Những ngày qua, là người lạnh lùng với giải trí lắm hẳn cũng sẽ chú ý tới cụm từ “bolero”. Bolero đang “dậy sóng” truyền thông vì phát ngôn gây bão của Tùng Dương: “Già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc Bolero đúng là sự thụt lùi”. Đáp trả lại phát ngôn của Tùng Dương là Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Dương Triệu Vũ với thái độ phần nhiều thiếu bình tĩnh.
Người ta hẳn sẽ đặt ra câu hỏi: “Dòng nhạc này có số phận gì mà lại được nhiều lần “nâng lên, đặt xuống” bởi những người làm nghề như vậy?”
Nhạc bolero xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Ca sĩ Phương Dung, Thanh Thúy, Phương Oanh là người đầu tiên hát thể loại nhạc này. Ước tính, trong nửa thế kỷ, có khoảng 100 ca sĩ Việt và hơn 500 bài bolero được viết ra. Nhạc Bolero đã làm nhạc sĩ Vinh Sử trở thành người giàu có nhất nhì giới nghệ sĩ Sài Thành một thời và được mệnh danh “ông vua nhạc Sến”.
Thực tế, bolero có sức sống lan tỏa ở miền Nam hơn, vì bolero xuất thân từ vùng đất này. Các bài hát được viết ra mang đậm chất dân ca bình dân của người Nam bộ. Trong một bài phỏng vấn về nhạc bolero, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 từng chia sẻ: “Họ viết nhạc phần đông ở giọng thứ, khi hát với bolero, đúng cái nhịp của người miền Nam. Dân ca miền Nam rất hợp bolero. Bên tân cổ giao duyên, phần đông hát vọng cổ xong qua bolero liền. Hai cái đó dính liền, pha với nhau”. Nhạc sĩ của “Không” cũng cho rằng, loại nhạc này được giới bình dân nghe nhiều hơn, có lẽ vì đa số các ca khúc đều có ca từ không thách thức khán giả. Bình dân là thế, nhưng các ca khúc này có giá trị riêng trong đời sống người Việt. Vì thế, không nên đánh giá cái nào cao, cái nào thấp khi âm nhạc đã thuộc về công chúng.
Bàn về sự trở lại của bolero gần đây trên truyền hình cũng như các sân khấu ca nhạc lớn, “ông vua nhạc sến” Vinh Sử cho rằng, không có sự hồi sinh nào của bolero cả, vì bolero chưa từng “chết”.
Thực tế, khoảng 20 năm sau thống nhất, nhạc bolero tạm vắng bóng trên các sân khấu ca nhạc và các phương tiện công cộng, nhưng nó vẫn sống trong cộng đồng. Các băng đĩa nhạc Chế Linh, Mạnh Quỳnh… vẫn được lan truyền và được vang lên ở khắp các ngõ ngách thành thị đến nông thôn.
Sự tồn tại đó phản ánh bolero có giá trị riêng và đời sống riêng, không cản bước sự phát triển của bất cứ sự sáng tạo nào. Nhưng nó phản ánh một sự thật, mà nói như nhạc sĩ Tuấn Khanh thì: “Rõ ràng việc thị trường âm nhạc hôm nay đơn điệu chỉ có bolero thôi, là một dấu hiệu bất thường và thụt lùi của mặt bằng văn hóa nước nhà. Nhưng bản thân những sáng tác bolero hơn nửa thế kỷ trước hay người nghe đâu có lỗi”.
Đẹp ghi nhận thêm một số ý kiến của những người quan sát, để cung cấp cái nhìn đa chiều về vấn đề này:
Nhà báo Độc Cầm
Phải khẳng định không phải chỉ bây giờ, bolero đã tồn tại lâu đời trong đời sống một bộ phận người Việt. Bolero không còn là nhạc mà là văn hóa của khán thính giả miền Nam, đặc biệt là đối tượng bình dân (nó giống như Hip hop, không đơn giản là âm nhạc, nó là văn hóa của một cộng đồng). Vì thế, hàng chục năm nay dù cấm hay không, bolero vẫn được người ta truyền nhau nghe. Có lẽ bolero là thứ âm nhạc chia sẻ được tâm tư, tình cảm của một bộ phận công chúng không nhỏ.
Sự ướt át ủy mị, thứ tình yêu chân phương hay thậm chí kể cả những câu chuyện chiến tranh trong thể loại âm nhạc này đều phản ánh đúng tâm lý người Nam bộ: cụ thể, đơn giản, rõ ràng. Vui thì tới bến, buồn thì tới đáy. Một thứ âm nhạc chuyển tải được tâm tư, tình cảm người nghe thì chắc chắn là sống vững bền được.
Bolero gắn với 1 giai đoạn lịch sử mà những ảnh hưởng vẫn còn tới tận ngày nay với một bộ phận không nhỏ người Việt Nam. Và người ta mê bolero, một phần bởi cái tâm thức hậu chiến đó.
Sự tồn tại của bolero còn đến tận ngày nay phản ánh hai điều. Thứ nhất, về mặt người nghe, trên phương diện văn hóa, đó là thứ âm nhạc có một bộ phận không nhỏ khán thính giả yêu thích, và nó lan tỏa. Đó là quy luật tự nhiên của đời sống văn hóa.
Sự lan tỏa nhìn trên một phương diện nào đó chính là trào lưu. Trong đó, có yếu tố người ta nghe người ta thích một cách thụ động, hay nói cách khác là theo mốt (phản ánh sự lan truyền theo nguyên lý đám đông). Các chương trình hát bolero ở miền Bắc cũng thu hút rất nhiều khán giả, nhưng không ít người thừa nhật chỉ “nghe” bolero vì ngày nào VOV Giao thông và các kênh radio cũng bật. Cũng ghi nhận thông qua các kênh radio để nhận thấy, họ phát nhạc này theo yêu cầu các khán thính giả đa số là công nhân, lao động phổ thông.
Nhưng dù là tầng lớp nào, về mặt khán giả, bolero thực sự là một thể loại âm nhạc được yêu thích ở Việt Nam.
Thứ hai, về mặt lựa chọn của nghệ sĩ, họ vẫn tuân thủ theo quy luật thông thường của thị trường: cái gì hot thì làm.
Nhà báo Hoàng Cương
Tôi là người không yêu thích dòng nhạc này, nhưng nói gì thì nói, bolero là loại nhạc dễ nghe dễ vào, không thách thức năng lực cảm thụ của khán, thính giả. Sự tồn tại của bolero ở thời điểm hiện tại cho thấy nó vẫn có sức hút nhất định nhưng nó không đại biểu cho cái mới, cho sức sáng tạo trong nghệ thuật.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận có nhiều bản bolero xứng đáng được gọi là kiệt tác của tân nhạc Việt Nam.