"Bom tấn" Hollywood "Dune: Part Two": Liệu "hào quang diễn viên chính" có làm lu mờ cốt truyện? - Tạp chí Đẹp

“Bom tấn” Hollywood “Dune: Part Two”: Liệu “hào quang diễn viên chính” có làm lu mờ cốt truyện?

Giải Trí

Bom tấn “Dune: Part Two” (Hành Tinh Cát – Phần 2)  đã chứng minh được sức hấp dẫn của mình khi vừa ra mắt đã nhận cơn mưa lời khen từ giới phê bình và khán giả. Với 9.4/10 điểm trên IMDb, 97% điểm “cà chua tươi” trên Rotten Tomatoes và điểm “A” trên trang web của Cinema Score, bộ phim đã trở thành điểm sáng của Hollywood trong năm 2024.

Dàn diễn viên “toàn sao”

Không phải bàn cãi, dàn diễn viênvới những tên tuổi đình đám như Anya Taylor-Joy, Timothée Chalamet, Zendaya, Austin Butler, Florence Pugh… đã tạo thêm điểm sáng cho bộ phim này.

“Chàng thơ” của Hollywood Timothée Chalamet đã thể hiện xuất sắc sự phức tạp trong vai diễn Paul. Anh đã gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả thông qua sự biến đổi của nhân vật từ một chàng trai trẻ ngây ngô đến một “đấng cứu thế” đầy quyền lực. Zendaya (người duy nhất chưa được đề cử nhưng sẽ trao giải ở Oscar năm nay) cũng cho thấy khả năng diễn xuất ấn tượng trong vai Chani khi tạo “chemistry” với bạn diễn khiến khán giả đứng ngồi không yên. 

Dàn diễn viên phụ cũng không hề kém cạnh. Các ngôi sao Rebecca Ferguson, Javier Bardem và Florence Pugh, Anya Taylor-Joy và Austin Butler đều có màn trình diễn xuất sắc, góp phần tạo nên sức hút cho bộ phim. Với các vai diễn đa chiều và đầy cảm xúc, họ đã thành công trong việc đem lại sự sống động và đáng nhớ cho những nhân vật mà họ đảm nhận.

“Đạo diễn của thập niên” trở lại

Với nhiều tác phẩm ấn tượng như “Prisoners”, “Sicario”, “Arrival” và “Blade Runner 2049”, Denis Villeneuve đã được biết đến là một trong những đạo diễn hàng đầu thế giới. Ông đã nhận danh hiệu “Đạo diễn của thập niên” từ Hiệp hội Phê bình Hollywood vào năm 2019 và đã được đề cử Oscar hạng mục đạo diễn nhờ vào “Arrival”. Sau thành công rực rỡ của “Dune: Part One” trên thị trường Bắc Mỹ cũng như toàn cầu, Denis Villeneuve quay trở lại với “Dune: Part Two” và một lần nữa đã khẳng định sự uy tín của mình trong giới điện ảnh.

Trong “Dune: Part Two”, Denis Villeneuve đã khéo léo phân chia câu chuyện theo nhiều tuyến, xoay chuyển các góc nhìn để mô tả các nhân vật. Mặc dù đã cắt đi một số cảnh, nhưng mỗi nhân vật vẫn được tạo hình ấn tượng theo cách riêng – một điều không hề dễ dàng với dàn nhân vật đồ sộ mà bộ phim sở hữu. Denis Villeneuve được xem như “Đấng cứu thế” của của Hollywood khi giúp phòng vé vượt qua thời kỳ ảm đạm.

Cốt truyện lớp lang

Dù có đạo diễn tài ba hay đội hình diễn viên hùng hậu, điểm nhấn của phim nằm ở cốt truyện. Tiếp nối phần trước, “Dune: Part Two” mở ra câu chuyện Paul (Timothée Chalamet) và mẹ của anh – Lệnh bà Jessica (Rebecca Ferrgunson) nương nhờ người Fremen sau khi gia tộc Atreides bị thanh trừng. Để Paul có thể trở thành Lisan al Gaib (đấng cứu thế), cô chấp nhận làm Mẹ Chí Tôn của người Fremen. Từ đó, cuộc chiến lẫn số phận của Paul đã thay đổi.

Ngoài việc giới thiệu hệ thống các đại gia tộc đồ sộ, “Dune: Part Two” đi sâu vào khám phá những âm mưu của hội nữ tu Bene Gesserit và cho thấy sự đáng sợ của tôn giáo. Bộ phim phơi bày âm mưu của Bene Gesserit khi thao túng toàn bộ Đế chế trong bóng tối, lai chéo gen giữa các Đại gia tộc nhằm tạo ra kẻ được chọn, tung hô lời tiên tri giả về Lisan al Gaib. Tất cả khiến người xem chợt “tỉnh ngộ”, nhận ra mọi thứ trong Dune chỉ là trò chơi của các Mẹ Chí Tôn – những kẻ ở trong bóng tối và dù cho Đại gia tộc nào chiến thắng thì họ vẫn được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, “Dune: Part Two” cũng mở rộng nhiều tình tiết chưa được giải đáp trước đó, mối quan hệ giữa các nhân vật cũng được phát triển. Đặc biệt, nhân vật chính Paul Atreides khám phá được thêm bí mật về nguồn gốc sức mạnh của mình và nên duyên với cô nàng Chani (Zendaya) người Fremen. Điểm đáng tiếc duy nhất trong bộ phim có lẽ là yếu tố đấu trí giữa Paul và Hoàng đế lẫn nhà Harkonnen. Dựa vào “hào quang nhân vật chính”, các cuộc chiến Paul và đội quân Fremen có vẻ khá dễ dàng, chưa thật sự thỏa mãn cho người xem dù phim dài đến gần 3 tiếng.

Kinh phí “khủng”

Với ngân sách khủng 190 triệu USD, “Dune: Part Two” tiếp tục mang lại trải nghiệm điện ảnh ấn tượng. Ê-kíp phim trở lại với các hoang mạc mênh mông tại Abu Dhabi (United Arab Emirates), Jordan, Budapest (Hungary) và thêm phim trường mới tại Ý. Cảnh quay trên sa mạc chủ yếu tại Abu Dhabi, 30km đường đi được duy trì hàng ngày để đảm bảo việc quay. Điều đặc biệt là khu lăng mộ Brion ở Ý, lần đầu tiên cho phép việc quay phim, nhờ một thành viên trong gia đình là “fan cứng” của Dune. 

Không chỉ đầu tư về bối cảnh, thiết bị quay của bộ phim cũng khiến khán giả không khỏi kinh ngạc. “Dune: Part Two” được quay 100% bằng máy IMAX (so với phần đầu là 40%) mang đến những khung hình kỳ vĩ đến choáng ngợp của thiên nhiên. Để tạo ra một thế giới không hề “giả trân”, đoàn phim đã hạn chế sử dụng CGI, phông xanh và dành hàng tháng rong ruổi trên các hoang mạc tại Jordan, dùng ống kính để bắt trọn cảnh “đất cát” để đem lại trải nghiệm chân thực nhất cho khán giả trên màn ảnh rộng.

Những pha hành động đã mắt

Với hơn 5000 khẩu súng cho người Fremen và nhiều vũ khí khác được chế tạo riêng để phục vụ cho các cảnh chiến đấu của phim, “Dune: Part Two” đã chiêu đãi người xem những phân cảnh hành động ấn tượng và hoành tráng hơn rất nhiều so với phần một. Có thể nói, dồn dập và căng thẳng là những từ phù hợp để mô tả nhịp độ của những pha đánh đấm trong bộ phim này. Cuộc chiến kéo theo cuộc chiến, hành động nối tiếp hành động, đưa người xem đến những điểm cao trào, dường như không có khoảng “nghỉ”. Đặc biệt, “nín thở” với khung cảnh Paul giao chiến với Feyd-Rautha cháu trai Nam tước tộc Harkonnen.

Yếu tố hành động trong “Dune: Part Two” cũng phong phú hơn so với phần trước. Từ những cuộc cận chiến nhỏ giữa người Fremen với vài quân lính của Harkonnen, lớn dần lên thành cuộc chiến giữa Fremen với gia tộc Harkonnen và lực lượng Sardaukar của Hoàng Đế, và cái kết mở ra cuộc Thánh chiến giữa các Đại gia tộc.

Kỹ xảo choáng ngợp

Với những người yêu thích cuốn tiểu thuyết này, “Dune: Part Two” thực sự là một trải nghiệm mãn nhãn khi các câu chữ trên trang giấy được diễn tả trên màn ảnh lớn. Phim tận dụng rất nhiều góc quay sáng tạo với nhiều đại cảnh quy mô lớn, yêu cầu kỹ xảo phức tạp. Từ cảnh Paul điều khiển Sâu Cát đến hình ảnh anh trở thành Đấng cứu thế giữa hàng vạn người, từ cảnh cuộc cận chiến nhỏ đến trận đại chiến đầy kịch tính giữa các gia tộc, mọi khung cảnh hoành tráng đến nỗi đều có thể cắt ra làm hình nền. Màu sắc trong phim cũng được sử dụng một cách tinh tế. Điển hình là cảnh hành tinh quê nhà của tộc Harkonnen được quay bằng máy hồng ngoại, tạo ra hiệu ứng làn da nhợt nhạt để thể hiện sự tàn bạo của họ.

Góp phần vào độ hoàn hảo đến từng chi tiết của cảnh phim chính là trang phục và hóa trang của các nhân vật. Bên cạnh các bộ sa phục vốn đã là biểu tượng của loạt phim Dune, vẻ ngoài “không lông” gia tộc Harkonnen cũng để lại ấn tượng. Cả dàn diễn viên đều phải trải qua quá trình trang điểm và hóa trang 3-5 tiếng mỗi ngày để thể hiện được nhân vật đem lại hình ảnh chân thực nhất trên màn ảnh.

Tác giả: Nguyễn Ngọc

07/03/2024, 22:21