Nếu nhắc đến kỹ năng nào mà mọi người dân Việt Nam đều bắt buộc phải biết thì không gì khác ngoài bơi lội. Vì sao? Việt Nam là một quốc gia ngập “nước”. Đường bờ biển dài hơn 3000 cây số cùng hệ thống sông ngòi dày đặc, từ đồng bằng lên vùng núi. Vừa qua trên trang cá nhân của mình, diễn giả trẻ Phạm Vĩnh Lộc cũng đã lý giải phần nào những lợi ích của kỹ năng bơi lội, cùng với đó là những trải nghiệm kỳ thú trong những chuyến đi của anh.
Phạm Vĩnh Lộc từng đến nhiều nơi, có lẽ vì thế mà anh có cơ hội tận mắt chứng kiến chỗ nào cũng có nước dữ. Chẳng hạn như Cửu Long ở miền Nam, sông Sêrêpôk ở Tây Nguyên, sông Đà, sông Mã ở miền Bắc…
Anh kể: “Có lần tôi ngồi lấy bản đồ Việt Nam ra lên kế hoạch cho các cung đường sắp tới. Nhẩm tính cứ khoảng 20 cây số sẽ gặp một dòng sông. Chưa kể một lô lốc thác nước, hồ, biển, rừng ngập mặn… Ngay cả những dòng suối trông có vẻ hiền lành, yên ả cũng ẩn chứa những nguy hiểm chết người. Người Việt cổ bơi cực kỳ tài giỏi và thường xăm mình để các loài thủy quái không tấn công. Hào khí Đông Á nhà Trần lấy thủy quân làm chủ lực. Chúng ta là dòng dõi của họ mà không biết bơi thì xấu hổ với tổ tiên quá!“.
Học bơi trước hết là để tự cứu mình, sau đó là cứu những người thân yêu của mình. Diễn giả Phạm Vĩnh Lộc cho biết mẹ anh đã dạy bơi cho cả nhà vì ý thức được chuyện này. Nhờ vậy, anh sớm biết bơi lúc 8 tuổi nên bơi khá cứng, đã từng cứu bạn thân lúc cô ấy đuối nước và sắp chìm giữa hồ nước trong rừng.
Kiến thức về nước cũng là điều sống còn. Hãy nhớ rằng luôn luôn nương theo dòng chảy, bởi vì kháng cự thì đừng trách tại sao thiên nhiên khắc nghiệt. Sau sự việc thương tâm của nam diễn viên Hải Đăng tại Khánh Hòa vừa qua, bạn càng cần phải đọc những điều dưới đây:
Đừng tắm vào ngày biển động, khi gió Bấc thổi mạnh (từ tháng 11 đến tháng 2). Bạn sẽ bị sóng gió vùi dập tới không thể đứng nổi. Cách tốt nhất khi thấy sóng dữ thì chúng ta vào một quán beach bar, gọi một ly cocktail và nằm chill bên bờ biển.
Nếu bị xoáy nước (whirlpool) cuốn, đừng cố gắng trồi lên. Vì bạn càng trồi lên bị nhấn xuống. Hãy để nó đưa bạn xuống đáy, khi đó mới tìm cách bơi ra.
Đặc biệt, dòng chảy tách bờ (rip current) là hiện tượng xuất hiện ngày càng nhiều tại các bãi biển Việt Nam như Cửa Lò, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang… và từng giết vô số người. Khác với sóng, dòng chảy này kéo ngược từ bờ ra khơi, cuốn theo tất cả trên đường đi của nó. Cho dù là vận động viên Olympic, bạn cũng khó lòng vượt qua vì sức nước chạm ngưỡng 1m/s. Do mặt biển lặng sóng, bạn sẽ nghĩ là an toàn và đó là lúc bạn bước vào cửa tử mà không hề hay biết.
Bản thân Phạm Vĩnh Lộc cũng từng chạm trán “cạm bẫy tử thần” này vào ngày 16/2/2013 tại Bãi Dài gần Cam Ranh. Anh và một người bạn đang bơi bỗng nhiên phát hiện xung quanh toàn bộ các cột cờ định mốc trên biển đều ngã rạp xuống, bọt nước li ti nổi lên. “Sức mạnh của dòng chảy tách bờ phải nói là rất khủng khiếp. Ngay khi tôi thử bơi hướng về bờ, lập tức thấy tay chân bị trì lại rồi một lực siêu mạnh kéo ngược ra khơi. Chỉ cần 3 phút ngộp thở là con người sẽ rơi vào trạng thái mất ý thức. Khi phải đối diện với cái chết, bạn sẽ tìm mọi cách để được sống. Chưa bao giờ thấy minh mẫn và sáng suốt như lúc đó, không dám hoảng loạn vì tính mạng hai đứa đều phụ thuộc hết vào tôi. Tôi bình tĩnh nghĩ cách. Sau đó lấy cả cánh tay quàng qua người bạn rồi cố gắng bơi theo chiều ngang. Dòng nước vẫn lừ đừ đưa hai đứa càng lúc càng xa về phía đại dương. Mặc kệ bạn giãy giụa, tôi dùng hết sức lôi và kéo vì nếu buông ra là chết chắc“, Phạm Vĩnh Lộc hồi tưởng lại trải nghiệm lần đầu đối mặt với dòng chảy tách bờ.
Nam diễn giả chia sẻ bí quyết thoát khỏi dòng chảy tách bờ “tử thần” chính là “bơi ngang song song với bờ”. Đồng thời anh cũng khuyên rằng đừng mạo hiểm bơi ở vùng nước lạ nếu chưa nắm rõ kiến thức về địa lý. Sau cùng, bơi chính là một kỹ năng hữu ích mà bạn nhất định phải học ngay khi có thể. Bạn sẽ không thể nào ngờ được sự kỳ diệu của nó cho đến khi đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết.