Xã hội Việt Nam trước 19-8-1945 được cụ Hồ nhận định là “thuộc địa, nửa phong kiến”. Quả không sai. Thời xưa, ai đủ tuổi cắp sách là thấy. Trước mặt học sinh thời đó là các khẩu hiệu của cách mạng tư sản (ví dụ: Tự do – Bình đẳng – Bác ái), còn hai bên tường và phía sau là các phương châm giáo dục của đạo Nho (ví dụ: Ấu bất học, lão hà vi). Hẩu lốn, nhưng bọn trẻ lại hiểu được, hiểu đúng nội dung.
Ví dụ, khẩu hiệu CẦN LAO – GIA ĐÌNH – TỔ QUỐC thời xưa được diễn nghĩa cho đứa trẻ 8-9 tuổi bằng bài thơ 32 chữ, dễ thuộc và dễ hiểu “tại sao phải thế”:
“Siêng năng công việc; Để mà mưu sinh.
Yêu quý gia đình; Để mà giữ giống.
Muốn còn, muốn sống; Ở trên hoàn cầu;
Ta phải cùng nhau; Phụng thờ tổ quốc”.
TIÊN HỌC LỄ cũng có cách dạy để học sinh 8-10 tuổi hiểu đúng nghĩa gốc, dù chỉ ở mức độ sơ đẳng. Đó là ứng xử sao cho đúng “lễ”, như kinh Lễ đã dạy.
Nội dung chủ yếu của đạo Nho gồm nhiều ngàn trang được gói ghém trong 4 sách và 5 kinh (tứ thư, ngũ kinh)> “Lễ” chiếm riêng một kinh (kinh Lễ), khiến các cụ xưa học mệt nghỉ mới đủ để đi thi. Trước hết, Lễ dạy ứng xử với thần linh (kính, sợ và… tránh xa), về sau mở rộng để ứng xử với các bậc trên mình và ngang mình trong 5 mối quan hệ (ngũ thường). Và ở bậc tiểu học, chỉ giới hạn trong quan hệ Thầy – Trò, Cha – Con (Anh – Em), Bạn – Bè ; mà chưa phải lúc đề cập tới quan hệ Vua – Tôi, Chồng – Vợ.
Tới năm 2012 học sinh tiểu học của nước ta vẫn chưa hiểu: a) vì sao phải học “lễ” (các cháu không đủ khả năng vô diễn đàn VietNamNet để nghe các bậc cao minh tranh luận); và b) đó là học những gì. Còn các Cụ và Ông Bà họ, nay 80 tuổi, thời xa xưa được học môn Luân Lý (Morale) ở 3 năm đầu của bậc tiểu học. Họ hiểu: Cha mẹ cho mình sinh mạng, lại nuôi sống mình. Thầy truyền cho mình đạo và lý để tồn tại trong xã hội. Công lao trời biển, cho nên ứng xử phải cực kỳ tôn kính. Cãi lại cha mẹ (dù nửa câu) dứt khoát là con hư. Cãi lại thầy, chính là cãi sách thánh hiền, là điều “đại bất lễ”.
Ngoài lý thuyết, còn có cả những quy định cụ thể khi thực hành “lễ” – sách xưa gọi là lế pháp (việt hoá thành lễ phép). Và họ cũng được thực hành: cách chào thầy, cách thưa gửi với cha mẹ, cách đưa cái tăm tre cho khách…
Đố học sinh nào dám không thuộc hai câu răn đe:
Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ: Trăm đường con hư.
Còn cãi lại vua ư? Tội chết đấy.
Các cụ xưa hiểu “văn” thế nào?
Cho tới khi chữ Nho và đạo Nho hoàn toàn bị bãi bỏ (năm 1915, dưới triều Nguyễn), các kỳ thi trước đó chủ yếu chỉ khảo sát về trình độ “văn”. Nội dung chủ yếu phải học và phải thi là “văn”. Không có Toán, Lý, Hoá, Địa… gì hết. Do vậy các thế hệ xa xưa hiểu rất đúng khái niệm “văn”. Nó chính là… văn (trong “văn hay, chữ tốt”).
Tiếc rằng thế hệ con cháu lại được cắt nghĩa vòng vèo để hiểu khác, dùng khác. Ví dụ, những người bạo gan thời nay nhất dám “suy” lễ là… Đức; từ đó, văn ắt sẽ là… Tài (thế thì tài kinh doanh là “văn” vậy!). Đó là sáng tạo hay xuyên tạc một khái niệm do người xưa để lại?
Thời nào cũng vậy, đưa ra một khẩu hiệu giáo dục, nhưng về nội dung mỗi người hiểu một cách, tha hồ suy diễn, phải tranh cãi ỏm tỏi vài chục năm, thì quả là phản giáo dục.
Dạy “lễ” hiện nay: Bói không ra thầy
Khẩu hiệu có tới 2 chữ HỌC. Vậy 100% là dành cho trò. Nếu là “Tiên giáo lễ, hậu giáo văn” thì chỉ cần treo nó ờ phòng họp của các thầy là đủ. Và mọi trách nhiệm là ở thầy.
Thực tế, khẩu hiệu được trưng ở những nơi dễ thấy nhất, chính là để răn dạy tất thảy trẻ tiểu học. Khốn nỗi, khẩu hiệu chỉ nhắc nhở “cần phải học gì trước” mà tuyệt nhiên không nói nội dung phải học. Tuyệt nhiên chưa có chương trình, số giờ phải học trong thời khoá biểu… Rôi kiếm đâu ra sách giáo khoa? Các cháu cũng bói không ra ông thầy nào sẽ giảng “lễ” cho mình và giảng vào lúc nào trong thời khoá biểu… để mà học.
Tạm khất các cháu: Hãy kiên nhẫn đợi đến khi người lớn tranh luận ngã ngũ…
Người lớn hiểu về “lễ”: Rất khác nhau
Nếu đòi duy trì học “lễ”, đương nhiên chúng ta phải nói nội dung của “lễ”. Nếu nội dung này trái với
Người lớn, kể cả trong ngành giáo dục, cũng hiểu không giống nhau về “lễ”. Thế mà cứ hô trẻ em cả nước hãy sớm học “lễ” đi. Học cái gì vậy?
– Trước hết, là sự giải thích theo cách suy luận, và đi hơi bị… xa. Có vị nói “lễ” là ĐỨC, còn “văn” là TÀI. Có vị bảo “lễ” là HỒNG, còn “văn” là CHUYÊN…
Thế thì cứ đổi béng cái phương châm của đạo Nho thành “Học đức trước, học tài sau”, hoặc là “Hồng cần hơn Chuyên”… có phải dễ hiểu và hợp thời hơn không? Can gì phải khấn đức thánh Khổng từ mấy ngàn năm trước hiện về (?) để mượn (và làm méo mó) một khái niệm đã được xác lập từ xa xưa?
– Tiếp đó là một số vị đưa ra cách hiểu cụ thể của mình. Và chẳng ai giống ai (!). Xin độc giả đọc lại bài (rất hay) trên báo điện tử TienPhong, nhan đề Chữ ‘lễ’ thời nay Trích vài ý:
– Vị phó giám đốc sở GD của thành phố lớn nhất nước cho rằng: Nếu thầy trò “sống có trách nhiệm là đạt được phần lớn chữ lễ”. |
Học cụ Hồ
Cụ Hồ dùng nhiều khái niệm cũ, nhưng nghĩa của nó vẫn là nghĩa gốc. Không bao giờ phải suy luận và cải đổi như cách chúng ta đã làm với “lễ” và “văn”.
Khi cụ cho rằng một vị tướng cần có: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm thì các từ này vẫn giữ nội hàm gốc. Miễn cần giải thích “nghĩa mới” của chúng.
Cụ nói: Quân đội phải “trung với nước, hiếu với dân” thì nghĩa Trung và Hiếu vẫn cơ bản như xưa. Nước và Dân vẫn như ngàn năm trước. Đố ai sửa nổi một chữ của Cụ mà không làm sai lạc ý nghĩa cao cả của câu nói.
Trong giáo dục, chả lẽ cụ không biết “tiên học lễ, hậu học văn”? Nhưng cả đời cụ tịnh không nói tới, không dùng tới một lần nào. Cụ chỉ nhắc: Dạy tốt, học tốt. Thế là đủ.
Theo Vietnamnet