Từ Sến, xuất phát từ chữ sen thời xưa, nhằm gọi người ở giúp việc trong nhà. Thời đó, thời phong kiến địa chủ, những nhà giàu, bá hộ, nhà có tiền, đều nuôi người ở trong nhà. Sau này, những nhà tây học nuôi người ở gái, không gọi con ở vì sợ mất “lịch sự”, họ gọi là sen. Thường những cậu ấm cô chiêu, những ông chủ bà chủ, khi tử tế, thường gọi chị sen, cô sen, nhưng lúc giời nóng lạnh, tâm tính bất ổn, sẵn sàng một hai chì chiết con sen, con ở như thường.
Gái làm sen trong những nhà ấy, thường là nông thôn ra tỉnh, học việc cũng phải từ từ, đôi khi có những tội lỗi tày trời như ngủ gật, làm vỡ bát đĩa cốc chén, đoảng vị tênh hênh với ông chủ mà không biết có bà chủ đứng dòm từ xa, những thân phận ấy bị coi thường, miệt thị, bị làm trò cười. Maria là tên hay gọi các cô gái của nước Pháp, và người ta hay ghép một cách ngụ ý Maria – sen thành Marie Sến!
Thi thoảng, có sen “tiến bộ”, cũng học đòi cung cách của chủ, cũng nhiễm tính thị thành, trưởng giả, sang trọng, quý phái, cung đình lẫn tây phương của chủ, của những giới thượng lưu thường tới nhà mà tập tành lên đời. Quá trình ấy, thâm nhập vào họ, biến những bản năng chân chất, giản dị trở thành lố lăng và ngây ngô dưới con mắt thị dân. Và sau này những hành vi tương tự, gọi là sến, sến đã trở thành tính từ.
Những thói quen sinh hoạt ấy rồi lan cả xã hội, và có lẽ, sến biểu lộ rõ nhất trong âm nhạc. Những tranh luận về sến trong âm nhạc đã quần thảo một thời gian khá lâu trên báo Thanh Niên. Nhưng nói chung, mọi việc vẫn còn trong vòng tranh luận chứ nào ai dám khẳng định và kết luận sến là gì, xấu hay tốt, có mà nói hoài không hết. Cũng chẳng ai muốn ca ngợi hay vùi dập cái sến. Phàm đã tồn tại, thì hãy chỉ nên biết mức độ, bởi cái gì quá cũng… chết. Mà sến quá, điệu quá, hóa… nhảm, hóa lố. Nhưng đời mà không đôi khi có tí sến, thì chắc đời khô không khốc như cái động cơ không được tra mỡ tra dầu.
Trước kia, cứ bảo sến phô ở những lời ca ủy mị, thời buổi xây dựng, cần lời ca mạnh mẽ, rồi lại qua ngày qua tháng, lại thấy những lời ca làm người nghe… bật cười. Giờ thì: “Anh như cơn gió thu bay nhè nhẹ…” đã bị rớt lại, nhường cho câu: “Ở bên người ấy xin đừng nhớ đến tôi/ Ở bên cạnh tôi xin đừng làm khổ tôi/ người ấy và chính tôi – trong cuộc tình chúng ta/ Em phải nhận ra một người thôi”. Thống thiết bi đát lắm. Hơi gằn giọng một tí đi. Chọn đi, một – trong hai!
Bây giờ thì thời của “Chuyện tình Lan – Điệp” đã từng lấy bao nước mắt đàn bà, à, mà Lan Điệp không có sến đâu, cải lương, nó có quê cha đất tổ, nó có cội có nguồn, nó có tâm tình đất sống của cải lương. Nhưng chỉ khi bị pha tạp, bị xô đẩy đến một nơi chốn, một không gian đối lập, lúc đó, nó bị biến dạng thành sến.
Quay lại nhỉ, bây giờ, thời của Lan – Điệp, thời của Quỳnh Dao, đã lui lại, lui lại mất rồi. Bây giờ 8x buồn cô đơn lắm, “đến con mèo cũng bỏ em ra đi”, hức hức. Giờ, mốt đọc Murakami với những cái giếng tiềm thức, tâm thức, cái giếng để giai chui lọt thỏm xuống dưới, tự thiền về bản thân, về người tình và cuộc sống; một Murakami, nhìn vợ, nhìn người tình, và cả chính mình như một kẻ xa lạ. Ôi, còn gì đáng sợ hơn như thế nữa. Thảo nào, Haruki Murakami với cô bạn gái mà lúc nào làm tình cô cũng khóc nức nở ấy, sách bán chạy thế không biết.
"PS, I love you" – Bộ phim diễm tình với sự có mặt của Hillary Swank và Gerald Butler |
Rồi đến lượt cuốn “PS , I love you”. Cuốn tiểu thuyết mới tinh mới tươm của cô con gái thủ tướng Ireland mới có 21 tuổi đầu mà đã sáng tác được thiên tình lãng mạn xúc động đến độ báo chí của thế kỷ 21 phải trầm trồ tấm tắc, thậm chí đã có CD nhạc, và phim “PS, I love you”. Đến nỗi khi cuốn sách được dịch sang tiếng Việt, thì vì nhu cầu cảm xúc chân thực, các nhà sách lậu sách giả đánh mùi được dân tình ta cũng thích “sên sến” mà sẽ bán cực chạy, và y như rằng là bán chạy. Trên các blast của blog, trên các status của YM suốt một thời gian đã đồng loạt giật “PS, I love you”. Thật là một hiện tượng gân… giật!
Thời nay, sến thi thoảng được ghép với từ “vãi”. Nếu ai tra từ điển, chắc sẽ biết đích xác từ “vãi” là từ gì, nhưng thôi, ngôn ngữ, thường biến hóa đa dạng. Nói “sến vãi”, coi như là vứt đi rồi, lại còn “sến vãi hàng”, “sến vãi lúa”, “sến vật”, ý nhị là đã tăng mức sến cao cấp hơn rồi đã. Đây này, tranh vẽ gì mà như này, thêm chút hồng chút tím vào. Màu áo gì mà như đi vào chùa thế này, xanh đỏ cho nó mát mẻ trẻ trung đi. À, mà nói: “hồng hồng tuyết tuyết” cũng là đừng dưa bở là người ta chỉ sắc màu hay nói về hoa hồng tuyết trắng, cái từ “hồng hồng tuyết tuyết” nó cũng như “yêu màu tím, thích sự thủy chung” cửa miệng của các chàng trêu các nàng (hoặc ngược lại) nó ám chỉ sến đấy.
Rồi thời nay, khi mà sự lạnh lùng, băng giá, không chỉ “đường vào tim em ôi băng giá” mà sự băng giá cảm xúc của con người, khiến cái sự nhìn nhận và đánh giá tình cảm của người khác cũng đôi khi lâm vào mức “phũ phàng”, “ác độc” hơn, như: “Thời này là thời nào mà còn sến?”, “Mấy giờ rồi còn sến?”, “Ôi con đó sến chảy nước”. Nhiều khi, những người chỉ hơi lãng mạn, thả mình một chút, “Ôi chết, dạo này mình sến quá”, hoặc bị ai đó chê một phát là: “Sến thế”, hẳn là sợ lắm, giật nảy mình, nhấc kính nhìn nhận lại, thôi, sến lúc đó bị coi là tội rồi.
Cũng có phụ nữ vùng lên, được chứ, được quyền sến chứ. Sến tồn tại trong mỗi người, yếu đuối tồn tại trong mỗi người, điệu tồn tại trong mỗi người, sai lầm tồn tại trong mỗi người, thi thoảng, cho tôi sến một tí chứ, khô khan quá, người máy hết cả!
Thôi thế nhé, cứ ngẫm xem, cứ hỏi: “Quyền được sến” à? Có cần phải nói thế không? Sến thì sến, đố đo được sến. Ai là người dám không có tí sến nào? Sến thì sến, cần gì phải quyền. Ơ nhưng mà sến ngập ra, thì chắc toàn thể chúng ta phải bơi trong biển sến, chết, chết mất!