“Bom tấn” hè 2015: Hết trò chưa Hollywood? - Tạp chí Đẹp

“Bom tấn” hè 2015: Hết trò chưa Hollywood?

Review

“The Avengers 2: Age of Ultron”

Những nhát cuốc của “phu đào mồ”

Nếu theo dõi ngành công nghiệp điện ảnh trong khoảng 10 năm trở lại đây, sẽ không khó nhận ra một vài xu hướng nổi bật, và cũng là một sự thật phải chấp nhận: Hollywood ngày càng cạn kiệt ý tưởng cho những bộ phim bom tấn, còn khán giả thì cũng đã trở nên bão hòa trước những trò “biết rồi, khổ lắm” của các nhà làm phim.

Phim về siêu anh hùng vẫn đang giữ thế thượng phong, được sản xuất chủ yếu bởi hai “đại gia” DC Comics và Marvel. Sau hàng thập kỉ bán truyện tranh cho đám thanh thiếu niên mới lớn, hai “ông lớn” nhận ra rằng công nghệ hiện tại đủ giúp họ đưa những câu chuyện viễn tưởng trong truyện lên phim, làm thỏa lòng mong đợi của những lứa thanh thiếu niên từng say mê anh hùng qua trang sách nhỏ. Nếu Marvel khởi đầu với “Iron Man”, “Thor”, “Captain America”..., làm bước đệm cho “The Avengers”, rồi “The Avengers 2: Age of Ultron”, thì DC Comics cũng không chịu kém cạnh. Tiếp nối thành công của bộ ba phim về Batman của Christopher Nolan – thành công cả về mặt điện ảnh lẫn thương mại (mà đúng ra không nên xếp chung với những phim được nhắc tới ở trên), họ tiến tới bằng cách làm mới series phim về siêu nhân với “Man of Steel” (đạo diễn Zack Snyder). DC Comics thậm chí đã có một kế hoạch sản xuất phim dài hơi cho đến tận 2019. Gần nhất, mùa hè 2016 sẽ tiếp tục là Batman và Superman, còn Marvel vẫn tiếp tục kiếm tiền từ một hệ thống nhân vật khổng lồ mà họ đang vận hành.  

Cả DC Comics và Marvel đều có chiến lược sản xuất rất thông minh. Họ biết khéo léo kết nối câu chuyện, chi tiết của từng siêu anh hùng riêng lẻ lại với nhau thông qua những series phim truyền hình cũng như phim chiếu rạp, kích thích trí tò mò và tưởng tượng của cộng đồng fan, để rồi tung ra “quả đấm thép” – một bộ phim nơi tất cả các siêu anh hùng hội tụ lại với mục đích duy nhất là để trình diễn những màn hành động “ảo tung chảo”.

Nhưng bất chấp tất cả tính toán chi li từng tình tiết nhỏ ấy, các nhà viết kịch bản của DC Comics và Marvel vẫn chỉ đủ khả năng tạo ra những bộ phim đơn thuần giải trí. Các câu chuyện phim hầu hết vẫn thiếu chiều sâu căn bản. Cái thiện và ác vẫn thật rõ ràng (khác xa với cuộc đời), phim đi theo hai mạch chính, và nhân vật chính luôn bất khả chiến bại.

“Terminator: Genisys”

Đó là vết nứt nhỏ trong một vết nứt lớn hơn nhiều trên bộ mặt của Hollywood. Đi theo cách tư duy đó, nên hầu hết các phim bom tấn hành động 2015 (“Avengers: Age of Ultron”, “Tomorrowland”, “Jurassic World”, “Terminator: Genisys”, “Ant-Man”…) chưa có phim nào hứa hẹn mang tính độc đáo. Hầu hết “bom tấn” hè 2015 đều là phần tiếp theo của một series nào đó, hoặc lấy lại ý tưởng từ truyện tranh, hoặc là một cố gắng “đào mồ” những series nổi tiếng trong quá khứ. Nên mới có chuyện, dù Paul Walker qua đời từ tận năm 2013, Universal Pictures vẫn cố gắng nặn ra thêm hai phần “Fast and Furious”. Điều này làm dấy lên một trò đùa trên mạng rằng, cứ đà này, vài chục năm nữa, khi các diễn viên của series phim này đều đã về già, họ sẽ có một phần phim mang tên: “Slow and Serious”.

“Jurassic World” (Công viên kỉ Jura) một thời là tượng đài trong dòng phim về quái vật, tưởng như đã ngủ yên sau ba phần phim với chiều hướng càng ngày càng đi xuống, nhưng các nhà sản xuất vẫn xoay xở làm thêm một phần tiếp theo với nhân vật mới, bối cảnh mới và… mô típ cũ. Còn thảm hại hơn nữa, tưởng chừng như ở tuổi 68, Arnold Schwarzenegger sẽ an hưởng tuổi già, nằm dài trên sofa xem lại những bộ phim nổi tiếng của mình, thì Paramount Pictures vẫn lôi kéo được ông tham gia “Terminator: Genisys” (Kẻ hủy diệt) phần 5 bằng một vai phụ, trong nỗ lực kết nối những chi tiết bị bỏ sót ở các phần trước và tạo đà cho một bộ ba phim mới cùng về đề tài này. Có vẻ như trừ 2 phần đầu tiên được đạo diễn bởi James Cameron, những phần phim tiếp theo của “Kẻ hủy diệt” chỉ là một màn thượng đài giữa hai dòng người máy tốt và người máy xấu. Nếu mỗi “kẻ hủy diệt” mà đội quân người máy tương lai gửi về đều tạo thành một bộ phim, có lẽ họ có thể làm cả một series phim dài bất tận giống như phim truyền hình Hàn Quốc.  


“Phép vua thua… lão làng”

Những bộ phim nổi bật còn lại của năm nay cũng chẳng có gì khá hơn. Nếu bạn đã xem “50 Shades of Grey”, dễ nhận ra rằng phụ nữ ở đâu cũng thích những câu chuyện ngôn tình. Nếu bạn không phải là fan của “Glee”, “High School Musical” hay dòng phim nhạc kịch nói chung, thật khó để nuốt trôi 115 phút của “Pitch Perfect 2”. Và nếu đã xem “Race to Witch Mountain” (2009), bạn sẽ hiểu khái niệm thế nào là 1 bộ phim sci-fi sản xuất bởi Walt Disney trước khi xem “Tomorrowland”.

“Mad Max: Fury Road”

Vậy hè 2015 bạn có gì để mong đợi? Ngoại trừ những bộ phim quá hàn lâm để hiểu và những bộ phim quá dễ dàng để tin vào? Liên hoan phim Cannes khai mạc vào ngày 13/5, với một trong những bộ phim tham dự gây ngạc nhiên rất lớn cho công chúng – Mad Max: Fury Road – của đạo diễn George Miller. Lâu lắm rồi mới có một phim hành động Mỹ kể từ sau “Inglourious Basterds” (2009) được góp mặt ở sân chơi này. “Mad Max: Fury Road” với nhân vật chính thủ vai bởi Tom Hardy và Charlize Theron, dù không phải bộ phim đầu tiên của series phim này, nhưng có lẽ khoảng cách 30 năm từ 1985 đến 2015 đã cho “Mastermind” George Miller đủ ý tưởng, đủ độ chín và đủ năng lượng để làm một phần phim mới với phong cách của những phim hành động thập kỉ 1970-1980, khi mà kĩ xảo dựng phim trên máy tính CGI còn chưa ra đời.

Hầu hết “bom tấn” hè 2015 đều là phần tiếp theo của một series nào đó, hoặc lấy lại ý tưởng từ truyện tranh, hoặc là một cố gắng “đào mồ” những series nổi tiếng trong quá khứ.
Ra rạp vào thời điểm này, “Mad Max” giống như một kẻ đi ngược dòng với những pha hành động mạng tính “thực” khi 80% hiệu ứng trong phim, cũng như những cảnh chiến đấu, âm thanh, hóa trang là kết quả của những kĩ xảo thực không liên quan gì đến máy tính. CGI chỉ được dùng để mở rộng bối cảnh của sa mạc Namibia và để mô phỏng cánh tay máy Charlize Theron. Xem Charlize Theron diễn, ta thấy lại được thần thái mà cô từng thể hiện trong “Monster” (2003) – bộ phim mang về cho cô giải Oscar cho Nữ chính xuất sắc nhất.

“Mad Max” – bộ phim về một thế giới hậu tận thế, nơi hai kẻ điên rồ và ưa mạo hiểm làm tất cả không phải để đánh bại kẻ xấu nào, mà chỉ để tồn tại – có vẻ là một kịch bản đỡ nhàm chán hơn những bộ phim siêu anh hùng đang tung hoành ở các rạp chiếu phim hiện nay. Điều đáng nói, “Mad Max” được làm bởi đạo diễn đã bước qua tuổi 70. 

 

Bài: Phi Hoàng Trịnh

logo

Thực hiện: depweb

02/06/2015, 18:14