi nghĩ chắc chỉ phải rời đi vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng bây giờ tôi không chắc là liệu có thể quay về nhà nữa hay không” – cô Kanno cho biết.
Trước thềm lễ tưởng niệm thảm họa động đất sóng thần xảy ra tại Nhật Bản cách đây 4 năm, các quan chức Nhật Bản cho biết quá trình tái thiết vẫn diễn ra rất chậm chạp. Gần 250.000 người dân vẫn phải sống trong các căn nhà tạm. Các cánh rừng, đồng ruộng và thị trấn vẫn bị bỏ hoang vì nhiễm phóng xạ nặng nề. Vô số những bao nilon chứa đầy đất bị nhiễm xạ được thu gom ở khắp khu vực, và đó mới chỉ là một phần nhỏ trong số đất cần được chuyển đi trước khi người dân có thể quay về sinh sống.
Tại khu vực nhà máy, phóng xạ không còn lan vào không khí, nhưng các công nhân vẫn phải vật lộn để ngăn nước nhiễm phóng xạ rò rỉ. Rất may là chưa có ai thiệt mạng vì nhiễm phóng xạ, cũng như chưa phát hiện căn bệnh nào có liên quan đến phóng xạ.
Ngay cả ở những khu vực đã được công bố là an toàn, nhiều người dân vẫn lưỡng lự chưa muốn trở về. Niềm tin vào những người có trách nhiệm đã sụt giảm trước các lệnh di tản đầy mâu thuẫn vào giai đoạn đầu của thảm họa, hay lo ngại phóng xạ rò rỉ lan theo gió và mưa, cũng như những bất đồng về nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ về lâu dài… khiến họ chần chừ.
“Có thể phải mất thêm 30 năm nữa mới giải quyết được triệt để các vấn đề ở đây. Đó sẽ là một cuộc chiến lâu dài và nhọc nhằn” – Hatsuo Fujishima, một nhân viên cấp cao của Nhà máy Fukushima cho biết.
Trận động đất mạnh 9 độ Richter năm 2011 là trận động đất mạnh nhất từng ập vào Nhật Bản. Nó kéo theo một đợt sóng thần cao tới hơn 27m, quét sạch nhiều thị trấn và khu dân cư bên bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản, làm gần 16.000 người thiệt mạng và hơn 2,600 người khác mất tích. Thảm họa này cũng đã làm tê liệt Nhà máy điện hạt nhân Fukushima và gây rò rỉ phóng xạ ở 3 trên tổng số 6 lò phản ứng hạt nhân tại đây. Người dân sống cách nhà máy 18 dặm (gần 30 cây số) đã phải di tản vì mây phóng xạ.
Bốn năm qua, nhiều nỗ lực tái thiết đã được thực hiện. Nhà cửa và tàu thuyền đổ nát do động đất và sóng thần đã cơ bản được dọn sạch. 10.000 ngôi nhà tạm đã được xây làm nơi ở cho người di tản. Công tác xử lý đất nhiễm xạ cũng đang được tiến hành. Nhưng công việc vẫn còn rất bộn bề. Ở một số nơi, việc xây dựng lại nhà cửa cho 230.000 người dân di tản đã bị lùi hạn hoàn thành đến năm 2017 do khó khăn trong việc tìm vị trí và thiếu vật liệu cùng công nhân xây dựng.
Công tác dọn dẹp vẫn đang được tiếp tục tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. (Nguồn: TEPCO)
Tại làng Iitate, hậu quả của thảm họa vẫn còn hiện hữu. Chính quyền ban đầu tuyên bố, ngôi làng nằm cách nhà máy hạt nhân 19 dặm này không có nguy cơ nhiễm phóng xạ. Nhưng chỉ vài ngày sau, một cuộc di tản lớn đã được thực hiện khi mức độ phóng xạ bắt đầu tăng lên. Dân làng hiện đã được phép về nhà hoặc đến nơi làm việc trong làng vào ban ngày, nhưng không được ở lại qua đêm hay định cư như cũ.
Trước thảm họa, làng Iitate có hơn 6.000 nhân khẩu, nhưng hiện giờ chỉ có vài trăm người vào làng vào ban ngày. Mức phóng xạ tại làng đã giảm tới mức an toàn, nhưng ông Muneo Kanno, một người dân cho biết con số này vẫn dao động, và mức độ phóng xạ có thể cao hơn tại những vùng rừng chưa được tẩy rửa.
“Phóng xạ là thứ bạn không thể nhìn thấy hay ngửi thấy. Một cơn mưa có thể dồn các chất phóng xạ đến một khu vực nào đó, và nơi đó có mức độ phóng xạ cao. Chúng tôi cũng chẳng biết bao giờ mình mới có thể về lại đây sinh sống lâu dài.”
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi tẩy phóng xạ tại nhà cửa và nơi làm việc, cũng như đất nông nghiệp ở các khu vực bị ảnh hưởng do thảm họa, nhưng trừ các vùng có rừng. Do đó, người dân và chính quyền địa phương phải tự quyết định mức độ phóng xạ mà họ có thể chấp nhận được.
“Mọi người vẫn chẳng hiểu gì về phóng xạ và phơi nhiễm về lâu dài. Một số người cho là đã an toàn, nhưng nhiều người khác không nghĩ vậy. Liệu bạn có tránh được phơi nhiễm miễn là không vào rừng hay không? Nếu bạn có con cái, bạn có muốn đánh liều như vậy không? Tôi hiểu vì sao mọi người lưỡng lự không muốn quay về làng”, ông Norio Kanno, trưởng làng Iitate cho biết.
Satoru Mimura, một giáo sư nghiên cứu nhận thức về thảm họa và các vấn đề quốc tế tại Đại học Fukushima, cho biết người dân có thể sẽ không thể trở lại làng Iitate trong 3-5 năm nữa.
“Không có nhiều cửa hàng hay dịch vụ tại những nơi bị ảnh hưởng do thảm họa. Cũng chẳng có chợ búa hay bệnh viện ở gần đó, nên cuộc sống sẽ rất khó khăn”, ông Mimura nhận định.
Theo: Mai Nguyễn/Vietnamplus