1900s
Thời thịnh hành của cơ thể hình chữ S. Người ta mặc áo chiết eo thắt chặt hơn, đồng thời đẩy ngực về phía trước, vòng 3 về phía sau để tạo hình cơ thể.
Thời kỳ đầu thế kỷ 20, phụ nữ Việt Nam vẫn suy nghĩ “hồn nhiên” về cơ thể trong trang phục truyền thống. Phụ nữ miền Bắc mặc váy dài đen chấm gót, yếm trắng, vàng nhạt hoặc hoa hiên lụa, thắt lưng lụa màu. Phụ nữ miền Nam mặc áo dài quần lĩnh đen, cổ áo tròn, đứng, cao chừng 3cm, gấu áo dài cách đất 20cm.
Trang phục phụ nữ miền Bắc
Cơ thể hình chữ S với vòng eo được thắt chặt
1910s
Vẻ đẹp khỏe mạnh được ưa chuộng. Phụ nữ mặc các trang phục tiện dụng và không còn thích áo ngực nữa.
1920s
Nhà thiết kế Paul Poiret khởi xướng hình mẫu “thiếu nữ dậy thì”, với các thiết kế váy suôn rộng, che đi các đường cong. Thậm chí, người ta còn mặc áo nịt ngực để làm phẳng vòng 1. Với phong trào đấu tranh bình quyền và sự tràn ngập của giới nữ tại các phân xưởng chiến tranh, phụ nữ cũng ưa tạo cho mình vẻ nam tính.
1930s
Phụ nữ lại tìm tới những chiếc áo ngực nữ tính. Thời kỳ này các kích thước tiêu chuẩn của áo ngực được thiết lập.
Những năm 1930, Việt Nam bắt đầu tiếp nhận ảnh hưởng mạnh từ văn hóa phương Tây. Đây là thời kỳ phụ nữ bắt đầu ý thức về vẻ đẹp hình thể, ưa chuộng những mẫu áo dài cách tân, đặc biệt là áo dài Cát Tường (Le Mur) với cổ bèo, tay bèo xòe. Họ trang điểm má hồng, môi đỏ, lông mày tỉa mảnh, tô dài và cong.
Thiếu nữ Việt Nam trong trang phục áo dài Le Mur
1940s
Tiêu chuẩn cơ thể đẹp là vòng eo nhỏ hơn và đặc biệt là vòng ngực đầy đặn hơn. Có thể nói hình tượng Marilyn Monroe đã mang đến một tiêu chuẩn mới cho cái đẹp, một sự si mê đối với đôi gò bồng đảo.
1950s
Áo ngực thể thao và đai bụng trở nên thông dụng.
1960s
Ăn kiêng trở nên phổ biến. Búp bê Barbie ra đời, và đây cũng được coi là hình mẫu cho mọi phụ nữ. Những năm 1960 cũng là thời người mẫu Anh quốc siêu gầy Twiggy tạo nên một hình mẫu mới trên sàn catwalk với váy mini và thân hình cực kỳ mảnh mai.
Thời kỳ 1945-1975, ở miền Nam Việt Nam, các phong cách phương Tây ảnh hưởng mạnh mẽ, hầu hết các trào lưu tiêu biểu đều có mặt. Một mặt, phụ nữ Sài Gòn ưa chuộng cơ thể Barbie với ngực nhọn, eo nhỏ, mặc áo dài sát thân (màu sáng như hoàng yến, xanh da trời). Mặt khác, họ rất thích thú với những mẫu váy mini thời thượng. Bên cạnh đó, phong cách hippy cũng được ưa chuộng.
Ngược lại, miền Bắc đối diện với chiến tranh và khó khăn kinh tế, nên phụ nữ cũng đơn giản hơn trong việc chăm sóc bản thân.
Người mẫu Twiggy – Búp bê Barbie
Sài Gòn giai đoạn 1945-1975
Phụ nữ Hà Nội trước 1954 trong tà áo dài trắng giản dị
1970s
Những thân hình khỏe mạnh bắt đầu được ưa thích, kèm theo đó là sự tăng vọt của thị trường băng đĩa dạy thể hình quảng cáo cho các trung tâm thẩm mỹ. Những năm 1970 cũng là thời đại của văn hóa hippy với việc tôn thờ vẻ đẹp tự nhiên. Tuy vậy phụ nữ vẫn thích có vòng eo nhỏ, hông nhỏ và ngực đầy.
Jane Fonda
1980s
Jane Fonda phát hành “Workout Book” tạo nên một cơn sốt tập luyện aerobic rộng khắp. Đồng thời phong trào ăn kiêng cũng nở rộ hơn bao giờ hết.
1990s
Ăn kiêng vẫn là vấn đề của thời đại. Phụ nữ vẫn tìm tới những phụ kiện hỗ trợ để nâng vòng một và tạo vẻ quyến rũ cho vòng 3.
Sau 10 năm thịnh hành ở phương Tây, lúc này trào lưu aerobic của Jane Fonda mới làm mưa làm gió ở Việt Nam.
2000s
Tuy các hình mẫu siêu gầy đã không còn được ưa chuộng nhưng thân hình mảnh mai vẫn khiến phụ nữ toàn cầu phát “điên”. Phụ nữ viện tới các hình thức phẫu thuật thẩm mỹ, cắt dạ dày, ăn kiêng cực đoan… để giữ cân nặng mong muốn.
Phụ nữ Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Họ nâng ngực, độn mông, hút mỡ để có 3 vòng mơ ước. Các biện pháp ăn kiêng cũng được lan truyền rộng rãi, trong đó nhiều phương pháp rất cực đoan và khắc nghiệt. Hiện chưa ghi nhận chính thức về tình hình phát triển của chứng biếng ăn và chán-ghét-cơ-thể-mình, nhưng đó là một nguy cơ hoàn toàn có thật.
1983
Ca sĩ Karen Carpenter qua đời ở tuổi 32 vì hậu quả của chứng biếng ăn gây ra cơn chấn động, khiến người ta phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề bệnh lý tâm thần này.
Karen Carpenter
* Tài liệu tham khảo: Đoàn Thị Tình – “Trang phục phụ nữ Việt Nam”
* Hình ảnh trong bài có sử dụng các tư liệu của đồng nghiệp
Love body
Triết gia Ludwig Wittgenstein (1889-1951) có câu: “Cơ thể con người là hình ảnh chính xác nhất về tâm hồn”. Ca sĩ, nhạc sĩ nhạc đồng quê Naomi Judd (1946) cũng từng nói: “Cơ thể bạn có thể nghe mọi điều tâm trí bạn bày tỏ”. Còn biểu tượng vẻ đẹp gợi cảm Marilyn Monroe (1926-1962) thì tự hào: “Tôi muốn thế giới nhìn ngắm cơ thể mình”.
Bạn có thể không khúc triết như một triết gia, không có tâm hồn lãng mạn như một ca sĩ, hay cũng không hoàn hảo như một biểu tượng sắc đẹp, nhưng không cớ gì bạn không trân trọng và yêu quý cơ thể mình.
Bài viết trong chuyên đề:
– Body Timelines
– Bodies of Work
– Nỗi ám ảnh cơ thể
Tổ chức: Vũ Thủy